Chương VI
Đợt 3
Hành Quân Thần Phong 7
Từ 18 đến 26 Tháng 11 Năm 1965
Đòn Đánh Kết Liễu Tại Ia Drang

"Cho Chúng Tiêu Tùng Luôn"

Trong năm ngày liên tiếp, từ 15 đến 19 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã bay tổng cộng 96 phi vụ. Từng khu vực một, các khu vực của rặng núi Chu Prông - mỗi khu 20 dậm vuông - tuần tự trải qua một cơn động đất từ Tây sang Đông. Các công sự và hầm hố trước nay từng chống cản các vụ đánh phá của phi cơ tác chiến và pháo binh bắt đầu bị các trái bom 750 cân anh trực tiếp đánh rập. Lớp cây lá rừng rậm không còn hữu hiệu cho công việc ẩn núp lẫn bao che. "Cửa hậu" vào Căm Bốt bị đóng lại và để trốn thoát, tàn quân Việt Cộng chỉ còn lại thung lũng eo hẹp của Ia Drang.

Ước tính tình báo về khả năng địch, thực hiện vào ngày 17 tháng 11 chỉ cho thấy là gần 2/3 lực lượng của họ bị tiêu hao trong những trận giao tranh ở Đợt I và Đợt II.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nghĩ là đến lúc tung lực lượng trừ bị vào để chấm dứt trận chiến đã kéo dài khoảng một tháng. Ngoài bị tổn thất nặng nề, địch buộc phải sa vào bẫy các lực lượng của ta giăng ra và xô đẩy vào các lộ trình rút lui mà chúng ta dự kiến.

Lần này nỗ lực chính được thực hiện bởi Lữ Đoàn Dù QLVNCH với sứ mạng triệt hủy các đơn vị Việt Cộng đào tẩu và tất cả các cơ sở xung quanh thung lũng Ia Drang. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ trước nay gánh chịu tấn công sẽ tiếp tục tạo áp lực từ Đông sang Tây và cung ứng pháo yểm cho Lữ Đoàn Dù.

Cuộc hành quân mang tên "Thần Phong 7" khởi động chiều ngày 18 tháng 11 khi lữ đoàn đươc trực thăng vận tới vùng hành quân, ngay sau khi tới Pleiku.

Tôi xin lấy cơ hội này để tuyên dương thành quả vượt bực của Phi Đội C130 của Phi Đoàn 7 KQHK đã vận chuyển trong vài tiếng đồng hồ các đơn vị sau đây:

- Ban Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù,

- Ban Chỉ Huy các Chiến Đoàn 1 và 2 Dù,

- Năm tiểu đoàn Dù: 3, 5, 6, 7 và 8

từ các nơi khác nhau, như Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu và Phú Yên tới Pleiku. Chính là nhờ vào công lao đóng góp của họ mà cuộc hành quân đã có thể khởi sự đúng vào ngày giờ ấn định.

Mạnh Ai Nấy Thoát Thân

Trong mười ngày "tìm và diệt" - từ ngày 18 đến 26 tháng 11 - nhiều cuộc giao tranh xảy ra trong thung lũng sông Ia Drang giữa các đơn vị Dù và địch. Nhưng phần đông là những cuộc đụng độ nhỏ với các phần tử Việt Cộng tản mác. Tình trạng tan vỡ của các đơn vị địch đã được một trung đội trưởng của Trung Đoàn 32 BV mô tả trong cuốn sổ nhật ký như sau:

"Tôi vừa mới làm trung đội trưởng được vài hôm thì sau đó bọn địch nhảy dù xuống ngay chỗ ở của chúng tôi. Ngày 18-11 thì bắt đầu chạy vào giữa 12 giờ đêm đến một khu rừng tạm trú. Ngày hôm sau chúng tôi lại tiếp tục ra khỏi vòng vây của địch cả đêm 19 rồi đến ngày 20 vẫn hành quân. Đến ngày 21 thì 1 giờ 30 bắt đầu báo thức để chuẩn bị hành quân 7 giờ sáng thì tới làng ... qua 7 giờ 30 tới một khu rừng tạm trú, đến đây có 3, 4 hố bom thật là đáng ngại vô cùng. Thế là cả đơn vị chúng tôi tạm dừng lại để tản khai. Chúng tôi vừa làm xong thì máy bay địch cũng vừa t ới bắn phá ngay vào giữa đội hình của chúng tôi, thế là cả đơn vị chúng tôi hy sinh mất 3, bị thương c̀a trung 2 trung 1 ngoài ra còn mất một số vũ khí và đạn dược, ba-lô ..."

Đợt ba của trận Pleime mang tính chất cá biệt không những vì địch tháo chạy mà cũng vì tinh thần xuống dốc của quân lính. Vô số vũ khí Việt Cộng ̣được tìm thấy quăng vứt vào bụi cây dọc theo đường mòn hay xuống lòng suối. Chính vào thời điểm này mà một sĩ quan chính trị viện của Trung Đoàn 33 - Trung Úy Bùi Văn Cường - đã có thể đầu hàng với quân lính của ta.

Cuộc giao tranh lớn nhất trong đợt ba xảy ra vào lúc 1440 giờ ngày 20 tháng 11, tại Bắc sông Ia Drang. Lần này là lần thứ hai trong trận Pleime Việt Cộng rơi vào ổ phục kích của ta và hứng chịu tổn hại nghiêm trọng (phục kích lần thứ nhất vào ngày 3 tháng 11, bởi các phần tử của Sư Đoàn 1 Không Ky). Trung Đoàn 32 Bắc Việt không can dự và không hề hấn trong suốt đợt hai, cuối cùng bị tìm thấy và buộc phải chiến đấu, mặc dù cố né tránh đụng độ càng nhiều càng tốt.

Sáng ngày đó, tiểu đoàn 3 Dù được lệnh di chuyển về hướng nam để giao tiếp với tiểu đoàn 6. Cả hai đơn vị đã thực hiện một cuộc truy lùng kỹ càng tại hai trục khác nhau từ bãi đổ bộ về hướng tây. Trong khi di chuyển tiểu đoàn 3 bị một đơn vị địch cấp tiểu đoàn âm thầm theo dõi. Nhưng một khi cuộc giao tiếp hoàn tất giữa hai tiểu đoàn của ta, đơn vị Việt Cộng này bị kẹt nội trong xạ trường của tiểu đoàn 3 và ngay trong trọng tâm của một ổ phục kích. Gần 200 Việt Cộng bị giết trong cuộc giao tranh tình cờ này.

Trong khi lùng kiếm các cơ sở địch trong vùng hành quân, Lữ Đoàn Dù phá hủy 3 trung tâm huấn luyện, một kho dấu quân cụ và 75 mái nhà.

Các cuộc hành quân tìm và diệt cũng được thực hiện phía nam sông Ia Drang nhưng chỉ có những đụng độ nhỏ với các phần tử Việt Cộng xảy ra.

Ngày 24 tháng 11, vì không còn đụng độ với địch, Lữ Đoàn Dù rút ra khỏi vùng hành quân, chấm dứt đợt ba của Trận Pleime với 265 Việt Cộng chết (đếm xác), 10 bị bắt và 58 vũ khí tịch thâu.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc
Đại Tá Hiếu, tác giả ẩn danh
(Why Pleime - April 1966)

generalhieu