Cuộc Phản Công Pleime vào Mật Khu Chuprong-Iadrang

Tổng Quát

Tình hình chung

Mặt Trận B3 Việt Cộng dùng thế “đánh đồn đả viện” tấn công vào trại Pleime từ ngày 19 đến 26 tháng 10 năm 1965. Nhưng Quân Đoàn II đã đánh bại địch tại cả hai mặt “đánh đồn” và "đả viện" với sự trợ lực của Chiến Đoàn Ingram Mỹ gồm một tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn bộ binh.

Tình hình địch

Sau khi thất bại trong cuộc phục kích đoàn quân tiếp viện và tấn chiếm trại Pleime, hai Trung Đoàn Việt Cộng, 32 và 33, được lệnh rút lui về địa điểm xuất phát trước cuộc tấn công nằm trong mật khu Chuprong-Iadrang.

Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 cần thâu hồi các đơn vị đã bị tổn hại nặng nề để bảo toàn lực lượng trong khi chờ đợi sự tăng cường của Trung Đoàn 66 đang còn rong rủi trên đường mòn Hồ Chí Minh, cũng phải mất từ vài ngày đến một tuần lễ mới tập trung đủ mặt tại mật khu Chuprong-Iadrang.

Con số thiệt hại của địch quân sau ngày 27/10/1965 như sau: 211 chết, 115 chết do oanh kich, 6 bị bắt, 1 súng không giựt 57 ly, 2 súng lục, 2 bích kích pháo 81 ly, 12 đại liên, 3 trung liên, 9 liên thanh Browning, 37 tiểu liên, 22 súng trường, 8 carbines, 2 M79, 1 B40 chống chiến xa.

Sau khi củng cố và tân trang lại sáu tiểu đoàn của hai Trung Đoàn 32 và 33 và với sự tăng cường của Trung Đoàn 66, thể nào Mặt Trận B3 cũng tính đến chuyện phục hận ngoài quyết tâm thực hiện được mục tiêu tấn chiếm Pleiku theo kế hoạch của chiến dịch Đông Xuân 1965-1966.

Tình hình bạn

Sau ngày 27 tháng 10 năm 1965, số tổn thất của các đơn vị bạn là: Biệt Cách Dù, 15 chết, 20 bị thương; LLĐB, 1 chết; DSCĐ, 21 chết, 21 bị thương, 6 mất tích. HK, 12 chết, 8 bị thương; Thiết Kỵ 3, 7 chết, 27 bị thương, 4 mất tích; Tiểu Đoàn 1/42, 32 chết, 72 bị thương, 2 mất tích; Tiểu Đoàn 21 BĐQ, 35 chết, 5 bị thương; Tiểu Đoàn 22 BĐQ, 12 bị thương; Pháo Binh: 4 chết, 2 bị thương, 6 mất tích; Công Binh, 1 bị thương. Tổng cộng: 111 chết, 190 bị thương, 18 mất tích.

Theo thường lệ trong quá khứ, sau khi giải tỏa được một trại tiền đồn bị vây lấn, Quân Đoàn II không có khả năng truy đuổi địch quân, phần vì không đủ quân số, phần vì không đủ phương tiện. Tuy nhiên lần này, nhân cơ hội có sự trợ lực của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, Quân Đoàn II có dịp may hiếm có phối hợp cùng sư đoàn này phát động một cuộc hành quân khai thác truy đuổi địch quân đến tận mật khu Chuprong-Iadrang.

Thiết Kế

Công việc thiết kế cuộc hành quân truy kích tiêu diệt địch được trao cho Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, và Chuẩn Tướng Richard Knowles, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Không Kỵ.

Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 1 Không Kỵ được thiết lập ngay cạnh bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tại Pleiku, san sẻ văn phòng cùng ban cố vấn Quân Đoàn II. Tướng Knowles khắng khít làm việc với Đại Tá Mataxis, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II.

Để cho việc phối hợp giữa hai bộ tư lệnh Việt Mỹ được vận hành cánh trơn tru, Đại Tá Hiếu đã đề ra một phương thức làm việc minh bạch: phối hợp chung về mặt tình báo và yểm trợ, cùng chia sẻ về mặt khái niệm hành quân và kết quả; nhưng riêng rẽ về vùng hành quân, bộ tư lệnh, điều quân, hành động và trừ bị.

Khái Niệm Hành Quân

Việc lùng kiếm và truy kích hai Trung Đoàn 32 (Tiểu Đoàn 334, Tiểu Đoàn 635, Tiểu Đoàn 966) và 33 (Tiểu Đoàn 1, Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 3) không mấy khó khăn đối với Sư Đoàn 1 Không Kỵ với phương tiện trực thăng dồi dào sẵn có trong tay (435 thay vì 101 chiếc so với một sư đoàn bộ binh). Nhưng tiêu diệt một lực lượng địch phân tán mỏng và lẩn trốn trong một khu rừng rậm bát ngát mới là chuyện khó và sẽ đòi hỏi nhiều năm tháng một khi phải khám phá và triệt hủy từng tổ nhỏ địch quân một.

Do vậy, tốt hơn làm sao có thể tấn công tiêu diệt khi các đơn vị địch tập trung lại một chỗ. Điều này có thể thực hiện được vì Bộ Tư Lệnh B3 đã ra lệnh cho các đơn vị bao vây trại và phục kích đoàn quân viện rút lui về điểm xuất phát tại mật khu Chuprong-Iadrang. Ngoài ra, cũng còn phải đợi cho Trung Đoàn 66 hiệp chung lại với hai Trung Đoàn 32 và 33 ngõ hầu ra tay luôn thể một lần.

Tuy nhiên, để có thể tấn công tiêu diệt một lực lượng cấp sư đoàn gồm ba Trung Đoàn 32, 33 và 66, phía ta sẽ phải cần đến một lực lượng gấp ba, tức là với ba sư đoàn thì mới chắc ăn. Nếu vậy thì lấy đâu ra ngần ấy quân Việt lẫn Mỹ trong khi Quân Đoàn II chỉ có thêm Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ ?

Tốt chi bằng dùng tới giải pháp tiêu dịch địch quân với bom trải thảm của phóng pháo cơ B-52.

Do vậy khái niệm hành quân truy kích và tiêu diệt địch được thiết kế với mục đích tiêu diệt ba trung đoàn địch tập trung tại mật khu Chuprong-Iadrang gồm hai giai đoạn như sau:

Giai Đoạn I: Lùa các đơn vị địch quân dồn đống lại sát cạnh nhau. Trọng trách này được giao phó cho Lữ Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ với cuộc hành quân All the Way

Giai Đoạn II: Tiêu diệt địch quân bằng trải thảm bom B-52. Tướng Knowles phối hợp với Bộ Tư Lệnh MACV ở Sài Gòn trong việc xử dụng loại vũ khí có tính các chiến lược này.

Cuộc thả bom được chuẩn bị với một thế nghi binh do Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thực hiện với cuộc hành quân Silver Bayonet I

Quân Đoàn II tận dụng các phương tiện tình báo. Dựa vào các tin tức tình báo cập nhật Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II hoạch định thời khóa biểu khởi phát từng giai đoạn một.

Thực Hiện

Giai Đoạn I: Lùa các đơn vị địch quân

Ngày 27/10, các Toán Bay Đại Bàng thuộc Sư Đoàn Không Kỵ tung vào chiến trường. Từ hoàng hôn tới xế chiều, chúng không ngừng bay trên vùng để tìm kiếm địch. Mọi nghi ngờ về sự hiện diện của địch được kiểm chứng và xử lý, hoặc bằng không kích hay bởi chính các Toán Bay Đại Bàng, hay bởi các lực lượng phản kích. Các chiến thuật này buộc địch di chuyển liên tục, phân tán mỏng để tránh bị phát giác.

Vào cuối ngày, theo tin tình báo, các đơn vị dẫn đầu của Trung Đoàn 33 tụ tập xong tới vùng tập trung tiền phương, làng Kro (ZA080030), trong khi tiểu đoàn bảo vệ đoạn hậu vừa mới đoạn tuyệt giao tranh tại trại DSCĐ Pleime

Ngày 28/10, theo tin tình báo, Trung Đoàn 32 đã tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang, tuy không rõ họ rút lui theo lối ngõ nào từ địa điểm phục kích.

Ngày 29/10, theo tin tình báo, cuộc triệt thoái của Trung Đoàn 33 mau chóng trở thành một cơn ác mộng. Càng ngày càng nhiều trực thăng vũ trang bắt đầu bắn phá các đơn vị của trung đoàn. Các cuộc tấn kích này quá gần sát căn cứ tiền phương khiến vào khoảng trưa cấp lãnh đạo trung đoàn quyết định di chuyển đơn vị về hướng tây, tìm tới mật khu. Lần này trung đoàn nhắm về "nhà" trước cuộc tấn công Pleime. Đó là Làng Anta theo danh xưng Bắc Quân tại YA940010, nằm tại chân rặng núi Chu Prong. Chính tại đây trong đầu tháng 10 mà Trung Đoàn 33 thực hiện thực tập và tập dượt cuộc tấn công vào trại DSCĐ Pleime.

Ngày 30/10, theo tin tình báo, duy trì đơn vị trọn vẹn trở nên rất khó khăn cho nhiều đơn vị của Trung Đoàn 33 vì các trực thăng của Không Kỵ hầu như xuất hiện bất cứ đâu, bắn phá vào các vị trí hóa trang kỹ lưỡng và khiến cho các binh sĩ hoặc tháo chạy hay lộ tỏ các vị trí bằng cách bắn trả các hỏa lực trực thăng. Và một yếu tố nguy hiểm mới được đem ra xử dụng. Các đơn vị bộ binh bắt đầu xung phong đổ bộ từ trực thăng xuống tại các địa điểm cách xa nhau trong khắp cùng vùng xuyên qua đó Trung Đoàn 33 phải đi qua.

Đôi khi các bãi đổ bộ quân cách các đơn vị của trung đoàn địch khá xa để mà địch có thể né tránh giao tranh, nhưng trong các trường hợp khác, các toán không kỵ khám phá các đơn vị tháo lui của địch và khai hỏa, luôn gây cho Bắc Quân thiệt hại nặng nề. Và với mỗi trận đụng độ như vậy, các đơn vị Bắc Quân lại bị phân tán ra thêm.

Trong khi các đơn vị nhỏ gia tăng giao tranh, Không Kỵ bắt được những tù binh Bắc Việt đầu tiên và thêm nhiều tin tức tình báo tốt hơn liên quan đến các lực lượng địch được chuyển giao tới các cấp chỉ huy.

Ngày 31/10, theo tin tình báo, không ngừng sách nhiễu từ trên không và bất thần đổ bộ các toán bộ binh từ trực thăng xuống những địa điểm bất ngờ khắp toàn vùng khiến cho hàng ngũ địch quân bị rối loạn. Các đơn vị tiếp tục tan rã và phân tán thành từng nhóm nhỏ, hay trong vài trường ngay cả thành những chiến binh thất lạc và lạc lõng. Một số trong đám này phải tự lực cánh sinh và không sớm gì cũng rơi vào tay các đơn vị Không Kỵ. Thêm vào đó, Trung Đoàn 33 bị thiếu hụt lương thực và thuốc men vì lẽ nhiều đơn vị không tới được các kho lẫm vì bị các toán không kỵ bất thần truy đuổi.

Ngày 01/11, lúc 0730 giờ, khoảng chừng một trung đội Việt Cộng bị phát hiện tại 10 cây số Tây Nam của Trại Pleime. Một lực lượng phản kích lập tực được Lữ Đoàn 1 thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ tung ra. Chỉ vài phút sau, 20 lính Việt Cộng bị giế́t và 19 bị bắt. Quân lính của ta tiếp tục tìm kiếm và bất chợt khám phá một bệnh viện dã chiến Việt Cộng trang bị đầy đủ với thuốc men và dụng cụ giải phẩu chế tạo tại các nước Cộng Sản. Tất cả các tiếp liệu bắt nguồn từ nước cộng sản còn mới toanh và tổng cộng trị giá 40000 Mỹ kim.

Trong khi việc di tản chiến lợi phẩm bằng trực thăng tiếp diễn, một lực lượng cỡ tiểu đoàn địch âm thầm di chuyển tới các quân lính của ta và mưu toan bao vây các vị trí đóng quân. Cuộc giao tranh đầu tiên giữa các phần tử của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ và Việt Cộng xảy ra và kéo dài năm tiếng đồng hồ cho tới đêm tối. Khi địch cuối cùng ngưng đụng độ và rút lui, họ hứng chịu một cú đấm thoi sơn của "First Team": 99 lính Việt Cộng bị giết (đếm được xác), 44 lính chủ lực Việt Cộng bị bắt cùng với 40 vũ khí tịch thâu. Nhưng có ít nhất hơn 200 lính Việt Cộng khác có lẽ bị giết hay bị thương.

Chiếm đoạt được một trạm cứu thương là một khám phá lớn cho Sư Đoàn Không Kỵ và ngoài cơ hội giúp hủy diệt các lực lượng Việt Cộng, nó cũng cung cấp các tài liệu, đặc biệt một bản đồ vô giá ghi rõ các đường tiếp liệu và tiến quân.

Theo tin tình báo, vào giờ phút này bản doanh trung đoàn đã tới căn cứ tại làng Anta, nhưng khối đông của trung đoàn thì còn bị rải rác dọc giữa đàng từ Pleime đến Chu Prong. Và các đơn vị này tiếp tục bị hỏa lực hỏa tiễn và vũ khí trực thăng bắn phá suốt tuyến đường rút lui. Đồng thời các cuộc tấn công thả bom và bắn rỉa của các phi cơ KLHK nhắm bắn trực tiếp các vị trí của trung đoàn càng ngày càng thêm chính xác nhờ vào hệ thống tìm kiếm các mục tiêu phụ của Sư Đoàn 1 KK bắt đầu được đem ra xử dụng.

Mức độ hết sức chính xác của các cuộc tấn kích khiến cho cấp lãnh đạo trung đoàn bực tức triệu tập một buổi họp nhằm khám phá điều gì đã cho phép các lực lượng Mỹ liên tiếp oanh kích chính xác như vậy. Họ đi đến kết luận là chỉ có thể gián điệp nằm trong hàng ngũ mới có thể cung cấp địa điểm và di chuyển của các đơn vị của trung đoàn.

Ngày 02/11, theo tin tình báo, bây giờ Trung Đoàn 33 nhận được lệnh tiến sâu vào mật khu Chu Prong. Khoảng 0400 giờ ngày 2/11, Ban Chỉ Huy trung đoàn tới Đồi 732 (YA885106). Nhưng tuy đầu đoàn quân tương đối an toàn, thân và đuôi vẫn trải dài trở lui tới trại Pleime, và không ổn tí nào.

Trong khi đó, bản doanh sư đoàn Bắc Quân (Mặt Trận Dã Chiến) đang lên tinh thần khi nhận được tin Trung đoàn cuối cùng trong ba trung đoàn sắp tới Nam Việt Nam và bắt đầu di chuyển vào các vùng tập trung trong vùng Chu Prong-Ia Drang.

Ngày 3/11, lúc 2100 giờ, một cuộc phục kích táo bạo ngay trọng tâm của vùng Chu Prong-Ia Drang giáng xuống Tiểu Đoàn 8 thuộc Trung Đoàn 66 mới vừa xâm nhập: 112 chết (đếm được xác), hơn 200 khác ước tính chết và bị thương và 30 vũ khí tịch thâu.

Theo tin tình báo, Trung Đoàn 33 vẫn đang tìm cách lôi cái đuôi bị thương tích và bầm dập tới mật khu Chu Prong. Nhưng lại thêm một ngày nữa bị khuấy nhiễu trên không và trên bộ, đánh dấu bởi sự mất mát thêm vật liệu y khoa và đạn dược.

Ngày 04/11, một kho cất dấu vũ khí lớn bị khám phá tại 5 cây số Tây của Trại Pleime, gần cạnh sông Ia Meur.

Theo tin tình báo, sau khi thất bại chọc thủng các vị trí Mỹ mạn nam bờ sông Ia Drang, Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 66 đoạn giao tranh và lôi kéo binh sĩ chết và bị thương ra khỏi vùng giao tranh. Sự kiện các lực lượng Mỹ phát giác đơn vị Bắc Quân mới xâm nhập khiến Mặt Trận Dã Chiến tái thẩm định vị trí tác chiến và bắt đầu tìm cách phản công áp lực liên hồi.

Một hành động tức khắc là lệnh cho Trung Đoàn 33 ra khỏi căn cứ tại Đồi 732 là nơi ra vào bất tiện, và đi tới các sườn núi phía tây của Chu Prong gần YA922010 với các tiểu đoàn của trung đoàn khi những tiểu đoàn này tập trung xong thì di chuyển vị trí tời Đồi 732 xuống tới làng Anta (940010) cho tới mạn bắc bờ sông Ia Meur (980000).

Các mảnh vụn của trung đoàn vẫn tìm đường về theo hướng tây, bám theo các lòng suối, và xử dụng mọi ẩn núp để tránh bị phát giác bởi các trực thăng Mỹ luôn hiện diện. Còn có một đơn vị vẫn còn tương đối trọn vẹn -- tiểu đoàn dùng làm hậu vệ. Khởi sự lên đường sau và di chuyển chậm chạp hơn các đơn vị khác, tiểu đoàn vẫn còn ở phía tây của các vị trí Không Kỵ.

Ngày 05/11, không có gì mấy thay đổi trong bức ảnh tình báo trong ngày. Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong và Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ. Trung Đoàn 32 và Mặt Trận Dã chiến, trong khi đó, còn nguyên vẹn và yên lành tại phía bắc Ia Drang và gần bên biên giới Căm Bốt.

Ngày 06/11, Tiểu Đoàn 6, tiểu đoàn bọc hậu của Trung Đoàn 33, gần bị tiêu diệt sau một cuộc giao tranh xảy ra tại phía Bắc của sông Ia Meur: 77 bị giết (đếm được xác), gần 400 khác ước tính bị giết và bị thương.

Tới thời điểm này, Lữ Đoàn 1 của Sư Đoàn 1 Không Kỵ trong thế điều quân trong một vùng có diện tích khoảng 2500 cây số vuông đã giáng những quả búa tạ xuống các đơn vị Việt Cộng đang rút lui, nhưng trong các cuộc đụng độ thực hiện trên, không thấy tăm hơi Trung Đoàn 32. Mặc dù con số tổn thương Việt Cộng lên tới 1500, gồm cả số trong đợt đầu, thêm một trung đoàn - Trung Đoàn 66 - đã được đưa thêm vào thế trận đánh.

Rất có thể là các phần tử của Trung Đoàn 32 đã chuồn mất về hướng đông.

Ngày 07/11, theo tin tình báo, trong mật khu Chu Prong, Trung Đoàn 33 thưa thớt liếm vết thương và đợi cho các binh sĩ lê gót trở về căn cứ. Số lực lượng còn lại của Mặt Trận Dã chiến yên ắng.

Trong vùng giao tranh, mức sinh hoạt thuyên giả. Một chiến binh Bắc Quân đầu thú với một thẻ truyền đơn thông hành.

Ngày 08/11, theo tin tình báo, chỉ những đơn vị phân tán và các binh sĩ chậm bước ở phía đông hậu cứ Chu Prong-Ia Drang trong khi Trung Đoàn 33 kiểm điểm mất mát.

Tình báo, vào thời điểm này vẫn chưa chắc toàn bộ Trung Đoàn 33 đã rút lui qua phía tây. Một tù binh bắt được tại Pleime khai quả quyết là sau trận đánh đơn vị anh ta phải lội bộ hai đêm theo hướng nam và đông. Thêm nữa, có nhiều dấu chỉ cho thấy các đơn vị thuộc Trung Đoàn 32 rất có thể đã thoát thân về phía đông sau cuộc phục kích.

Ngày 09/11, theo tin tìn báo, Trung Đoàn 33 thu thập các đơn vị cơ hữu cuối cùng của mình và bắt đầu đếm đầu người. Nhiều binh sĩ khiếm diện.

Tại bản doanh Mặt Trận Dã Chiến phía bắc Ia Drang, ngày hôm nay là ngày kiểm điểm phân tích.

Giai Đoạn II: Tiêu diệt địch quân

Ngày 9/11, hướng di chuyển và xoay chuyển trọng tâm của các cuộc hành quân từ tây sang đông bắt đầu trong thế nghi binh chuẩn bị cho cuộc tấn công vào đội hình địch trong mật khu Chuprong-Iadrang.

Ngày 10/11, Lữ Đoàn 3 Mỹ thay thế Lữ Đoàn 1 Mỹ.

Theo tin tình báo, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Dã Chiến, sau khi thẩm định tình hình, đã đi tới một quyết định. Với các đơn vị Mỹ coi bộ rút lui về phía đông Pleime, quyết định là cố gắng lấy lại thế thượng phong với một cuộc tấn công. Lần này cũng lại là trại DSCĐ Pleime. Bộ tư lệnh sư đoànVC ấn định ngày tấn công là ngày 16 tháng 11, và ra chỉ thị cho ba trung đoàn của sư đoàn.

Trung Đoàn 32, lẽ đương nhiên, vẫn còn là một lực lượng chiến đấu chặt chẽ, mặc dù hứng chịu tổn thất trong cuộc phục kích Lực Lượng Đặc Nhiệm Thiết Kỵ QLVNCH trên đường lộ tới Pleime.

Trung Đoàn 33, bị tổn thất nặng nề trong cuộc tấn công và sau đó rút lui khỏi Pleime, nhưng vẫn bị sung vào trận một lần nữa. Trong viễn tượng can dự vào chiến trận tương lai, cấp chỉ huy Trung Đoàn 33 bắt đầu tái tổ chức các tiểu đoàn bị hao mòn thành một đơn vị chiến đấu hỗn tạp.

Tuy nhiên, ngọn giáo sắc bén cho cuộc tấn công lần này là Trung Đoàn 66 mới xâm nhập, sung sức từ Bắc Việt và háo hức xông vào chiến trận. Trung Đoàn sẽ là nỗ lực chính trong cuộc tấn công lần thứ hai vào trại Pleime của ba trung đoàn.

Ngày 11/11, vị trí ba tiểu đoàn 7, 8 và 9 của Trung Đoàn 66 trải dọc mạn bắc bờ sông Ia Drang (trung tâm khối tại 9104).

Trung Đoàn 33 vẫn ở các vị trí quanh Làng Anta (YA940010)

Trung Đoàn 32 vẫn ở phía bắc sông Ia Drang (YA820070)

Để tăng sức quả đấm cho cuộc tấn công, Mặt Trận Dã Chiến cũng quyết định sung vào một tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14.5 ly. Hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính tới kịp thời cho cuộc tấn công. Năm ngày kế tiếp sẽ là những ngày chuẩn bị và di chuyển quân cho cuộc tấn công.

Theo lời tuyên bố của một sĩ quan chính trị viên hàng binh, mục tiêu chính của cuộc tấn công mới là hủy diệt trại.

Ngày 12/11, theo tin tình báo, các đơn vị thuộc Mặt Trận Dã Chiến tiếp tục chuẩn bị và tập dượt cho cuộc tấn công dự tính trại Pleime.

Ngày 13/11, theo tin tìn báo, các lực lượng của Mặt Trận Dã Chiến bắt đầu tụ tập trong vùng Chu Prong-Ia Drang để chuẩn bị di chuyển tới Pleime và tấn công dự tính ngày 16/11. Một vài đơn vị trinh sát và vận chuyển đã lên đường.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, nhận định là nên đưa đơn vị không kỵ làm nút chận vào Chu Prong trước khi hai tiểu đoàn súng phòng không và bích kích pháo có mặt tại chiến trường ngõ hầu tránh các trực thăng đổ quân bị súng phòng không đặt từ các sườn núi bắn hạ và các bộ binh bị đánh vùi rập trước khi lính địch quân xung phong. Ngày ấn định cho việc đổ quân này là ngày mai, 14 tháng 11.

Ngày 14/11, vào trưa, các trực thăng đổ quân và pháo binh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ tới ngay cửa ngõ của rặng núi Chu Prông. Thay vì phát động một cuộc tiến công vào Pleime, Mặt Trận B3 buộc phải tranh đấu để bảo vệ hậu cứ của mình. Bãi đổ bộ mang tên LZ X-ray khoảng 25 cây số từ Trại Pleime, tại phía đông chân núi của rặng Chu Prông. Địa thế bằng phẳng và gồm các bụi cây cao tới 100 foot, cỏ voi cao từ một đến năm foot và các gò đống khác cùng khu vực cao tới tám foot với bụi rậm và cỏ voi trên và xung quanh chúng. Dọc theo cạnh phía tây của bãi đổ bộ, các cây cối và cỏ dại thật là dày đặc và tiếp nối vào trong rừng già trên các chân đồi núi.

Sau 20 phút pháo binh bắn phá chuẩn bị, và 30 giây hỏa lực không quân, cuộc đổ bộ của tiểu đoàn 1/7 Không Kỵ bắt đầu. Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Tá Harold G. Moore, thân chính cùng đại đội xung kích - Đại Đội B - đổ bộ đúng 1048 giờ ngày 14 tháng 11 năm 1965.

Trong khi các trực thăng bay trở lại Pleime bốc đại đội A, đại đội trưởng đại đội B lo thiết lập an ninh của bãi đáp bằng cách ra lệnh một trung đội phái một tiểu đội của mình vào các khu vực khác nhau, 52 tới 100 thước ngoài bãi đổ quân để dò thám. Vào khoảng 1120 giờ một tù binh bị bắt. Tên này khai là chỉ ăn chuối thay cơm trong năm ngày qua và có ba tiểu đoàn Việt Cộng trên núi.

Lúc 1210 giờ, một số lượng phần tử của đại đội A đổ bộ xuống đủ, phận vụ lo an ninh được giao cho đại đội này và đại đội B được lệnh lùng kiếm phần dưới của khu vực núi đặc biệt nhắm vào ngón tay đưa xuống bãi đáp X-ray.

Khoảng 1245 giờ, các phần tử tiên phong của đại đội B bắt đầu giao tranh trong một cuộc đọ súng với tầm mức tương đối nhẹ. Không bao lâu sau, vào khoảng 1330 giờ, đại đội trưởng báo cáo là anh ta bị ít nhất hai đại đội địch tấn công và trung đội 2B1/7 bên cánh phải sắp có thể bị bao vây và cắt đoạn khỏi phần còn lại của đại đội bởi một lực lượng đông đảo hơn. Cuộc đọ súng gia tăng cường độ. Đồng thời một ít hỏa lực pháo cối 60 và 81 ly bắt đầu rót xuống bãi đáp và vào đại đội B.

Không bao lâu sau khi cuộc giao tranh bắt đầu, trung đội cuối cùng của đại đội A và các phần tử tiên phong của đại đội C đổ bộ xuống. Đại đội A liền được lệnh di chuyển sang bên cánh trái của đại đội B, để thiết lập tiếp cận với đại đội này, để bảo vệ cạnh sườn trái và để phái một trung đội đi tiếp cứu đại đội B bằng cách tới trung đội đang bị nguy khốn. Đại đội C được lệnh chiếm một vị trí ngăn chận bên ngoài bãi đáp về phía nam và tây nam để tránh cho bãi đáp bị tràn ngập về hướng đó và để bảo vệ cạnh sườn trái của đại đội A. Hỏa lực không kích và pháo kích được lệnh bắn phá vào phần ven biên của chân núi và tiến dần lên núi và trên đường tiến quân của địch tới bãi đáp từ hướng tây và nam. Nhưng địa thế không có nét rõ ràng làm tiêu chuẩn và các bụi rậm và cây cối đều trông giống nhau. Không khí bị khói và bụi vẩn đục. Vì trung đội 2B1/7 bị tách rời khỏi ở phía trước của hai đại đội A và B khiến cho hỏa lực yểm trợ cho hai đại đội này bị chậm trễ. Tuy nhiên, bằng cách dùng kỹ thuật "diù dắt" hỏa lực xuống núi từ hướng nam và tây, hỏa lực được đặt tại những nơi tạo một ít nâng đỡ cho hai đại đội này. Mặc dù cố gắng hết sức, đại đội B tăng phái chỉ có thể tiến tới cách trung đội bị cô lập khoảng 75 thước và không tiến lớn hơn được.

Đồng thời, đại đội A trừ cũng đụng độ nặng với một lực lượng lớn của ít nhất một đại đội địch đang tiến tới dọc theo một khe suối khô nước song song với ven phía tây của bãi đáp. Ngay lập tức một cuộc cḥạm súng mãnh liệt phát nổ. Đại đội A bị tổn thất nhẹ và gây thiệt hại nặng cho địch. Một tiểu đội ở vào một vị trí cho phép nhả hỏa lực vào cạnh sườn của một toán từ 50 đến 70 lính Việt Cộng trong khi họ di chuyển ngang qua phía trước mặt.

Ngay khi cuộc giao tranh với đại đội A bùng nổ, các phần tử cuối cùng của đại đội C và các phần tử tiên phong của đại đội D đổ bộ xuống. Đại đội trưởng đại đội C ra lệnh cho các đơn vị vào vị trí dọc theo các phần tử khác đả đỗ bộ năm phút trước, một lực lượng gồm 175-200 địch quân tiến tới bải đáp và đâm đầu thẳng vào đại đội C. Địch quân bị chận đứng và nhiều quân sĩ bị giết trên đường xông tới chiếm cứ bãi đáp. Cuộc giao tranh kéo dài khoảng một tiếng rưỡi cho đến khi địch bị bấn loạn và hao mòn buộc phải tháo lui dưới không kích và pháo kịch, lôi theo nhiều xác chết và quân sĩ bị thương.

Lúc 1500 giờ, trong khi số còn lại của các phần tử tác chiến thuộc tiểu đoàn cuối cùng đổ bộ xuống, và hỏa lực địch thuyên giảm dưới sức phản công của hai đại đội C và D, tiểu đoàn trưởng có thể nhanh chóng ra lệnh cần thiết để tái phối trí quân ngũ. Sau đó, hai cuộc tấn công được phát động để tiến tới trung đội 2B1/7 đang vị bao vây. Nhưng vấp phải một lực lượng địch đông đảo hơn đang từ các vị trí che kín tìm cách cắt đoạn các lực lượng tấn kích. Khoảng 1740 giờ, Trung Tá Moore quyết định kéo hai đại đội A và B trở lui lại ven bãi đáp dưới hỏa lực yểm trợ bao che và thiết lập một chu vi phòng thủ qua đêm. Tiểu đoàn vẫn còn duy trì liên lạc tốt với các trung đội xung quanh và được bao che bởi một vòng đai pháo kích bắn tiếp cận bảo vệ. Khoảng 1800 giờ, đại đội B thuộc tiểu đoàn 2/7 đổ bộ để tăng cường cho 1/7.

Ngày 15/11, Vì bị tổn thất nặng vào buổi chiều, địch chỉ đánh dạm nhẹ xung quanh chu vi phòng thủ vào ban đêm. Còn trung đội bị cô lập hóa thì bị ba đợt tấn công riêng rẽ nhưng nhờ vào hỏa lực pháo kích tiếp cận liên tục, khi trời sáng, nhiều xác địch nằm ngổn ngang xung quanh trung đội.

Nhưng khi mặt trời vừa ló dạng, địch tái xuất hiện và đồng loạt tấn công từ ba phía: từ phía nam, tây nam và đông nam. Vào khoảng 0730 giờ, địch đã di chuyển gần tới chu vi các hố chiến đấu mặc dù bị pháo binh, bích kích pháo và không kích tiếp cận gây tổn thất nặng nề. Có nhiều cuộc đánh xáp lá cà xảy ra. Lúc 0755 giờ, tất cả các vị trí của trung đội được lệnh tung ra lựu đạn khói màu để xác định vị trí cho các quan sát viên trên trời vòng đai của chu vi phòng thủ và tất cả các hỏa lực yểm trợ tiến hết sức gần, vì hỏa lực của địch dày đặc khiến cho mọi di chuyển tới hay nội trong khu vực phòng thủ gây nên tổn thất cho quân lính của ta. Một số pháo kích của ta rơi vào bên trong chu vi phòng thủ và hai quả bom napalm thả vào khu vực của đơn vị chỉ huy.

Vào khoảng 0910 giờ, đại đội A thuộc tiểu đoàn 2/7 đổ bộ xuống tăng cường. Khoảng 1011 giờ, cuộc tấn công của địch bị đẩy lui, xác địch, tứ chi địch, vũ khí và quân cụ nằm ngổn ngang đầy ven bờ và phía trước chu vi phòng thủ. Có dấu chỉ cho thấy xác địch và thương binh địch được lôi kéo ra khỏi khu vực giao tranh.

Việc giải tỏa trung đội bị cô lập xảy ra vào buổi chiều và do tiểu đoàn 2/5 phái đi bởi Lữ Đoàn 3 thực hiện; đơn vị này đi bộ từ bãi đáp Victor, và tiến sát tới bãi đáp X-ray lúc 1205 giờ. Địch chỉ kháng cự nhẹ và trung đội ̣được giải cứu lúc 1510 giờ. Đơn vị vẫn còn đạn dược, tình thần còn tốt và chỉ bị 8 chết và 12 bị thương.

Chiều ngày 15 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 tham gia vào trận đánh với 18 phi vụ oanh tại rặng núi Chu Prông, phía tây bắc LZ Xray, nơi hai Trung Đoàn 32 và 33 đang còn tập trung chuẩn bị lên đường hướng về trại Pleime lần thứ hai.

Ngày 16 tháng 11 năm 1965

Đêm trải qua yên tĩnh đến 0400 giờ khi một lực lượng gồm 250-300 địch quân tấn công từ phía đông nam. Máy bay thả trái sáng được kêu đến và tiếp tục cho tới 0545 giờ. Cuộc tấn công bị dập tắt bởi hỏa lực của vũ khí nhẹ và pháo binh. Lúc 0432 giờ, một cuộc tấn công khác bởi 200 địch quân đến từ cùng hướng nhưng pháo binh gây cho tổn thất nặng nề. Khoảng 0500 giờ, sức nặng của cuộc tấn công địch chuyển nhiều hơn qua phía tây nam nhưng bị dập tắt nửa giờ sau. Lúc 0627, một cuộc tấn công khác nhắm thẳng vào bộ chỉ huy. Lúc 0641 giờ, địch bị đánh đuổi và lôi kéo xác chết theo dưới hỏa lực.

Một công cuộc tìm và càn quét được thực hiện lúc 0810 giờ bởi tất cả các đơn vị trong phạm vi phòng thủ. Xác chết địch nằm la liệt khắp cùng khu vực và thu lượm được vô số vũ khí

Toàn bộ trận đánh kéo dài liên tục trong 48 tiếng đồng hồ và đic̣h ṭổn thất tại X-ray gần một phần ba tổng số mất mát trong suốt tất cả ba đợt:

- Chết trận (đếm được xác): 834

- Chết trận (ước tính): 1215

- Bị bắt: 6

- Vũ khí bị tịch thu: 141

- Vũ khí bị phá hủy: 100

Còn tiểu đoàn 1/7 thì 79 quân sĩ bị giết và 125 bị thương.

Tiểu đoàn 1/7 rời khỏi LZ X-ray vào lúc 1040 giờ ngày 16 tháng 11 và được thay thế bởi tiểu đoàn 2/7 và tiểu đoàn 2/5.

Trong ngày hôm nay, 16 tháng 11, hai Trung Đoàn 32 và 33 tiếp tục bị bom B-52 làm thịt ở phía tây bắc LZ Xray trong 20 phi vụ. Từng khu vực một, mỗi khu 20 dậm vuông - tuần tự trải qua một cơn động đất từ Tây sang Đông. Các công sự và hầm hố trước nay từng chống cản các vụ đánh phá của phi cơ tác chiến và pháo binh bắt đầu bị các trái bom 750 cân anh trực tiếp đánh rập. Lớp cây lá rừng rậm không còn hữu hiệu cho công việc ẩn núp lẫn bao che.

Ngày 17/11, hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ được lệnh rút ra khỏi LZ Xray; 2/5 đi về hướng tây bắc tới LZ Columbus và 2/7 đi về hướng bắc tới LZ Albany. Việc di chuyển cũng dựa trên ước tính là địch đã rút lui về hướng đó. Vào buổi chiều ngày hôm trước, một trực thăng đã bị bắn rớt trên vùng đó, sự di chuyển của địch cũng nhắm tấn công vị trí pháo binh nằm phía đông bãi đáp Xray, đã từng yểm trợ hữu hiệu cho tiểu đoàn 1/7 trong hai ngày chót.

Ngay sau khi hai tiểu đoàn này tránh ra xa khoảng an toàn 3 cây số, tức thì bom B-52 được trút xuống ngay tại LZ Xray tiêu diệt các toán quân địch của Trung Đoàn 66 còn trì hoãn tại bãi đắp.

Trong khi đó, Tiểu Đoàn 2/7 rơi vào một ổ phục kích Việt Cộng thiết lập bởi một đơn vị địch cỡ tiểu đoàn, khi tiểu đoàn gần tới các mục tiêu. Nhưng một lần nữa, Việt Cộng lại trở thành những mục tiêu cho không kích và pháo kích: chết trận (đếm được xác): 403; chết trận (ước tính): 100; vũ khí bị tịch thu: 112.

Tin tình báo ước tính số lính địch chết do bởi bom B-52 trong ba ngày khoảng trên dưới 2.000 người.

Giai đoạn III: Triệt tiêu địch quân sống sót.

Ước tính tình báo về khả năng địch, thực hiện vào ngày 17 tháng 11 chỉ cho thấy là gần 2/3 lực lượng của họ bị tiêu hao trong những trận giao tranh ở Đợt I và Đợt II.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nghĩ là đến lúc tung lực lượng trừ bị vào để chấm dứt trận chiến đã kéo dài khoảng một tháng và quyết định nới rộng cuộc hành quân với giai đoạn III. Ngoài bị tổn thất nặng nề, địch buộc phải sa vào bẫy các lực lượng của ta giăng ra và xô đẩy vào các lộ trình rút lui mà chúng ta dự kiến.

Lần này nỗ lực chính được thực hiện bởi Lữ Đoàn Dù QLVNCH với sứ mạng triệt hủy các đơn vị Việt Cộng đào tẩu và tất cả các cơ sở xung quanh thung lũng Ia Drang. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ trước nay gánh chịu tấn công sẽ tiếp tục tạo áp lực từ Đông sang Tây với Lữ Đoàn 2 Không Kỵ và cung ứng pháo yểm cho Lữ Đoàn Dù từ căn cứ pháo binh đặt tại LZ Crooks.

Cuộc hành quân mang tên "Thần Phong 7" khởi động chiều ngày 18 tháng 11 khi lữ đoàn đươc trực thăng vận tới vùng hành quân, ngay sau khi tới Pleiku.

Ngày 18/11, từ 1500G đến 1800G, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 1 cùng với Tiểu Đoàn 3, 5 và 6 được trực thăng vận đến thung lũng Ia Drang. Từ địa điểm tập trung này, Tiểu Đoàn 3 tiến bước về hướng Tây; không mấy chốc, tiểu đoàn này bị một tiểu đoàn địch âm thầm bám sát theo. Trong khi đó, Tiểu Đoàn 6 cũng được phái đi về hướng tây, song song với đường đạo của Tiểu Đoàn 3, nhưng xuống về hướng nam một tí.

Trong ngày, B-52 tiếp tục thả bom trải thảm khu vực Chu Prong.

Ngày 19/11, vào lúc 1100G, Tiểu Đoàn 3 được lệnh bắt nối với Tiểu Đoàn 6.

Trong ngày, B-52 tiếp tục thả bom trải thảm khu vực Chu Prong.

Ngày 20/11, vào lúc 1440G, Tiểu Đoàn 3 và 6 thành công phục kích tiểu đoàn địch quân tại địa điểm hai Tiểu Đoàn 3 và 6 kết tụ lại. Gần 200 Việt Cộng bị giết trong cuộc giao tranh này.

Cùng ngày, vào lúc 1745G, Tiểu Đoàn 8 được thả vào Thung Lũng Ia Drang.

Trong ngày, B-52 tiếp tục thả bom trải thảm khu vực Chu Prong. Tổng cộng trong 5 ngày, từ ngày 16, B-52 thực hiện 96 phi vụ thả bom trải thảm.

Ngày 22/11, vào lúc 1100G, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 7 được thả xuống cùng địa điểm.

Cùng ngày, vào lúc 1330G, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 1, Tiểu Đoàn 3, 5 và 6 giao kết với các đơn vị mới tới. Từ địa điểm tập trung này, các đơn vị leo núi nhắng lên đỉnh núi.

Ngày 23/11, vào lúc 1115G, các tiểu đoàn lên đến đỉnh núi đóng quân.

Ngày 24/11, tiểu Đoàn 3 được phái về phía trái và đụng độ địch quân vào lúc 0845G; Tiểu Đoàn 5 được phái về phía phải và đụng độ địch quân vào lúc 1050G. Tiểu Đoàn 7 và 8 xông xuống núi và địch quân bị đóng hộp với lưng áp vào sông Ia Drang.

Ngày 24 tháng 11, vì không còn đụng độ với địch, Lữ Đoàn Dù rút ra khỏi vùng hành quân, chấm dứt đợt ba của Trận Pleime với 265 Việt Cộng chết (đếm xác), 10 bị bắt và 58 vũ khí tịch thâu. Ngoài ra, trong khi lùng kiếm các cơ sở địch trong vùng hành quân, Lữ Đoàn Dù phá hủy 3 trung tâm huấn luyện, một kho dấu quân cụ và 75 mái nhà.

Kết Luận

Chiến dịch Pleime với ba trận đánh chính tại Pleime, Chu Prong và Ia Drang là một cuộc đọ sức lớn lao cho cả ba quân đội, QLVNCH, QĐND và QĐHK với mọi phía tung vào các lực lượng cấp trung đoàn và sư đoàn và dưới sự điều động của các bộ tư lệnh cấp sư đoàn (Quân Đoàn II, Sư Đoàn 1 Không Kỵ và Mặt Trận B3). Phía Việt Cộng hứng chịu tổn thất nặng nề nhất với khoảng 6 ngàn chiến binh hy sinh, trong khi phía Mỹ chết khoảng 350 lính và phía VNCH chết khoảng 250 binh sĩ.

So với mặt trận Điện Biên Phủ, mặt trận Pleime đem lại nhiều hứng thú về mặt quân sự hơn. Một đàng chỉ có duy nhất một chiến thuật vây lấn và phòng thủ được đem ra xử dụng tại một địa điểm cố định trong một lòng chảo bao quanh bởi đồi núi; một đàng tạo điều kiện đem ra xử dụng nhiều chiến thuật: bao bọc, chống phục kích, giải tỏa, truy đuổi, phục kích, khai thác, tấn công và tiêu diệt luân lưu di động trong phạm vị trải rộng từ trại Pleime đến mật khu Chuprong-Iadrang với một diện tích có chiều kích 40 cây số x 50 cây số.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, với sự tăng phái của Sư Đoàn 1 Không Kỵ đã nắm phần thắng trong trận chiến Pleime-Chuprong-Iadrang nhờ vào một guồng máy tình báo tinh vi bao gồm các đài kiểm báo nghe ngóng làn sóng truyền tin giữa các bản doanh chỉ huy Bộ Tư Lệnh B3 và các trung đoàn, các lời khai của các tù binh và hàng binh, các tài liệu tịch thu tại trạm xá Trung Đoàn 33 (tiêu lệnh hành quân, bản đồ ghi các trạm tiếp liệu, các đường mòn chuyển quân, v.v), các báo cáo của các toán trinh sát biệt cách dù len lỏi trong lòng địch.

Một điểm đặc biệt liên quan đến các bản truyền tin (báo cáo, thông tin, vv.) qua lại bằng tiếng Quan Thoại giữa các cố vấn Tàu cấp trung đoàn (hàng binh khai là mỗi Trung Đoàn 32, 33 và 66 đều có một cố vấn Tàu), cấp sư đoàn tại bản doanh Mặt Trận B3, và Ban Tham Mưu Trung Ương Tàu nằm bên lãnh thổ Căm Bốt, hoặc tại trung tâm tiếp vận Stung Streng, phi trường Bu Kheo ngay cuối QL 19 nối dài, hay tại Phnom Penh. Các cố vấn Tàu hoặc ỷ y, hoặc sơ ý ngang nhiên thảo luận với nhau bằng bạch thoại, ngỡ là phía đối phương không sẵn có kiểm báo viên biết tiếng Quan Thoại. Họ đâu ngờ Đại Tá Hiếu, tham mưu Trưởng Quân Đoàn II, sinh trưởng bên Tàu, tại Thiên Tân và Thượng Hải, đến năm 20 tuổi mới về Việt Nam! Nhờ vậy mà Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II biết rõ từng đường đi nước bước của các đơn vị địch quân, khiến cho cấp cán bộ trung đoàn họp bàn kiểm thảo và đi đến kết luận là phải có gián điệp nằm trong hàng ngũ họ.

Nhờ vào các nguồn tin tình báo, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã chấm điểm cách chính xác các vị trí di động của các bản doanh trung đoàn trong suốt giai đoạn II lùa địch quân (ngày 27/10, Trung Đoàn 33 đến làng Kro; ngày 28/10, Trung Đoàn 32 tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang; ngày 29/10, Trung Đoàn 33 nhắm đi tới làng Anta tại YA940010, nằm tại chân rặng núi Chu Prong; ngày 1/11, bản doanh trung đoàn đã tới căn cứ tại làng Anta; ngày 2/11, khoảng 0400 giờ Ban Chỉ Huy trung đoàn 33 tới Đồi 732 (YA885106); cũng trong ngày 2/11, Bộ Tư Lệnh B3 nhận được tin Trung đoàn 66 bắt đầu di chuyển vào các vùng tập trung trong vùng Chu Prong-Ia Drang; ngày 4/11, Trung Đoàn 33 được lệnh ra khỏi căn cứ tại Đồi 732 là nơi ra vào bất tiện, và đi tới các sườn núi phía tây của Chu Prong gần YA922010 với các tiểu đoàn của trung đoàn khi những tiểu đoàn này tập trung xong thì di chuyển vị trí tời Đồi 732 xuống tới làng Anta (940010) cho tới mạn bắc bờ sông Ia Meur (980000); ngày 05/11, Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong và Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ, Trung Đoàn 32 và Bộ Tư Lệnh B3, trong khi đó, án binh tại phía bắc Ia Drang và gần bên biên giới Căm Bốt; ngày 08/11 Trung Đoàn 33 thu thập xong các đơn vị cơ hữu cuối cùng và bắt đầu đếm đầu người, trong khi đó, tại bản doanh Bộ Tư Lệnh B3 phía bắc Ia Drang, ngày hôm nay là ngày kiểm điểm phân tích; ngày 11/11, vị trí ba tiểu đoàn 7, 8 và 9 của Trung Đoàn 66 trải dọc mạn bắc bờ sông Ia Drang (trung tâm khối tại 9104), Trung Đoàn 33 vẫn ở các vị trí quanh Làng Anta (YA940010), Trung Đoàn 32 vẫn ở phía bắc sông Ia Drang (YA820070) và Bộ Tư Lệnh trù tính tấn công trại Pleime lần thứ hai vào ngày 16/11; ngày 12/11, các đơn vị tiếp tục chuẩn bị và tập dượt cho cuộc tấn công dự tính trại Pleime; ngày 13/11, các lực lượng bắt đầu tụ tập trong vùng Chu Prong-Ia Drang để chuẩn bị di chuyển tới Pleime và tấn công dự tính ngày 16/11, một vài đơn vị trinh sát và vận chuyển đã lên đường).

Ngoài ra, nhờ vào các tin tình báo chính xác, ngày 17 tháng 11 năm 1965, Bộ Tư Lệnh ước tính được là vào thời điểm này địch quân đã thiệt hại đến 2/3 lực lượng, nghĩa là còn sốt sót khoảng 3 tiểu đoàn, và đi đến kết luận có thể tung vào Lữ Đoàn Dù gồm 5 tiểu đoàn vào mật khu Chuprong-Iadrang để có thể thanh toán nốt tàn quân địch. Quả thật, Lữ Đoàn Dù chỉ gặp hai Tiểu Đoàn 635 và 334.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II phỗng tay trên Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 vì đã chẩn đoán chính xác các chiến thuật địch đem ra áp dụng và đã khéo léo hóa giải các chiến thuật đó. Đối với chiến thuật Nhất Điểm Lưỡng Diện nhắm đánh chiếm thành phố Pleiku với hai thế nghi binh, một chính tại Pleime và hai phụ tại Hoài Ân nhằm phân tán lực lượng, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II phân phối lực lượng cân xứng đầy đủ khả dĩ đánh bại và chận đứng địch tại cả ba mặt trận. Đối với chiến thuật đánh điểm diệt viện, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nhận định được đâu là điểm và đâu là diện để phản công cách thích ứng; đồng thời đã dành một bất ngờ cho địch quân là đem được đội pháo bằng trực thăng khổng lồ đến gần địa điểm phục kích để có thể xử dụng thế tiền pháo hậu xe. Ngoài ra, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cũng đoán được địch quân lần này không dùng chiến thuật phục kích tĩnh động như từ trước tới giờ, mà dùng chiến thuật phục kích vận động chiến, để tránh các quân phục kích bị oanh tạc trước khi đoàn quân tiếp viện xuất hiện và đã dùng thế hoãn binh để lừa địch tới địa điểm phục kích trước đoàn quân tiếp viện. Đối với chiến thuật nắm thắt lưng địch mà đánh, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã cho B-52 đánh vùi rập địch quân khi các đơn vị bạn cách xa các nơi thả bom trên 3 cây số.

Ngược lại, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 thua kém Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II vì liên tục bị mắc lừa bởi các thế nghi binh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II giăng ra. Ngoài thế nghi binh chống phục kích vận động chiến nêu trên, còn phải kể thêm thế nghi binh chuyển hướng hành quân từ tây sang đông của Lữ Đoàn 3 Không Kỵ như thể đánh mất tung tích địch, thế nghi binh dùng Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ xung kích nhảy xuống LZ Xray giả vờ tấn công phía đông nam, để rồi tấn công thật sự bằng trải thảm bom B52 phía tây bắc. Ngoài ra, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã chọn ngày 14//11 để tung Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ vào Chu Prong khi địch quân không có tiểu đoàn súng phòng không để triệt hạ các trực thăng đổ quân và tiểu đoàn bích kích pháo để yểm trợ cho bộ binh khiến cho các cuộc xung phong phản công bị suy yếu và khiến cán bộ buộc phải chịu thí quân mà dùng đến chiến thuật biển người.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II thường xuyên làm chủ chiến trường vì nắm ưu thế phương tiện di động. Bộ Tư Lệnh B3 cần đến 3 tháng để chuyển quân từ ngoài Bắc vào đến chiến trường Pleime, khiến cho Trung Đoàn 66 không có mặt khi cuộc tấn công trại Pleime được khởi động, và khiến cho bộ binh không được hai tiểu đoàn súng phòng không và bích kích pháo yểm trợ khi Lữ Đoàn 3 Không Kỵ khởi động tấn công vào Chu Prong. Trong khi đó, nhờ vào số lượng dồi dào về mặt trực thăng, về phía Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II , “việc di chuyển của 3000 quân lính trên một khoảng cách 160 cây số chỉ cần có 59 phút” ( Why Pleime, chương V), và việc nhanh chóng thiết lập các căn cứ hỏa pháo yểm trợ mọi cuộc hành quân tại bất cứ đâu.

Khái niệm dùng phóng pháo cơ B-52 làm nỗ lực chính và lính bộ binh không kỵ làm nỗ lực phụ – nghĩa là đơn vị bộ chiến yểm trợ cho đơn vị không chiến - là một nét son hết sức độc đáo không mấy ai nghĩ tới; chẳng vậy mà ngay cả Tướng Kinnard cũng lầm khi ông nhận định trong bản báo cáo Chiến Dịch Pleiku, trang 93, ngày 17/11:

Lần đầu tiên trong cuộc xung đột tại Việt Nam, oanh tạc Không Lực Chiến Thuật được đem ra xử dụng để trực tiếp yểm trợ cho cuộc điều quân bộ chiến. Các cuộc oanh tạc trong hai ngày qua có tính cách yểm trợ, nhưng ngày hôm nay, các lực lượng bộ chiến sẽ di chuyển để nhường chỗ cho cuộc oanh tạc sắp xảy đến.

Nhận xét sai lầm này của Tướng Kinnard chứng tỏ cho thấy là khái niệm hành quân phản công Pleime vào Chuprong-Iadrang phát xuất từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II chứ không từ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ.

Nguyễn Văn Tín
(căn cứ vào Why Pleime của Đại Tá Hiếu và Pleiku Campaign của Tướng Kinnard)
Ngày 20 Tháng 06 Năm 2011

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu