Chiến Dịch Pleime và Chiến Dịch Pleiku

Sau khi Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ tham dự vào Chiến Dịch Pleime, Thiếu Tướng Kinnard, Tư Lệnh, thảo bản báo cáo chiến trận mang tựa đề là Pleiku Campaign (Chiến Dịch Pleiku ). Tên nguyên thủy của chiến dịch này là Long Reach Operation, diễn tả nỗ lực "với tay" truy kích Bắc Quân từ trại Pleime đến hậu cứ Chu Prong. Việc thay đổi danh xưng này đã khiến cho nhiều người lầm tưởng là chiến dịch Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ tham dự vào hoàn toàn khác biệt Chiến Dịch Pleime. Không hiểu Tướng Kinnard có chủ tâm gây nên tác dụng tiêu cực này không, nhưng hậu quả là các sử gia quân sự và các tác giả Mỹ khi viết về trận Pleime đã có khuynh hướng vùi dập tên Pleime cùng vai trò chính của QLVNCH, và thay thế vào đó trận Ia Drang và vai trò chính của QLHK song song với Quân Cộng Sản Bắc Việt.

Tướng Kinnard thảo xong Pleiku Campaign ngày 14 tháng 3 năm 1966 để đệ trình lên Tướng Westmoreland, US Military Assistance Command, Vietnam. Vì Sư Đoàn 1 Không Kỵ là một đơn vị được tăng phái cho Quân Đoàn II trong Chiến Dịch Pleime, nên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tiếp nhận được một bản của tài liệu loại "mật" này. Kế đó, Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, đã tham khảo (số 30) bản báo cáo của Tướng Kinnard khi thảo bản báo cáo Chiến Dịch Pleime (Why Pleime ) với chữ ký của Tướng Vĩnh Lộc, đệ trình lên Trung Tâm Hành Quân/Bộ Tổng Tham Mưu. Trong bản báo cáo này, Đại Tá Hiếu đã bổ túc và sửa sai, một cách âm thầm và gián tiếp, đôi điều thiếu sót và lệch lạc tìm thấy trong Pleiku Campaign.

Một bản thảo của bản Why Pleime đã được gửi đến cho Tướng Kinnard và ông đã hồi đáp cám ơn Tướng Vĩnh Lộc đã tặng cho ông một bản:

20 tháng 12 năm 1966
…Tôi vừa đọc xong cuốn sách tuyệt mỹ Why Pleime và nhận thấy cuốn sách rất dễ đọc và thú vị và khiến tôi sống lại những ngày tháng bận rộn và quan trọng của mùa thu năm ngoái. Thiếu Tướng đã có nhã ý nhắc đến cá nhân tôi trong cuốn sách và, xin Thiếu Tướng tin là tôi cũng ngưỡng mộ những đặc điểm lãnh đạo tài ba của Thiếu Tướng. Cuốn sách này sẽ trở thành một cuốn sách trân quí trong thư việ̣n riêng của tôi…
Major General Harry W.O. Kinnard
Acting Assistant Chief of Staff for Force Development
The U.S. Department of the Army
Former Commander 1st Air Cavalry Division
(An Khe)

1. Nhất Điểm Lưỡng Diện

Khi Việt Cộng bắt đầu tấn công trại Pleime tối ngày 19 tháng 10 năm 1965, Sư Đoàn 1 Không Kỵ đang tăng phái cho cuộc hành quân Thần Phong 6 ở Bồng Sơn tại vùng ven biển. Cuộc hành quân này là một hành động phản ứng của Quân Đoàn II nhằm chống lại một cuộc tấn công của Việt Cộng tại Quận Hoài Ân khởi sự cùng một lúc với cuộc tấn công vào trại Pleime. Tướng Kinnard đồng quan điểm với Tư Lệnh I Field Force Vietnam và Cố Vấn Trưởng Mỹ Quân Đoàn II mặt trận Hoài Ân chứ không phải Pleime là nỗ lực chính của Việt Cộng (Pleiku, trang 10):

Mặc dù có nhiều báo cáo kế tiếp trong Vùng Chiến Thuật Quân Đoàn II là trại DSCĐ Pleime có thể bị tấn công (hầu hết là không xảy ra) cuộc tấn công của địch vào lúc 191900 tháng 10 gây một ít ngạc nhiên. Nhưng, ngay cả khi thấy địch sung vào trận nhiều quân lính, ý kiến chung đồng thuận là vùng ven biển vẫn là mục tiêu thật sự của các nỗ lực Việt Cộng trong vùng của quân đoàn.

Nhưng Đại Tá Hiếu đã chẩn đoán ngay là Việt Cộng dùng chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện" (Pleime, cuối chương II), với điểm là Pleiku, và hai diện là Hoài Ân - phụ - và Pleime - chính. Do đó, Đại Tá Hiếu khuyến cáo với Tướng Vĩnh Lộc, đang trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân Thần Phong 6, cần trở lại Pleiku gấp (Pleime, đầu chương III).

Đại Tá Hiếu còn chẩn đoán thêm Việt Cộng dùng chiến thuật "công đồn đả viện" tại mặt trận Pleime dựa vào những sự kiện sau đây (Pleime, chương IV):

1. Việt Cộng dùng một trung đoàn khi tấn công Pleime nhưng lại không đánh dứt điểm mà chỉ vây hãm cầm chân.

2. Việt Cộng đặt súng phòng không quanh trại Pleime để cấm cản tiếp cứu trại bằng trực thăng vận và buộc Quân Đoàn II phải xuất phái Lực Lượng Đặc Nhiệm Tiếp Cứu bằng đường bộ.

3. Trung Đoàn 33 BV vây lấn trại mới xâm nhập NVN được một tháng, là một lực lượng yếu kém so với Trung Đoàn 32 BV lập ổ phục kích, là một lực lượng đã có mặt và đã sung trận nhiều lần tại Cao Nguyên từ đầu năm 1965.

2. Trung Tá Luật Án Binh Bất Động LLĐNTK

Khi nhận xét về thái độ của Trung Tá Luật coi bộ có vẻ rụt rè không dám mạnh dạn cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Thiết Kỵ tiến bước trong bốn ngày, từ 20 đến 24 tháng 10, Tướng Kinnard cho là Trung Tá Luật chỉ dạn dĩ lên được là nhờ vào sự bảo đảm yểm trợ pháo binh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ (Pleiku, trang 21):

Để thúc đẩy đoàn quân tiếp cứu di chuyển ngày 24/10, Lữ Đoàn 1 đặt để một toán liên lạc viên pháo binh với đoàn quân thiết kỵ, như vậy bảo đảm pháo yểm Mỹ cho LLĐNTK. Tuy nhiên, chỉ huy trưởng LLĐNTK chọn lựa tiếp tục dừng chân tại vị trí này qua đêm trong khi đó ông phái người trở lui về Pleiku để xin thêm tiếp tế. Toán liên lạc viên pháo binh nhập vào LLĐNTK từ một trong những trực thăng di tản thương binh chiều tối ngày 24/10.

Tại phần tổng kết của bản báo cáo nơi trang 123, Tướng Kinnard còn nhắc nhở lại ý kiến đó:

Sau cuộc giao tranh tiên khởi ngày 23 tháng 10 giữa lực lượng đặc nhiệm thiết kỵ (LLĐNTK) và Trung Đoàn 32 Bắc Quân, Chỉ Huy Trưởng LLĐNTK tỏ ý rất e ngại cho đoàn quân của ông lăn bánh tiến tới Pleime. Chỉ khi có được sự bảo đảm yểm trợ hỏa lực từ các đơn vị pháo binh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ và việc đặt để một toán liên lạc viên pháo binh vào trong đoàn quân tiếp cứu thì LLĐNTK mới chịu tiến bước lại tới trại DSCĐ.

Đại Tá Hiếu chỉnh Tướng Kinnard và nói mọi động thái của Trung Tá Luật từ khi xuất trại Pleiku đến khi tới trại Pleime, nhất cử nhất động là làm theo lệnh trực tiếp của Đại Tá Hiếu. Đại Tá Hiếu ra lệnh rành mạch cho Đại Tá Luật là di chuyển đoàn quân tiếp cứu tới Phù Mỹ ngày 21 tháng 11 rồi dừng chân lại tại đó và chỉ hành quân tuần tiễu luẩn quẩn trong đường kính 10 cây số vì hai lý do: một là tranh thủ thời gian để gom góp đủ quân số tăng cường cho LLĐNTK; và hai là để đối ứng với chiến thuật phục kích di động mà Việt Cộng đem ra xử dụng lần đầu tiên trong dịp này - thay vì phục kích tĩnh động như những cuộc tấn công trước đó. Chỉ khi hội đủ hai yếu tố này, Trung Tá Luật mới nhận được lệnh tiến quân (Pleime, chương IV).

Sáng ngày 21 tháng 10, Chiến Đoàn Luật tiếp tục di chuyển, dọc theo trục Phú Mỹ-Pleime, nhưng chỉ thực hiện những cuộc tuần tiễu bạo dạn nội trong một đường kính 10 cây số! Lệnh ban bố rõ ràng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cho Chiến Đoàn Trưởng, Trung Tá Luật, là giả bộ cho đoàn quân sắp tiến tới Trại Pleime, nhưng trong thực tế, ông phải đợi thêm cho đủ lực lượng tăng phái sẽ được di chuyển tới bằng đường không từ Kontum và Bình Định tới Pleiku, ngay khi các điều kiện thời tiết cho phép các di chuyển bằng đường không.

3. Sáng Kiến Truy Kích Địch Sau Khi Giải Tỏa Trại Pleime

Khi đề cập tới trường hợp Sư Đoàn 1 Không Kỵ được trao sứ mạng truy kích địch quân sau khi giải tỏa trại Pleime, Tướng Kinnard phát biểu như sau (Pleiku, trang 31):

Ngày 26-27/10 đánh dấu một khúc quẹo trong cuộc hành quân của sư đoàn tại Pleime. Ngày 26/10, Tướng William C. Westmoreland, Tư Lệnh, Lực Lượng Hoa Kỳ, Việt Nam, thăm bộ chỉ huy tiền phương của Lữ Đoàn tại Homecoming. Ngay cả với số tin tức tình báo ít ỏi vào thời kỳ đó, rõ ràng là nỗ lực của Bắc Quân tại Pleime phải là cái gì hơn việc thông thường, một cuộc hành quân "thử lửa". Trong buổi họp giữa Tướng Westmoreland và các sĩ quan của sư đoàn, đề tài thảo luận nhấn mạnh là các Lực Lượng Hoa Kỳ bây giờ phải làm hơn là chỉ chận đứng địch; phải truy lùng và tiêu diệt địch.

Và đồng thời Tướng Kinnard cũng trích dẫn điện tín nhận ngày 31 tháng 10 xác nhận khẩu lệnh chính thức của Tư Lệnh Field Force Vietnam (Pleiku, trang 15):

Giai Đoạn II: (Văn thư 1312 từ Tư Lệnh FFV, gửi Tư Lệnh, SĐ 1 KK, ngày 310145 tháng 10 năm 1965)

"Đề Tài: Xác nhận khẩu lệnh của Tư Lệnh FFV truyền cho Tư Lệnh SĐ 1 KK ngày 28/10/65.

"Tham Chiếu:
A. Văn thư 1097 từ AVF-CG-CP, DTD 221421Z
B. Văn thư 38215 MAC J311, DTD 270629Z (NOTAL)

"Các đơn vị của SĐ 1 KK hiện có mặt quanh Pleiku sẽ phối hợp với và thiết lập một vùng hành quân quanh trại DSCĐ Pleime và đảm trách thực hiện các cuộc hành quân để tìm, ghim và hủy diệt các lực lượng VC đang tạo nguy khốn trong vùng chung này."

Trong phần 10. Khái Niệm Hành Quân (Pleiku, trang 16) và phần 11. Thi Hành (Pleiku, trang 17), không thấy Tướng Kinnard nói tới sự kiện sáng kiến truy đuổi địch phát xuất từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, đồng thời sự kiện Sư Đoàn 1 Không Kỵ tiếp tục đóng vai trò một lực lượng tăng phái cho Quân Đoàn II.

Đại Tá Hiếu đã bổ túc phần thiếu sót này khi nhắc tới buổi họp quan trọng xảy ra ngày 26 tháng 10 tại Trung Tâm Hành Quân Chiến Thuật/Quân Đoàn II với sự hiện diện của các cố vấn Mỹ và các chỉ huy trưởng của các đơn vị. Trong buổi họp này, Đại Tá Hiếu đã đề nghị truy đuổi địch quân đến tận mật khu Chu Prong với khả năng trực thăng vận của Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Trong giai đoạn này, Sư Đoàn 1 Không Kỵ đóng vai trò nỗ lực chính với hành quân Long Reach và Lữ Đoàn Dù VN giữ vai trò lực lượng trừ bị (Pleime, chương V).

Đại Tá Hiếu cũng hoạch địch rõ ràng khái niệm và phương thức hành quân phối hợp giữa Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ (Pleime, chương VIII).

Trong đợt III, các cuộc hành quân được thực hiện qua một sự cộng tác mật thiết giữa các Lực Lượng Việt Nam và Mỹ: đó là phương thức mới nhất được đem ra áp dụng từ Thế Chiến II. Các đặc điểm của phương thức này là:
- Phối hợp các công tác tình báo và yểm trợ.
- Chia sẻ khái niệm hành quân và kết quả.
- Vùng hành quân riêng rẽ.
- Bộ tư lệnh riêng rẽ.
- Điều quân riêng rẽ.
- Hành động riêng rẽ.
- Trừ bị riêng rẽ.

Phương thức trên đã đem lại nhiều kết quả tốt, đặc biệt trong một nước như Việt Nam trong đó tâm lý quần chúng chứa đựng nhiều phức tạp và tinh tế. Phương thức này cũng tạo nên một tinh thần ganh đua giữa hai quân lực và giữa các đơn vị.

Các cố vấn Mỹ thuộc Quân Đoàn II chuyển đạt đến giới quân sự cao cấp Mỹ sáng kiến hành quân truy đuổi địch và được sự hưởng ứng và chấp thuận của các tướng lãnh Mỹ của I Field Force Vietnam và COMUSMACV.

Sau chiến dịch Pleime, Tướng Westmoreland đã nhận định là khái niệm hành quân phối hợp của Quân Đoàn II là một khái niệm vô tiền khoáng hậu trong chiến trường cận đại (Pleime, lời tựa):

Sự hữu hiệu của nỗ lực khéo tổ chức, ăn khớp mật thiết, cộng tác phối trí chung quả là hiếm thấy trong chiến tranh hiện đại.

4. Vai Trò Eagle Flights DSCĐ

Tướng Kinnard có ghi nhận sự hỗ trợ của các toán Eagle Flights DSCĐ mà Quân Đoàn II cắt đặt cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ dùng về mặt trinh sát. Các toán Eagles Flights được tăng phái đặc biệt cho Thiết Kỵ 1/9 Không Kỵ từ ngày 1 tháng 11 (Pleiku, trang 46) đến ngày 5 tháng 11 (Pleiku, trang 58). Tuy nhiên, Tướng Kinnard có vẻ coi thường các toán trinh sát người thượng này, khi ông lần đầu tiên làm quen với họ ngày 25 tháng 10, trong giai đoạn giải cứu trại Pleime (Pleiku, trang 24):

Thiết Đoàn B 2/9 trở về lại dưới quyền điều khiển của thiết đoàn lúc 1230 giờ và thiết đoàn (-) bắt đầu các cuộc hành quân lùng kiếm trong vùng của Tiểu Khu quận Lệ Thanh (ZA246245) với sự tăng phái của một đội toán LLĐB DSCĐ "Eagle Flight". Đội toán này, tuy mang vẻ một đơn vị không vận, trên thực tế là một nhóm người thượng trinh sát trên bộ gồm sáu tiểu đội với 5 tiền sát viên. Thiết đoàn cũng thăm dò các cạnh sườn của vùng thuộc Lữ Đoàn 1.

Về phía Đại Tá Hiếu, coi bộ các toán Eagle Flight là niềm hãnh diện của Quân Đoàn II (Pleime, chương V). Các toán này đóng vai trò các đội "cứu hỏa" nhảy xuống dập tắt các mòi lửa mỗi khi quân du kích Việt Cộng nhúm lên tại các tiền đồn DSCĐ hẻo lánh thuộc Quân Đoàn II.

Ngày 27 tháng 10, các Toán Bay Đại Bàng thuộc Sư Đoàn Không Kỵ tung vào chiến trường. Từ hoàng hôn tới xế chiều, chúng không ngừng bay trên vùng để tìm kiếm địch. Mọi nghi ngờ về sự hiện diện của địch được kiểm chứng và xử lý, hoặc bằng không kích hay bởi chính các Toán Bay Đại Bàng, hay bởi các lực lượng phản kích.

5. Vai Trò Trinh Sát của các Toán Biệt Cách Dù

Ngoài vai trò hỗ trợ của các toán Eagle Flight Thượng, Quân Đoàn II còn cung cấp cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ các toán trinh sát Biệt Cách Dù trên các chuyến bay trực thăng lùng kiếm địch. Tướng Kinnard không hề đề cập tới điểm này. Đại Tá Hiếu nhắc nhở gián tiếp đến hoạt động của các toán Biệt Cách Dù với việc đính kèm tài liệu tịch thâu được của Việt Cộng liên quan đến sinh hoạt của Sư Đoàn 1 Không Kỵ tại Pleime và Ia Drang (Pleime, tài liệu B). Xin trích dẫn:

Đợt 2: xử dụng những đơn vị tăng phái nhỏ và phối hợp với Biệt Cách Dù ngụy để thực hiện những cuộc tấn kích vào hậu cứ của ta (28 tháng 10 đến 11 tháng 11 năm 1965).

Đổ bộ thẳng bằng "nhảy cóc" vào hậu cần của ta bằng trực thăng (28 tháng 10 đến 10 tháng 11 năm 1965). Các lực lượng xử dụng: từ một tiểu đoàn đến một đại đội của lính Mỹ hay hai đại đội của lính Mỹ phối hợp với Biệt Cách Dù ngụy.

Trước khi đổ bộ. Thám sát các bãi đổ bộ bằng nhiều phi vụ thám sát hay bằng các toán nhỏ Biệt Cách Dù ngụy.

Biệt Các Dù ngụy hay các đơn vị thám sát Mỹ luôn đổ bộ trước để giữ an ninh bãi đổ bộ trước khi bộ binh, đơn vị yểm trợ và sở chỉ huy đổ bộ.

Sau khi đổ bộ quân. Biệt Cách Dù ngụy thường tiến xa tuần tiễu.

6. Biến Cố Ngày 9/11/1965

Ngày 10 tháng 11 năm 1965 (Pleiku, trang 73) , Tướng Kinnard ghi vào bản báo cáo là bắt đầu từ ngày 9 tháng 11

Thế điều quân chuyển hướng từ tây sang đông là để khơi ngòi cho một quyết định gần sắp tới từ Bộ Tư Lệnh sư đoàn Bắc Quân.

và ngày 10 tháng 11 Lữ Đoàn 3 KK thay thế cho Lữ Đoàn 1 KK.

"Một quyết định gần sắp tới từ Bộ Tư Lệnh sư đoàn Bắc quân" là quyết định gì thì Tướng Kinnard không nói rõ. Nhưng trước khi tìm hiểu về quyết định này, chúng ta hãy bàn tới sự chuyển hướng của các cuộc hành quân "từ tây sang đông".

Ngày 8 tháng 11, Đại Tá Hiếu mớm cho Tướng Kinnard hành động chuyển hướng này qua I Field Force Vietnam (Pleiku, trang 67):

Vào khoảng lúc này, Field Force Vietnam yêu cầu sư đoàn di chuyển các cuộc hành quân của mình về phía đông Pleime nếu "không có thêm đụng độ mới nữa trong vùng phía tây".

Đó là thế nghi binh để làm cho Việt Cộng tưởng lầm là Lữ Đoàn 1 KK đã đánh mất tung tích khiến họ đâm ra chểnh mảng để rồi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II sẽ lấy một quyết định chiến thuật bất ngờ giáng lên đầu địch (Pleime, chương V):

Ngày 9 tháng 11, hướng di chuyển và xoay chuyển trọng tâm từ tây sang đông bắt đầu và ngày 10 tháng 11, Lữ Đoàn 3 Mỹ thay thế Lữ Đoàn 1 Mỹ. Nhưng trong thực tế, vào thời điểm này, các đơn vị Việt Cộng nằm tại các địa điểm sau đây, như là các cuộc hành quân sau này tung vào ngay trọng tâm của vùng Chu Prông-Ia Drang cho thấy: ba tiểu đoàn của Trung Đoàn 66 đóng thành hàng giây dọc theo mạn bắc của sông Ia Drang; Trung Đoàn 32 cũng ở phía bắc trong cùng vùng; Trung Đoàn 33 duy trí các vị trì trong vùng kế cận làng Anta (theo đanh xưng Việt Cộng), đông của rặng núi Chu Prông.

Tin chắc các lực lượng của ta đánh mất vết tích của các đơn vị của họ, Mặt Trận Việt Cộng liền lấy một quyết định để lấy lại ưu thế với một cuộc tiến công. Mục tiêu lại là Pleime và ngày tiến công được ấn định vào ngày 16 tháng 11. Kế hoạch được biết trong nội bộ cán bộ Việt Cộng như là đợt hai của cuộc tiến công Pleime. Tất cả ba trung đoàn sẽ can dự vào lần này, cũng như một tiểu đoàn pháo kích 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14,5 ly; cả hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính sẽ tới kịp thời cho cuộc tiến công.

7. Khái Niệm Tấn Công Tại Bãi Đáp X-Ray Ngày 14/11/1965

Và đây là "quyết định gần sắp tới từ Bộ Tư Lệnh sư đoàn Bắc quân" theo tin tình báo Đại Tá có được: tấn công trại Pleime lần thứ hai. Đại Tá Hiếu liền điều nghiên kế hoạch tấn công trước địch tại bãi đáp X-Ray và khái niệm hành quân này được các đơn vị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ thi hành.

Điểm thứ nhất, Đại Tá Hiếu đề nghị ngày N được ấn định là ngày 14/11/1945, hai ngày trước khi Việt Cộng dự tính tấn công trại Pleime lần thứ hai, vì vào lúc đó các đơn vị Việt Cộng chưa được tái trang bị về mặt súng phòng không và bịch kích pháo mà địch đã mất mát sau cuộc tấn công trại Pleime - tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly và tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14.5 ly chưa tới chiến trường. (Pleime, chương V):

Tỉ lệ 1/10 chứng tỏ tiểu đoàn 1/7 rất là may mắn vì thật bất ngờ là từ trên các đồi bao quát ngó xuống bãi đáp, địch đã không đặt các vũ khí cộng đồng để yểm trợ các cuộc tấn công. Tình trạng này chỉ có thể giải thích bởi các lý do sau đây:

- Địch đã mất gần hết các vũ khí cộng đồng trong đợt đầu.

- Họ bị tiểu đoàn 1/7 tấn công bất ngờ và các cán bộ chỉ huy đã không khéo xử dụng địa thế.

- Các chiến thuật của họ hầu như dựa và "biển người" và họ quá tự tin là cuộc tấn công của họ sẽ làm cho tiểu đoàn 1/7 rã ngũ rất mau chóng.

Tướng Kinnard có cảm nhận được mưu trí của Đại Tá Hiếu (Pleiku, trang 88) khi ông nhận xét:

Hiển nhiên là nỗ lực của Bắc Quân không được hỗ trợ bởi các tiểu đoàn bích kích pháo và súng phòng không không tới kịp vào vùng chiến trận và còn rong ruổi trên đường mòn xâm nhập.

Điểm thứ hai, Đại Tá Hiếu cho đổ bộ quân của Lữ Đoàn 3 Không Kỵ tại vùng phía nam của nơi ba trung đoàn Bắc Quân tập trung, nơi chân rặng núi Chu Prong, chứ không tấn sâu hơn lên phía bắc, không phải để phục kích địch quân tại hậu cứ, mà làm nút chận không cho quân lính của ba trung đoàn địch tràn xuống phía nam, để rồi triệt hạ họ với bom B-52:

Cần lưu ý là từ chiều ngày 15 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã tham gia vào trận đánh với năm phi vụ oanh tạc hằng ngày tại rặng núi Chu Prông. Ngày 17 tháng 11, các mục tiêu oanh tạc cũng bao gồm bãi đáp X-ray và hai tiểu đoàn của ta được lệnh di chuyển ra cách bãi đáp 3 cây số, về hướng bắc và hướng tây bắc tới một bãi đáp khác gọi là bãi đáp Albany.

Tướng Kinnard cũng nói tới việc dùng đến bom B-52 trong bản báo cáo (Pleiku, trang 88):

Ngày 15/11 cũng được đánh dấu bởi việc xử dụng lần đầu tiên một vũ khí mới của lực lượng Mỹ và gây kinh hoàng cho quân lính địch kể cả những chiến binh gan lì nhất. Ngay sau giờ ngọ, một vùng rộng lớn quanh vị trí YZ8702 thình lình nổ tung với hàng trăm tấn bom làm rung chuyển khắp cùng mặt đất như thể một tấm thảm đang được trải ra. Các phóng pháo cơ B-52 đã đánh rập. Trong năm ngày kế tiếp các phóng pháo cơ khổng lồ làm thịt một vùng rộng lớn của rặng núi Chu Prong. Các chiến sĩ Bắc Quân sống trong hãi sợ các cuộc tấn công này vì họ tin là mỗi cuộc oanh kích bao phủ một vùng 20 cây số vuông và các địa đạo và hầm trú cá nhân không thể bảo vệ họ.

Như vậy, nỗ lực chính trong cuộc tấn công vào hậu cần rặng núi Chu Prong từ ngày 14 đến 17 tháng 11 năm 1965 không phải là Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ của Đại Tá Hal Moore tại bãi đáp X-Ray , mà là các cuộc oanh tạc bom trải thảm của B-52 nhắm vào toàn bộ ba trung đoàn Bắc Quân, đặc biệt Trung Đoàn 32 và 33 trong hai ngày 15 và 16 tháng 11, và đặc biệt Trung Đoàn 66 ngày 17 tháng 11 ngay tại bãi đáp X-Ray. B-52 đã giết hại khoảng 2.000 chiến binh Bắc Quân.

8. Biến Cố Ngày 18 tháng 11 năm 1965

Ngày 18 tháng 11 năm 1965, Tướng Kinnard tiết lộ là một căn cứ hỏa lực pháo binh mới được thiết lập tại bãi đáp Crooks, nhưng lại không nêu rõ lý do (Pleiku, trang 96):

Ngay trước cuộc tấn công, TĐ 2/5 KK, di chuyển tới phía tây vào một vị trí nút chặn, đổ bộ không vận vào bãi đáp Crooks (YA875125) cùng với các khẩu đại bác. Tiểu đoàn này thực hiện tuần tiễu từ căn cứ mới và trong đêm hứng chịu hỏa lực thăm dò nhẹ và sách nhiễu của súng nhỏ và bích kích pháo.

Đại Tá Hiếu nói rõ hơn là vào ngày 17 tháng 11 năm 1965 (Pleime, chương VI):

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nghĩ là đến lúc tung lực lượng trừ bị vào để chấm dứt trận chiến đã kéo dài khoảng một tháng. Ngoài bị tổn thất nặng nề, địch buộc phải xa vào bẫy các lực lượng của ta giăng ra và xô đẩy vào các lộ trình rút lui mà chúng ta dự kiến.

Lần này nỗ lực chính được thực hiện bởi Lữ Đoàn Dù QLVNCH với sứ mạng triệt hủy các đơn vị Việt Cộng đào tẩu và tất cả các cơ sở xung quanh thung lũng Ia Drang. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ trước nay gánh chịu tấn công sẽ tiếp tục tạo áp lực từ Đông sang Tây và cung ứng pháo yểm cho Lữ Đoàn Dù.

Cuộc hành quân mang tên "Thần Phong 7" khởi động chiều ngày 18 tháng 11 khi lữ đoàn đươc trực thăng vận tới vùng hành quân, ngay sau khi tới Pleiku.

Chiều ngày 17 tháng 11 năm 1965, Đại Tá Hiếu đã thu xếp nhờ

Phi Đội C130 của Phi Đoàn 7 KQHK vận chuyển trong vài tiếng đồng hồ các đơn vị sau đây: Ban Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù; Ban Chỉ Huy các Chiến Đoàn 1 và 2 Dù; Năm tiểu đoàn Dù: 1, 3, 5, 7 và 8 từ các nơi khác nhau, như Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu và Phú Yên tới Pleiku. Chính là nhờ vào công lao đóng góp của họ mà cuộc hành quân đã có thể khởi sự đúng vào ngày giờ ấn định.

Đồng thời, Đại Tá Hiếu đã yêu cầu Sư Đoàn 1 Không Kỵ đặt một pháo đội mới tại địa điểm (YA875125) để chuẩn bị kịp thời yểm trợ cho Lữ Đoàn Dù VN trước khi cuộc hành quân Thần Phong 7 khai diễn.

Trong giai đoạn này của chiến dịch Pleime, Tướng Kinnard có nói là bắt đầu từ ngày 20 tháng 11, Lữ Đoàn 2 KK thay thế cho Lữ Đoàn 3 KK và tiếp tục lùng kiếm địch quân và Ban Chỉ Huy Lữ Đoàn được đặt tại trại Đức Cơ (Pleiku, trang 102):

Lữ Đoàn 3 di chuyển các đơn vị tác chiến tới bãi đáp Crooks và Golf, để phối hợp điều quân với Lữ Đoàn 2. Lữ Đoàn 2 đảm trách quyền điều khiển các đơn vị tác chiến trong vùng chiến trận này. Sau khi chuyển giao nhiệm vụ, Lữ Đoàn 3 bắt đầu di chuyển về căn cứ An Khê với TĐ 1/7 và các đơn vị tăng phái và cơ hữu khác. Đối với Đơn Vị Yểm Trợ Tiền Phương 3, đây là lần đầu tiên đơn vị được xả hơi từ khi chiến dịch khởi sự ngày 23 tháng 10.

Lữ Đoàn 2 dự tính xử dụng trại LLĐB Đức Cơ (YA840252) như là căn cứ làm việc cho Ban Chỉ Huy Tiền Phương, và đổ bộ xong vào buổi chiều. TĐ 1/5 KK thực hiện tuần tiễu từ bãi đáp Golf, và TĐ 2/5 KK tuần tiễu từ bãi đáp Crooks.

nhưng lại làm lơ vai trò tăng phái cho Lữ Đoàn Dù VN bằng cách hành quân trở lại từ đông sang tây, như Đại Tá Hiếu chỉ cho thấy trong đoạn vừa mới trích dẫn, để thi hành kế của Quân Đoàn II chận địch xuống phía nam và hiệp lực cùng Lữ Đoàn Dù dồn hai tiểu đoàn địch vào hành lang mà Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tiên liệu địch sẽ dùng để tẩu thoát về hậu cứ bên Căm Bốt.

9. Công Trạng Của Sư Đoàn 1 Không Kỵ trong Chiến Dịch Pleime

Trong phần kết của bản báo cáo, Tướng Kinnard đã đặt một câu hỏi then chốt (Pleiku, trang 123):

Câu hỏi còn lại là liệu có thể chận đứng mối đe dọa nếu không có Sư Đoàn 1 Không Kỵ không?

Và câu trả lời đương nhiên của Tướng Kinnard là không. Ông nêu ra những lý lẽ sau đây: một, Quân Đoàn II không có đủ quân để thành lập một đoàn quân tiếp cứu đủ mạnh để thắng vượt qua ổ phục kích của Trung Đoàn 32 BV gồm 2.000 binh sĩ; hai, Trung Tá Luật e ngại không cho dám cho đoàn quân tiếp cứu tiến bước cho đến khi bị Tướng Kinnard đốc thúc và bảo đảm pháo yểm; ba, đoàn quân tiếp cứu, sau khi giải tỏa được trại Pleime, đã tránh khỏi bị địch quân xâu xé khi thực hiện hành quân càn quét quanh trại, nhờ vào sự yểm trợ pháo binh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ; bốn, Quân Đoàn II không có khả năng truy kích địch đến tận mật khu Chu Prong; và năm, ngay cả khi đến lượt Lữ Đoàn Dù VN tham chiến thay các đơn vị Lữ Đoàn 3 KK, lữ đoàn trưởng Dù VN cũng phải nhìn nhận là pháo binh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ giết hại địch quân nhiều hơn là các đơn vị bộ chiến Dù.

Các điểm Tướng Kinnard nêu lên đều đúng cả. Xét riêng về tổn thất địch trong chiến dịch Pleime, trong tổng số khoảng 6.000 binh sĩ VC bị loại khỏi vòng chiến, công trạng của ba lữ đoàn không kỵ là 3561 VC chết và 1178 VC bị thương, của B-52 là khoảng 2.000 VC chết, phía các đơn vị QLVNCH là khoảng 450 VC chết (200 quanh Pleime trong hành quân Dân Thắng 21, và 250 tại Ia Drang trong hành quân Thần Phong 7).

Tuy nhiên, Tướng Kinnard quên là tất cả những chiến thắng Sư Đoàn 1 Không Kỵ thực hiện được trong chiến dịch Pleime là nhờ vào tài suy tính của bộ óc tại Ban Tham Mưu Quân Đoàn II: một, Đại Tá Hiếu đã đoán được Việt Cộng lần này dùng thế phục kích di động, nếu không pháo binh của SĐ1KK sẽ bắn vào khoảng chống không; hai, Đại Tá Hiếu đã cung cấp các thông tin tình báo thu thập được từ việc khảo cung các tù binh và hàng binh Việt Cộng, và từ các đội toán Biệt Cách Dù len lỏi trong lòng địch, liên quan đến các vị trí của ba trung đoàn Bắc Quân tập trung tại mật khu Chu Prong; ba, Đại Tá Hiếu đã bày thế nghi binh chuyển hướng hành quân từ đông-tây sang tây-đông ngày 9/11 để có thể tấn công địch cách bất ngờ; bốn, Đại Tá Hiếu đã bày cho Lữ Đoàn 3 KK tấn công vào Chu Prong ngày 14/11 để tránh thiệt hại tối đa cho trực thăng và binh sĩ Mỹ khi Việt Cộng không có trong tay các súng phòng không và bích kích pháo hạng nặng; năm, Đại Tá Hiếu đã đề ra khái niệm dùng vũ khí B-52 chiến lược làm vũ khí chiến thuật lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam; sáu, Đại Tá Hiếu đã sắp xếp đặt để pháo binh của SĐ1KK tại Crooks trong tầm bắn vào vùng Lữ Đoàn Dù sẽ hành quân. Nói tóm lại, Đại Tá Hiếu đã khéo biết xử dụng tới (Pleime, chương V):

một đơn vị có khả năng di động cực cao trên toàn thế giới và đồng thời có những quân cụ và vũ khí hiện đại nhất

Nếu không có tài điều khiển của Đại Tá Hiếu, mãnh lực vô song địch của SĐ1KK sẽ chỉ là một quả đấm thoi sơn tung vào khoảng chân không, không tài nào đánh trúng một địch quân tàng hình tài giỏi. Tướng Westmoreland đã có một thẩm định trung thực hơn liên quan đến vai trò của Quân Đoàn II trong chiến dịch Pleime khi ông viết (Pleime, lời tựa):

Các thành quả nổi bật của các giai đoạn sau có thể, có lẽ, không bao giờ thể hiện được nếu như không có đầu óc thẩm định và con mắt nhìn xa của giới lãnh đạo Việt Nam. Nỗ lực chuẩn bị tiên khởi trên chiến trường, mở đường cho việc xử dụng Sư Đoàn 1 Không Kỵ, đã do các lực lượng Việt Nam hoàn thành. Cũng vậy, thành quả khai thác của giai đoạn chót đã do Lữ Đoàn Dù Việt Nam phần lớn hoàn thành.

Nguyễn Văn Tín
07 tháng 05 năm 2010

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu