Không Chiến trên Không Phận Pleime-Chuprong
Sự Thật về Trận Đánh Thung Lũng Ia Drang

Có hai mặt trận tại Thung Lũng Ia Drang: mặt trận thứ nhất là một cuộc hành quân bộ chiến do Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ thực hiện, tập trung tại bãi đáp X-Ray, từ ngày 14 đến 17 tháng 11 năm 1965; trận chiến thứ hai là một cuộc hành quân không lực do các phóng pháo cơ B-52 thực hiện, trải rộng khắp cùng vùng Chu Prong/ Ia Drang, từ 15 đến 19 tháng 11 năm 1965. Cuộc hành quân bộ chiến là một thế nghi binh hỗ trợ cho cuộc hành quân không lực: chủ đích là chuẩn bị và ghim các mục tiêu cho các phi tập B-52.

Khởi đầu là Hành Quân Chuprong , nhưng rồi do tình hình quân sự phía Việt Cộng thay đổi, nên nó trở thành Chiến Dịch Pleime-Chuprong , rồi tiếp sau là Chiến Dịch Pleime-Chuprong –Iadrang.

Hành Quân Chuprong

Cuối năm 1964, Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Cộng bật đèn xanh cho Việt Cộng nâng cấp các lực lượng xâm chiếm Miền Nam lên cấp sư đoàn. Trong buổi họp này 05/10/1964, Mao Trạch Đông nói với Phạm Văn Đồng:

“Theo đồng chí Lê Duẫn, quí vị có kế hoạch phái một sư đoàn vào Nam. Có lẽ các đồng chí chưa phái sư đoàn đó đi. Khi làm việc này, chọn đúng ngày giờ rất là quan trọng.” (1)

Đầu năm 1965, Sư Đoàn 304 nhận lệnh chuẩn bị xâm nhập Miền Nam:

“Đầu tháng 8 năm 1965, chỉ huy sư đoàn 304 nhận được lệnh của Bộ Quốc Phòng "đưa cả sư đoàn 304 vào chiến trường B… mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trong hai tháng.” (2)

Tháng 8 năm 1965, Sư Đoàn 304 nhận lệnh gập rút chuẩn bị đi tới vùng Cao Nguyên Trung Phần vào tháng 9:

“Đầu tháng 8 năm 1965, chỉ huy sư đoàn 304 nhận được lệnh của Bộ Quốc Phòng "đưa cả sư đoàn 304 vào chiến trường B… mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trong hai tháng." (3)

Trong tháng 9 năm 1965, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 đặt xong kế hoạch Chiến Dịch Plâyme với sự tham chiến của ba trung đoàn – 32, 33 và 66.

Kế hoạch trù tính thực hiện làm bốn giai đoàn: 1) Trung Đoàn 33 vây hãm trại Pleime để dụ lực lượng chính của Quân Đoàn II ra khỏi thành Pleiku; 2) Trung Đoàn 33 phục kích lực lượng tiếp cứu trại; 3) Cả hai trung đoàn hiệp lực tấn chiếm trại; 4) Trung Đoàn 66 hiệp lực với hai Trung Đoàn 32 và 33 tấn chiếm thành phố Pleiku.

Việt Cộng điều nghiên Chiến Dịch Plâyme với sự trợ giúp trực tiếp của Trung Cộng. Một bản doanh các Cố Vấn Trung Cộng được thiết lập tại Nam Vang để phối hợp chiến dịch này:

“Các hành lang thiên nhiên mà Tướng Delange đã bao lần nhắc nhở đến vào năm 1951 sẽ không hiệu nghiệm nếu không có xứ chùa Tháp, nếu không có gạo Biển Hồ, nếu không có sự che đậy giả tạo của các cố vấn Trung Cộng được ở đầy đủ tiện nghi quanh thành phố Nam Vang, nếu không có liên lạc hoàn bị điện thoại, điện tín mật thiết giữa Nam Vang và Hà Nội.” (4)

Chính là nhờ vào công việc kiểm thính các liên lạc điện đài công khai của các Cố Vấn Trung Cộng giữa bản doanh tại Nam Vang và các ban chỉ huy dã chiến cấp trung đoàn mà Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II có được những tin tức tình báo cập nhật về tình hình quân sự của phía địch trong suốt chiến dịch và hoạch định một kế hoạch phản công đáp ứng mềm dẻo, đưa chiến dịch Pleime đến chiến thắng:

“Cho nên lần này ý chí quyết không để cho địch chạy thoát, cộng với sự nắm vững tình hình địch đã làm cho trận chiến phát triển đến một mức độ và quy mô tối đa đồng thời đem lại những chiến công lớn nhất từ trước đến nay của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh.” (5)

Trong tháng 9 năm 1965, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đặt kế hoạch Chiến Dịch Chuprong. Mục đích là triệt tiêu ba trung đoàn Bắc Quân với bom trải thảm B-52 tại ngay thời điểm ba trung đoàn này qui tụ tại các vùng tập trung tái Chu Prong để chuẩn bị tấn công trước khi chúng có thể ra tay hành động:

“Căn cứ Chu Prong được biết là đã được tạo lập lâu trước cuộc tấn công Pleime và Ban 2 MACV đã chấm lấy vùng này để nghiên cứu vào tháng 9 năm 1965 như là có thể làm mục tiêu cho B-52.” (6)

Chiến Dịch Pleime-Chuprong

Tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 10, Bộ Tư Lệnh B3 lấy quyết định tấn công sớm hơn dự tính với duy hai Trung Đoàn 32 và 33 và gia tăng mức độ chuẩn bị một tháng trước:

“Ngay từ ngày 19 tháng 9 - một tháng trước cuộc tấn công - một sự chuẩn bị xuống tới cấp bậc thấp nhất đã được thực thi. Vô số thao tác và tập dượt đã được thực hiện bởi mọi đơn vị trên bản đồ và tập dượt được thực hiện bởi mọi đơn vị trên bản đồ và trên mặt bàn mô hình làm bằng đất cát. Trong khi đó, các đại đội chuyển vận được các lao công bị cưỡng bức trưng dụng tại vùng địa phương trợ giúp ráo riết tồn thu gạo và đạn dược.” (7)

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II điều chỉnh kế hoạch thành Chiến Dịch Pleime-Chuprong.

Khái niệm hành quân của chiến dịch là đẩy lui cuộc tấn công của địch và chờ cho hai Trung Đoàn 32 và 33 qui tụ lại với Trung Đoàn 66 tại Chu Prong ngõ hầu có thể dùng trải thảm bom B-52 như đã trù tính trước.

Kế hoạch sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn: 1) đẩy lui cuộc tấn công; 2) lùa các toán quân rút lui về lại hậu cứ Chu Prong.

- Giai đoạn I: Đẩy lui với hành quân Dân Thắng 21

Khi Trung Đoàn 33 tấn công trại Pleime ngày 19 tháng 10, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tiếp nhận sự thách đố:

“Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết định đấu lại trò chơi của địch. Vì địch tính tuần tự diệt trừ các lực lượng của chúng ta, kế điều quân phải khéo dùng tối đa đến yếu tố THỜI GIAN và khai thác các yếu điểm tự tại của thế giàn trải quân của địch.” (8)

Chiều ngày 20 tháng 10, một Lực Lượng Đặc Nhiệm Thiết Giáp được phái đi tiếp cứu trại và ngày 21 tháng 10, một toán gồm hai đại đội Lực Lượng Đặc Biệt được chuyển vận đến trại.

Không Lực Hoa Kỳ được xử dụng làm lực lượng chính đẩy lui địch quân tại cả hai địa điểm của trại và ổ phục kích:

- tại trại Pleime

“Trong mười ngày kế tiếp ngày 19/10, hỏa lực không quân đóng vai trò then chốt trong việc bẻ gẫy cuộc tấn công. Trong 696 phi xuất ngày đêm, các phi cơ B-57, AIE, F-100, and F-8 trút 866,300 pounds bom GP, 250,380 pounds bom mảnh, 485,880 pounds bom napalm, cộng thêm hỏa tiễn, CBU và hoả lực súng trực thăng võ trang vào các vị trí VC sát nách hàng rào trại khoảng cách 35 thước. Khi cuộc oanh kích chấm dứt, địch quân mất 326 chết đếm được xác, và quân trú phòng ước tính khoảng 700 tử thi được lôi đi. Đây là một cuộc hành quân không yểm tiếp cận lớn nhất trong cuộc chiến, và có lễ hiệu nghiệm nhất.” (9)

- tại ổ phục kích

“Các Không Trợ Viên Không Quân trên các phi cơ thả trái sáng điều khiển 74 phi xuất, bới các phóng pháo cơ xử dụng bom napalm, bom đa dụng, mảnh vụn, CBU, hỏa tiễn 2.75 và súng nòng 22 ly yểm trợ cho chiến đoàn tiếp cứu. Phi cơ AC-47 “Puff”, thả 25 trái sáng và bắn 4.000 viên đạn của hỏa lực súng nhỏ 7.62 ly chống quân tấn công. Vào lúc 030G, ngày 24 tháng 10, hỏa lực nhắm vào đoàn xe tiếp cứu giảm thiểu xuống các loại súng nhỏ, và vào lúc 1300G, VC đoạn giao chiến vì bị oanh kích.” (9)

- Giai đoạn II: Lùa địch với hành quân Long Reach

Trại Pleime được giải tỏa. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, qua tin tình báo, biết được hai Trung Đoàn 32 và 33 được lệnh rút lui và chuẩn bị một cuộc tấn khác cùng với Trung Đoàn 66:

“Cuộc hành quân Dân Thắng 21 chấm dứt, trại Pleime vững mạnh trở lại, nhưng trong số hai Trung Đoàn V.C. đã tham dự, ta mới gây cho chúng được hơn 400 tổn thất nhân mạnh. Sự rút lui của địch là một chủ trương sáng suốt và hợp lý của BCH mặt trận V.C. nhưng địch sẽ tìm cách rửa hận và vì trại Pleime hẻo lánh còn là một cái gai trước mắt.” (10)

Sứ mạng lùa địch quân được giao cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ với cuộc hành quân Long Reach:

“Vì vậy quyết định phải tổ chức truy kích địch của Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II, trong đó Sư đoàn I Không Kỵ làm nỗ lực chính và Liên Đoàn Nhảy dù VN làm trừ bị sẵn sàng tham dự khi tình hình tiến triển và đòi hỏi, được toàn thể chiến sĩ của Sư đoàn hân hoan nhận lãnh, vì đã mấy đơn vị được may mắn mở những trang sử đầu của mình với một cuộc trường chinh (Long Reach).” (11)

Để tiếp tục nhử lòng thèm muốn của địch, khi nới rộng vùng hành quân cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II vẫn duy trì quyền kiểm soát trại Pleime cho mình; do đó trại vẫn có vẻ yếu ớt đối với một cuộc tấn công của địch:

“-Lúc 292350g Col Williams gọi Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Quân Đoàn II yêu cầu là Vùng Trách Nhiệm Chiến Thuật của SĐ 1 KK HK được nới rộng để bao gồm cả vùng Pleime ngoại trừ chính trại.” (12)

Hành quân Long Reach triển khai qua hai giai đoạn: hành quân All the Way với Lữ Đoàn 1 Không Ký và hành quân Silver Bayonet I với Lữ Đoàn 3 Không Kỵ.

Hành quân All the Way (27 tháng 10- 9 tháng 11)

Lữ Đoàn 1 Không Kỵ ra tay lùa các toán quân nhỏ rải rác của Trung Đoàn 3 trở luii về Chu Prong, trong khi đó Ban 2 Quân Đoàn II theo dõi sự di chuyển của địch quân qua đài kiểm thính:

“Ngày 27/10, Trung Đoàn 33 đến làng Kro; ngày 28/10, Trung Đoàn 32 tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang; ngày 29/10, Trung Đoàn 33 nhắm đi tới làng Anta tại YA940010, nằm tại chân rặng núi Chu Prong; ngày 1/11, bản doanh trung đoàn đã tới căn cứ tại làng Anta; ngày 2/11, khoảng 0400 giờ Ban Chỉ Huy trung đoàn 33 tới Đồi 732 (YA885106); ngày 05/11, Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong và Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ, Trung Đoàn 32 và Bộ Tư Lệnh B3, trong khi đó, án binh tại phía bắc Ia Drang và gần bên biên giới Căm Bốt; ngày 08/11 Trung Đoàn 33 thu thập xong các đơn vị cơ hữu cuối cùng.” (13)

Hành quân Silver Bayonet I (9 -17 tháng tháng 11)

Ngày 9 tháng 11, Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thay thế Lữ Đoàn 1 Không Kỵ và nhận lãnh sứ mạng dụ Mặt Trận B3 qui tụ ba trung đoàn lại để chuẩn bị tấn công trại Pleime lần thứ hai:

“Vào khoảng lúc này, Field Force Vietnam yêu cầu sư đoàn di chuyển các cuộc hành quân của mình về phía đông Pleime nếu "không có thêm đụng độ mới nữa trong vùng phía tây.” (14)

“Thế điều quân chuyển hướng từ tây sang đông là để khơi ngòi cho một quyết định gần sắp tới từ Bộ Tư Lệnh sư đoàn Bắc Quân.” (15)

“Với các đơn vị Mỹ coi bộ rút lui về phía đông Pleime, quyết định là cố gắng lấy lại thế thượng phong với một cuộc tấn công. Lần này cũng lại là trại DSCĐ Pleime. Bộ tư lệnh sư đoànVC ấn định ngày tấn công là ngày 16 tháng 11, và ra chỉ thị cho ba trung đoàn của sư đoàn.” (16)

Ngày 11 tháng 11, Trung Đoàn 66 đóng tại (trung tâm khối YA 9104); Trung Đoàn 32 tại (YA 820072), Trung Đoàn 33 tại (YA 940011). Chúng trở thành mục tiêu B-52 có thể nhắm dội bom được.

Thời điểm trên mục tiêu được ấn định là 16:00 giờ ngày 15 tháng 11 tại trung tâm khối của các lực lượng địch quân (YA8702).

Để trợ giúp cho mức tiến hành chậm chạp của B-52 – cần được thông báo trước 72 tiếng và mất tám tiếng bay từ Guam đến Chuprong - ngày 12 tháng 11, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ được lệnh sẵn sàng thực hiện một cuộc hành quân nghi binh vào phía tây chân rặng núi Chuprong. Ngày 14 tháng 11, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ được trực thăng vận xuống LZ X-Ray, buộc Mặt Trận B3 phải đình chỉ tấn công trại Pleime và tập trung chú ý đối ứng với mối đe dọa mới:

“Anh Chu Huy Mân chính ủy, anh Đặng Vũ Hiệp chủ nhiệm chính trị và tôi ở sở chỉ huy cơ bản đang chỉ huy chuẩn bị cho đợt 2 hoạt động đánh mục tiêu ở gần Plây-me. Nhận được tin liên tiếp từ các hướng báo cáo về, Mỹ đă đổ quân, chúng tôi cho lệnh đ́nh lại việc đánh Chư Ho.” (17)

Vì lẽ mục đích của Tiểu Đoàn 1 Không Kỵ khi đổ bộ bãi đáp X-Ray là nghi binh, nên nó được sắp đặt sao cho đối phương không phải sợ hãi hoảng bỏ chạy trước một mối nguy to lớn: cuộc đổ bộ được thông báo với 20 phút tiền pháo bắn phá ầm ĩ và một đoàn trực thăng gồm 16 chiếc đồng loạt xông tới bãi cách hùng hổ; thời gian đổ bộ được cố ý thực hiện lâu lắc cả 5 tiếng đồng hồ mới xong; tương quan lực lượng được duy trì ở mức 2:2 với hai Tiểu Đoàn 7 và 9 BV đối với hai Tiểu Đoàn 1/7 và 2.7 Không Kỵ, và khi cần tăng cường thêm với một tiểu đoàn, thì Tiểu Đoàn 2/5 được trực thăng đặt xuống đất tại bãi đáp Victor các 5 cây số và âm thầm lội bộ tiến vào bãi đáp X-Ray sau một hành trình 5 tiếng đồng hồ ngày 15 tháng 11; thế rồi ngày 16 tháng 11, khi đối phương nhận thấy tương quan lực lượng đã biến thàn 3:2 thì Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ được rút đi để lại hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ tại bãi đáp X-Ray.

Ngày 15 tháng 11 vào lúc 1600 giờ, các phóng pháo cơ B-52 khởi sự trải thảm bom tại trung tâm khối quanh YA 8702, khoảng 7.5 cây số tây bãi đáp X-Ray, nhắm vào các vị trí của các toán quân thuộc Trung Đoàn 32. Ngày 17 tháng 11, sau khi các Tiểu Đoàn 1/7, 2/7 và 2/5Không Kỵ rời bỏ bãi đáp X-Ray, các phóng pháo cơ B-52 trút bom xuống ngay bãi đáp, nhắm vào các toán quân của Trung Đoàn 66 còn lai vãng quanh vùng. .

B-52 trải thảm bom trong 5 ngày kế tiếp:

“Trong năm ngày liên tiếp, từ 15 đến 19 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã bay tổng cộng 96 phi vụ. Từng khu vực một, các khu vực của rặng núi Chu Prông - mỗi khu 20 dậm vuông - tuần tự trải qua một cơn động đất từ Tây sang Đông. Các công sự và hầm hố trước nay từng chống cản các vụ đánh phá của phi cơ tác chiến và pháo binh bắt đầu bị các trái bom 750 cân anh trực tiếp đánh rập. Lớp cây lá rừng rậm không còn hữu hiệu cho công việc ẩn núp lẫn bao che. "Cửa hậu" vào Căm Bốt bị đóng lại và để trốn thoát, tàn quân Việt Cộng chỉ còn lại thung lũng eo hẹp của Ia Drang.” (18)

Ngày 15 và 16 tháng 11, B-52 nhắm trải thảm bom vào các vị trí của các đơn vị thuộc Trung đoàn 33 và 32; ngày 17, 18 và 19, các đơn vị thuộc Trung đoàn 66; và ngày 25, các đơn vị thuộc Trung đoàn 32.

Chiến dịch Pleime-Chupong-Iadrang

Ngày 17 tháng 11, nguồn tình báo qua đài kiểm thính cho biết các cuộc oanh tạc B-52 khiến cho địch quân chết khoảng 2.000 chiến binh và hai Tiểu Đoàn 635 và 334 sống sót nhận được lệnh rút về Căm Bốt qua thung lũnh eo hẹp của sông Iadrang, tiểu đoàn thứ nhất dọng theo mạn bắc và tiểu đoàn thứ nhì theo mạn nam. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II lấy quyết định phái Nhóm Dù Việt Nam gồm 5 tiểu đoàn vào chiến trường để kết liễu trận chiến với cuộc hành quân Thần Phong 7.

Ngày 18 tháng 11, một căn cứ yểm trợ pháo binh mới được thiết lập tại LZ Crooks (YA 875125), bảo vệ bởi Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ.

Nhờ vào nguồn tin tình báo chính xác, hai Tiểu Đoàn 3 và 6 Dù đổ bộ xuống vùng bắc sông Iadrang vào chiều ngày 18 tháng 11 để phục kích Tiểu Đoàn 635 tại YA 805080 ngày 20 tháng 11.

Và cũng nhờ vào nguồn tin tình báo chính xác, bốn Tiểu Đoàn 5, 6, 7 và 8 Dù, sau khi lội qua sông Iadrang sang phía nam (Tiểu Đoàn 3 Dù trở lui về phía bắc để phá hủu ba trung tâm huấn luyện) thiết lập ổ phục kích và trận đánh Tiểu Đoàn 3354 tại YA 815070 ngày 24 tháng 11.

Trận chiến kéo dài 38 ngày chấm dứt vào ngày 26 tháng 11:

“Cho tới ngày 24-11-65 thì các cuộc tiếp xúc với địch không còn nữa và giai đoàn 3 cuả trận chiến Pleime kết thúc lúc 18g45 ngày 26-11-1965 với: 265 VC chết tại chỗ và 10 VC bắt sống..” (19)

Kết luận

Sự thật về trận đánh Thunh Lũng Ia Drang do đó là môt cuộc hành quân trải thảm bom B-52, hỗ trợ bởi một lực lượng bộ chiến trong đó Sư Đoàn 1 Không Kỵ cài đặt và ghim các mục tiêu cho phóng pháo cơ B-52 nhắm thả bom.

Chú thích bên lề: Một cuộc hành quân liên hợp Việt-Mỹ

Chiến dịch Pleime là một cuộc hành quân liên hợp Việt-Mỹ với một phương thức hành động rõ rệt trong đó tình báo và khái niệm hành quân do QLVNCH cung ứng, và trong đó chỉ huy và điều quân của các lực lượng riêng rẽ (trong giai đoạn Pleime là Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Thiết Kỵ VN; trong giai đoạn Chu Prong là Sư Đoàn 1 Không Kỵ HK; và trong giai đoạn Ia Drang là Nhóm Nhảy Dù VN).

Cuộc hành quân trong giai đoạn Chu Prong được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đặt tên là Trường Chinh, dịch sang tiếng Anh là Long Reach:

“Vì vậy quyết định phải tổ chức truy kích địch của Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II, trong đó Sư đoàn I Không Kỵ làm nỗ lực chính và Liên Đoàn Nhảy dù VN làm trừ bị sẵn sàng tham dự khi tình hình tiến triển và đòi hỏi, được toàn thể chiến sĩ của Sư đoàn hân hoan nhận lãnh, vì đã mấy đơn vị được may mắn mở những trang sử đầu của mình với một cuộc trường chinh (Long Reach).” (11)

Tướng Westmoreland nhìn nhận vai trò chủ chốt của QLVNCH trong cuộc hành quân liên hợp này:

“Đối với việc xử dụng các lực lượng phối hợp, trận đánh Plei Me là một trường hợp điển hình. Các thành quả nổi bật của các giai đoạn sau có thể, có lẽ, không bao giờ thể hiện được nếu như không có đầu óc thẩm định và con mắt nhìn xa của giới lãnh đạo Việt Nam. Nỗ lực chuẩn bị tiên khởi trên chiến trường, mở đường cho việc xử dụng Sư Đoàn 1 Không Kỵ, đã do các lực lượng Việt Nam hoàn thành. Cũng vậy, thành quả khai thác của giai đoạn chót đã do Lữ Đoàn Dù Việt Nam phần lớn hoàn thành. Sự hữu hiệu của nỗ lực khéo tổ chức, ăn khớp mật thiết, cộng tác phối trí chung quả là hiếm thấy trong chiến tranh hiện đại.” (20)

Các cấp chỉ huy Mỹ can dự trong cuộc hành quân liên hợp này gồm có: General DePuy, J3/MACV, Saigon; General Larsen, IFFV, Nha Trang, phụ trách các đơn vị Mỹ hành quân trong Quân Đoàn II; General Kinnard, 1st Air Cavalry Division, An Khe; General Knowles, 1st Air Cavalry Division/CP Forward, Pleiku.

Tướng DePuy phụ trách phối hợp cuộc hành quân trải thảm B-52 với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II:

“- lúc 10:30G: MAVC J3 (Gen DePuy) Gen DePuy gọi Col Barrow và hỏi Arc Light đã được thông qua với Tư Lệnh QĐ II chưa. Col Barrow trả lời rồi, Tư Lệnh QĐ II đã chấp thuận Arc Light. Đồng thời DePuy muốn biết nếu đơn vị của 1st Cav đã nhận giới hạn áp đặt lúc 151600G cấm không được vượt qua phía tây của lằn rang ô vuông YA chưa. Col Barrow thông báo Gen DePuy là 1st Cav đã đáo nhận giới hạn và sẽ tuân theo. Gen DePuy đích thân thay đổi đồ hình mục tiêu.” (G3 Journal/IFFV, 14/11)

Có dấu chỉ Tướng DePuy cũng can dự mật thiết vào cuộc hành quân bộ chiến khi ông triệu hồi Đại Tá Hal Moore về Sài Gòn để tường trình cho ông:

“- 21:05G: 1st Cav (Col Beaty) Lt Col Moore sẽ tới Saigon 1130G sáng (để tường trình Gen DePuy).” (G3 Journal/IFFV, 15/11)

Tướng Kinnard ủy quyền chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân Long Reach cho Tướng Knowles. Tướng Knowles đặt bộ chỉ huy tiền phương cạnh bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tại Pleiku.

Tướng Kinnard và Tướng Knowles không hoàn toàn tự do điều hành cuộc hành quân Long Reach. Tướng Larsen thỉnh thoảng can thiệp trực tiếp vào chiến trường ban bố lệnh điều quân tác chiến:

“- 08/11: Vào khoảng lúc này, Field Force Vietnam yêu cầu sư đoàn di chuyển các cuộc hành quân của mình về phía đông Pleime nếu "không có thêm đụng độ mới nữa trong vùng phía tây. (Pleiku Campaign, trang 67)

“- 12/1: Vào khoảng lúc này, Field Force Vietnam yêu cầu sư đoàn di chuyển các cuộc hành quân của mình về phía đông Pleime nếu "không có thêm đụng độ mới nữa trong vùng phía tây.” (Coleman, Pleiku, trang 194)

“- 16/11: Tại Xray, địch ngưng đánh, chúng tôi không ngưng giao chiến. Chúng tôi không thấy lợi gì ở lại Xray. Mảnh đất này không có giá trị gì đối với tôi. Tôi muốn đi tới nơi này có bóng dáng địch. Nhưng Tướng Swede Larsen ra lệnh cho tôi ở lại địa điểm này, và tôi ở lại đó thêm 24 tiếng đồng hồ. (Cochran, Alexander S., "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General)

Người chủ xướng toàn bộ kế hoạch của chiến dịch Pleime-Chuprong-Iadrang là Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Ông đã hoạch địch khái niệm hành quân dùng bom trải thảm B-52 để tiêu diệt ba Trung Đoàn Bắc Quân 32, 33 và 66 tại Chu Prong. Ông được nhắc tới ít nhất hai lần trong sổ nhật ký hành quân Ban 3/IFFV ghi chép về chiến dịch Pleime:

(1) “-08:20G: Quân Đoàn II Capt Ushijima - Có ai tại Pleiku có thể lấy quyết định thay Tư Lệnh trong khi Tướng Vĩnh Lộc vắng mặt không? Yêu cầu nắm vững tình hình hành quân của Thần Phong 6, Pleime và Quốc Lộ 21 và bảo quản thông tin chính xác và tức thời chuyển về Bản Doanh này. Trả lời: Tham Mưu Trưởng có mặt tại đây và giữ liên lạc với Tư Lệnh tại vùng ven biển. Hỏi: Tham Mưu Trưởng có lấy một quyết định được không. Trả lời: TMT sẽ phối kiểm với Tư Lệnh trước khi lấy một quyết định..” (G3 Journal/IFFV, 21/10)

(2) “ - 00:50G: II Corps (Major Black) Lúc 292350g Col Williams gọi Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Quân Đoàn II yêu cầu là Vùng Trách Nhiệm Chiến Thuật của SĐ 1 KK HK được nới rộng để bao gồm cả vùng Pleime ngoại trừ chính trại. Từ lằn phía NB của khoảnh ô vuông ZA đông tới lằn NB của khoảnh ô vuông AR 77, trên ĐT của khoảnh ô vuông ZA/AR15, nam trên AR77 tới ĐT của khoảnh ô vuông 00, rồi tây tới TN của khoảnh ô vuông ZA14. Col Buchan, Gen Knowes, Col Williams và Col Mataxis đồng ý.” (G3 Journal/IFFV, 29/10)


- (1) Vietnam War, 1961-1975, Wilson Center
- (2) General Nguyen Nam Khanh, Quan Doi Nhan Dan magazine, 13/11/2005
- (3) Nguyen Huy Toan and Pham Quang Dinh, 304th Division, volume II, trang 19-42
- (4) General Vĩnh Lộc, Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 124
- (5) General Vĩnh Lộc, trang 94
- (6) General McChritian, J2/MACV, Intelligence Aspect of Pleime/Chupong Campaign, trang 6
- (7) General Vinh Loc, Why Pleime, chương III, trang 47
- (8) General Vinh Loc, chapter IV, trang 55
- (9) Project CHECO Report, The Siege of Pleime, 24 February 1966
- (10) General Vĩnh Lộc, trang 94
- (11) General Vĩnh Lộc, trang 101
- (12) G3 Journal/IFFV, 00/10
- (13) General McChristian, trang 16-44
- (14) General Kinnard, Pleiku Campaign, trang 67
- (15) General Kinnard, trang 73
- (16) General Kinnard, trang 76
- (17) General Nguyen Huu An, Chiến Trường Mới– Hồi Ức
- (18) General Vinh Loc, chương VI, trang 97
- (19) General Vĩnh Lộc, trang 132
- (20) General Vinh Loc, Why Pleime, Preface

- Có thể tham khảo các tài liệu nguồn trên trên mạng tại www.generalhieu.com

Nguyễn Văn Tín
Khóa Hội Thảo Violent Skies
Air War Over Vietnam
15-16 October 2015
National Defense University, Washington D.C.

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu