Chiến Dịch Pleime/Chuprong Phá Hủy Căn Cứ Mặt Trận B3

1. Tình Báo

Qua trinh sát Radar và Hồng Ngoại Tuyến, Ban 2/MACV biết được một căn cứ lớn cỡ sư đoàn đã được thiết lập tại Chu Prong gồm nhiều kho tiếp liệu và trung tâm huấn luyện.

Ban 2/Quân Đoàn II, biết được là vào tháng 7 năm 1965, Tướng Chu Huy Mân được phái từ Khu 5 Đà Nẵng lên vùng Cao Nguyên thành lập Mặt Trận B3 với nhiệm vụ tấn chiếm vùng Cao Nguyên. Lực lượng chính của Mặt Trận B3 sẽ gồm ba trung đoàn 32, 33 và 66. Trung Đoàn 32 đã hoạt động tại vùng Cao Nguyên từ đầu năm 1965. Trung Đoàn 33 được lệnh xuất quân vào Nam cuối tháng 7, Trung Đoàn 66 vào cuối tháng 8.

Vào đầu tháng 8 năm 1965, Bộ Tổng Tư Lệnh QĐND nhận được dự án kế hoạch tiến công Pleime-Pleiku do Mặt Trận B3 biên soạn. Đầu tháng 10, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Tây Nguyên nhận được điện báo: Bộ Tổng Tư Lệnh QĐND thông qua kế hoạch chiến dịch Pleime, dự tính khởi động vào cuối năm 1965 hay đầu năm 1966.

2. Khái Niệm Hành Quân

Dựa vào các tin tức tình báo thu thập được, khởi sự tháng 9 năm 1965, Ban 3/Quân Đoàn II và Ban 3/MACV phối hợp điều nghiên kế hoạch phá hủy hậu cứ Chu Prong và triệt tiêu ba trung đoàn thuộc Mặt Trận B3 cùng một lúc bằng oanh tạc chiến lược B-52.

Vấn đề khó là làm sao mật độ kết tụ của ba trung đoàn nằm trong một vùng khoảng 1 cây số vuông, nghĩa là phải có thể chấm tọa độ trung tâm khối lực lượng nhắm bắn với độ chính xác ít ra là (XX’YY’) và bia nhắm phải bất động ít ra là 8 tiếng đồng hồ, vì đó là khoảng thời gian oanh tạc cơ B-52 cần có để bay từ đảo Guam sang Chu Prong của vùng Cao Nguyên.

Thời điểm lý tưởng nhất là khi ba trung đoàn kết tụ lại tại các trung tâm tập trung và nhất là quy tụ lại tại địa điểm xuất quân chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Các trung đoàn sẽ bất động ở vùng tập trung để tập trận trong khoảng hai ba ngày, nhưng chỉ duy trì ở điểm xuất quân chừng 2,3 tiếng, nên phải có kế hoạch nghi binh khiến địch nán lại ở điểm xuất quân ít ra 8 tiếng thì B-52 mới tới kịp đánh phá mục tiêu oanh tạc.

Khi được tin Mặt Trận B3 sẽ dùng hậu cứ Chu Prong làm địa điểm tập trung và xuất quân chuẩn bị tấn công trại Pleime, Ban 3/Quân Đoàn II thấy là có thể dùng B-52 để phá hủy hậu cứ và lực lượng Mặt Trận B3 cùng một lúc. Vấn đề là phải theo dõi sát tình hình địch quân để xác định được cách chính xác khi cả ba trung đoàn tập trung lại, và rồi đánh lừa địch nán lại vùng xuất quân trong 8 tiếng đồng hồ.

3. Thực Hiện Hành Quân

Hành Quân Dân Thắng 21

Khi Mặt Trận B3 lấy quyết định khởi động chiến dịch Plâyme sớm hơn dự tính – thay vì tháng 12 năm 1965 – vào ngày 19 tháng 10 với hai trung đoàn – 33 vây trại Pleime và 32 phục kích chiến đoàn tiếp cứu, để tránh phải đụng lính Mỹ, Ban 3/Quân Đoàn II thấy chưa phải lúc dùng tới B-52 vì trung đoàn 66 chưa có mặt tại vùng Cao Nguyên. Ban 3/Quân Đoàn II tính kế trì hoãn chiến chỉ nhằm không để địch thực hiện kế công đồn đả viện, bằng cách tăng cường trại với hai đại đội hỗn hợp LLĐB Mỹ-Việt và xuất phát một chiến đoàn thiết kỵ tiếp cứu. Hai lực lượng này vừa đủ mạnh để xua đuổi địch đồng thời không gây thiệt hại quá nặng cho địch để chúng còn đủ lực tính kế phục hận bằng cách tấn công trại Pleime lần thứ hai, lần này có đầy đủ cả ba trung đoàn 32, 33 và 66.

Hành Quân All the Way

Khởi sự ngày 27 tháng 10, sau khi giải tỏa trại Pleime, Ban 3/Quân Đoàn II giao cho Lữ Đoàn 1 Không Kỵ trách vụ lùa địch về hậu cứ Chu Prong với hành quân All the Way. Chủ đích của các cuộc xung kích trực thăng vận nhằm không cho phép các đội toán lẻ tẻ dừng chân tại các trạm trú quân trên đường rút quân từ Pleime đến Chu Prong, chứ không tấn kích bản doanh chỉ huy của hai trung đoàn 32 và 33. Ban 2/Quân Đoàn II có nhiệm vụ theo dõi hằng ngày tiến trình rút quân của các đội toán lẻ tẻ địch quân.

Vào cuối ngày 27/10, tin tình báo cho biết các đơn vị dẫn đầu của Trung Đoàn 33 tụ tập xong tới vùng tập trung tiền phương, làng Kro (ZA080030), trong khi tiểu đoàn bảo vệ đoạn hậu vừa mới đoạn tuyệt giao tranh tại trại DSCĐ Pleime.

- Ngày 28/10, tin tình báo cho biết Trung Đoàn 32 đã tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang.

- Ngày 29/10, tin tình báo cho biết Trung Đoàn 33 nhắm rút về Làng Anta tại YA 940010.

- Ngày 31/10, tin tình báo cho biết các đơn vị địch tiếp tục tan rã và phân tán thành từng nhóm nhỏ. Thêm vào đó, Trung Đoàn 33 bị thiếu hụt lương thực và thuộc men vì lẽ nhiều đơn vị không tới được các kho lẫm vì bị các toán không kỵ bất thần truy đuổi.

- Ngày 01/11, tin tình báo cho biết Lữ Đoàn 1 Không Kỵ hủy diệt một bệnh xá cấp trung đoàn; trong khi đó có tin bản doanh Trung Đoàn 33 đã tới căn cứ tại Làng Anta, nhưng khối đông của trung đoàn thì còn bị rải rác dọc giữa đàng từ Pleime đến Chu Prong.

- Ngày 02/11, tin tình báo cho biết Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 nhận được tin Trung đoàn 66 bắt đầu di chuyển vào các vùng tập trung trong vùng Chu Prong-Ia Drang.

- Ngày 03/11, tin tình báo cho biết Lữ Đoàn 1 Không Kỵ phục kích Tiểu Đoàn 8 thuộc Trung Đoàn 66 mới vừa xâm nhập. Tin tình báo trong ngày cũng cho biết Trung Đoàn 33 vẫn đang tìm cách lôi cái đuôi bị thương tích và bầm dập tới mật khu Chu Prong.

- Ngày 04/11, tin tình báo cho biết Trung Đoàn 33 được lệnh ra khỏi căn cứ tại Đồi 732 và đi tới các sườn núi phía tây của Chu Prong gần YA922010 với các tiểu đoàn của trung đoàn khi những tiểu đoàn này tập trung xong thì di chuyển vị trí tới Đồi 732 xuống tới làng Anta (940010) cho tới mạn bắc bờ sông Ia Meur (980000); tin tình báo cũng cho biết các mảnh vụn của trung đoàn vẫn tìm đường về theo hướng tây, bám theo các lòng suối, và xử dụng mọi ẩn núp để tránh bị phát giác bởi các trực thăng Mỹ luôn hiện diện. Còn có một đơn vị vẫn còn tương đối trọn vẹn - tiểu đoàn dùng làm hậu vệ, khởi sự lên đường sau và di chuyển chậm chạp hơn các đơn vị khác, tiểu đoàn vẫn còn ở phía tây của các vị trí Không Kỵ.

- Ngày 05/11, tin tình báo cho biết Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong và Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ. Trung Đoàn 32 và Mặt Trận Dã chiến, trong khi đó, còn nguyên vẹn và yên lành tại phía bắc Ia Drang và gần bên biên giới Căm Bốt.

- Ngày 07/11, tin tình báo cho biết Trung Đoàn 33 thưa thớt liếm vết thương và đợi cho các binh sĩ lê gót trở về căn cứ.

- Ngày 08/11, tin tình báo cho biết Trung Đoàn 33 thu thập xong các đơn vị cơ hữu cuối cùng , và rút lui qua phía tây, đồng thời Trung Đoàn 32 đã thoát thân về phía đông sau cuộc phục kích.

- Ngày 09/11, tin tình báo cho biết bản doanh Mặt Trận B3 nằm phía bắc Ia Drang.

Như vậy là Lữ Đoàn 1 Không Kỵ đã thành công lùa địch về hậu cứ Chu Prong. Nhưng các đơn vị địch còn trong tình trạng thế thủ trải rộng ra để khỏi bị Lữ Đoàn 1 Không Kỵ xung kích trực thăng vận.

Giai đoạn lùa địch đã xong. Bây giờ đến giai đoạn dụ địch tập trung quân xích lại nhau. Đó là nhiệm vụ Ban 3/Quân Đoàn II giao cho Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thực hiện.

Hành Quân Silver Bayonet I

Ngày 09/11, qua lệnh Tướng Larsen, Tư Lệnh I Field Force Vietnam kiêm Cố Vấn cho Quân Đoàn II, Tướng Knowles, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Tiền Phương, thay thế Lữ Đoàn 1 Không Kỵ với Lữ Đoàn 3 Không Kỵ, đồng thời hoán chuyển hướng truy lùng địch quân của hành quân All the Way từ tây sang đông cho hành quân Silver Bayonet I của Lữ Đoàn 3 Không Kỵ, nhằm khiến Mặt Trận B3 lầm tưởng quân Mỹ đánh mất tung tích đối phương và nghĩ là đến lúc chuyển từ thế thủ qua thế công để chuẩn bị tấn công trại Pleime lần thứ hai.

Ngày 10/11, tin tình báo cho biết Mặt Trận B3 sa vào thế nghi binh: sau khi thẩm định tình hình và khi thấy các đơn vị Mỹ coi bộ rút lui về phía đông Pleime, quyết định là cố gắng lấy lại thế thượng phong với một cuộc tấn công. Ngày N tấn công được ấn định là ngày 16 tháng 11 và ra lệnh cho ba trung đoàn tập trung lại để tái phối trí, tái trang bị và tập trận.

Ngày 12/11, cũng lại qua lệnh của Tướng Larsen, Tướng Knowles được lệnh chuẩn bị tung một tiểu đoàn – Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ - vào chân rặng núi cạnh nơi đóng quân của Trung Đoàn 66 một khi các đơn vị của ba trung đoàn được lệnh bắt đầu di chuyển đến các địa điểm xuất quân để cầm chân chúng tại chỗ cho B-52 có đủ thì giờ bay tới mục tiêu.

Ngày 14/11, khi tin tình báo cho biết Mặt Trận B3 ra lệnh các đơn vị xuất quân, Ban 3/MACV thông báo cho B-52 cất cánh để bay tới mục tiêu ấn định tại YA 8702 là tọa độ trung tâm khối của lực lượng Mặt Trận B3 và trút bom đợt đầu vào sau giờ ngọ ngày 15/11, đồng thời Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ được đổ bộ tại LZ X-Ray để cầm chân các đơn vị tại chỗ thay vì di chuyển đi tấn công trại Pleime ngay. Tin tình báo cho biết một số đơn vị xung phong của Mặt Trận B3 đã trên đường đi đến Pleime trước bình minh ngày 14/11.

Vì chỉ nhằm mục đích gây chú ý và đánh lạc hướng, nên khi nhảy vào Chu Prong phải làm sao tránh động mạnh vào ổ ong khiến đàn ong hoặc hoảng sợ chạy chốn tan biến mất hoặc đổ sô vào tấn công thẳng vào mối nguy cơ. Do đó tất cả mọi động tác phải chỉ vừa đủ để khiến các lực lượng Mặt Trận B3 không hoảng sợ tan hàng chạy trốn và không buộc phải đổ sô vào diệt trừ mối đe dọa to lớn mới xuất hiện. Do đó:

- chỉ đổ bộ có một tiểu đoàn, và đổ bộ từ từ kéo dài 5 tiếng đồng hồ mới xong;

- khi Mặt Trận B3 quyết định đình chỉ tấn công trại Pleime và chỉ cho hai tiểu đoàn – 7 và 9 - ra ứng chiến, phía Mỹ chỉ tăng cường thêm một tiểu đoàn – 2/7;

- khi thấy như vậy vẫn chưa đủ vì không cứu nguy được cho một đại đội bị cô lập uy hiếp, phía Mỹ âm thầm tăng cường thêm Tiểu Đoàn 2/5 bằng cách trực thăng vận tới LZ Victor cách xa 5 cây số và lặng lẽ tiến tới lZ X-Ray bằng được bộ vào lúc 12 trưa ngày 15/11, khiến Mặt Trận B3 tưởng lực lượng tương quan vẫn là 2/2, chứ không là 3/2 và không thấy cần phải tung thêm quân vào chiến trường; do đó mục tiêu cho B-52 không bị tan biến.

Thế là các đơn vị của Trung Đoàn 32 và 33 vẫn án binh bất động khi B-52 bắt đầu đánh rập sau giờ ngọ, chính xác là 1600G.

Trưa ngày 16/11, để Mặt Trận B3 thấy tương quan lực lượng vẫn là 2/2 thay vì đã trở thành 3/2, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ được bốc xuất ra khỏi LZ X-Ray bằng trực thăng vận.

Ngày 17/11, hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ được lệnh rời bỏ LZ X-Ray bằng đường bộ để nhường chỗ cho B-52 đánh rập ngay lên bãi đáp. Các toán quân địch còn ở lại trong vùng X-Ray thình lình chợt vỡ lẽ tại sao Không Kỵ rời bỏ đi khỏi nơi này khi oanh tạc B-52 đánh phủ lên đầu các vị trí cũ.

Ngày 18/11, Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ đụng độ mạnh với Tiểu Đoàn 8/Trung Đoàn 66 khi gần tới LZ Albany. Cuộc chiến tao ngộ ác liệt này kéo dài từ trưa đến 9 giờ tối.

Tướng Knowles tiết lộ chủ đích cho đổ bộ các toán quân Không Kỵ tại LZ X-Ray ngày 14 tháng 11 là “Chộp con hổ đằng đuôi” và đập đầu nó với oanh tập B-52 từ ngày 15 đến 16 tháng 11. Ông cũng giải thích lý do rút quân ra khỏi LZ X-Ray ngày 17 tháng 11 và di chuyển quân tới LZ Albany là để “nắm lấy đuôi hổ từ một hướng khác” đồng thời tiếp tục đập đầu nó với bom B-52 từ ngày 17 đến 20 tháng 11.

Hành Quân Silver Bayonet II và Hành Quân Thần Phong 7

Ngày 19/11, Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ được trực thăng vận đến LZ Crooks vào khoảng 2 giờ trưa để cùng Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ giữ an ninh cho căn cứ pháo binh mới được thiết lập để yểm trợ cho cuộc hành quân Thần Phong 7 của quân Dù Việt Nam.

Tin tình báo trong ngày cho biết các quân lính sống sót của hai Trung Đoàn 33 và 66 bắt đầu di chuyển từng toán nhỏ về hướng biên giới Căm Bồ, dùng sông Ia Drang làm lá chắn che đậy.

Ngày 20/11, yểm trợ pháo binh tiếp tục nã đạn vào các vị trí của Trung Đoàn 32 phía bắc Ia Drang, trong khi các đơn vị khác gây áp lực tấn lên biên giới Căm Bốt. Các đơn vị pháo binh sư đoàn tại Golf và Crooks tiếp tục cung ứng yểm trợ hỏa lực cho các lực lượng Dù VNCH về hướng tây. Đặc biệt đáng ghi nhận là hỏa lực yểm trợ cho các tiểu đoàn 3 và 6 thuộc Lữ Đoàn Dù khi họ giao tranh với phỏng chừng một tiểu đoàn của Trung Đoàn 32 Bắc Quân.

Trận oanh tạc B-52 bắt đầu từ 1600G chiều ngày 15/11 tiếp tục trong 5 ngày kế tiếp cho tới ngày 11/20 (Khía Cạnh Tình Báo Của Chiến Dịch Pleime/Chuprong, ngày 15/11/1965):

Ngày 15/11 cũng được đánh dấu bởi việc xử dụng lần đầu tiên một vũ khí mới của lực lượng Mỹ và gây kinh hoàng cho quân lính địch kể cả những chiến binh gan lì nhất. Ngay sau giờ ngọ, một vùng rộng lớn quanh vị trí YA8702 thình lình nổ tung với hàng trăm tấn bom làm rung chuyển khắp cùng mặt đất như thể một tấm thảm đang được trải ra. Các phóng pháo cơ B-52 đã đánh rập. Trong năm ngày kế tiếp các phóng pháo cơ khổng lồ làm thịt một vùng rộng lớn của rặng núi Chu Prong.

Why Pleime, chương VI phụ họa:

Trong năm ngày liên tiếp, từ 15 đến 20 tháng 11, các phóng pháo cơ B-52 đã bay tổng cộng 96 phi vụ. Từng khu vực một, các khu vực của rặng núi Chu Prông - mỗi khu 20 dậm vuông - tuần tự trải qua một cơn động đất từ Tây sang Đông. Các công sự và hầm hố trước nay từng chống cản các vụ đánh phá của phi cơ tác chiến và pháo binh bắt đầu bị các trái bom 750 cân anh trực tiếp đánh rập. Lớp cây lá rừng rậm không còn hữu hiệu cho công việc ẩn núp lẫn bao che. "Cửa hậu" vào Căm Bốt bị đóng lại và để trốn thoát, tàn quân Việt Cộng chỉ còn lại thung lũng eo hẹp của Ia Drang.

4. Thành Quả của Chiến Dịch

Thành quả của Chiến Dịch Pleime (Pleime-Chuprong-Iadrang) là hậu cứ Chu Prong bị hoàn toàn phá hủy và toàn bộ lực lượng ba trung đoàn của Mặt Trận B3 bị triệt tiêu. Các thành phần sống sót của Mặt Trận B3 phải thoát thân sang hậu cứ nằm trong lãnh thổ Căm Bốt.

Bản báo cáo Ban 2/MACV nơi trang 67 ghi nhận:

Các phi vụ SLAR và IR bay trong mười ngày đầu trong tháng 12 cung ứng thêm chứng liệu Căm Bốt được xử dụng như một mật khu và hành lang xâm nhập của địch quân. Phân tích kết quả cho thấy một đường đạo xâm nhập chạy từ Phi Trường BO KM90 trong Căm Bốt đến khu vực giao tiếp của ranh giới Căm Bốt/Kontum và Pleiku. Không ảnh chụp ngày 19 tháng 11 tiết lộ một sinh hoạt quân sự dọc theo ranh giới Căm Bốt/NVN trong vùng Sông Prek Drang. Không ảnh cho thấy một vị trí nghỉ chân (với nhiều xe cộ rầm rộ qua lại) chứng tỏ là cuộc rút lui của các đơn vị đến vùng này đã được trù liệu trước.


Nguồn: Khía Cạnh Tình Báo của Chiến Dịch Pleime/Chuprong, Ban 2/MACV, 1965.

Nguyễn Văn Tín
7 tháng 9 năm 2013

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo
* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin’s Press, New York, 1988.
* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.
* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

- Việt Cộng

generalhieu