Diễn Biến Chiến Lược và Chiến Thuật trong Chiến Dịch Pleime

Dựa vào và đối chiếu một số tài liệu của cả ba phía tham gia trong trận chiến Pleime - VNCH, Cộng Sản Bắc Việt và Hoa Kỳ - tôi thiết lập quá trình diễn biến chiến lược và chiến thuật đưa tới trận đánh Pleime như sau:

- Tháng Giêng năm 1959, với nghị quyết 15, Bộ Chính Trị Cộng Sản Bắc Việt quyết định cưỡng chiếm miền Nam bằng quân sự và cho khởi công thiết lập đường mòn Hồ Chí Minh.

- Các chiến lược gia VNCH dự đoán Cộng Sản Bắc Việt có thể xâm lấn Nam Việt Nam hoặc trực diện tràn qua sông Bến Hải, hoặc bên hông qua đường mòn Hồ Chí Minh đánh vào Vùng I Chiến Thuật (Mặt Trận B1 hay Khu 5) hay sâu xuống hơn vào Vùng II Chiến Thuật (Mặt Trận B3 hay Tây Nguyên), thiết lập nhiều đường chiến lược, như Quốc Lộ 14 nối Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum với Thừa Thiên, lập nhiều đồn từ vĩ tuyến 17 dọc theo biên giới Lào đến Kontum. Đồng thời QĐ I và QĐ II hành quân phối hợp tập dượt chống Quân Đội Nhân Dân xâm nhập trực diện hay ngang hông.

- Liên tục ba năm 1962, 1963 và 1964, QLVNCH mở những cuộc hành quân vào mật khu Đỗ Xá, cửa ngõ xâm nhập của Quân Đội Nhân Dân tại ranh giới ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín và Kontum.

- Tháng 8 năm 1964, Trung Đoàn 320 BV được phái vào Nam và có mặt trên Cao Nguyên đầu năm 1965.

- Đầu năm 1965, Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 325 BV bắt đầu xuất hiện trên Cao Nguyên và nắm quyền chỉ huy và phối hợp tất cả các nỗ lực địch trong vùng. Một sự chuyển hoán qua chiến tranh vị trí và chiến trận di động khởi động. Cộng Sản Bắc Việt tính chuyện gia tăng mức độ giao tranh lên cấp sư đoàn.

- Chiến dịch đầu tiên (từ tháng Giêng đến tháng 5) nhắm tới mục tiêu làm tê liệt Quốc Lộ 19 và kiểm soát vùng bắc Bình Định, ngõ hầu cô lập phần bắc Cao Nguyên (Kontum và Pleiku) khỏi vùng duyên hải.

- Tháng 2, Cộng Sản Bắc Việt khiêu khích Mỹ cho đặc công đánh phá trại lính Mỹ tại Camp Halloway trên Pleiku.

- Tháng 3, Mỹ trả đũa với chiến dịch Rolling Thunder dội bom Bắc Việt; đồng thợ̀i, ngày 8 tháng 3 năm 1965, Mỹ đổ bộ một đơn vị chiến đấu đầu tiên vào phi trường Đà Nẵng, Trung Đoàn 9 TQLC để bảo vệ các phi cơ cất cánh từ phi trường này đi chinh phạt Bắc Việt.

- Ngay lập tức, Bộ Tổng Tư Lệnh Bắc Việt tính đánh dằn mặt lính Mỹ và ra lệnh Sư Đoàn 304 BV chuẩn bị vào Nam Việt Nam nhắm đánh đơn vị chiến đấu Mỹ đầu tiên này.

- Tại Khu 5, bao gồm Đà Nẵng, Tướng Chu Huy Mân điều nghiên kế hoạch dùng Sư Đoàn 304 tấn công dằn mặt đơn vị TQLC Mỹ này.

- Từ tháng 3 đến tháng 6, Mỹ đổ quân ào ạt vào vùng ven biển từ Đông Hà, xuống tới Chu Lai với hơn hai sư đoàn TQLC Mỹ, khiến CSBV phải bỏ ý định đánh lính Mỹ tại phi trường Đà Nẵng.

- Tháng 7, Mỹ thành lập Sư Đoàn 1 Không Kỵ và ngày 28 tháng 7, Tổng Thống Johnson phái đơn vị này chuẩn bị sang tham chiến tại Nam Việt Nam.

- Đầu tháng 7, Quốc Lộ 21 và 19 Bis bị cắt đứt khiến ba tỉnh phía bắc Cao Nguyên - Pleiku, Kontum và Phú Bổn cũng bị cô lập.

- Quân Đoàn II phản công với Dân Tiến 107 để giải tỏa Quận Thuần Mẫn (Phú Bổn), với Thần Phong 1 và 3 để khai thông Quốc Ḷộ 19 và 21 và tái lập các đường lộ tiếp tế chính lên Cao Nguyên.

- Cũng trong tháng 7 này, Tướng Chu Huy Mân được lệnh thuyên chuyển lên Tây Nguyên và thiết lập Mặt Trận B3 để thi hành chiến dịch Đông Xuân cắt ngang Nam Việt Nam dọc theo Quốc Lộ 19, từ Pleiku xuống Qui Nhơn, trước khi lính Mỹ nhảy đông đảo lên Tây Nguyên.

- Khoảng ngày 22 đến 25 tháng 7, Trung Đoàn 33 BV được lệnh lên đường vào Nam Việt Nam và tới Cao Nguyên cuối tháng 10.

- Trong khi đó, Trung Đoàn 320 BV đang uy hiếp trại Đức Cơ được một tháng, và vào cuối tháng 7, Trung Đoàn 33 BV được lệnh xuất quân từ Quảng Ninh đi khoảng hai tháng vào tới Tây Nguyên.

- Đầu tháng 8, các đơn vị thuộc SĐ 1 KK Mỹ lục đục lên tàu và sẽ lênh đênh trên biển hai tháng thì cập bến Qui Nhơn. Trong khi đó một đơn vị tiền phương gồm 1.100 sĩ quan đáp máy bay tới Qui Nhơn trước để thu xếp thiết lập căn cứ An Khê, trên Tây Nguyên.

- Cũng vào đầu tháng 8, Bộ Tổng Tư Lệnh QĐND nhận được dự án kế hoạch tiến công Pleime-Pleiku do Mặt Trận B3 biên soạn, và ra lệnh cho Sư Đoàn 304 chuẩn bị vào Tây Nguyên tăng phái cho hai Trung Đoàn 320 và 33. Vì lệnh ra cho Sư Đoàn 304 BV phải sẵn sàng tác chiến nội trong 2 tháng, và cuộc hành trình vào Nam đòi hỏi ít ra 2 tháng, nên có thể suy diễn là kế hoạch ấn định tháng 12 năm 1965 hay tháng giêng năm 1966 sẽ là tháng T khởi động chiến dịch Pleime-Pleiku.

- Hay tin Mỹ có thể có mặt tại vùng Tây Nguyên vào cuối tháng 9, ngày 18 tháng 8, khi chương trình huấn luyện bổ sung chưa hoàn thành, BTTL ra lệnh cho đơn vị tiền phương của Sư Đoàn 304 BV gấp rút lên đường, và một tuần lễ sau đó, đến lượt Trung Đoàn 66 BV, do đòi hỏi của chiến trường, không còn thì giờ phái hai trung đoàn còn lại là Trung Đoàn 24 BV và 9 BV, chưa sẵn sàng. Thành thử thay vì phái một sư đoàn hoàn chỉnh, chỉ phái được một sư đoàn thiếu. Kế hoạch của chiến dịch Pleime là vây đồn Pleime với Trung Đoàn 33 BV, diệt viện VNCH với Trung Đoàn 320 BV, tiến chiếm đồn Pleime với hai Trung Đoàn 320 và 33. Trung đoàn 66 BV tới sau sẽ tham gia vào đợt 3 của chiến dịch, cùng Trung Đoàn 320 BV và 33 BV tiến công Pleiku. - Vào khoảng tháng 9, Quân Đoàn II phối hợp với MACV nghiên cứu kế hoạch phá hủy căn cứ Chu Prong và đồng thời triệt tiêu ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 Bắc Quân cùng một lúc, khi ba trung đoàn này tập trung tại Chu Prong chuẩn bị tấn công trại Pleime.

- Trung tuần tháng 9, tàu Rose chở các đơn vị đầu tiên của SĐ1KK Mỹ cập bến Qui Nhơn, và họ chuẩn bị lên căn cứ An Khê vào đầu tháng 10.

- Đầu tháng 10, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Tây Nguyên nhận được điện báo: Bộ Tổng Tư Lệnh QĐND thông qua kế hoạch chiến dịch Pleime.

- Ngày 19 tháng 10, Bộ Tư Lệnh B3 quyết định khởi công chiến dịch Pleime cho khai hỏa vào đồn Pleime sớm hơn dự định, khi lính Mỹ của SĐ1KK mới đặt chân xuống trại An Khê chưa sẵn sàng tác chiến, mặc dù chủ lực Trung Đoàn 66 còn cần phải lội bộ sớm lắm là khoảng ngày 1 tháng 11 mới vào tới chiến trường.

- Ngày 20 tháng 10, đơn vị tiền phương của Sư Đoàn 304 tới Bộ Tư Lệnh B3 và nhận lệnh chuẩn bị cho Trung Đoàn 66 sẵn sàng ứng chiến với lính Mỹ ngay khi tới chiến trường. Cấp chỉ huy Sư Đoàn 304 thiếu tiền phương điều nghiên kế hoạch đánh lính Mỹ bay với chiến thuật dùng lưỡi lê và tuyển chọn 300 chiến sỉ ưu tú tập luyện thế đánh mới này.

- Ngày 22 tháng 10, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II được tin tình báo xác nhận là chỉ có hai Trung Đoàn 320 và 33 có mặt quanh vùng Pleime, quyết định qui tụ một chiến đoàn đặc nhiệm đi giải cứu đồn và đồng thời yêu cầu Mỹ cung cấp một lữ đoàn bộ binh thay thế quân lính VNCH bảo vệ Pleiku và một đơn vị pháo binh yểm trợ cho cuộc hành quân tiếp cứu.

- Sáng ngày 23 tháng 10, một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh thuộc SĐ1KK Mỹ đổ bộ xuống Pleiku.

- Trưa ngày 23 tháng 10, Tiểu Đoàn 22 Biệt Đông Quân được trực thăng vận xuống một băi đáp 2 cây số rưỡi phía Nam vị trí ổ phục kích của Trung Đoàn 33 QĐND, đồng thời Chiến Đoàn tiếp viện gồm Tiểu Đoàn 1 Bộ Binh, thuộc Trung Đoàn 42 và Thiết Đoàn 3 thuộc Quân Đoàn II chuyển bánh xuất trại.

- Khoảng 6 giờ chiều ngày 23 tháng 10, xảy ra trận chiến tại địa điểm Trung Đoàn 33 lập ổ phục kích. Trận chiến này kéo dài qua tới chiều ngày 25 tháng 10 mới chấm dứt.

- Chiều ngày 25 tháng 10, chiến đoàn tiếp cứu tiến vào đồn Pleime. Hai Trung Đoàn 320 và 33 rút lui về rặng núi Chu Prông. Chiến dịch Pleime chấm dứt.

- Ngày 26 tháng 11, một cuộc họp diễn ra tại Trung Tâm Hành Quân của Quân Đoàn II với sự hiện diện của các cố vấn Mỹ và các đơn vị trưởng. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II lấy quyết định khai thác thành quả của đợt 1 và đuổi theo địch với sự đồng thuận của giới quân sự Mỹ và đôi bên đồng ý đặt kế hoạch chung. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ sẽ là nỗ lực chính với cuộc Hành Quân "Long Reach" và Lữ Đoàn Dù VNCH sẽ là lực lượng trừ bị, sẵn sàng can dự khi Quân Đoàn ra lệnh.

- Ngày 31 tháng 10, Mỹ bắt đầu đi lùng địch với đợt đổ quân đầu tiên xuống Plei Ia Priêng, Quynh Kla và suối Ia Mơ.

- Đầu tháng 11, Tướng Chu Huy Mân họp hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 1 của kế hoạch đánh Pleime và bàn định kế hoạch đối phó sự phản kích của SĐ1KK Mỹ và lực lượng tổng trừ bị VNCH.

- Vào khoảng thời điểm này, trước tình hình khan hiếm lương thực, Tướng Chu Huy Mân buộc phải đi công tác tới tỉnh Đắc Lắc để lo chuyển vận lương thực cho ba Trung Đoàn 320, 33 và 66 và giao Đại Tá Nguyễn Hữu An chức vụ Tư Lệnh Mặt Trận Tiền Phương đặt tại rặng núi Chu Prông.

- Cũng vào thời điểm này, Trung Đoàn 24 thuộc Sư Đoàn 304 được lệnh đi vào Nam.

- Lúc này Trung Đoàn 66 còn cách khu vực tác chiến 20 ngày đường, được lệnh tiến nhanh gấp rút. Để làm nhẹ bớt gánh nặng, bộ đội trút bỏ cả lưỡi lê. Khi hay được tin này, Trung Tá Nguyễn Nam Khánh, Phó Chính Ủy Sư Đoàn 304, "phải động viên và tổ chức một số cán bộ chính trị cùng với một bộ phận lực lượng vận tải đi thu gom lưỡi lê từ đường 9 vào B3".

- Ngày 10 tháng 11, Trung Đoàn 66 được cán bộ sư đoàn 304 và cán bộ mặt trận ra đón dẫn về đến khu vực dưới chân núi Chư Prông, đóng quân gần bên Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Tiền Phương. .

- Sáng ngày 11 tháng 11, cấp chỉ huy Trung Đoàn 66 về Bộ Tư Lệnh Tiền Phương B3 họp bàn kế hoạch kế tiếp trở lại đánh chiếm đồn Pleime. Ngày N sẽ là ngày 16 tháng 11.

- Trong thời gian chờ đợi, "3 đại đội bộ binh (1 đại đội của tiểu đoàn 7 và 2 đại đội của tiểu đoàn 8, trung đoàn 66)...những chiến sĩ có quyết tâm, ư chí quyết thắng giặc Mỹ cao...được động viên, huấn luyện thành thục động tác đâm lê, đánh gần và tập chạy nhanh, dưới hỏa lực địch để kịp tiếp cận đúng đối tượng Mỹ".

- Sáng sớm ngày 14 tháng 11, vào lúc 4 giờ rưỡi sáng, Sư Đoàn 1 KK Mỹ phát giác được vị trí của Tiểu Đoàn 9 thuộc Trung Đoàn 66 tại sườn núi Chu Prông. Vào lúc 11 giờ sáng, Trung Đoàn 7 KK Mỹ đổ bộ bãi đáp X-Ray tập kích bất ngờ Tiểu Đoàn 9 trong thế không sẵn sàng ứng chiến đang khi bộ đội mới lãnh gạo về thổi cơm ăn trưa. Cuộc giao tranh tiếp diễn qua hai ngày kế tiếp.

- Lúc 16 giờ ngày 15 tháng 11, B-52 bắt đầu oanh tác các vị trí của hai Trung Đoàn 32 và 33. Cuốc oanh tạc tiếp tục qua ngày 16.

- Trưa ngày 17 tháng, B-52 oanh tạc ngay tại bãi đáp X-Ray nhắm hủy diệt Trung Đoàn 66. Cuộc oanh tạc tiếp diễn sang đến ngày 20.

- Trưa ngày 17 tháng 11, cuộc giao tranh chuyển qua bãi đáp Albany.

- Ngày 18 tháng 11, trận Ia Drăng kết thúc sau một cuộc giao tranh nhỏ tại bãi đáp Columbus.

- Ngày 20 tháng 11, Tiểu Đoàn 635/Trung Đoàn 320 bị Lữ Đoàn Dù chận đánh tại phía bắc sông Ia Drang, và ngày 24 tháng 11 Tiểu Đoàn 334/Trung Đoàn 320 bị Lữ Đoàn Dù phục kích tại phía nam sông Ia Drang. Chiến dịch Đông Xuân bị bẻ gãy.

- Cuối tháng 12, Mặt trận Tây Nguyên, từ bản doanh đặt trên lãnh thổ Căm Bốt phía tây rặng núi Chu Prông, củng cố lực lượng lấy quyết định thành lập 2 Sư Đoàn 1 và 6. Sư Đoàn 1 gồm các trung đoàn 33, 320, 66 - còn gọi là Sư Đoàn Lê Lợi. Trung Đoàn 24 mới hành quân tới bắc Kontum được sát nhập vào Sư Đoàn 6 tân lập. Vào thời điểm này, Sư Đoàn 1KK Mỹ cũng đã đổ bộ lên vùng Cao Nguyên tăng phái hoàn bị cho Quân Đoàn II. Cộng Sản Bắc Việt thất bại trong cuộc chạy đua tăng gia quân số để thực hiện ý định cắt đôi Nam Việt Nam năm 1965.

- Đến tháng 4 năm 1966, các đơn vị của Sư Đoàn Lê Lợi bắt đầu xuất hiện lại vùng Chu Prông-Ia Drang và quần thảo với các đơn vị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ và của Quân Đoàn II qua các cuộc hành quân Paul Revere I (10/5-31/7), Thần Phong 14 (10/5-11/6), Paul Revere II (1/8-25/8), Thần Phong 17 (6/8-14/8) và Thần Phong 18 (21/8-28/8) với nhiều tổn thất lớn lao.

Kết luận:

Pribbenow nhận xét các sử sách ghi lại trận đánh Pleime-Ia Drang tạo nên một "đám sương mù" (the Fog of War), khiến khó nhận định được sư thật xảy ra trong trận này. Sau khi đem các tài liệu ra phân tích và đối chiếu, tôi hy vọng đã phe phẩy đi được phần nào đám sương mù, khả dĩ giải lý được những mâu thuẫn giữa các tài liệu, và đạt tới một cái nhìn trong sáng và tinh tường về trận đánh này.


Tham khảo
- Vĩnh Lộc, Why Pleime
- Vĩnh Lộc, ">Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, 1966.
- J2/MACV, Khía Cạnh Tình Báo Của Chiến Dịch Pleime/Chuprong
- Shelby Stanton, Vietnam Order of Battle, 1986.
- John Hay, Jr., Tactical and Materiel Innovations, 1989.
- Nguyễn Huy Toàn và Phạm Quang Định, Sư Đoàn 304, tập II, 1990
- Harold Moore và Joseph Galloway, We Were Soldiers Once...and Young, 1993.
- Merle Pribbenow, The Fog of War, 2001.
- Nguyễn Nam Khánh, Chiến Thắng Plâyme-Ia Đrăng, 2005.
- Đặng Vũ Hiệp, Người Chính Ủy Trong Trận Đầu Thắng Mỹ ở Tây Nguyên, 2006.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 16 tháng Giêng năm 2007
Cập nhật ngày 24 tháng 9 năm 2014

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu