”Không Có Thì Suy Nghĩ Tại Ia Drang” ?
Khái Niệm Hành Quân Đàng Sau Trận Ia Drang

Theo Carl H. Builder, Đại Tá Moore không có một khái niệm chỉ huy đầy đủ khi ông dẫn đầu Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ nhảy vào LZ X-Ray:

Trung Tá Harold Moore tại Ia Drang đã không có tiếp nhận được các khái niệm chỉ huy rõ ràng. (trang xvii)

Khái niệm chỉ huy không hoàn thiện và không đầy đủ tại Ia Drang (trang 20)

Và tác giả đổ lỗi cho các cấp chỉ huy cao hơn về khuyết điểm của Đại Tá Moore:

Nhưng khái niệm này gắn liền với các khái niệm không hoàn mỹ của cấp cao hơn (trang 100)

Mục tiêu hành quân của Tướng Kinnard là gây thiệt hại cho một địch quân đang trốn chạy mà ông không có thông tin rõ rệt gì mấy. Khái niệm chỉ huy của Đại Tá Brown phản ảnh mục tiêu này, cũng như ẩn tàng trong tư tưởng của Moore, cho là nếu được yểm trợ đầy đủ, thì có thể đáp ứng bất cứ điều gì xảy đến. Ý định của Brown, không mấy rõ rệt trong khẩu lệnh đại khái là: Tìm cho ra địch quân bất cứ chỗ trốn nào và giao tranh và tiêu diệt chúng. Anh có sức mạnh, đã được huấn luyện và được yểm trợ để mà hoàn tất công việc. (trang98)

Những đoạn trích này được lấy từ cuốn sách nhan đề là Command Concepts: A Theory Derived From the Practice of Command and Control, tác giả Carl H. Builder, Steven C. Bankes, Richard Nordin , RAND 1999. Các tác giả xử dụng trận đánh Ia Drang như là ví dụ thứ tư – trong số sáu ví dụ – trong chương bảy: Không Có Thì Suy Nghĩ Tại Ia Drang: Đại Tá Moore tại Ia Drang để minh họa cho lý thuyết về các khái niệm chỉ huy.

Khi xem xét phần ghi chú ở cuối trang, sẽ nhận thấy sự hiểu biết của các tác giả về trận đánh dựa vào hai nguồn:

(1) Cash , John A., John Albright, and Allan Sandstrum, Seven Firefights in Vietnam, New York: Bantam, 1985 (originally published by the Office of the Chief of Military History , Washington D.C., 1970)

(2) Moore, Harold G., and Joseph Galloway, We Were Soldiers Once … and Young, New York: Random House 1992.

Thật là lạ lùng các tác giả đã không tham khảo các nguồn đầu tay trong công cuộc nghiên cứu sâu đậm này, tỉ như:

(1) General Harry W.O. Kinnard, Pleiku Campaign, After Action Report, Headquarters, 1st Air Cavalry Division, 4 March 1966.

(2) Coleman, J.D., Pleiku, The Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, New York: St. Martin Press, 1988.

Xin ghi nhận Coleman là người biên soạn Pleiku Campaign, khi ông là Đại Úy sĩ quan tham mưu của Sư Đoàn 1 Không Kỵ.

Tuy nhiên, ngay cả nếu các tác giả có điều nghiên hai nguồn tham khảo này đi nữa thì họ cũng không khám phá ra được khái niệm hành quân đàng sau trận đánh Thung Lũng Ia Drang, vì lẽ đơn giản là quyền điều khiển trận đánh không nằm trong tay Tướng Kinnard, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ.

Các tác giả sai lầm khi họ viết:

Vào cuối tháng 10, Thiếu Tướng Harry W.O. Kinnard, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ, thấy rõ là các lực lượng Bắc Việt bị Lữ Đoàn 1 Không Kỵ truy đuổi đang có cơ nguy lẻn thoát qua biên giới Căm Bốt, chỉ cách Plei Me có 23 dậm. Ông chú tâm tới rặng núi Chu Prong, một cao điểm ghồ ghề và xa xôi nằm vắt qua biên giới Việt Miên – đặc biệt là vùng giữa các chân đồi của rặng núi phía bắc sông Ia Drang – và ra lệnh cho Đại Tá Tim Brown, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Không Kỵ, lục xạo phía tây hướng tới biên giới Căm Bốt. (trang 91)

Thật vậy, khi Tướng Kinnard được ông Cochran (Cochran, Alexander S., "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General) hỏi vào năm 1998 cuộc đổ bộ vào Chu Prong là ý kiến của ai, câu trả lời của ông là:

Lựa chọn tiến sâu vào Chu Prong, từng là một mật khu của địch gần biên giới Căm Bốt mà QLVNCH chưa khi nào bén mảng tới, không là của tôi. Có thể là ý kiến của Tướng Knowles hay lữ đoàn trưởng. Chúng tôi không ngó ngàng tới vùng này. Không phải là tin tình báo dẫn đưa chúng tôi vào đó. Ngược lại chính là vì không có tin tình báo, và đây coi bộ là địa điểm hợp lý.

Tướng Kinnard bật mí cho biết hai trường hợp trong đó cho thấy là ông nằm dưới quyền điều khiển của Tướng Larsen, Tư Lệnh I Field Force Vietnam, trong chiến dịch Pleiku. Trường hợp thứ nhất, khi Tướng Larsen ra lệnh cho ông hoán chuyển hướng hành quân từ đông sang tây vào ngày 8 tháng 11 (Chiến Dịch Pleiku, trang 67)

Vào khoảng lúc này, Field Force Vietnam yêu cầu sư đoàn di chuyển các cuộc hành quân của mình về phía đông Pleime nếu "không có thêm đụng độ mới nữa trong vùng phía tây".

Trường hợp thứ hai, khi Tướng Larsen ra lệnh cho ông giữ quân lính ở nán lại LZ X-Ray lâu hơn là ông dự tính (Cochran):

Trong lúc trận chiến xảy ra tại Xray, Tướng Swede Larsen đang bị giới báo chí chất vấn tại sao chúng ta rời bỏ chiến trường. Họ không hiểu cách thức các đơn vị ta chiến đấu. Với một đơn vị không kỵ tấn công, chúng tôi không đếm xỉa gì đến địa thế. Chúng tôi có thể đi đến bất cứ đâu. Chú tâm là địch quân. Chúng tôi đi đến ngay chỗ có địch. Tại Xray, địch ngưng đánh, chúng tôi không ngưng giao chiến. Chúng tôi không thấy lợi gì ở lại Xray. Mảnh đất này không có giá trị gì đối với tôi. Tôi muốn đi tới nơi nào có bóng dáng địch. Nhưng Tướng Swede Larsen ra lệnh cho tôi ở lại địa điểm này, và tôi ở lại đó thêm 24 tiếng đồng hồ.

Quả thật vậy, quyền điều khiển của trận đánh Thung Lũng Ia Drang nằm trong tay Quân Đoàn II. Khái niệm hành quân của trận đánh do Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II phác họa và chia sẻ với Tướng Richard Knowles, Tư Lệnh Phó Phụ Tá cho Tướng Kinnard, được chỉ định vào chức Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Không hiểu vì lý do gì mà Tướng Knowles lại không báo cáo lên thượng cấp, Tướng Kinnard, khái niệm hành quân ra sao và phát xuất từ đâu, cũng như ông đã không thổ lộ cho Tướng Kinnard biết ý định nhảy vào Chu Prong không phải từ ông mà ra và cũng không phải từ Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3, mà là từ Đại Tá Hiếu.

Khi Tướng Larsen chấp thuận yêu cầu của Quân Đoàn II tăng phái Sư Đoàn 1 Không Kỵ cho Quân Đoàn II trong cuộc truy kích địch quân trên đường rút lui sau trận tấn công trại Pleime, Đại Tá Hiiếu đã hoạch định một phương thức làm việc chung rất rõ rệt (Why Pleime, chương VIII):

- Phối hợp các công tác tình báo và yểm trợ.
- Chia sẻ khái niệm hành quân và kết quả.
- Vùng hành quân riêng rẽ.
- Bộ tư lệnh riêng rẽ.
- Điều quân riêng rẽ.
- Hành động riêng rẽ.
- Trừ bị riêng rẽ.

Khái niệm hành quân của trận đánh Thung Lũng Ia Drang được giải bày trong bài Cuộc Phản Công Pleime vào Mật Khu Chuprong-Iadrang; nói cách tóm lược thì khái niệm gồm có ba giai đoạn:

Giai đoạn I: Lùa các đơn vị tản mác của địch tụ về các vùng tập trung tại mật khu Chuprong-Iadrang, với Lữ Đoàn 1 Không Kỵ trong cuộc hành quân All the Way;

Giai đoạn II: Thiết lập nút chận với Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ tại sườn đông nam của rặng núi Chu Prong trong cuộc hành quân Silver Bayonet I thực hiện bởi Lữ Đoàn 3 Không Kỵ; rồi thả bom B52 trải thảm phía tây của vị trí nút chận tại LZ X-Ray; tiếp sau thiết lập nút chận với Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ tại sườn đông bắc của rặng núi Chu Prong tại LZ Albany; rồi thả bom B52 trải thảm tại ngay LZ X-Ray;

Giai đoạn III: Thiết lập các nút chận với Lữ Đoàn Dù VN tại sườn tây bắc của rặng núi Chu Prong trong cuộc hành quân Thần Phong 7; tiếp đó, tiếp tục thả bom B52 trải thảm khắp phần đất phía nam vùng hành quân của Lữ Đoàn Dù.

Dựa vào quá trình thực hiện của khái niệm hành quân, xin nêu lên các ý niệm sai lầm của các tác giả cuốn Command Concepts.

Sai lầm (1) Các tác giả viết

Mục tiêu hành quân của Tướng Kinnard là gây tổn thất cho địch quân đang trốn chạy mà ông không có tin tức chính xác. (trang98)

Sửa sai (1) Trong bản tường trình Chiến Dịch Pleiku , Tướng Kinnard cung cấp các báo cáo tình báo cập nhật hằng ngày chỉ cho thấy cách chính xác các di chuyển của hai Trung Đoàn 32 và 33 trên đường tháo lui, và của Trung Đoàn 66 mới tới chiến trường; các tọa độ xác định vị trí từng ngày của ba trung đoàn và bản doanh Mặt Trận B3; ngay cả các dự tính và ngày giờ tấn công trại Pleime lần thứ hai của Mặt Trận B3 cùng 5 ngày dùng chuẩn bị và thao dượt cho cán bộ và bộ đội.

Khi Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ nhảy vào LZ X-Ray, tình báo chấm điểm chính xác các vị trí của ba trung đoàn và bản doanh Mặt Trận B3 (Chiến Dịch Pleiku, trang 76):

Ngày 11/11, vị trí ba tiểu đoàn 7, 8 và 9 của Trung Đoàn 66 trải dọc mạn bắc bờ sông Ia Drang (trung tâm khối tại 9104).

Trung Đoàn 33 vẫn ở các vị trí quanh Làng Anta (YA940010)

Trung Đoàn 32 vẫn ở phía bắc sông Ia Drang (YA820070).

Sai lầm (2) Các tác giả viết

Như vậy, một sân khấu được dàn dựng cho một cuộc đụng độ không chủ ý của hai lực lượng đối nghịch – Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ và Mặt Trận cỡ sư đoàn B3 Bắc Việt. (trang 92)

Sửa sai (2) Không phải hẳn vậy, cuộc tấn công vào Chu Prong ngày 14 tháng 11 năm 1965 là một cuộc tấn kích phòng ngừa cuộc tấn công thứ hai vào trại Pleime ấn định vào ngày 16 tháng 11, và được chuẩn bị với một thế nghi binh thực hiện vào ngày 10 tháng 11 (Chiến Dịch Pleiku, trang71):

Thế điều quân chuyển hướng từ tây sang đông là để khơi ngòi cho một quyết định gần sắp tới từ Bộ Tư Lệnh sư đoàn Bắc Quân.

Cuộc đụng độ có thể là không chủ ý đối với U.S. 1st Air Cavalry Division và Mặt Trận B3 Bắc Việt, nhưng nó nằm trong dự kiến của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II khi soạn thảo khái niệm hành quân.

Sai lầm (3) Các tác giả viết

Tối đêm ngày 14 tháng 11, Trung Đoàn 66 Bắc Việt di chuyển Tiểu Đoàn 8 của mình về phía nam của vùng giao tranh và xung phong mạnh vào cạnh sườn tây của X-Ray. Đồng thời, Tướng Mân ra lệnh cho Tiểu Đoàn H-15 Lực Lượng Chính Việt Cộng và Trung Đoàn 32 Bắc Việt, cách đó khỏang 12 cây số, nhập cuộc giao tranh. (trang 97)

Sửa sai (3) Trong bản tường trình Chiến dịch Pleiku , Tướng Kinnard lấy làm lạ sao Trung Đoàn 32 lại không nhảy tới tiếp sức với Tiểu Đoàn 8 thuộc Trung Đoàn 66 tại LZ X-Ray ngày 15 tháng 11 (Chiến Dịch Pleiku, tình báo ngày 11/15):

Một điều khác không giải thích được là Trung Đoàn 32 đã không sung trận và ở nán lại các vị trí tại 12-14 cây số phía tây bắc của mạn bắc bờ sông Ia Drang.

Tướng Mân biết nhưng Tướng Kinnard thì không biết là đơn vị này bị Bom B52 trải thảm ghìm xuống mặt đất!

Sai lầm (4) Các tác giả viết

cuộc giao tranh thực sự sẽ bắt đầu một khi Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ di chuyển về hướng tây tiến tới rặng núi Chu Prong.

Sửa sai (4) Ấy chết! May mà Đại Tá Moore đã không chủ động di chuyển quân lính tiểu đoàn tiến về hướng tây sâu thêm vào rặng núi Chu Prong là nơi B52 thả bom trải thảm đã được trù tính trước, và nán ở lại LZ X-Ray trong vai trò nút chận đã được khái niệm hành quân của Quân Đoàn II ấn định.

Đó cũng là lý do Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ, thay thế cho Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ tại LZ X-Ray ngày 16 tháng 11, được lệnh tiếp tục thi hành vị trí nút chận tại sườn đông bắc của rặng núi Chu Prong bằng cách di chuyển lên hướng bắc tới LZ Albany.

Sai lầm (5) Các tác giả viết

Liên Quan đến Địch Quân và Kế Hoạch của Địch Quân:

Hiện địch quân không có hơn 2.500 quân lính trong vùng Chu Prong. Chúng không biết tới các ý định của chúng ta.

Địch quân sẽ rút lui về hướng tây, tới mật khu trong phần đất Căm Bốt, với ý định củng cố lực lượng đế tấn công mới trong tỉnh lỵ Pleiku và Bình Định.

Anh em [binh sĩ Mỹ] phải chuẩn bị lính Bắc Việt sẽ tìm cách gián đoạn đụng độ và thực hiện thế trì trệ trong vùng với hai trung đoàn suy yếu trong khi tiếp tục rút lui toàn bộ lực lượng sang bên Căm Bốt. (trang 99)

Sửa sai (5) Thứ nhất, quân số địch nhất định là phải hơn 2.500 trong vùng Chu Prong, bi Mặt Trận B3 quy tụ lại ba Trung Đoàn: 32, 33 và 66. Chỉ duy Trung Đoàn 33 là tổn thất nặng nề trong cuộc vây lấn trại Pleime thiệt hại hơn nửa quân số; hai trung đoàn kia, nhất là Trung Đoàn 66 mới tới chiến trường, đều còn khá nguyên vẹn.

Thứ nhì, địch chỉ tháo lui vào mật khu Chu Prong, để tập trung chuẩn bị tấn công lại trại Pleime lần thứ hai.

Thứ ba, lính Bắc Quân sẽ không tìm cách đoạn tuyệt giao tranh, trái lại chúng sẽ lợi dụng cơ hội này để tiêu diệt quân lính Mỹ trước khi trở đầu tấn công trại Pleime lần thứ hai.

Sai lầm (6) Các tác giả viết

Trung Tá Harold Moore tại Ia Drang đã không có tiếp nhận được các khái niệm chỉ huy rõ ràng. (trang xvii)

Sửa sai (6) Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II không nhất thiết cần phải cắt nghĩa rõ ràng khái niệm hành quân cho Trung Tá Moore. Đại Tá Hiếu không cần phải nói rõ cho Trung Tá Moore rằng đơn vị ông sẽ làm nút chận để cho phép B52 thả bom trải thảm phần phía tây của vị trí nút trận. Điều hệ trọng đối với Đại Tá Hiếu là biết chắc Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ có thể giữ vững vị trí nút trận trong trường hợp địch quân tràn xuống hướng đông.

Sai lầm (7) Các tác giả viết

Khái niệm chỉ huy không hoàn thiện và không đầy đủ tại Ia Drang (trang 20)

Sửa sai (7) Sai lầm này là do các tác giả không biết tới là có một khái niệm hành quân cho Ia Drang và tới bậc thang chỉ huy và điều khiển trong toàn bộ chiến dịch Pleime-Chuprong-Iadrang. Tiếc là họ đã không tham khảo đến các tài liệu đáng tin cậy hơn.

Sai lầm (8) Sau cùng, các tác giả viết

Không Có Thì Giờ Suy Nghĩ: Đại Tá Moore tại Ia Drang

Sửa sai (8) Đại Tá Moore, ở cấp chỉ huy, không cần có thì giờ để suy nghĩ; ông chỉ cần thi hành điều ông đã được huận luyện khi chỉ huy tiểu đoàn của ông. Phận vụ suy nghĩ cũng không nằm trong tay Đại Tá Brown ở cấp chỉ huy lữ đoàn hay Tướng Knowles ở cấp chỉ huy sư đoàn tiền phương hay ngay cả Tướng Kinnard ở cấp chỉ huy sư đoàn, mà là Đại Tá Hiếu ở cấp điều khiển Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 28 tháng 07 năm 2011

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu