Chiến Thuật Đánh Rập Kẻ Trộm Đêm Trong cuốn Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 98, Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, nhận định:
Vì nhận định được chiến thuật địch xử dụng trong chiến dịch “Plâyme” là chiến thuật kẻ trộm, nên Đại Tá Hiếu áp dụng chiến thuật bắt kẻ trộm trong chiến dịch Pleime để giải quyết chiến trường. Chiến thuật kẻ trộm tựu trung là ẩn núp rình rập cho tới khi thấy khổ chủ chểng mảng lơ là thì lúc đó mới ra tay hành động. Do đó, chiến thuật bắt kẻ trộm tựu trung là giả bộ chểng mảng lơ là để khiến kẻ trộm ra tay hành động thì thình lình phang nện lấy nó cách thức nó ít ngờ tới nhất. Điểm Việt Cộng không ngờ là Quân Đoàn II đã điều nghiên kế hoạch bắt kẻ trộm gồm ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 BV từ tháng 9 năm 1965, trước ngày khai hỏa vây hãm trại Pleime ngày 20 tháng 10 năm 1965, theo tài liệu Khía Cạnh Tình Báo của Chiến Dịch Pleime-Chuprong, trang 6:
Quân Đoàn II nghĩ đến xử dụng oanh tạc B-52 vì cho đó là phương kế hữu hiệu nhất để tiêu diệt cùng một lúc ba trung đoàn. Lẽ dĩ nhiên đó không phải là một việc dễ dàng thực hiện, vì làm thế giống như “dùng quả búa tạ để mong đập chết đám ruồi bu”, vì vừa thấy bóng búa tạ bổ xuống là đàn ruồi đã hè nhau vụt bay đi tứ tung và quả búa tạ nặng nề đập xuống khoảng trống không, ruồi đâu không thấy. Nhưng khó mà làm được, nên hóa ra lại dễ thành công vì địch không ngờ cứ ngỡ là sẽ bị tấn công bởi bộ chiến, chứ nào ngờ thần chết từ trên trời giáng xuống. Ngoài ra, đây là phương pháp hữu hiệu nhất để diệt địch, vì địch luôn phân tán mỏng đội ngũ phòng ngừa bị tấn công trực diện; nhất là khi bị hỏa lực mạnh uy hiếp và chỉ tập trung quân để tấn công khi mình ở thế mạnh hơn lực lượng đối phương. Một yếu tố nhất thiết cần phải có trong việc bắt kẻ trộm là khả năng rình rập; nghĩa là phải có thể theo rõi từng cử chỉ hành tung của kẻ trộm, nhất là khi kẻ trộm khôn lanh và ẩn nấp tài tình. Trong chiến dịch Pleime, Quân Đoàn II đã may mắn có được sự trợ giúp của bộ phận tình báo kiểm thính điện đài nghe ngóng được các cuộc điện đàm giữa giới chức cố vấn Trung Cộng hỗ trợ cho chiến dịch Plâyme hiện diện tại Nam Vang và giới chức quân sự cao cấp Việt Cộng tại Hà Nội; nhờ đó mà biết hết đường đi nước bước của đối phương trong chiến dịch Plâyme. Đại Tá Hiếu viết trong Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 172:
Nguồn tin tình báo qua phương pháp kiểm thính được Quân Đoàn II giữ kín, địch không hề hay biết, thành thử trong tình huống này, quả thật là “ta biết địch mà địch không biết ta”. Địch cứ tưởng là phía ta gài “gián điệp” vào hàng ngũ bộ đội (Khía Cạnh Tình Báo của Chiến Dịch Pleime-Chuprong, tình báo ngày 1/11/1965):
Chỉ còn vấn đề khó sau chót là khéo đóng kịch giả bộ chểnh mảng lơ là, khiến địch an tâm tập trung quân lại và bất thần giáng búa tạ lên trên đầu địch. Quá trình các giai đoạn điều quân trong công cuộc rình rập đánh kẻ trộm diễn tiến như sau. - Hành Quân Dân Thắng 21 Khi Mặt Trận B3 thay đổi chương trình khai màn chiến dịch Plâyme sớm hơn dự tính, khi chỉ có hai Trung Đoàn 32 và 33 có mặt tại chiến trường, vào ngày 20 tháng 10 năm 1965, với Trung Đoàn 66 còn rong rủi trên đường mòn Hồ Chí Minh, có thôi thúc lắm cũng phải ba tuần lễ sau mới tới, Quân Đoàn II lấy thái độ chì hoãn chiến, không phản công mạnh, chỉ đánh cầm chừng không để cho địch thực hiện kế hoạch “công đồn đả viện”. Do đó, Quân Đoàn II chỉ tăng cường trại Pleime với hai đại đội Lực Lượng Đặc Biệt Việt Mỹ, chứ không tung vào chiến trường hai chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù thuộc lực lượng trừ bị của quân đoàn, đồng thời từ chối đề nghị xử dụng một lữ đoàn Không Kỵ Mỹ theo lời để nghị của Tướng Kinnard, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ trong việc giải cứu trại Pleime. Sau khi thất bại và bị tổn thất nặng nề, Mặt Trận B3 buộc phải ra lệnh hai Trung Đoàn 32 và 33 rút về lại Chu Prong. Khi đó, Đại Tá Hiếu đánh cá là địch sẽ không bỏ qua chuyện và sẽ tính kế phục thù trở lại tấn công trại Pleime lần thứ hai, lần này với ba Trung Đoàn 32, 33 và 66. Chờ đến khi đó mới ra tay hành động xử dụng oanh tạc B-52 diệt địch cách tập thể. Đại Tá Hiếu nhận xét (Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 94):
Để khuyến dụ địch tiếp tục thèm muốn tấn chiếm trại Pleime, Đại Tá Hiếu duy trì trại dưới quyền kiểm soát yếu ớt của Quân Đoàn II khi nới rộng vùng hành quân cho Sư Đoàn I Không Kỵ Mỹ dũng mãnh hơn (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 30/10/65 ):
- Hành Quân Long Reach Như vậy khái niệm hành quân Long Reach là nhắm tiêu diệt ba trung đoàn Cộng quân cùng một lúc tại Chu Prong bằng oanh tạc B-52. Cuộc hành quân này gồm hai giai đoạn: lùa địch với cuộc hành quân All the Way do Lữ Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đảm nhiệm và dụ địch tập trung quân với cuộc hành quân Silver Bayonet I do Lữ Đoàn 3 Không Kỵ Mỹ đảm nhiệm. Để đánh lừa kẻ trộm, Lữ Đoàn 1 Không Kỵ được chính thức công khai giao cho trách vụ truy lùng và diệt đoàn quân tháo lui địch. Nhưng thật tình là dùng trực thăng lùa các toán quân tản mác của địch mau chóng lui về căn cứ Chu Prong, không cho phép chúng lai vãng giữa khoảng đường từ Pleime đến Chu Prong. Chính vì thế mà các toán trực thăng được chỉ điềm bắn phá các toán quân lẻ tẻ và không đả động tới các vị trí của các bản doanh trên đường di động của hai trung đoàn. Trong khi đó các tiến trình lui quân được Ban 2 tình báo Quân Đoàn II theo rõi từng bước:
Tiếp sau khi Lữ Đoàn 1 Không Kỵ hoàn tất trách vụ lùa kẻ trộm về căn cứ Chu Prong, ngày 9/11 Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thay thế Lữ Đoàn 1 Không Kỵ với trách vụ dụ kẻ trộm tập trung lại. Cuộc hành quân này mang tên Silver Bayonet I. Khái niệm của cuộc hành quân này là giả bộ đánh mất tung tích kẻ trộm và chuyển hướng hành quân về phía Đông trở lại Pleime. Kẻ trộm tưởng thật nên an tâm ra lệnh ngày 11/11 cho quân lính tập trung lại để chuẩn bị – tái trang bị, tái tổ chức và tập dượt - tấn công trại Pleime lần thứ hai ấn định vào ngày 16/11. Ngày 12/11, Lữ Đoàn 3 Không Kỵ được lệnh quay đầu trở lại Chu Prong và lần này nhận lãnh trách vụ ghìm chân các toán quân địch lại tại các địa điểm xuất quân để cho các oanh tạc cơ B-52 có đủ thì giờ bay từ Guam tới Chu Prong trước khi chúng chuyển động tiến tới trại Pleime. Lữ Đoàn 3 Không Kỵ được ra tay hành động khi nhận được tin tình báo cho hay là các toán quân địch được lệnh xuất quân ngày 14/11. Thế đánh lừa kẻ trộm ở giai đoạn này là làm bộ đánh một quả đấm vào cạnh sườn nhưng thật sự là giáng một búa tạ xuống đầu. Nói cách khác, khái niệm thế nghi binh là đổ bộ một lực lượng bộ chiến vừa đủ để gây chú ý địch và khiến địch đình chỉ chuyển quân đi tấn công trại Pleime để thanh toán một mối đe dọa không mấy lớn. Tiếp sau đó là giáng xuống đầu địch bằng một trận mưa bom B-52. Sáng ngày 14/11 vào khoảng 10 giờ sáng, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ rùm beng dùng 16 chiếc trực thăng đổ bộ xuống bãi đáp X-Ray cách địa điểm của Trung Đoàn 66 khoảng chừng 200 thước. Mặt Trận B3 lấy quyết định trì hoãn đi tấn công trại Pleime và tung vào chiến trường hai Tiểu Đoàn 7 và 9 thuộc Trung Đoàn 66. Lữ Đoàn 3 Không Kỵ chỉ đổ quân tăng cường thêm một tiểu đoàn (TĐ 2/7 KK) để địch khỏi phải lôi thêm quân vào trận chiến. Và khi như vậy chưa đủ thì phái thêm Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ, nhưng không trực thăng vận trực tiếp vào bãi đáp, mà đổ quân tại bãi đáp Victor cách đó khoảng 5 cây số và âm thầm lội bộ tiến tới bãi đáp X-Ray mà phía địch không hay biết, cứ ngỡ là tương quan lực lượng vẫn là 2/2. Thế là B-52 được dịp đánh phá mục tiêu nhắm vào các toán quân bất động của hai Trung Đoàn 32 và 33. Đợt oanh tạc đầu tiên đổ xuống vào lúc 16 giờ chiều ngày 15/11 và tiếp tục qua ngày 16/11. Trưa ngày 16/11, Tiểu Đoàn 1/7 được xuất phát bằng trực thăng, nhưng Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 vẫn được duy trì tại bãi đáp để tiếp tục cầm chân địch. Qua ngày 17/11, hai tiểu đoàn này được lệnh rời bỏ bãi đáp tiến tới bãi đáp Columbus và Albany, để B-52 nhắm oanh tạc tiêu diệt Trung Đoàn 66 nằm quanh bãi đáp X-Ray. Ngày 15 và 16 tháng 11, B-52 nhắm trải thảm bom vào các vị trí của các đơn vị thuộc Trung đoàn 33 và 32; ngày 17, 18 và 19, các đơn vị thuộc Trung đoàn 66; và ngày 25, các đơn vị thuộc Trung đoàn 32. Tướng Knowles tiết lộ chủ đích cho đổ bộ các toán quân Không Kỵ tại LZ X-Ray ngày 14 tháng 11 là “Chộp con hổ đằng đuôi” và đập đầu nó với oanh tập B-52 từ ngày 15 đến 16 tháng 11. Ông cũng giải thích lý do rút quân ra khỏi LZ X-Ray ngày 17 tháng 11 và di chuyển quân tới LZ Albany là để “nắm lấy đuôi hổ từ một hướng khác” đồng thời tiếp tục đập đầu nó với bom B-52 từ ngày 17 đến 20 tháng 11. Vào thời điểm này, tình báo Quân Đoàn II bắt được thông tin kẻ trộm bị oanh tạc B-52 sát hại khoảng 2000 chiến binh và hai Tiểu Đoàn sống sót – 635 và 334 – được lệnh rút lui về Căm Bốt qua thung lũng eo hẹp của sông Ia Drang, Tiểu Đoàn 635 lần theo phía bắc và Tiểu Đoàn 334 theo phía nam sông Ia Drang. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II lấy quyết định tung Liên Đoàn Dù Việt Nam vào chiến trường để thanh toán hai tiểu đoàn này. - Hành Quân Thần Phong 7 Ngày 18/11 trong khi một căn cứ pháo yểm mới được thiết lập tại bãi đáp Crooks (YA 875125), 5 tiểu đoàn Dù được các phi cơ C-130 không vận từ Phú Yên, Vũng Tàu, Biên Hòa và Sàigòn tới Pleiku. Vì có tin tình báo chính xác, hai Tiểu Đoàn 3 và 6 Dù sau khi được thả xuống phía bắc sông Ia Drang chiều ngày 18/11 đã có thể phục kích Tiểu Đoàn 635 BV tại YA 805080 ngày 20/11. Và rồi cũng nhờ vào tin tình báo chính xác, bốn Tiểu Đoàn 5, 6, 7 và 8 Dù – sau khi vượt qua sông Ia Drang sang phía nam (Tiểu Đoàn 3 Dù lộn trở lại phía bắc để phá hủy ba trại huấn luyện), đã lập ổ phục kích chận đánh Tiểu Đoàn 334 phía bắc mạn sông Ia Drang tại YA 815070 ngày 24/11. Kết Luận Chính nhờ áp dụng chiến thuật bắt kẻ trộm để trị kẻ trộm mà chiến dịch Pleime đã thành công mỹ mãn. Hẳn là Đại Tá Hiếu đã không được giảng dạy chiến thuật này tại các quân trường cơ bản cũng như cao cấp, mà là do tài năng thiên phú mà ra. Đại Tá Hiếu đã tài tình giả bộ không biết gì, không thấy gì, không ngờ gì, khiến kẻ trộm cứ tưởng mình nắm thế chủ động, nhưng trong thực tế thì hoàn toàn ở thế bị động, để rồi xui xẻo bị đập lúc bất ngờ và cách bất ngờ. Đại Tá Hiếu không những đánh lừa được Việt Cộng mà ngay cả hầu hết các giới chức quân sự, các sử gia và các học giả Mỹ lẫn Việt đến giờ phút này cũng không nhận thức được chiến thuật bắt kẻ trộm này của Đại Tá Hiếu. Kết quả ai nấy đều mô tả ba trận đánh trong chiến dịch Pleime – Pleime, Chu Prong và Ia Drang – một cách sai lệch và thiếu sót. Nguyễn Văn Tín
Tài liệu tham khảo
|