Một Cái Nhìn Mới về Trận Ia Drang
(Kiềm Vĩ Kích Thủ)

Trận Ia Drang năm 1965 là một trong những trận đánh mang tính biểu tượng nhất của Trận Chiến Việt Nam. Quần chúng Mỹ biết nhiều đến trận này qua cuốn sách, We Were Soldiers Once... and Young của Trung Tướng Harold Moore và ký gỉa Joseph Galloway, xuất bản năm 1992. Cuốn sách này được đóng thành phim năm 2002 với danh tài Mel Gibson thủ vai Trung Tá Moore. Tuy nhiên trận này vẫn còn là một trong những trận đánh bị hiểu lầm nhất.

Trận đánh khai mào sáng ngày 14 tháng 11 năm 1965, khi các trực thăng thả các toán quân thuộc Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ xuống bãi đáp X-Ray trong mật khu Chu Prong Ia Drang để truy kích các lực lượng Việt Cộng trong vùng này. Trong chốc lát sau khi đổ bộ các toán quân của Moore bị một lực lượng địch quân đông đảo hơn tấn công uy hiếp.

Khi thấy địch quân phản công với hai tiểu đoàn, phía Mỹ bắt đầu tăng cường tiểu đoàn của Moore với một tiểu đoàn khác vào buổi chiều. Các cuộc không tập khốc liệt, gồm cả oanh tập B-52, bắt đầu trút xuống chiều ngày 15 tháng 11. Sáng sớm ngày hôm đó, thêm các toán quân của một tiểu đoàn khác tới nơi, và một tiểu đoàn thứ ba được hoán chuyển tới để cho phép tiểu đoàn của Moore triệt thoái vào ngày 16 tháng 11. Hai tiểu đoàn còn nán lại rời bỏ chiến trường trong khi các cuộc oanh tập B-52 tàn phá lực lượng Việt Cộng nằm quanh vùng tiếp diễn qua đến ngày 20 tháng 11.

Các biến cố trên được mô tả như là một cuộc hành quân bộ chiến được yểm trợ bởi các cuộc không kích, nhưng trong thực tế trận đánh được dàn dựng chính yếu như là một cuộc không tập quy mô được yểm trợ bởi một cuộc hành quân bộ chiến lùa đẩy các lực lượng Việt Cộng vào khoảng trống nơi chúng trở thành các mục tiêu cho các cuộc oanh tập B-52.

Khởi Đầu

Trận Ia Drang là một phần của một cuộc hành quân kéo dài một tháng đáp ứng lại một cuộc tấn công của Việt Cộng nhằm vào trại Lực Lượng Đặc Biệt tại trại Pleime trong vùng Cao Nguyen Trung Phần vào ngày 19 tháng 10 năm 1965. Hai Trung Đoàn 33 và 32 vây hãm trại cho đến ngày 25 tháng 10 thì được một lực lượng tiếp cứu Quân Lực VNCH và hỏa lực Không Quân Hoa Kỳ giải tỏa.

Sau khi thất bại chiếm cứ trại Pleime, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Dã Chiến B3 ra lệnh cho hai Trung Đoàn 32 và 33 rút về hậu cứ trong rặng núi Chu Prong. Hai Trung Đoàn này sẽ kết hợp với Trung Đoàn 66 và cùng nhau chuẩn bị tấn công trại Pleime lần thứ hai. Lần này, chủ lực tấn công là Trung Đoàn 66 được tăng phái với một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14,5 ly và một tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly.

Quân Đoàn II thu hoạch được những thông tin thiết yếu này qua nguồn tình báo kiểm thính các liên lạc giữa các cố vấn Tàu hoạt động tại cấp trung đoàn và bản doanh cố vấn Tàu thiết lập tại Nam Vang để hỗ trợ cho Mặt Trận Dã Chiến B3 về mặt tiếp vận. Các cố vấn Tàu đàm thoại vô tư bằng tiếng Quan Thoại, không dùng mật mã vì không ý thức được là phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nghe ngóng các cuộc điện đàm của họ.

Nguồn tin tình báo này cho phép hoạch định mọi khía cạnh của các cuộc hành quân trên căn bản "tin tình báo tức thời" cũng như lập thời khóa biểu cho năm ngày oanh tập B-52. Đại Tá Hiếu xác nhận trong bản tường trình sau trận đánh, Pleime, Trận Chiếnh Lịcyh Sử là "sự nắm vững tình hình địch đã làm cho trận chiến phát triển đến một mức độ và quy mô tối đa đồng thời đem lại những chiến công lớn nhất từ trước đến nay của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh."

Nguồn tình báo này được bảo mật; cả phía Việt Cộng lẫn phía Hoa Kỳ đều lầm tưởng là các "điệp viên đặc biệt thuộc QLVNCH".

Ngày 26 tháng 10 năm 1965, Quân Đoàn II yêu cầu các toán quân Mỹ trợ giúp trong việc thực hiện một cuộc hành quân trục lợi tiếp sau chiến thắng tại Pleime. Toàn bộ Sư Đoàn 1 Không Kỵ được tăng phái cho lực lượng Quân Đoàn II. Cuộc hành quân liên hợp Việt-Mỹ được đặt tên là Long Reach (dịch từ Trường Chinh) và được thi hành trong khuôn khổ một phương thức đặc biệt bao gồm "chung: tình báo và quan niệm; riêng rẽ: vùng hành quân, chỉ huy, điều động diễn tiến và trừ bị." Một Bộ Chỉ Huy Tác Chiến Sư Đoàn 1 Không Kỵ, dưới sự lãnh đạo của Chuẩn Tướng Richard Knowles, được thiết lập cạnh bên bản doanh Quân Đoàn II. Vùng hành quân của Sư Đoàn 1 Không Kỵ được nới rộng cho toàn khu vực Chuprong-Iadrang, ngoại trừ lân cận trại Pleime được duy trì dưới trách nhiệm QLVNCH để trông bề ngoài ra vẻ yếu kém ngõ hầu cám dỗ địch quân tấn công trại lần thứ hai.

Các lực lượng Việt Mỹ thực hiện hành quân Long Reach qua ba giai đoạn từ ngày 27 tháng 10 đến 26 tháng 11 năm 1965.

- Hành Quân All the Way, 27 tháng 10 - 9 tháng 11, do Lữ Đoàn 1 Không Kỵ thực hiện.

- Hành Quân Silver Bayonet I, 9 - 18 tháng 11, do Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thực hiện.

- Hành Quân Silver Bayonet II/Hành Quân Thần Phong, 18 - 26 tháng 11do Lữ Đoàn 2 Không Kỵ và Lữ Đoàn Dù Việt Nam thực hiện.

Hành Quân Silver Bayonet I bao gồm Trận Ia Drang xảy ra tại bãi đáp X-Ray (14-16 tháng 11) và vùng bãi đáp Albany (17-18 tháng 11).

Quân Đoàn II phụ trách phần khái niệm hành quân và tình báo, trong khi Sư Đoàn 1 Không Kỵ đảm trách phần điều quân và tiếp vận. Khái niệm hành quân, do Đại Tá Hiếu hoạch định, xử dụng oanh tập B-52 triệt tiêu ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 khi chúng tụ tập vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong Ia Drang sau cuộc tấn công đầu tiên trại Pleime và để chuẩn bị cuộc tấn công thứ hai.

Thông thường thì Trưởng Ban 2 và Trưởng Ban 3 của MACV đảm trách thiết kế hoạch oanh tập B-52, với Trưởng Ban 2 điều nghiên và chọn lựa các mục tiêu bao gồm các hậu cứ tiếp liệu và/hay tập trung quân lính dựa vào tin tình báo. Trong trường hợp của cuộc hành quân Long Reach, các toán quân địch bị Quân Đoàn II khuyến dụ trở thành mục tiêu dựa vào nguồn tình báo của Quân Đoàn. Các đơn vị bộ chiến của Không Ky 1sẽ tấn kích buộc các toán quân Việt Cộng bất động tại chỗ không di chuyển hành quân nơi khác được. Sau cùng, Không Lực Mỹ sẽ đánh phá địch quân bất động từ trên không.

Chuẩn Tướng Knowles mô tả kế hoạch, Không Kỵ 1 “nắm hổ đằng đuôi” tại bãi đáp X-Ray và tiếp sau di chuyển đến bãi đáp Albany để “nắm hổ đăng đuôi từ một hướng khác” trong khi oanh tập B-52 dữ dằn hơn giáng quả tạ xuống đầu hổ giết hại nó.


Đại Tá Hiếu


Chuẩn Tướng DePuy - Thiếu Tướng Larsen - Chuẩn Tướng Knowles

Hành Quân All the Way

Trong khi các toán quân của Trung Đoàn 32 và 33 rút lui về hậu cứ trong rặng núi Chu Prong để liên kết lực lượng với Trung Đoàn 66, phần hành của Không Kỵ 1 là lùa cho chúng mau trở về hậu cứ.

Ngày 27 tháng 11, các toán trực thăng Diều Hâu phát xuất từ Sư Đoàn 1 Không Kỵ bắt đầu hành động. Trực thăng bay trên bàu trời toàn vùng truy lùng địch quân. Khi tìm thấy địch, các đơn vị này bị tấn kích. Các chiến thuật này buộc địch quân di chuyển không ngừng. Vào cuối ngày này, các đơn vị tiền phương của Trung Đoàn 32 tiến tới vùng tập trung tiền phương tại làng KRO. Ngày 28 tháng 10, toàn thể Trung Đoàn 32 đặt chân tới mạn bắc sông Ia Drang. Ngày 31 tháng 10, các đơn vị địch quân tiếp tục tan rã và tách ra từng toán nhỏ trong khi tiến về hậu cứ tại chân rặng núi Chu Prong. Ngày 1 tháng 11, các toán quân Không Kỵ khám phá và hủy diệt một bệnh xá dã chiến VC; và bản doanh Trung Đoàn 33 đã tới hậu cứ tại làng Anta, nhưng phần lớn trung đoàn còn trải dài từ Pleime đến Chu Prong. Ngày 2 tháng 11, Trung Đoàn 66 bắt đầu di chuyển vào các vùng tập trung trong khu vực Chuprong-Iadrang. Ngày 3 tháng 11, các toán quân Không Kỵ phục kích Tiểu Đoàn 8 thuộc Trung Đoàn 66 mới vừa xâm nhập, trong khi Trung Đoàn 33 vẫn còn đang nỗ lực lôi kéo các đuôi đầy thương tích về mật khu Chu Prong, Ngày 4 tháng 11, Trung Đoàn 33 di chuyển ra khỏi hậu cứ tại Đồi 732 đế chiếm ngự các vị trí từ Đồi 732, xuống tới mạn bắc sông Ia Meur trong khi các mảnh vỡ vẫn còn tiến về hướng tây. Tiểu đoàn hậu vệ, vì khởi hành sau và di chuyển chậm chạp hơn mọi đơn vị khác vẫn còn ở phía đông của các vị trí Không Kỵ. Ngày 6 tháng 11, Trung Đoàn 66 tiếp tục tiến vào các vùng tập trung và Trung Đoàn 33 ngóng chờ các lực lượng tan vụn kết tụ về lại với đơn vị mẹ. Trong khi đó, Trung Đoàn 32 và Tư Lệnh Mặt Trận Dã Chiến, đóng tại phía bắc Ia Drang, gần kề biên giới Căm Bốt. Ngày 7 tháng 11, Trung Đoàn 33 suy nhược đợi chờ nhóm tàn quân về tới. Ngày 8 tháng 11, chỉ còn các đơn vị mảnh vỡ và các nhóm tàn quân vẫn sót lại phía đông mật khu Chuprong-Iadrang. Ngày 9 tháng 11, bản doanh Mặt Trận Dã Chiến B3 đóng tại phía bắc Ia Drang và Trung Đoàn 33 tập hợp xong các đơn vị cuối cùng.

Tấc cả các nỗ lực lùa địch đều do các toán bay Diều Hâu hoàn thành. Trong giai đoạn này, bộ chiến của Không Kỵ thuộc các Tiểu Đoàn 2/12, 1/8, 1/12 và 2/8 chỉ có một số ít – 9 lần – đụng độ với địch.

Giai đoạn lùa địch chấm dứt. Tuy nhiên, mặc dù các đơn vị địch quân đã tụ họp trong vùng rặng núi Chu Prong, chúng vẫn còn tản mác trong tư thế phòng thủ khiến các oanh tập B-52 vô hiệu quả. Tiếp đến là giai đoạn khuyến dụ các đơn vị địch sát lại nhau gần hơn và trở thành các mục tiêu cho các oanh tập B-52.

Hành Quân Silver Bayonet I

Ngày 9 tháng 11, Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thay thế Lữ Đoàn 1 Không Kỵ để chuẩn bị tấn kích các trung đoàn Việt Cộng tụ tập trong vùng.

Tướng Stranley Larsen, Tư Lệnh I Field Force ra lệnh cho Knowles hoán chuyển hướng hành quân từ tây sang đông như thể đánh lạc mất các vị trí địch quân. Mặt Trận Dã Chiến B3 mắc mưu kế và quyết định khởi công chuẩn bị tấn công trại Pleime lần thứ hai. Ngày 11 tháng 11, cả ba trung đoàn được lệnh nhập vào các vùng tập trung để tái tổ chức, tái trang bị và tập trận sửa soạn tấn công. Ngày tấn công được ấn định vào ngày 16 tháng 11. Sự thu gom các toán quân vào các vùng tập trung khiến cho chúng trở thành mục tiêu cho oanh tập B-52. Trưởng Ban 3/MACV được thông báo chuyển động tiến trình oanh tập B-52. Đợt bom đầu tiên sẽ được thả tại điểm cách LZ X-Ray khoảng 7 cây số rưỡi về hướng tây và thời điểm tại mục tiêu được ấn định vào lúc 16 giờ ngày 15 tháng 11.

Ngày 12 tháng 11, Tiểu Đoàn 1/7 được lệnh sẵn sàng đổ bộ tại rặng núi Chu Prong trong thế nghi binh. Ngày 13 tháng 11, đương khi một số đơn vị trinh sát và đơn vị vận tải đã di chuyển ra khỏi các vùng tập trung, Tiểu Đoàn 1/7 được lệnh đổ bộ tại phía đông chân rặng núi Chu Prong, với dụng ý tạo nên một mối đe dọa mới khiến cho Mặt Trận Dã Chiến B3 đình trệ di chuyển các toán quân ra khỏi các vùng tập trung tới một khoảng thời gian sau khi oanh tập B-52 khởi động.

Ngày 14 tháng 11, một số đơn vị xung kích thuộc lực lượng Mặt Trận Dã Chiến B3 khởi sự di chuyển ra khỏi các vùng tập trung. Vào lúc 10:48 giờ, các đơn vị dẫn đầu của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ tới LZ X-Ray sau một trận 30 phút hỏa lực gồm pháo binh, hỏa tiễn trực thăng và oanh kích máy bay. Điểm đổ bộ cách khoảng 200 thước từ vị trí của Tiểu Đoàn 9 thuộc Trung Đoàn 66. Mặt Trận Dã Chiến B3 đã mắc mưu và quyết định phản công chống lại mối đe dọa mới với hai tiểu đoàn – 7 và 9 thuộc Trung Đoàn 66 – đồng thời ra lệnh cho Trung Đoàn 32 và 33 duy trì vị trí tại các vùng tập trung. Lữ Đoàn 3 Không Kỵ đáp ứng bằng cách tăng phái Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ; Tiểu Đoàn 2/7 đổ bộ xong vào lúc 9:10 giờ và Tiểu Đoàn 2/5 vào lúc 12:05 giờ ngày 15 tháng 11. An ninh của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ còn được bảo đảm thêm bằng một vòng đanh thép hỏa pháo và bằng các tấn kích không quân 24 trên 24 tiếng bắn phá mọi nẻo đường tới lui bãi đáp để ngăn chận Trung Đoàn 32 và 33 gia nhập trận chiến. Oanh tập B-52 khởi động lúc 16:00 giờ và trút bom xuống các vị trí của Trung Đoàn 32 và 33 trong hai ngày 15 và 16 tháng 11.

Trưa ngày 16 tháng 11, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ dời khỏi LZ X- và được thay thế bởi Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5. Sáng ngày 17 tháng 11, hai tiểu đoàn này nhận lệnh từ Tướng Knowles dời bỏ LZ X-Ray và lội bộ tới LZ Albany và LZ Columbus trong một thế tác chiến "chộp hổ đàng đuôi từ một hướng khác"(5) để cho phép trải thảm bom xuống các vị trí của các đơng vị thuộc Trung Đoàn 66 còn nán lại quanh vùng LZ X-Ray. Tuy đã có nhưṛng biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại nhân mạng, các toán quân Không Kỵ cũng vẫn bị tổn thất nặng tại LZ X-Ray và LZ Albany vì địch quận vận dụng nhiều chiến thuật "biển người".

Oanh tập B-52 tiếp diễn hai ngày nữa khắp mật khu Chuprong-Iadrang từ tây sang đông khiến cho vùng rừng rậm không còn hữu hiệu cho ẩn núp vào che đậy. Tình báo Quân Đoàn II ước tính các cuộc oanh tập B-52 khiến cho 2/3 lực lượng địch bất khả dụng. Số quân sống sót của lực lượng Mắt Trận Dã Chiến B3 chỉ còn có một hàng lang eo hẹp dọc theo sông Ia Drang để tẩu thoát sang Căm Bốt.

Hành Quân Silver Bayonet II/Hành Quân Thần Phong

Ngày 18 tháng 11, Lữ Đoàn 2 Không Kỵ được lệnh di chuyển đến LZ Crooks để "chộp hổ đằng đuôi từ một hướng khác"(5) và giúp Lữ Đoàn Dù Việt Nam tiêu diệt hai tiểu đoàn – 334 và 634 – còn lại của Trung Đoàn 32. Lữ Đoàn 2 Không Kỵ tiếp tục gây áp lực từ đồng sang tây và thiết lập một căn cứ hỏa pháo tại LZ Crooks với Tiểu Đoàn 2/17 Pháo Binh để yểm trợc cho cuộc hành quân Thần Phong; căn cứ hỏa lực được Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ bảo an.

Lữ Đoàn Dù Việt Nam tiêu diệt ba trung tâm huấn luyện, một kho tàng quân dụng và 75 căn nhà. Quân Dù cũng giết 265 VC và tịch thâu 52 súng ống đủ loại trong hai trận phục kích ngày 20 và 24 tháng 11. Ngày 26 tháng 11, khi không còn đụng độ với địch quân đã thoát chạy sang mật khu Căm Bốt, Lữ Đoàn Dù Việt Nam và Sư Đoàn 1 Không Kỵ dời bỏ vùng hành quân.

Hậu Quả

Kể cả sau khi trận đánh kết thúc, phía Việt Cộng lẫn phía Mỹ đều cho là trận đánh này là một cuộc tấn công bộ chiến tìm và diệt hoàn toàn do một đơn vị Mỹ thực hiện và đơn vị Không Kỵ Mỹ này bị một lực lượng địch đông đảo hơn phản công sau khi đổ bộ xuống bãi đá- X-Ray và phải kêu cứu đến yểm trợc không lực gồm cả oanh tập B-52.

Một công trình nghiên cứu toàn diện và thấu đáo hơn các nguồn chính cho thấy là Trận Ia Drang chỉ là một thành phần của một cuộc hành quân liên hợp Việt Mỹ, và cuộc đổ bộ của Không Kỵ Mỹ là diện nhằm khiến các lực lượng Việt Cộng hoán chuyển từ thế thủ sang thế công và khiến chúng trở thành các mục tiêu cho oanh tập B-52, điểm của cuộc hành quân.

Các bản báo cáo sau trận đánh chính thức không trình bày cách rõ ràng kế hoạch phối hợp không lực và bộ chiến. Còn các sách báo kể lại trận đánh Ia Drang thì lại chú tâm vào đổ bộ trực thăng và các giao tranh của bộ chiến khiến thế đánh diện diệt điểm bị lu mờ. Mãi cho tới khi khám phá ra tư liệu cá nhân của Tướng Knowles liên quan đến trận đánh. Trong đó, ông xử dụng các cụm từ nắm hổ đàng đuôi và nắm hổ đàng đuôi từ một hướng khác.

Tướng Knowles tiết lộ chiến thuật này trong lá thư đề ngày 20 tháng 6 năm 1983 trả lời cho Moore, khi được hỏi ông nhớ gì về trân đánh tại bãi đáp X-Ray. Moore không nhắc đến hai cụm từ nắm hổ đàng đuôi trong cuốn sách We Were Soldiers and... Young, nhưng bản sao lá thư của Tướng Knowles được hiến tặng cho The Vietnam Center and Archive at Texas Tech University sau khi ông chết năm 2013. Lá thư này được công khai hóa tháng 10 năm 2017. Hiển nhiên là hình ảnh con cọp Tướng Knowles dùng có dấu tay của Đại Tá Hiếu, kiềm vĩ kích thủ, nắm đuôi đá đầu, nắm đuôi mà đánh.

Tuy chiến thuật phối hợp không lực/bộ chiến xử dụng trong cuộc hành quân Long Reach tiêu diệt hầu hết 6 ngàn quân lính thuộc lực lượng của Mặt Trận Dã Chiến B3, nó không thể tái diễn lại với thành quả tương tự trong các cuộc hành quân khác vì thiếu lợi khí then chốt mà phía Việt-Mỹ có được tại Ia Drang – kiểm thính điện đàm của giới chức cố vấn Tàu, một nguồn tình báo tất yếu trong việc lập thời khóa biểu cho các oanh tập B-52. Việt Cộng sau này thôi cài đặt các cố vấn Tàu tại các đơn vị chiến đấu, do đó chấm dứt thất thoát tin tức tình báo.

Phía Việt Cộng vẫn luôn chối là có cố vấn Tàu trợ lực trong trận Ia Drang. Năm 1993, khi Tướng Moore cùng một nhóm cựu binh sĩ Không Kỵ trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa, ông hỏi Tướng Nguyễn Hữu An về các điện đàm bằng tiếng Quan Thoại thì được trả lời là không phải các cố vấn Tàu nói chuyện với nhau và họ cũng có nhân viên giỏi tiếng Quang Thoại vậy (We Were Soldiers Still).

Nguyễn Văn Tín
Ngày 02 tháng 7 năm 2018

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu