Dân Thắng 21 Ý Đồ và Kế Hoạch của VC Trong bốn mặt trận được VC khai diễn vào tháng 9, 10-65 trên lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật, tại Bình Định, Pleiku, Phú Yên và Quảng Đức, chiến trường Pleime là chính còn những chiến trường kia chỉ có tính chất nghi binh hay phối hợp. Nhận định này đã được cung từ của tù binh và quy chánh viên VC xác nhận và cho biết rõ thêm nhiều chi tiết về sự chuẩn bị mà chúng đã dành riêng cho chiến trường này. Trong không gian Pleime, trại Pleime tuy chỉ xa Thị trấn Pleiku có 40 cs, quân lỵ Phú Nhơn 20 cs nhưng giao thông khó khăn, nên hóa ra ở vào một vị trí hẻo lánh, xa xôi. Địa thế chung quanh lại quá rậm rạp khiến cho trại ở vào thế như “chứng để đầu đàng”. Nhưng chính cái “mâu thuẫn nội tại” này của Pleime đã là lý do khiến VC chọn nơi đây làm mục tiêu. Vì địch có thể với một lực lượng đông và mạnh hơn, bất ngờ tấn công và triệt hạ trại trước khi ta kịp can thiệp và tiếp ứng. Dùng đường bộ thì VC sẽ phục kích, dùng phi cơ thì từ đồi Chu Hô, cao xạ địch có thể hạ được dễ dàng. Khi triệt hạ được trại rồi thì đường rút lui cũng bảo đảm nhờ địa thế mênh mông rậm rạp mà nếu có tiến thêm bước nữa thi đường về Pleiku và Phú Nhơn như trên đã nói cũng chắng bao xa. Cho nên đe dọa Pleime tức là đe dọa ngay Pleiku là đầu não của V2CT và của Cao Nguyên! Vị trí của Pleime đã hấp dẫn như vậy thì không gian Pleime lại vô cùng thuận lợi. Đất Miên và căn cứ Chu Pong chỉ xa bằng đường về Pleiku nên tiến quân cũng giữ được bí mật mà rút về thì êm thấm, trừ khi đối phương có tiếp tục ra tay theo đuổi. Thành thử cả vị trí của Pleime lẫn địa thế trong không gian Pleime đã quyết định sự chọn lựa của VC lấy chiến trường Pleime làm Điểm. Vì chiến trường này do đó chỉ hứa hẹn thắng nhiều hại ít và lại dễ gây rung động và mọi sự rung chuyển bao giờ cũng lại truyền đi mau và rộng. Mục đích “tiêu diệt sinh lực” của ta và gây ảnh hưởng chính trị sẽ đạt được. Trước dư luận trong nước cũng như ngoài nước V2CT sẽ còn là gì, nếu VC thắng ở Pleime. Để bảo đảm kết quả đó, lực lượng được tung vào phải có ưu thế binh lực và hỏa lực. Và như vậy đây cũng là dịp để trắc nghiệm và học tập lề lối đánh đại quy mô. Lực lượng tham chiến gồm có hai Trung Đoàn 32 và 33. Trung Đoàn 32 xâm nhập từ tháng 1-1965, từng tham gia các trận ở Đaksut, Yali thuộc Kontum (2-65 đến 4-65), Lệ Thanh, Đức Cơ, Quốc Lộ 19, Quốc Lộ 14 tại Pleiku (5-65 đến 8-65), đã có kinh nghiệm chiến trường miền Nam nên được giao nhiệm vụ đánh viện. Trung Đoàn 33 (còn gọi là 101B, 325) mới xâm nhập trong tháng 9-65, chưa được thử lửa nên phụ trách bao vây công hãm trại Pleime. Sự sắp đặt trên chứng tỏ VC đã khá kỹ lưỡng, cẩn thận trong các việc điều động, phân phối tổ chức và tập trung lực lượng. Nhưng như trên đã nói, kế hoạch của địch chẳng phải chỉ nhằm công đồn đả viện tại Pleime, mà còn là khuyếch trương chiến quả nếu thắng lợi. Sự khám phá ra trong giai đoạn 2 và 3 một quân y viện, một hầm vũ khí, một Trung Đoàn mới xâm nhập vào đầu tháng 11-65 (Trung Đoàn 66) cùng những cơ sở tiếp vận lớn ở căn cứ Chu Pong chứng tỏ rằng địch đã chuẩn bị sẵn để tiến xa hơn Pleime nữa. Tuy kế hoạch “lớn lao” này không có dịp thực hiện vì “kế hoạch ba bước “ đã bị đảo lộn và thất bại, một kế hoạch thứ ba đã được BCH mặt trận đưa ra mà các tù hàng binh VC được biết và gọi là “giai đoạn 2”. “Giai đọan 2” này của BCH/Mặt trận VC nhằm công đồn đả viện Pleime một lần thứ hai với sự tham dự của Trung Đoàn 32 và 33 và chủ trương diệt đồn một cách chớp nhoáng, không dại đột kéo dài để thất bại như lần trước. Nếu không có một truy kích đến cùng của ta, có lẽ “giai đoạn 2” này đã được thực hiện vào ngày 16-11-65, theo như tài liệu VC bắt được đã ghi. Và trận tấn công trại Pleime lần thứ hai chắc hẳn sẽ vô cùng ác liệt vì hỏa lực sẽ được tăng cường với một Tiểu Đoàn súng cối 120 ly và 1 Tiểu Đoàn Đại Bác phòng không 2 nòng cỡ 14.5 ly. Các tù binh VC bắt được trong ngày 11-11-65 đã khai rằng 2 đơn vị này vừa mới xâm nhập và đang nằm trên đất Miên để chờ tham gia màn 2 của một cuộc “ăn thua đủ” mà VC đã dự trù là sẽ gây được tiếng vang và chấn động khắp nơi. Ngày 15.10.65 VC xuất quân di chuyển và chiếm lĩnh trận địa trong vòng 5 ngày trước khi nổ súng. Ngày 27.9.65, tin tức mật báo cho biết có dấu vết sự xuất hiện của một Đơn vị cấp Tiểu đoàn VC tại khu vực 10 cây số phía bắc và tây bắc trại Pleime. Trong thượng tuần tháng 10-65, tin tức nhận được lại cho biết địch sửa soạn tấn công Pleime. Tuy nhiên, trước đó tình báo của ta cũng đã thường xuyên nhận được những tin tức khác nói về dự định của địch tấn công các trại lực lượng Đặc biệt trong Biệt Khu 24 (gồm Tiểu khu Kontum và Pleiku). Riêng trại Pleime vốn năng hành quân nhưng các hoạt động cũng không ghi nhận được cuộc chạm trán đụng độ đáng kể với địch kể từ tháng 6-65. Mặc dù vậy, để phối kiểm tin tức nói trên, một đại đội của trại đã được giao nhiệm vụ hành quân tìm địch (Hành quân Chương Dương 40) trong khu vực phía bắc trại bắt đầu từ sáng ngày 17-10-65 và dự trù trong 6 ngày. Trong 3 ngày đầu, đến 19-10-65 vẫn không có gì xảy ra. Vì vậy, khi địch bắt đầu khai hỏa bằng súng cối 82 ly nã vào đồn lối 23 giờ đêm 19 rạng 20-10-65, quân số địch đã được trại ước lượng và báo cáo khoảng một Tiểu Đoàn. Vị trí của địch ở phía bắc và tây nam trại. Sau đợt khai hỏa đầu tiên, địch tiếp tục bắn súng cối cùng với đại liên và súng máy điếm canh cho tới sáng, cùng với hai đợt xung phong có tính cách dò đường. Nhờ có sẵn giao thông hào và hầm hố nên binh sĩ trong đồn đã bình tĩnh chống trả mãnh liệt, đẩy lui hai đợt xung phong nói trên và một cuộc tấn công toàn thể vào lúc 05 giờ. Địch đã ra công đào địa đạo vào sát tận hàng rào trong của trại, có chỗ chỉ còn cách khoảng 50 trước. Tình hình trại lúc đó đã não nùng, nhất là tiền đồn quan sát ở đồ Chu Ho đã bị địch chiếm. Tuy nhiên sự tiền sát của địch trước sức chiến đấu của binh sĩ trong đồn và hỏa lực của không quân đã kịp thời đến yểm trợ. Địch phải rút lui nhưng không bỏ trận địa. Và kể từ sáng ngày 20.10.65, một trận chiến đã mở màn, kéo dài gần 40 ngày với tính chất của một chiến dịch trải qua ba giai đoạn: - giai đoạn 1: từ 20.10.65 đến 26.10.65 với cuộc Hành quân Dân Thắng 21 do BTL-QĐII tổ chức để tiếp viện và giải vây trại Pleime. - giai đoạn 2: từ ngày 27.10.65 đến 17.11.65 với cuộc hành quân Long Reach do Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ phụ trách để truy kích địch từ Pleime đến Chu-Pong. - giai đoạn 3: từ 18.11.65 đến 26.11.65 với cuộc Hành quân Thần Phong 7 do BTL-QĐII tổ chức và phối hợp giữa SĐND-VN và SĐ1 KK-HK để triệt nốt tàn quân VC rút lui qua biên giới. Đây là lần đầu tiên mà một cuộc hành quân rộng lớn, phối hợp giữa hai quân lực được khai diễn và cũng từ đây nền móng đã được đặt cho những cuộc hành quân phối hợp giữa QLVNCH và đồng minh dựa trên nguyên tắc kế hoạch chung, tình báo chung, yểm trợ chung, chỉ huy riêng biệt. Hành Quân Dân Thắng 21 Lúc địch tấn công Pleime, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Bộ Tham Mưu hành quân Quân Đoàn II đang ở Binh Định để trực tiếp điều khiển cuộc hành quân Thần Phong 6. Các cuộc trực thăng vận vào các sào huyệt địch vận phía Nam Hoài Ân vừa hoàn tất thì trưa ngày 20-10-65, Tư Lệnh Quân Đoàn II phải tức tốc trở về ngày Pleiku và liền sau đó, một cuộc họp được triệu tập tại Trung Tâm hành quân Quân Đoàn II để nhận định tình hình và tìm biện pháp đối phó. Mặc dầu sự can thiệp của không quân đã phá vỡ được cuộc tấn công sáng sớm ngày 20-10 nhưng những hoạt động phòng không của địch tiếp tục gây trở ngại cho các phi cơ tiếp tế, tản thương và chống trả các phi cơ oanh kích, chứng tỏ địch còn bám sát trận địa và vì quân số lớn hơn ước tính của trại chỉ có một tiểu đoàn địch. Các binh sĩ đồn trú không khỏi nao núng vì quân số địch đông hơn gập bội áp đảo bao vây chặt chẽ cũng như lo lắng về lương thực, đạn dược và di tản thương binh vì phải thực hiện bằng phi cơ, mà phi đạo và sân trực thăng lại bị pháo kích thường xuyên. Một điều đáng chú ý đặc biệt là địch tỏ ra không chủ trương giải quyết chiến trường một cách chớp nhoáng, nội trong một đêm bất chấp mọi tổn thất như mọi lần trước đây, trong khi lần này địch có dư khả năng và đã bố trí phòng không thật là kỹ lưỡng và đầy đủ. Vấn đề đặt ra rõ ràng là địch cốt ý buộc ta phải tiếp viện và mục tiêu chính là phục viện để tiêu diệt sinh lực của ta. Rồi sau khi diệt viện, địch sẽ tập trung lực lượng lại tiêu diệt trại. Một lần nữa, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nhận định chủ trương của địch: nếu địch quyết định triệt để áp dụng nguyên tắc tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực để lần lượt đả viện và công đồn thì ta sẽ tương kế tựu kế khiến cho địch tiếp tục phải phân tán lực lượng ít nhất làm hai hoặc ba cánh. Ngay chiều 20.10 một chiến đoàn gồm một Chi đoàn Thiết giáp, một Chi đoàn Thiết vận xa và một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân được đưa ngay từ Pleiku tới ngã ba Phù Mỹ. Tới đây lúc 18 giờ, chiến đoàn dừng quân và rầm rộ sửa soạn như là chỉ chờ sáng để lên đường vào Pleime sáng sớm ngày hôm sau. Sáng ngày 21.10.1965 Chiến Đoàn lên đường, nhưng thật ra cũng chỉ là một cuộc nghi binh vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã chỉ thị cho Chiến Đoàn là chưa tiến vào Pleime mà chỉ tuần tiễu trên trục Phù Mỹ – Pleime trong vòng 5 cây số về phía Nam trong khi chờ đợi điều kiện thời tiết thuận lợi để rút một vài đơn vị ở Kontum và ở cuộc hành quân Thần Phong 6 tại Bình Định về lập một lực lượng trừ bị. Cũng trong sáng này, lúc 09giờ30, hai Đại Đội thuộc Tiểu Đoàn 91 Biệt Kích Dù rút từ hành quân Thần Phong 6 về được trực thăng vận xuống ZA.175105 ở phía Đông Bắc trại, làm như Chiến Đoàn nói trên sẽ thúc quân vào Pleime trong ngày và hai lực lượng này sẽ giao tiếp với nhau chậm lắm là vào buổi chiều hôm đó. Tiểu Đoàn Biệt Kích Dù (trừ) chỉ là để tăng cường cấp thời cho trại có thêm lực lượng chống trả một lực lượng địch đông gấp năm và cũng để gây phấn khởi cho binh sĩ đồn trú đã chiến đấu liên tiếp 36 tiếng đồng hồ chưa nghỉ. Đúng như ước tính của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, trong đêm thứ 2 của trận chiến tức là 20 rạng 21.10 (nhắc lại: Chiến đoàn Thiết Giáp- Biệt Động Quân tới ngã ba Phù Mỹ lúc 201800g), địch chỉ pháo kích cầm chừng vào trại mà không mở một cuộc tấn công dù nhỏ nào. Tin chắc rằng phần đầu kế hoạch của chúng là diệt viện sắp đến giờ thực hiện, Việt Cộng cho Trung Đoàn 32 di chuyển đến vị trí phục kích. Đây cũng là một điều cần được chú ý đặc biệt vì chiến thuật phục kích của V.C ngày nay trong những trường hợp đại quy mô là phục kích vận động, nghĩa là trận địa chỉ được chuẩn bị sẵn còn các đơn vị địch chỉ rời vị trí tập trung khi quân ta đã xuất phát, hoặc gần đến vị trí V.C đặt phục kích, chứ không như trước kia địch nằm sẵn đó để chờ. Lý do là vì: Trong trận phục kích đoàn quân tiếp viện của ta tới giải vây Đức Cơ, địch đã từng áp dụng chiến thuật này và cũngđã được một bài học kinh nghiệm đau đớn. Trong ngày 21-10 như vậy 3 sự việc đã xảy ra: Rút cục, cuộc phục kích mà V.C mong đợi chưa có dịp xảy ra. Tất cả biến cố trong ngày là một cuộc chạm trán giữa Tiểu Đoàn 91 BĐK và lực lượng địch bao vây Pleime. Lúc 10g30 kết quả: địch một số chết và bị thương mang đi, bỏ lại một súng cối 82 ly, một đại liên 50, 3 tiểu liên Trumg Cộng và một số súng trường Nga. Nhờ biến cố này, ta cũng được biết rõ thêm là chung quanh trại, địch đã phân tán để tránh phi cơ oanh kích và để chặn viện trong trường hợp quân ta không di chuyển bằng đường bộ mà lại được trực thăng vận tới. Nếu tình hình địch ta biết rõ thêm thì cũng phải nói rằng địch cũng lần lần đoán được ý ta. Khi thấy Chiến Đoàn Tiết Giáp Biệt Động Quân hăm hở tiến trong ngày về phía Pleime rồi lại rút về Phù Mỹ ban đêm và Tiểu đoàn 91 BCD lại di chuyển về phía trại thay vì nằm chờ hoặc tiến lên phía Bắc để giao tiếp với Chiến Đoàn, địch đã hiểu rằng chủ đích của ta là giữ cho chúng hăm hở chặn viện hơn là triệt hạ trại vì đoàn quân tiếp viện đã lên đường. Nếu địch hạ Pleime sớm, sẽ không có cuộc đả viện như chúng mong muốn. Thế là trong đêm thứ 3 – đêm 21 rạng 22-10 địch lại áp lực mạnh ở trại. Quá nửa đêm, địch rót súng cối như mưa vào trại và tiếp ngay theo đó, nổ súng rầm rộ tuy nhiên sau đó không có đợt xung phong nào của địch, vì mục đích chỉ để chứng tỏ chúng có hiện diện chung quanh trại và nhắn ta phải vào tiếp viện. Sang đến ngày 22-10 Chiến Đoàn Thiết Giáp-Biệt Động Quân lại tiếp tục tuần tiễu như hôm trước, trong khi Tiểu Đoàn 91 tiếp tục di chuyển tiến về hướng trại và chạm địch thêm hai lần nữa, kết quả thu thêm 4 đại liên và 11 súng cá nhân. Chiều ngày hôm đó, với sự yểm trợ của không quân, Tiểu Đoàn tới được trại và cùng binh sĩ đồn trú tăng cường phòng thủ. Như vậy là trong ba ngày ba đêm, trận chiến thực sự diễn ra là một cuộc đấu trí giữa đôi bên và rút cuộc địch vì muốn ăn lớn và nhiều hơn nên chỉ chờ đánh viện và chỉ đánh cầm chừng quanh Pleime. Mục đích của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II chỉ là để tranh thủ thời gian, biết rõ địch tính để chuẩn bị tiếp viện. Bởi vì trong ba ngày này cuộc hành quân Thần Phong 6 vẫn đang tiếp diễn (cho đến 24.10) và ngày 22.10 phi cơ lại được xử dụng để không vận một Tiểu Đoàn tới tăng cường Quảng Đức. Trừ Chiến Đoàn Thiết Giáp và BĐQ, chặn ngay thị trấn Pleiku chỉ còn có một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân giữ nhiệm vụ bảo vệ phòng thủ. Dù có muốn trực thăng vận nốt Tiểu Đoàn này vào Pleime thì cũng không có trực thăng vì Đại Đội 119 trực thăng cũng đang tham dự hành quân Thần Phong 6 và thời tiết mây mù ở đèo Mang và đèo An Khê không cho phép một sự di chuyển thuận tiện bằng phi cơ. Chiến tranh là những sự bất ngờ kỳ lạ và địch hẳn hối tiếc một dịp để mò mẫm ngay tại thị trấn Pleiku trong những đêm 21, 22 và 23. Có lẽ địch cũng hiểu rằng Chiến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân ở Phù Mỹ có thể rút về can thiệp ngay được nên tuy bỏ ngỏ mà thị trấn vẫn yên tĩnh hơn bao giờ hết. Đêm thứ tư. – Đêm 23-10 – Sự tăng cường của Tiểu Đoàn 91 Biết Kích Dù đã làm cho binh sĩ đồn thêm phấn khởi, tin tưởng, đồng thời biết rõ hơn tình hình địch ở chung quanh trại. Nhất là trong những vũ khí mà Tiểu Đoàn 91 BKD đã tịch thu được, có nhiều cộng đồng chứng tỏ địch có hỏa lực mạnh mẽ nhưng cũng không phải là những đơn vị quỷ khốc thần sầu, làm cho binh sĩ trong trại tuy mệt mỏi vì thức suốt ngày đêm nhưng chỉ nao nức được ra ngoài trại để giao chiến. Chính trong lúc này mà những khó khăn cho trại xảy ra. Lực lượng đồn trú tăng thêm thì nhu cầu nước cũng vậy, vì số lượng dự trữ có hạn mà địch lại bắn ngăn chặn ráo riết tại bờ suối cách đó chỉ khoảng 400m. Rồi họa vô đơn chí, cùng trong đêm này thì lúc 0510g, một trận mưa súng cối của địch lại làm gãy ăn-ten của máy truyền tin. Nếu ngay từ phát súng đầu tiên của địch nổ tại pleime, binh sĩ trú phòng đã vững tâm và kiên quyết chiến đấu, cũng như Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã theo rõi được biến chuyển của tình hình từng giờ phút là nhờ sự liên lac vô cùng tốt đẹp thì lúc này, cái rủi đã xảy ra chẳng khỏi làm cho mọi người lo ngại. Sáng sớm ngày 23.10 sau khi được báo cáo về hai sự kiện nguy kịch nói trên, -gãy ăn-ten và thiếu nước – Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết định phải thúc quân gấp vào Pleime với bất cứ giá nào, không trì hoãn được nữa. Lúc 10 giờ, Tiểu Đoàn 1/42 được không vận từ Kontum tới Pleiku và ngay sau đó, di chuyển đến Phù Mỹ tăng phái cho Chiến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân. Tiểu Đoàn 22 BĐQ, đơn vị duy nhất còn lại tại thị trấn Pleiku được lệnh chuẩn bị để trực thăng vận khoảng 1000 binh sĩ, mặc dầu chẳng tương đương được với lực lượng một Trung Đoàn địch đã bố trí sẵn chỉ chờ nổ súng nhưng cũng là tất cả lực lượng khiển dụng, vì tại thị trấn Pleiku không còn một đơn vị chiến đấu nào của QLVNCH nữa. Để đề phòng mọi bất trắc, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã yêu cầu Quân Lực Hoa Kỳ tạm thời đảm trách việc phòng thủ phi trường Pleiku vào lúc 13 giờ. Chiến Đoàn Ingram gồm 1 tiểu Đoàn Bộ Binh và một pháo đội của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ được di chuyển tới để giữ nhiệm vụ phòng thủ. Đúng 14 giờ, Tiểu Đoàn 22 BĐQ được trực thăng vận xuống ZA.150157 với nhiệm vụ: Cũng giờ đó, Chiến Đoàn Thiết Giáp-Bộ Binh xuất phát từ Phù Mỹ tấn công dọc theo tỉnh lộ 5 để giải vây trại Pleime và tiêu diệt địch trong vùng. Lúc 17giờ50 sau khi lên đường tiếp tục di chuyển, Chíến Đoàn tới ZA172164 (V.C gọi là đỉnh đồi Độc Lập). Trong khi lực lượng đi đầu đang tiến vào một đoạn đường hẹp và lên dốc thì hỏa lực từ cao địa trước mặt và phía đông bắn tới. Cùng một lúc, từ phía Đông lề đường là phía cây cối và cỏ lau rất rậm rạp, địch xung phong tấn công đốt phá đoàn xe tiếp vận đi sau. Mặc dầu địch đã dựa vào một địa thế vô cùng thuận lợi và xử dụng hỏa lực mạnh mẽ để chia cắt hai lực lượng của ta, không cho tiếp ứng với nhau được nhưng chỉ trong vòng một giờ sau, địch phải rút lui trước sự phản công dũng mãnh và bắn phá ác liệt của súng nặng trên các chiến xa, thiết vận xa cũng như của không quân đã can thiệp kịp thời. Khi tiếng súng im hẳn, trời đã tối, chiến đoàn gấp rút tổ chức thành hai khu vực phòng thủ, một của lực lượng đi đầu và một của đoàn xe tiếp vận, để có thể tiếp ứng trong trường hợp địch lại tấn công. Quả nhiên lúc 03g15 Việt Cộng lại nổ súng nhưng các đợt xung phong đột kích đều bị đẩy lui. Một điểm đặc biệt là mặc dù đêm tối, không quân đã can thiệp được hữu hiệu và chính xác. Sáng ngày 24-10. – Trong khi một thành phần của Chiến Đoàn trở về Pleiku để tản thương và tiếp tế, một thành phần khác tuầu tiễu quanh khu vực đóng quân đễ thâu lượm vũ khí địch bỏ lại, tịch thu được 74 súng cộng đồng và cá nhân, đếm được 120 xác chết của VC và bắt được một tên. Tên này đã khai rằng cuộc tấn công ban đêm vừa qua thực ra có mục đích chính là để di tản các xác chết và V.C đã bị thương lúc ban chiều, hòng che dấu những tổn thất. Trong trang nhật ký ghi ngày 25-10-1965, một cán bộ V.C tên Nguyễn Đình Cẩn còn sống sóts au trận này đã viết:
Trong cả ngày 24-10 và rạng đêm 25-10, mặc dầu Chiến Đoàn dừng quân, không còn một tiếng súng nào nổ thêm, mặc dầu để đề phòng, Chiến Đoàn Ingram đã được di chuyển từ phi trường Pleiku tới phía Nam Phù Mỹ 10 cây số (1) để có thể yểm trợ pháo binh cho quân ta khi cần tới. Nhưng thất bại lớn nhất của V.C là phần thứ hai của kế hoạch “đả viện xong về tập trung để thanh toán trại Pleime” đã không thực hiện được. Lực lượng phục kích bị tổn thất nặng nên Bộ Chỉ Huy mặt trận V.C đã buộc phải hủy bỏ và cho lệnh Trung Đoàn 32 rút lui. Thành thử đêm 24 rạng 25-10, Trung Đoàn 33 cũng không làm gì hơnđược là nã thêm một ít bích kích pháo vào trại lúc 01g50. Ngày 25-10 lúc 13 giờ 00, Chiến Đoàn Thiết Giáp tiếp tục lên đường tiến vào Pleime. Được 5 cây số, khoảng ZA.178138 chi đoàn thiết quân vận đi đầu lại bị địch ngăn chặn nhưng hỏa lực của ta đè bẹp ngay. Từ đó không có gì gây trở ngại cho chiến đoàn nữa cho tới khi đến trại Pleime vào lúc ban tối. Đêm 25 rạng 26-10 được hoàn toàn yên tĩnh. Cuộc tảo thanh khu vực Pleime được tiến hành ngay sáng ngày hôm sau, ngày 26-10. Quanh trại khi đó cỏ gianh mọc rất nhiều và cao, vì vừa qua mùa mưa. Lúc 10g15 trong lúc hai cánh quân của CĐTG đang lục soát ở phía Nam trại, tại ZA161055 thì địch ẩn núp trong khu cỏ gianh nằm ngay trên đường tiến quân của Chiến xa và thiết vận xa nổ súng, hỏa lực mạnh mẽ của các xe bọc sắt được dót tỏa ra cùng với sự yểm trợ của pháo binh và không quân làm cho địch khi ngừng tiếng súng phải bỏ lại 140 xác chết, 5 bị bắt và khoảng 100 chết mang đi, và hơn 20 súng, phần lớn là súng cộng đồng. Cuộc lục soát được tiếp tục tới sáng ngày 27-10 ở phiá Bắc và Tây Bắc trại. Tại ZA157059 là nơi phi cơ oanh kích trong ngày hôm trước, quân ta kiếm được một số xác chết, bắt được 1 V.C và thu được 4 khẩu Đại liên 50 phòng không cùng một số vũ khí cá nhân. Điều đặc biệt là cùng với những khẩu súng cá nhân có những dây xích liền với chân của các xạ thủ để bắt buộc họ không được bỏ vị trí mà phải sống chết bắn chống trả cũng như chịu đựng những cuộc oanh kích của không quân ta (tổng cộng 696 phi xuất trong giai đoạn 1). Để bảo vệ cuộc rút quân của Chiến Đoàn Thiết Giáp, trong ngày 27-10 chiến đoàn A TQLC được không vận từ Banmêthuột tới trục Phù-Mỹ Pleime để giữ an ninh. Chiến Đoàn Tihết Giáp rời trại lúc 11g sáng ngày 28-10 để trở về Pleiku. Trên đường ta không gặp một bóng địch nào mà chỉ gỡ được 6 trái mìn chống chiến xa, dấu vết của một ý chí trả thù, của một sự ăn năn đã quên dùng trong ngày 23-10. Cuộc hành quân Dân Thắng 21 chấm dứt, trại Pleime vững mạnh trở lại nhưng trong quân số hai Trung đoàn V.C đã tham dự, ta mới gây cho chúng được hơn 400 tổn thất nhân mạng. Sự rút lui của địch là một chủ trương sáng suốt và hợp lý của BCH mặt trận V.C nhưng địch sẽ tìm cách rửa hận và vì trại Pleime hẻo lánh còn là một cái gai trước mắt. Về phía ta diệt và làm cho địch thất bại chưa đủ, mà cốt yếu trong chiến tranh là phải làm tan nát ý chí chiến đấu của địch thì hậu họa mới không còn. Sự rút lui của Việt Cộng trong ngày 25-10 đã đưa Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đến một quyết định mà kết quả là các đơn vị VC sẽ phải chịu những trận đòn thê thảm, khốc liệt và bất ngờ trong giai đoạn hai và ba kế tiếp. Trận chiến từ giai đoạn hai và ba cũng mang thêm một sắc thái chưa từng có từ trước tới nay vì ngót 20 năm rồi, khi còn chiến tranh Việt Pháp, chưa mấy khi các cuộc truy kích đã được đề cập tới sau mỗi lần địch xuất hiện và nếu có thực hiện cũng không đem lại kết quả gì đáng kể. Cho nên lần này ý chí quyết không để cho địch chạy thoát, cộng với sự nắm vững tình hình địch đã làm cho trận chiến phát triển đến mức độ và quy mô tối đa đồng thời đem lại những chiến công lớn nhất từ trước đến nay của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Đông Minh. (1) Được tăng cường thêm 1 phân đội nữa. Sau khi Chiến Đoàn di chuyển, Lữ Đoàn 1 của Sư Đoàn 1 KK Hoa Kỳ vừa chấm dứt hành quân ở vùng Vĩnh Thạnh được đưa về phi trường Pleiku lúc 24 giờ đêm 24 rạng 25 tháng 10. Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu
Tài liệu tham khảo
|