Sinh Hoạt Hậu Trường Tại Các Bộ Tư Lệnh Việt Mỹ
Trong Chiến Dịch Pleime

Hầu hết các bài viết về trận đánh Pleime-Iadrang đều mô tả những gì xảy ra ngoài chiến trường. Không thấy có bài viết nào tường thuật những gì xảy ra tại hậu trường các Bộ Tư Lệnh Việt Mỹ (Quân Đoàn II, First Field Force VN, 1st Air Cavalry Division, MACV, Bộ Tổng Tham Mưu) trong khi chiến dịch Pleime tiến triển. Bài này có mục đích khỏa lập thiếu sót này bằng cách đối chiếu ba tài liệu đầu tay liên quan đến chiến dịch này:

1. Chiến Dịch Pleime
2. Chiến Dịch Pleiku
3. Sổ Nhật Ký Ban 3/I Field Force VN

Chiến Dịch Pleime là bản tường trình của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II xuất bản vào tháng 9 năm 1966. Chiến Dịch Pleiku là bản tường trình của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ, soạn thảo xong ngày 4 tháng 3 năm 1966. Sổ Nhật Ký Ban 3/I Field Force VN ghi chép từng giờ phút các sự việc liên quan đến trận Pleime từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 10 năm 1965.

Ngoài ra, một tài liệu tham chiếu khác là một bài phỏng vấn Tướng Kinnard do ông Alexander Cochran thực hiện năm 1984 đăng trên Military History (Cochran, Alexander S., "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General).

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nằm tại Pleiku, dưới quyền chỉ huy của Tướng Vĩnh Lộc. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ nằm tại An Khê, dưới quyền chỉ huy của Tướng Kinnard. Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến I Mỹ nằm tại Nha Trang, dưới quyền chỉ huy của Tướng Larsen.

Ba vị tư lệnh này đều chân ướt chân ráo tại vùng Cao Nguyên: Tướng Larsen nhậm chức Tư Lệnh IFFV tháng 9 năm 1965; Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn II ngày 20 tháng 6 năm 1965; và Tướng Kinnard vừa cùng lính Sư Đoàn 1 Không Kỵ đổ bộ lên bãi biển Qui Nhơn tháng10 năm 1965 đang khi các xe ủi đất còn đang khai phá khu rừng để thiết lập Bộ Tư Lệnh sư đoàn tại An Khê. Vì vậy người nắm vững nhất tình hình quân sự tại vùng Cao Nguyên lúc bấy giờ là Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, nắm chức vụ này từ ngày 12 tháng 12 năm 1963 dưới quyền Tướng Đỗ Cao Trí rồi Tướng Nguyễn Hữu Có rồi mới Tướng Vĩnh Lộc. Tất cả ba vị tướng tư lệnh này đều nể trọng tài quân sự của Đại Tá Hiếu không những trong phạm vị tham mưu mà cả trong lãnh vực điều hành các đơn vị tác chiến.

Trong ba vị tư lệnh, Tướng Larsen có tiếng nói mạnh nhất: đối với Tướng Kinnard vì Sư Đoàn 1 Không Kỵ được đặt dưới quyền xử dụng trực tiếp của Lực Lượng Dã Chiến 1 Mỹ; đối với Tướng Vĩnh Lộc, vì Quân Đoàn II hoàn toàn lệ thuộc vào Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến 1 Mỹ về mặt tiếp liệu.

Lắm Đầu Thúi Ma

Tin tức từ Bộ Tư Lệnh Dã Chiến I Mỹ cho biết là ngày 19 tháng 10 năm 1965, vào lúc 7 giờ tối, một toán khoảng 2 Đại Đội Việt Cộng khai hỏa tấn công trại Pleime (G3/IFFV 10200500G). Khoảng 10 giờ sáng ngày 20 tháng 10, trưởng trại Pleime ước chừng lực lượng địch tấn công là một tiểu đoàn (G3/IFFV 10201030G). Lúc 3 giờ 45 chiều thì Ban 2 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ ước lượng 2 tiểu đoàn Việt Công có mặt quanh trại Pleime và đoán là thuộc Trung Đoàng 32 BV hay Trung Đoàn 95 VC (G3/IFFV 10201545G).

Như vậy là Bộ Tư Lệnh B3 BV phát động đồng loạt hai mặt trận lớn trong Vùng 2 Chiến Thuật: một tại Quận Hoài Ân, Bồng Sơn, và hai tại Pleime, Pleiku. Điều hệ trọng đối với giới lãnh đạo quân sự cao cấp hữu trách là xác định cho đúng đâu là nỗ lực chính và đâu là nỗ lực phụ để đối ứng cho thích hợp.

Khi có dấu chỉ Việt Cộng rục rịch tấn công lớn tại Bồng Sơn, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã đưa hai lực lượng trừ bị của quân đoàn, Chiến Đoàn A Dù cùng Chiến Đoàn Alpha TQLC xuống đó. Đồng thời, Tướng Vĩnh Lộc đã có mặt tại Bồng Sơn để trực tiếp chỉ huy cuộc phản công mang tên hành quân Thần Phong 6.

Trong bản tường trình chiến dịch Pleiku, Tướng Kinnard cho biết là các Tướng Lãnh Mỹ tin là nỗ lực chính của địch là Bồng Sơn. Ông viết (Pleiku, trang 10):

Trước ngày 19 tháng 10, thông tin tình báo cho thấy địch tập trung quân tại phía đông và đông bắc của vùng căn cứ sư đoàn. Vì mối đe dọa tới mùa gặt lúa gạo tại các vùng ven biển từ Tuy Hòa đến Bồng Sơn, kế hoạch cho các hành quân chiến thuật qui nhắm trực tiếp tới vùng chung này.

Mặc dù có nhiều báo cáo kế tiếp trong Vùng Chiến Thuật Quân Đoàn II là trại DSCĐ Pleime có thể bị tấn công (hầu hết là không xảy ra) cuộc tấn công của địch vào lúc 191900 tháng 10 gây một ít ngạc nhiên. Nhưng, ngay cả khi thấy địch sung vào trận nhiều quân lính, ý kiến chung đồng thuận là vùng ven biển vẫn là mục tiêu thật sự của các nỗ lực Việt Cộng trong vùng của quân đoàn.

Tướng Vĩnh Lộc cũng ngả theo ý kiến chung này và cho Pleime là nỗ lực phụ của địch (G3/IFFV 10201650G):

- 16:50G: Tư Lệnh Quân Đoàn II dự tính Thần Phong 6 tiếp diễn như đã dự định, tiếp cứu Pleime là yêu tiên 2.

Trong khi đó, tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II trên Pleiku, chỉ duy Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, lại nghĩ khác mọi người. Dựa vào sự phân tích riêng về tình hình chiến sự và vào các cuộc hành quân của Việt Cộng trên vùng Cao Nguyên dạo sau này, Đại Tá Hiếu đi đến kết luận là Bộ Tư Lệnh B3 BV đang áp dụng thế chiến thuật "nhất điểm, lưỡng diện" (Pleime, cuối chương II), với điểm là Pleiku, và hai diện là Hoài Ân - phụ - và Pleime - chính. Đại Tá Hiếu chẩn đoán Việt Cộng nhắm khiến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II sẽ buộc phải sung quân trú phòng Pleiku vào việc tiếp cứu trại Pleime và thành phố Pleiku sẽ bị bỏ ngỏ để chúng dễ bề thôn tính. Đo đó, Đại Tá Hiếu, sau khi xin hai đại đội Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ Việt lên trợ lực ngay trại Pleime, ngỏ ý xin cho tăng phái Task Force Ingram gồm một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh Không Kỵ Mỹ lên bảo vệ thành và phi trường Pleiku và đồng thời yểm trợ cho cuộc hành quân tiếp cứu trại Pleime.

Thoạt tiên, từ Nha Trang, Tướng Larsen ngờ vực quyền hạn của Đại Tá Hiếu trong phạm vị điều quân, và cho lệnh gạn hỏi ai có quyền quyết định thay tư lệnh đang vắng mại tại bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 21 tháng 10 vào lúc 08:20 giờ) như sau:

- 08:20G: Quân Đoàn II Capt Ushijima - Có ai tại Pleiku có thể lấy quyết định thay Tư Lệnh trong khi Tướng Vĩnh Lộc vắng mặt không? Yêu cầu nắm vững tình hình hành quân của Thần Phong 6, Pleime và Quốc Lộ 21 và bảo quản thông tin chính xác và tức thời chuyển về Bản Doanh này. Trả lời: Tham Mưu Trưởng có mặt tại đây và giữ liên lạc với Tư Lệnh tại vùng ven biển. Hỏi: Tham Mưu Trưởng có lấy một quyết định được không. Trả lời: TMT sẽ phối kiểm với Tư Lệnh trước khi lấy một quyết định.

Đồng thời Tướng Larsen bắn tiếng là ông không muốn rút Task Force Ingram ra khỏi hành quân Thần Phong 6 để đưa lên Pleiku vì nghĩ là điểm nóng là quận Hoài Ân, chứ không phải Pleime (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 20/10/65 lúc 12:35 giờ):

-12:35G: Quân Đoàn II có thể yêu cầu sự trợ giúp từ phía Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Murray góp ý với Broughton là Tư Lệnh không mấy muốn sung Kỵ Binh vào trong vùng vào thời điểm này. Broughton nói chỉ là một tiếng gióng chuẩn bị cho một yêu cầu khả dĩ và hỏi điều gì sẽ ảnh hưởng đến cho hành quân Thần Phong 6. Murray lập lại xác định trước về sự e ngại của Tư Lệnh.

Đại Tá Hiếu nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình, nhưng Tướng Larsen vẫn duy trì lập trường của mình giữ Task Force Ingram tại Bồng Sơn (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 20/10/65 lúc 22:45 giờ):

- 22:45G: Từ Col Barrow (Thông tin từ Gen Larsen qua Gen Smith): TF Ingram không được ra khỏi địa điểm hiện tại để đi tới đích theo kế hoạch (liên quan tới Thần Phong 6). TF Ingram phải duy trì tại chỗ để chuẩn bị trợ giúp Condor. (Nhóm Cố Vấn Quân Đoàn II). Lệnh này bao gồm cuộc không hành liên hệ (phi cơ cánh quạt và Chinook). Chuyển đạt cho SĐ 1 KK.

Chỉ mãi đến đúng 11 giờ đêm ngày 20/10/65 - Tướng Larsen mới chịu chấp thuận lời yêu cầu của Đại Tá Hiếu (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 20/10/65 lúc 24:00 giờ):

- 24:00G: Gen Larsen hủy bỏ sự tham dự của TF Ingram trong Thần Phong 6 kể từ 202300g, bao gồm yểm trợ vận chuyển hàng không sẽ được chuẩn bị để trợ giúp tiếp cứu Trại Pleime ngày 21 tháng 10.

Lấn Át Quyền Chỉ Huy

Có hai trường hợp cho thấy giới chỉ huy quân sự Mỹ có chiều hướng muốn áp đặt ý kiến riêng và lấn át quyền chỉ huy khi họ được yêu cầu tăng phái yểm trợ cho các đơn vị QLVNCH.

Trường hợp thứ nhất liên quan đến Đại Tá Bennett, chỉ huy trưởng 5th Special Force Group, là người cung cấp Toán Delta Mỹ cùng với Toán LLĐB Việt được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II phái tới trại Pleime. Đại Tá Hiếu cho thả toán hỗn hợp LLĐB Việt Mỹ cách 5 cây số Đông-Bắc phía ngoài trại với hai sứ mạng: thứ nhất là trinh sát dò la xem địch sắp xếp đội hình quân lính vây hãm trại ra sao để xác định ý đồ chính của địch là đánh dứt điểm thanh toán trại hay chỉ vây đồn để cốt đả viện; thứ đến mới là tăng cường cho lực lượng trú phòng trại (Pleime, chương IV):

Trên lộ trình tiến tới Trại sau khi đổ bộ, Tiểu Đoàn 91 giao tranh với địch lúc 1030 giờ, giết và gây thương tích cho một số không rõ Việt Cộng và tịch thu một bích kích pháo 82 ly, hai đại liên M.G. 50 ly, nhiều súng liên thanh cộng đồng và súng trường Nga sô. Cuộc đụng độ này chứng tỏ là quanh Trại, địch đã phân tán quân để tránh trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh tạc của ta và đồng thời để phục kích các lực lượng tiếp cứu khi dùng đường không tại khu vực quanh Trại.

Trong khi phía ta thu thập thêm tin tình báo về ý đồ và thế điều quân của địch thì phía Việt Cộng cũng từ từ đoán biết được mưu kế của phía ta.

Nhưng Đại Tá Bennett lại muốn toán Delta Mỹ nhảy vào trại ngay để giúp giới chỉ huy Mỹ trong trại chế ngự lính Thượng nổi loạn (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 20/10/65 lúc 18:25 giờ):

- 18:25G: Quân Đoàn II Capt Ushijima - Có thể đặt để một Đại Đội Biệt Cách Dù gần Pleime tối nay. Col Bennett được Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II cho biết là chỉ có thể xảy ra sau 1900g và không thực hiện được chuyến trực thăng vận đêm nay. Col Bennett sau đó yêu cầu đưa 10 lính Mỹ vào trong Trại để trợ giúp kiểm soát các DSCĐ. Col Mataxis (Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II) trả lời là do tình hình chiến thuật điều đó không thực hiện được. .

Đại Tá Hiếu đã phải quyết liệt từ chối lời yêu cầu đó (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 20/10/65 lúc 20:00 giờ):

- 20:00G: Từ Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II gửi Lt Col Patch. Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II vừa trở về sau chuyến bay trên không phận trại Pleime. Pleime vẫn đứng vững. Các phi cơ thả trái sáng và chiến đấu cơ vẫn yểm trợ. Phi Đội A/1 Không Lực đã trở về Pleiku, do thời tiết xấu. Yêu cầu của Lt Col Bennett, Nhóm 5 LLĐB, đưa 10 lính Mỹ vào trại bị từ chối.

Trường hợp điển hình thứ hai liên quan đến chiều hướng lấn át quyền hành của giới chỉ huy quân sự Mỹ là trường hợp của Tướng Harry Kinnard, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ.

Đại Tá Hiếu chỉ xin Bộ Tư Lệnh 1 Dã Chiến Mỹ cung cấp một tiểu đoàn bộ binh Mỹ và một tiểu đoàn pháo binh Mỹ tăng phái cho cuộc hành quân Dân Thắng 21 nhằm giải tỏa trại Pleime: tiểu đoàn bộ binh để giữ an ninh cho thành phố và phi trường Pleiku thay cho Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân được sung vào Chiến Đoàn Thiết Kỵ Tiếp Cứu; và tiểu đoàn pháo binh yểm trợ chống phục kích cho Chiến Đoàn Thiết Kỵ Tiếp Cứu. Việc điều quân này được thực hiện xong vào lúc 1 giờ trưa ngày 23 tháng 10 (Pleime, chương IV):

Để đối ứng với các trường hợp khẩn cấp, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II yêu cầu Lực Lượng Đặc Nhiệm Alpha Mỹ (Thiếu Tướng Stanley R. Larsen, Bộ Tư Lệnh Nha Trang) tạm thay chu toàn phận vụ an ninh của Phi Trường Pleiku và thành phố Pleiku và vào lúc 1300 giờ, Chiến Đoàn Ingram gồm một tiểu đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ tới theo ấn định.

Tuy vậy, sau khi điều Task Force Ingram lên đến Pleiku, Tướng Kinnard không chỉ chịu đóng vai trò yểm trợ cho các đơn vị tiếp cứu Việt Nam, mà còn ham muốn trực tiếp can thiệp vào việc tiếp cứu xông thẳng tới trại Pleime bằng cách vận động sau hậu trường với Tướng Larsen cho tăng quân số tiểu đoàn lên thành lữ đoàn không kỵ (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 23/10/65 lúc 23:50 giờ):

- 23:50G: Ban 3, Col Barrow - vào khoảng 2300g, Tư Lệnh nhận cú điện thoại của Đại Tá Mataxis và Gen Knowles có mặt cạnh ông ta. Dựa trên thông tin họ chuyển đạt cho ông, Tư Lệnh chấp thuận sung toàn bộ hay một phần của Lữ Đoàn 1 (Pleiku) tùy ý Gen Knowles. Gen Kinnard có mặt với Gen Larsen. Thông tin này được chuyển tới Gen Knowles và Đại Tá Mataxis lúc 2315g.

(ghi chú: Tư Lệnh đây là Tướng Larsen, Đại Tá Mataxis là Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II, Tướng Knowles là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Trong cú điện đàm này, Tướng Larsen và Tướng Kinnard đang ở Nha Trang tại Bộ Tư Lệnh Dã Chiến 1 Mỹ và Tướng Knowles và Đại Tá Mataxis thì ở trên Pleiku tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II).

Tướng Kinnard đã phát biểu rõ ràng tham vọng nắm quyền chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa trại như sau trong bản báo cáo Chiến Dịch Pleiku, trang 16:

Khái niệm tiên khởi cho cuộc hành quân này là dàn quân bằng không vận tới gần trại Holloway một tiểu đoàn bộ binh đặc nhiệm để bảo an cho các đơn vị Hoa Kỳ và các cơ sở trong vùng Pleiku và cung cấp một lực lượng trừ bị/phản ứng cho vùng Pleiku.

Trong vòng một vài tiếng đồng hồ ước lượng về tình hình tại Pleime được duyệt lại và việc can dự của sư đoàn được nới rộng lên thành một lực lượng đặc nhiệm cỡ lữ đoàn. Tiếp sau đó khái niệm phát triển để cung cấp các cuộc hành quân tấn công giới hạn, xử dụng các kỹ thuật xung phong không vận để cung cấp hỏa lực pháo binh yểm trợ cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Thiết Kỵ QLVNCH tiểp cứu trại Pleime đồng thời yểm trợ chính doanh trại; và để cung cấp bảo an bộ binh cho các vị trí pháo binh, trong khi duy trì một lực lượng phản ứng trừ bị không nhỏ hơn một tiểu đoàn để phòng thủ Pleiku.

Lẽ đương nhiên là Đại Tá Hiếu chưa thấy cần đến một Lữ Đoàn Không Kỵ trực tiếp tấn kích giảo tòa trại Pleime, một phần vì việc giải tỏa trại có thể thực hiện được với Chiến Đoàn Thiết Kỵ Tiếp Cứu với sự yểm trợ pháo binh của Task Force Ingram, phần khác vì biết địch sẽ dễ dàng bắn hạ các trực thăng Mỹ đổ quân vì chúng đã chu đáo cài đặt kỹ lưỡng các ổ súng chống phòng không quanh trại và đồng thời phục kích các toán quân đổ bộ bằng trực thăng quanh trại Pleime (Pleime, chương IV):

Trên lộ trình tiến tới Trại sau khi đổ bộ, Tiểu Đoàn 91 giao tranh với địch lúc 1030 giờ, giết và gây thương tích cho một số không rõ Việt Cộng và tịch thu một bích kích pháo 82 ly, hai đại liên M.G. 50 ly, nhiều súng liên thanh cộng đồng và súng trường Nga sô. Cuộc đụng độ này chứng tỏ là quanh Trại, địch đã phân tán quân để tránh trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh tạc của ta và đồng thời để phục kích các lực lượng tiếp cứu khi dùng đường không tại khu vực quanh Trại.

Khi Tướng Kinnard thấy Chiến Đoàn Thiết Kỵ Tiếp Cứu dậm chân tại Phù Mỹ đã ba ngày, từ ngày 20 đến 23 tháng 10, ông cho là Trung Tá Luật, Chiến Đoàn Trưởng, e ngại không dám tiến quân. Ông liền thôi thúc cho xe tăng lăn bánh và hứa cho pháo binh yểm trợ (Pleiku, trang 21):

Để thúc đẩy đoàn quân tiếp cứu di chuyển ngày 24/10, Lữ Đoàn 1 đặt để một toán liên lạc viên pháo binh với đoàn quân thiết kỵ, như vậy bảo đảm pháo yểm Mỹ cho LLĐNTK. Tuy nhiên, chỉ huy trưởng LLĐNTK chọn lựa tiếp tục dừng chân tại vị trí này qua đêm trong khi đó ông phái người trở lui về Pleiku để xin thêm tiếp tế. Toán liên lạc viên pháo binh nhập vào LLĐNTK từ một trong những trực thăng di tản thương binh chiều tối ngày 24/10.

Tướng Kinnard không hay biết là Trung Tá Luật đã theo lệnh của Đại Tá Hiếu đang áp dụng thế phản chiến thuật phục kích vận động chiến của Việt Cộng, lừa cho địch ló diện tại địa điểm phục kích trước, thì mới có cơ hội đánh rập quân phục kích bằng pháo binh (Pleime, chương IV):

Sáng ngày 21 tháng 10, Chiến Đoàn Luật tiếp tục di chuyển, dọc theo trục Phú Mỹ-Pleime, nhưng chỉ thực hiện những cuộc tuần tiễu bạo dạn nội trong một đường kính 10 cây số! Lệnh ban bố rõ ràng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cho Chiến Đoàn Trưởng, Trung Tá Luật, là giả bộ cho đoàn quân sắp tiến tới Trại Pleime, nhưng trong thực tế, ông phải đợi thêm cho đủ lực lượng tăng phái sẽ được di chuyển tới bằng đường không từ Kontum và Bình Định tới Pleiku, ngay khi các điều kiện thời tiết cho phép các di chuyển bằng đường không.

(...)

Điểm đáng lưu ý là các cuộc phục kích qui mô của Việt Cộng xảy trong thời gian mới đây đều được thực hiện trong khuôn khổ của chiến thuật chiến trận di động. Chúng không còn hiện hữu như những bẫy gài tĩnh động.

Trong ngày 23 tháng 10, khi mà đội pháo binh của Task Force Ingram chưa kịp được đưa tới địa điểm phục kích nằm trong tầm xạ kích yểm trợ, Chiến Đoàn Thiết Kỵ Tiếp Cứu được lệnh Đại Tá Hiếu ngừng chân tại nửa đoạn đường để cho phép phi cơ oanh tạc dọn bãi (Pleime, chương IV):

Lúc 1700 giờ, Chiến Đoàn dừng lại tại nửa đường trong khi các vụ oanh tạc ấn định trước nã vào các khu vực nghi địch tập trung quân.

Rồi đến ngày 24 tháng 10, khi pháo đội Ingram sẵn sàng ứng chiến tại 10 cây số Nam Phú Mỹ, Chiến Đoàn Thiết Kỵ Tiếp Cứu được lệnh tiếp tục xông tới trại (Pleime, chương IV):

Suốt ngày 24 tháng 10, tình hình hoàn toàn êm thắm. Tuy vậy, Chiến Đoàn Ingram đã di chuyển từ Phi Trường Pleiku tới vị trí 10 cây số Nam Phú Mỹ để cung ứng pháo yểm cho Chiến Đoàn Thiết Giáp-Bộ Binh khi cần đến.

Sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 24/10/65 lúc 10:20 giờ, ghi rõ:

- 10:20G: Quân Đoàn II Lt Col Patch, 1 Pháo đội và 2 Đại Đội Bộ Binh di chuyển vào vùng của QLVNCH trong vai trò trừ bị và yểm trợ.

Ngày 26 tháng 10, khi trại Pleime vừa mới được giải tỏa, Đại Tá Hiếu lợi dụng tính xông xáo của Tướng Kinnard để bước qua giai đoạn II của chiến dịch Pleime, dùng khả năng trực thăng vận của Sư Đoàn 1 Không Kỵ để truy kích tàn quân địch trên đường rút lui về hậu cứ Chu Prong (Pleime, chương V):

Ngày 26 tháng 10 năm 1965, đang khi đoàn quân tiếp viện và lính trú phòng trại Pleime thực hiện công cuộc càn quét xung quanh Trại, một buổi hội nghị diễn ra tại Trung Tâm Hành Quân của Quân Đoàn II với sự hiện diện của các cố vấn Mỹ và các đơn vị trưởng.

Tất cả mọi thông tin nhận được và bản phân tích tình hình đều qui tụ về một kết luận.

Các đơn vị địch đã rút lui về phía tây tới biên giới Căm Bốt. Đây là cơ hội đào thoát duy nhất vì ngoài lợi thế về ; địa hình, hậu cứ Chu Prông và mật khu Căm Bốt cung cấp không những nơi trú ngụ mà còn thêm tiếp liệu và bổ sung quân số mà hai Trung Đoàn 32 và 33 đang thiếu hụt.

Lần đầu tiên từ khi cuộc chiến khởi phát trên bán đảo Đông Dương, các lực lượng của ta có cơ hội đi tới kết luận như thế này. Trong suốt các cuộc gây hấn từ năm 1948, địch luôn có thể rời bỏ chiến trường và rút lui an toàn, thôi giao tranh tùy ý mình.

Do đó lực lượng của ta không nên bỏ lỡ cơ may này: phải đuổi theo hai Trung Đoàn Bắc Quân vì nếu không, mối nguy hiểm sẽ vẫn còn đó và địch có thì giờ tái tổ chức các đơn vị của chúng.

Ngoài ra, quyết định trên lần này khả thi được vì có sẵn các lực lượng trừ bị, với sự hiện diện của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đóng tại An Khê, một đơn vị có khả năng di động cực cao trên toàn thế giới và đồng thời có những quân cụ và vũ khí hiện đại nhất.

Ngày 27 tháng 10, các giới quân sự cao cấp tại các Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Lực Lượng Dã Chiến I, Sư Đoàn 1 Không Kỵ, MACV và BTTM, ráo riết bàn định ý kiến phái Sư Đoàn 1 Không Kỵ hành quân truy kích địch (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 27/10/65 lúc 12:30 giờ):

- 12:30G: Từ Capt Reich, Quân Đoàn II ( với Gen Larsen): Gen Larsen, Kinnard và Knowles, và Đại Tá Mataxis hiện đang họp với Tướng Vĩnh Lộc đề bàn định nới rộng hay thay đổi Vùng Trách Nhiệm Chiến Thuật (TAOR) của SĐ 1 KK HK gần Pleime để tuân hành với chỉ thị khẩu miệng của MACV để phát triển một TAOR rộng lớn quanh Pleime để tìm kiếm, ghim và tiêu diệt VC trong vùng này. Gen Larsen gọi Gen Collins yêu cầu MAVC tiếp xúc với BTTM để chỉ thị tương tự VN có thể chuyển đạt đến Tướng Vĩnh Lộc. SĐ 1 KK HK có đơn vị bộ chiến gần Pleime đang truy lùng chung quanh phía tây của trại di chuyển về hướng nam. Hành quân được yểm trợ bởi bích kích pháo đặt tại vị trí 4 cây số nam trại. QLVNCH đang hành quân từ 360 độ đến 270 độ quanh trại với đường bán kính 3 cây số. Được chiến xa yểm trợ. Tuy nhiên, địa thế giới hạn mức độ yểm trợ này. Gen Larsen nói với Gen Kinnard ngưng cuộc hành quân Tuy Hòa để thẩm định liên quan đến lệnh của Bộ Tư Lệnh MACV. Tướng Vĩnh Lộc dự tính rút 2 Đại Đội Biệt Cách Dù ra khỏi Pleime (Chuyển đạt cho Ban 3).

Đến nửa đêm ngày 29 tháng 10, vùng trách nhiệm chiến thuật nới rộng của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ được hoạch định xong giữa Đại Tá Hiếu (Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II) và Đại Tá Williams (Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến I) và được chuyển đạt tới mọi giới chức liên hệ (sổ nhật ký của Ban 3/FFV, ngày 30/10/65 lúc 00:50 giờ):

- 00:50G: Quân Đoàn II (Major Black) - Về Pleime: Trại hứng chịu một ít trái bích kích pháo, một ít mìn chôn phát nổ và một ít hỏa lực súng nhỏ. Không gì nghiêm trọng, 7 tổn thương, yêu cầu tải thương. Lúc 292350g Col Williams gọi Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Quân Đoàn II yêu cầu là Vùng Trách Nhiệm Chiến Thuật của SĐ 1 KK HK được nới rộng để bao gồm cả vùng Pleime ngoại trừ chính trại. Từ lằn phía NB của khoảnh ô vuông ZA đông tới lằn NB của khoảnh ô vuông AR 77, trên ĐT của khoảnh ô vuông ZA/AR15, nam trên AR77 tới ĐT của khoảnh ô vuông 00, rồi tây tới TN của khoảnh ô vuông ZA14. Col Buchan, Gen Knowes, Col Williams và Col Mataxis đồng ý.

- 00:12G: Quân Đoàn II Col Williams - Yêu cầu nới rộng TAOR (như phác họa qua điện thoại từ Maj Black lúc 0005g) cần được FFV chấp thuận. Col Barrow được thông báo; yêu cầu được chấp thuận lúc 0025g; Quân Đoàn II được thông báo lúc 0030g, SĐ 1 KK được thông báo lúc 0040g.

Tuy được giao phó một vùng trách nhiệm chiến thuật tách biệt, nhưng Sư Đoàn 1 Không Kỵ vẫn là một đơn vị được tăng phái cho Quân Đoàn II và vẫn nằm dưới quyển điều khiển của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Và để tránh đụng chạm giữa các giới chức lãnh đạo quân sự Việt Mỹ, Đại Tá Hiếu đã hoạch địch cách minh bạch một phương thức hành quân phối hợp giữa hai lực lượng Việt Mỹ (Pleime, chương VIII):

Trong đợt III, các cuộc hành quân được thực hiện qua một sự cộng tác mật thiết giữa các Lực Lượng Việt Nam và Mỹ: đó là phương thức mới nhất được đem ra áp dụng từ Thế Chiến II. Các đặc điểm của phương thức này là:

- Phối hợp các công tác tình báo và yểm trợ.
- Chia sẻ khái niệm hành quân và kết quả.
- Vùng hành quân riêng rẽ.
- Bộ tư lệnh riêng rẽ.
- Điều quân riêng rẽ.
- Hành động riêng rẽ.
- Trừ bị riêng rẽ.

Phương thức trên đã đem lại nhiều kết quả tốt, đặc biệt trong một nước như Việt Nam trong đó tâm lý quần chúng chứa đựng nhiều phức tạp và tinh tế. Phương thức này cũng tạo nên một tinh thần ganh đua giữa hai quân lực và giữa các đơn vị.

Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ được trao cho sứ mạng đóng vai trò nỗ lực chính (hành quân Long Reach/All The Way) với Lữ Đoàn Dù Việt Nam trong vai trò trừ bị trong giai đoạn II truy kích địch của chiến dịch Pleime và không hành động hoàn toàn riêng rẽ, nhưng vẫn nằm dưới sư điều khiển của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, đặc biệt trong hai địa hạt then chốt: tình báo và khái niệm hành quân.

Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 1 Không Kỵ

Để cho việc phối hợp được trơn tru, Tướng Kinnard đặt Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 1 Không Kỵ (BTL/TP SĐ1KK) cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tại Pleiku trong khi bản doanh chính vẫn nằm tại An Khê (Pleiku, trang ii) :

Khả năng làm việc mật thiết với QLVNCH được gia tăng bằng cách thiết lập một Ban Chỉ Huy chiến thuật cấp sư đoàn, nằm cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II QLVNCH tại Pleiku.

Các tin tức tình báo hằng ngày Đại Tá Hiếu cập nhật cung cấp cho BTL/TP SĐ1KK rất là chi tiết và chính xác cho phép các đơn vị Không Kỵ khám phá và tiêu diệt hữu hiệu các quân lính địch đến độ địch nghi là phải có gián điệp địch len lỏi trong hàng ngũ họ (Pleime, chương VII):

Các cán bộ của Trung Đoàn 33, bực dọc vì bị không yểm của ta nhắm bắn chính xác đã hội họp để điều tra điều gì khiến cho các phi vụ không kích chính xác và liên tiếp xảy ra: kết luận là chỉ có thể là gián điệp trà trộn trong bộ đội cung cấp cho các lực lượng của ta vị trí và di chuyển của các phần tử trung đoàn.

Sau đây xin ghi lại tin tức tình báo cho thấy Ban 2/QĐII có khả năng theo dõi rất sát các hành tung của hầu hết các đơn vị địch, tác chiến lẫn chỉ huy, từ cấp đại đội đến cấp sư đoàn Đại Tá Hiếu cung cấp cho BTL/TP SĐ1KK từ ngày 27 tháng 10 khi Lữ Đoàn 1 Không Kỵ nhập cuộc cho đến ngày 13 tháng 11, trước ngày Tiểu Đoàn 1/7 thuộc Lữ Đoàn 3 Không Kỵ đổ bộ xuống LZ X-Ray (Pleiku, trang 30-82):

- 27/10

Khoảng ngày 27, trung đoàn Bắc Quân can dự trong cuộc vây hãm Pleime được nhận diện là 101B hay 33, sau này danh hiệu Trung Đoàn 33 được dùng tới hơn là 101B.

Vào cuối ngày, các đơn vị dẫn đầu của Trung Đoàn 33 tụ tập xong tới vùng tập trung tiền phương, làng Kro, trong khi tiểu đoàn bảo vệ đoạn hậu vừa mới đoạn tuyệt giao tranh tại trại DSCĐ Pleime. Nhưng Kro không còn là khu an toàn nữa vì con số trực thăng bay lượng trên đầu càng ngày càng động đảo.

- 28/10:

Đối với Trung Đoàn 33, áp lực không ngừng từ các trực thăng vũ trang gần các căn cứ tiền phương tại làng Kro (ZA080030) càng ngày càng trở nên khó chịu thêm. Mối sợ bị khám phá bắt đầu phân tán các đơn vị và bây giờ nhiều cá nhân binh sĩ bị tách rời khỏi đơn vị và bị thất lạc.

Trung Đoàn 32 đã tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang, tuy không rõ họ rút lui theo lối ngõ nào từ địa điểm phục kích.

- 29/10:

Cuộc triệt thoái của Trung Đoàn 33 mau chóng trở thành một cơn ác mộng. Càng ngày càng nhiều trực thăng vũ trang bắt đầu bắn phá các đơn vị của trung đoàn. Các cuộc tấn kích này quá gần sát căn cứ tiền phương khiến vào khoảng trưa ngày 29/10 cấp lãnh đạo trung đoàn quyết định di chuyển đơn vị về hướng tây, tìm tới mật khu. Lần này trung đoàn nhắm về "nhà" trước cuộc tấn công Pleime. Đó là Làng Anta theo danh xưng Bắc Quân tại YA940010, nằm tại chân rặng núi Chu Prong. Chính tại đây trong đầu tháng 10 mà Trung Đoàn 33 thực hiện thực tập và tập dượt cuộc tấn công vào trại DSCĐ Pleime.

- 30/10:

Duy trì đơn vị trọn vẹn trở nên rất khó khăn cho nhiều đơn vị của Trung Đoàn 33 vì các trực thăng của Không Kỵ hầu như xuất hiện bất cứ đâu, bắn phá vào các vị trí hóa trang kỹ lưỡng và khiến cho các binh sĩ hoặc tháo chạy hay lộ tỏ các vị trí bằng cách bắn trả các hỏa lực trực thăng. Và một yếu tố nguy hiểm mới được đem ra xử dụng. Các đơn vị bộ binh bắt đầu xung phong đổ bộ từ trực thăng xuống tại các địa điểm cách xa nhau trong khắp cùng vùng xuyên qua đó Trung Đoàn 33 phải đi qua.

Đôi khi các bãi đổ bộ quân cách các đơn vị của trung đoàn địch khá xa để mà địch có thể né tránh giao tranh, nhưng trong các trường hợp khác, các toán không kỵ khám phá các đơn vị tháo lui của địch và khai hỏa, luôn gây cho Bắc Quân thiệt hại nặng nề. Và với mỗi trận đụng độ như vậy, các đơn vị Bắc Quân lại bị phân tán ra thêm.

Trong khi các đơn vị nhỏ gia tăng giao tranh, Không Kỵ bắt được những tù binh Bắc Việt đầu tiên và thêm nhiều tin tức tình báo tốt hơn liên quan đến các lực lượng địch được chuyển giao tới các cấp chỉ huy.

- 31/10:

Không ngừng sách nhiễu từ trên không và bất thần đổ bộ các toán bộ binh từ trực thăng xuống những địa điểm bất ngờ khắp toàn vùng khiến cho hàng ngũ địch quân bị rối loạn. Các đơn vị tiếp tục tan rã và phân tán thành từng nhóm nhỏ, hay trong vài trường ngay cả thành những chiến binh thất lạc và lạc lõng. Một số trong đám này phải tự lực cánh sinh và không sớm gì cũng rơi vào tay các đơn vị Không Kỵ. Thêm vào đó, Trung Đoàn 33 bị thiếu hụt lương thực và thuốc men vì lẽ nhiều đơn vị không tới được các kho lẫm vì bị các toán không kỵ bất thần truy đuổi.

- 01/11:

Trung Đoàn 33 hứng chịu một cú đấm thoi sơn với cái mất mát của bệnh xá trung đoàn. Nhiều bệnh nhân bị bắt, cùng với những quân binh phòng thủ và, quan trọng hơn, thuốc men và vật liệu y khoa đang thiếu hụt trầm trọng.

Vào giờ phút này bản doanh trung đoàn đã tới căn cứ tại làng Anta, nhưng khối đông của trung đoàn thì còn bị rải rác dọc giữa đàng từ Pleime đến Chu Prong. Và các đơn vị này tiếp tục bị hỏa lực hỏa tiễn và vũ khí trực thăng bắn phá suốt tuyến đường rút lui. Đồng thời các cuộc tấn công thả bom và bắn rỉa của các phi cơ KLHK nhắm bắn trực tiếp các vị trí của trung đoàn càng ngày càng thêm chính xác nhờ vào hệ thống tìm kiếm các mục tiêu phụ của Sư Đoàn 1 KK bắt đầu được đem ra xử dụng.

Mức độ hết sức chính xác của các cuộc tấn kích khiến cho cấp lãnh đạo trung đoàn bực tức triệu tập một buổi họp nhằm khám phá điều gì đã cho phép các lực lượng Mỹ liên tiếp oanh kích chính xác như vậy. Họ đi đến kết luận là chỉ có thể gián điệp nằm trong hàng ngũ mới có thể cung cấp địa điểm và di chuyển của các đơn vị của trung đoàn.

Việc tịch thu bệnh xá là một khám phá lớn cho sư đoàn và ngoài cơ hội triệt hủy các lực lượng Bắc Quân, còn cung cấp tài liệu, kể cả một bản đồ đặc biệt có giá trị, cho biết các đường lộ tiếp vận và di chuyển quân. Các tài liệu này đã biến thành những tin tức tình báo dẫn đưa tới các cuộc oanh tạc cấm cản của Không Lực.

- 02/11:

Bây giờ Trung Đoàn 33 nhận được lệnh tiến sâu vào mật khu Chu Prong. Khoảng 0400 giờ ngày 2/11, Ban Chỉ Huy trung đoàn tới Đồi 732 (YA885106). Nhưng tuy đầu đoàn quân tương đối an toàn, thân và đuôi vẫn trải dài trở lui tới trại Pleime, và không ổn tí nào.

Trong khi đó, bản doanh sư đoàn Bắc Quân (Mặt Trận Dã Chiến) có một điểm sáng trong bức ảnh đen tối. Trung đoàn cuối cùng trong ba trung đoàn sắp tới Nam Việt Nam và bắt đầu di chuyển vào các vùng tập trung trong vùng Chu Prong-Ia Drang.

- 03/11:

Lòng tự tin của Trung Đoàn 66 mới xâm nhập bị lung lay bởi cuộc phục kích táo bạo của thiết Đoàn Không Kỵ ngay trong lòng của hậu cứ Chu Prong-Ia Drang. Tiểu Đoàn 8 bị đổ máu đào trước khi có mặt tại Nam Việt Nam được hai ngày, và do bị mất một tù binh, bị phát giác tung tích trong phần đất NVN.

Trung Đoàn 33, trong khi đó, vẫn đang tìm cách lôi cái đuôi bị thương tích và bầm dập tới mật khu Chu Prong. Nhưng lại thêm một ngày nữa bị khuấy nhiễu trên không và trên bộ, đánh dấu bởi sự mất mát thêm vật liệu y khoa và đạn dược.

- 04/11:

Sau khi thất bại chọc thủng các vị trí Mỹ mạn nam bờ sông Ia Drang, Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 66 đoạn giao tranh và lôi kéo binh sĩ chết và bị thương ra khỏi vùng giao tranh. Sự kiện các lực lượng Mỹ phát giác đơn vị Bắc Quân mới xâm nhập khiến Mặt Trận Dã Chiến tái thẩm định vị trí tác chiến và bắt đầu tìm cách phản công áp lực liên hồi.

Một hành động tức khắc là lệnh cho Trung Đoàn 33 ra khỏi căn cứ tại Đồi 732 là nơi ra vào bất tiện, và đi tới các sườn núi phía tây của Chu Prong gần YA922010 với các tiểu đoàn của trung đoàn khi những tiểu đoàn này tập trung xong thì di chuyển vị trí tời Đồi 732 xuống tới làng Anta (940010) cho tới mạn bắc bờ sông Ia Meur (980000).

Các mảnh vụn của trung đoàn vẫn tìm đường về theo hướng tây, bám theo các lòng suối, và xử dụng mọi ẩn núp để tránh bị phát giác bởi các trực thăng Mỹ luôn hiện diện. Còn có một dơn vị vẩn còn tương đối trọn vẹn -- tiểu đoàn dùng làm hậu vệ. Khởi sự lên đường sau và di chuyển chậm chạp hơn các đơn vị khác, tiểu đoàn vẫn còn ở phía tây của các vị trí Không Kỵ.

- 05/11:

Không có gì mẩy thay đổi trong bức ảnh tình báo trong ngày. Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong và Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ. Trung Đoàn 32 và Mặt Trận Dã chiến, trong khi đó, còn nguyên vẹn và yên lành tại phía bắc Ia Drang và gần bên biên giới Căm Bốt.

- 06/11:

Tình hình Bắc Quân không mấy gì thay đổi trong khi Trung Đoàn 33 trông đợi tiểu đoàn bọc hậu của mình trở về tới căn cứ trung đoàn. Sáng ngày 6/11, tiểu đoàn này là đơn vị duy nhất còn trong tình trạng một lực lượng chiến đấu chặt chẽ ỡ phía đông Ia Drang. Vào chập tối, tiểu đoàn này không còn là một đơn vị hữu hiệu nữa.

- 07/11:

Trong mật khu Chu Prong, Trung Đoàn 33 thưa thớt liếm vết thương và đợi cho các binh sĩ lê gót trở về căn cứ. Số lực lượng còn lại của Mặt Trận Dã chiến yên ắng.

Trong vùng giao tranh, mức sinh hoạt thuyên giả. Một chiến binh Bắc Quân đầu thú với một thẻ truyền đơn thông hành.

- 08/11:

Chỉ những đơn vị phân tán và các binh sĩ chậm bước ở phía đông hậu cứ Chu Prong-Ia Drang trong khi Trung Đoàn 33 kiểm điểm mất mát.

Tình báo bạn vào thời điểm này vẫn chưa chắc toàn bộ Trung Đoàn 33 đã rút lui qua phía tây. Một tù binh bắt được tại Pleime khai quả quyết là sau trận đánh đơn vị anh ta phải lội bộ hai đêm theo hướng nam và đông. Thêm nữa, có nhiều dấu chỉ cho thấy các đơn vị thuộc Trung Đoàn 32 rất có thể đã thoát thân về phía đông sau cuộc phục kích.

- 09/11:

Trung Đoàn 33 thu thập các đơn vị cơ hữu cuối cùng của mình và bắt đầu đếm đầu người. Nhiều binh sĩ khiếm diện. Trung đoàn ghi nhận các con số tổn thất sau đây

Tại bản doanh Mặt Trận Dã Chiến phía bắc Ia Drang, ngày hôm nay là ngày kiểm điểm phân tích. Đính kèm số 15 mô tả bức ảnh tình báo trình cho các cấp chỉ huy ngày 9 tháng 11.

- 10/11:

Tình hình có rất ít hay không có thay đổi trong khi các lữ đoàn tiếp tục hoán chuyển nhau. Thế điều quân chuyển hướng từ tây sang đông là để khơi ngòi cho một quyết định gần sắp tới từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II.

- 11/11:

Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Dã Chiến, sau khi thẩm định tình hình, đã đi tới một quyết định. Với các đơn vị Mỹ coi bộ rút lui về phía đông Pleime, quyết định là cố gắng lấy lại thế thượng phong với một cuộc tấn công. Lần này cũng lại là trại DSCĐ Pleime. Bộ tư lệnh sư đoànVC ấn định ngày tấn công là ngày 16 tháng 11, và ra chỉ thị cho ba trung đoàn của sư đoàn.

Trung Đoàn 32, lẽ đương nhiên, vẫn còn là một lực lượng chiến đấu chặt chẽ, mặc dù hứng chịu tổn thất trong cuộc phục kích Lực Lượng Đặc Nhiệm Thiết Kỵ QLVNCH trên đường lộ tới Pleime.

Trung Đoàn 33, như đã thấy, bị tổn thất nặng nề trong cuộc tấn công và sau đó rút lui khỏi Pleime, nhưng vẫn bị sung vào trận một lần nữa. Trong viễn tượng can dự vào chiến trận tương lai, cấp chỉ huy Trung Đoàn 33 bắt đầu tái tổ chức các tiểu đoàn bị hao mòn thành một đơn vị chiến đấu hỗn tạp.

Tuy nhiên, ngọn giáo sắc bén cho cuộc tấn công lần này là Trung Đoàn 66 mới xâm nhập, sung sức từ Bắc Việt và háo hức xông vào chiến trận. Trung Đoàn sẽ là nỗ lực chính trong cuộc tấn công lần thứ hai vào trại Pleime của ba trung đoàn.

Ngày 11/11, vị trí ba tiểu đoàn 7, 8 và 9 của Trung Đoàn 66 trải dọc mạn bắc bờ sông Ia Drang (trung tâm khối tại 9104).

Trung Đoàn 33 vẫn ở các vị trí quanh Làng Anta (YA940010)

Trung Đoàn 32 vẫn ở phía bắc sông Ia Drang (YA820070)

Để tăng sức quả đấm cho cuộc tấn công, Mặt Trận Dã Chiến cũng quyết định sung vào một tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14.5 ly. Hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính tới kịp thời cho cuộc tấn công. Năm ngày kế tiếp sẽ là những ngày chuẩn bị và di chuyển quân cho cuộc tấn công.

Như vậy là lần đầu tiên, trọn vẹn một sư đoàn Bắc Quân sẽ sung vào trận tấn công một mục tiêu tại Nam Việt Nam.

- 12/11:

Các đơn vị thuộc Mặt Trận Dã Chiến tiếp tục chuẩn bị và tập dượt cho cuộc tấn công dự tính trại Pleime.

- 13/11:

Các lực lượng của Mặt Trận Dã Chiến bắt đầu tụ tập trong vùng Chu Prong- Ia Drang để chuẩn bị di chuyển tới Pleime và tấn công dự tính ngày 16/11. Một vài đơn vị trinh sát và vận chuyển đã lên đường.

Ngoài mặt tình báo, Đại Tá Hiếu còn chia sẻ với BTL/TP SĐ1KK vài khái niệm hành quân tuyệt kỷ.

Trước hết, khi biết được qua khảo cung tù binh là Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 dự tính tấn công lần thứ hai trại Pleime, và lần này sẽ đánh dứt điểm với cả ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 cùng hai tiểu đoàn súng phòng không và bích kích pháo, ấn định vào ngày 16 tháng 11, Đại Tá Hiếu hoạch định khái niệm hành quân tấn công địch trước như sau:

- Ngày 8 tháng 11 năm 1965, Lữ Đoàn 3 Không Kỵ thay thế Lữ Đoàn 1 Không Kỵ (hành quân All The Way) với hành quân Silver Bayonet I, đồng thời trọng tâm hướng hành quân hoán chuyển từ Tây sang Đông trong thế nghi binh với dụng ý khiến địch lầm tưởng quân lính Mỹ đánh mất tăm hơi địch.

Thế nghi binh này được chuyển đạt tới BTL/TP SĐ1KK qua Tướng Larsen (Pleiku, tình báo ngày 8/11, trang 67):

Vào khoảng lúc này, Field Force Vietnam yêu cầu sư đoàn di chuyển các cuộc hành quân của mình về phía đông Pleime nếu "không có thêm đụng độ mới nữa trong vùng phía tây".

- Ngày 14 tháng 11, một tiểu đoàn lính Không Kỵ Mỹ nhảy vào chân rặng núi Chu Prong khi địch quân không ngờ và đang ở tư thế phòng thủ và phản công yếu kém nhất vì lẽ hai tiểu đoàn súng phòng không và bích kích pháo chưa có mặt tại chiến trường (Pleime, chương V):

Tỉ lệ 1/10 chứng tỏ tiểu đoàn 1/7 rất là may mắn vì thật bất ngờ là từ trên các đồi bao quát ngó xuống bãi đáp, địch đã không đặt các vũ khí cộng đồng để yểm trợ các cuộc tấn công. Tình trạng này chỉ có thể giải thích bởi các lý do sau đây:

- Địch đã mất gần hết các vũ khí cộng đồng trong đợt đầu.

- Họ bị tiểu đoàn 1/7 tấn công bất ngờ và các cán bộ chỉ huy đã không khéo xử dụng địa thế.

- Các chiến thuật của họ hầu như dựa vào "biển người" và họ quá tự tin là cuộc tấn công của họ sẽ làm cho tiểu đoàn 1/7 rã ngũ rất mau chóng.

Tướng Kinnard cảm nhận được mưu trí của Đại Tá Hiếu (Pleiku, trang 88):

Hiển nhiên là nỗ lực của Bắc Quân không được hỗ trợ bởi các tiểu đoàn bích kích pháo và súng phòng không không tới kịp vào vùng chiến trận và còn rong ruổi trên đường mòn xâm nhập.

Thứ đến, Đại Tá Hiếu chia sẻ với BTL/TP SĐ1KK khái niệm hành quân tiêu diệt ba trung đoàn Việt Cộng tại chân rặng núi Chu Prong trong bốn ngày từ ngày 14 đến 17 tháng 11 như sau (Pleime, chương V):

- Ngày 14 tháng 11, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ thiết lập nút chận phía đông bắc rặng núi Chu Prong (Trung Tá Hal Moore, Tiểu Đoàn Trưởng 1/7KK chọn LZ X-Ray).

- Từ ngày 15 đến 16 tháng 11, pháo đài B-52 trải thảm trút lên đầu địch phía bắc LZ X-Ray mỗi ngày 5 đợt.

- Ngày 17 tháng 11, rút quân ra cách xa 3 cây số và pháo đài B-52 đánh rập địch luôn ngay tại LZ X-Ray.

Cần lưu ý là từ chiều ngày 15 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã tham gia vào trận đánh với năm phi vụ oanh tạc hằng ngày tại rặng núi Chu Prông. Ngày 17 tháng 11, các mục tiêu oanh tạc cũng bao gồm bãi đáp X-ray và hai tiểu đoàn của ta được lệnh di chuyển ra cách bãi đáp 3 cây số, về hướng bắc và hướng tây bắc tới một bãi đáp khác gọi là bãi đáp Albany.

Tướng Kinnard và Tướng Knowles

Tướng Richard Knowles, Tư Lệnh Phó được Tướng Kinnard ủy thác toàn quyền chỉ huy các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ sung vào cuộc hành quân Long Reach này. Do vậy, trong giai đoạn II và III của chiến dịch Pleime, Đại Tá Hiếu làm việc phối hợp trực tiếp với Tướng Knowles chứ không phải với Tướng Kinnard.

Lối làm việc của Tướng Kinnard là ủy quyền tuyệt đối một khi giao một nhiệm vụ cho thuộc viên, chứ không tỉ mỉ theo dõi diễn tiến công tác (Cochran):

Tôi di chuyển một Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tới Pleiku với một trong số phụ tá tư lệnh sư đoàn của tôi, Tướng Dick Knowles. Đây là lề lối làm việc của tôi mỗi khi tình hình trở nên sôi động. Phong thái lãnh đạo của riêng tôi là luôn để cho mọi người từ cấp chỉ huy đến chí quân sĩ quyền hành xử trí tuyệt đối và tối đa cách thoải mái. Tôi không muốn nắm sát trong tay công cuộc điều hành từ An Khê.

(I moved a forward CP [Command Post] to Pleiku with one of my assistant division commanders, Gen. Dick Knowles. This was my "modus operandi" whenever the action got hot. My own leadership style had always been to give absolute and maximum latitude to people all the way down the line. I did not want to handmanage this thing from back in An Khe)

Điều này giải thích sự kiện Tướng Kinnard không am tường mặt tình báo lẫn khái niệm hành quân xâm nhập vào Chu Prong. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông nói:

Lựa chọn tiến sâu vào Chu Prong, từng là một mật khu của địch gần biên giới Căm Bốt mà QLVNCH chưa khi nào bén mảng tới, không là của tôi. Có thể là ý kiến của Tướng Knowles hay lữ đoàn trưởng. Chúng tôi không ngó ngàng tới vùng này. Không phải là tin tình báo dẫn đưa chúng tôi vào đó. Ngược lại chính là vì không có tin tình báo, và đây coi bộ là địa điểm hợp lý.

(The choice to go into the Chu Pong, a longtime enemy sanctuary [near the Cambodian border]) into which ARVN had never gone, was not mine. It was either that of General Knowles or the brigade commander. We hadn't looked at the area. It wasn't intelligence that led us there. If anything, it was the lack of intelligence, and this seemed a logical place.

Điều này cũng giải thích thái độ ngạc nhiên của Tướng Kinnard biểu lộ khi không thấy Trung Đoàn 32 xông xuống tiếp sức với Trung Đoàn 66 giao tranh với Tiểu Đoàn 1/7 KK tại LZ X-Ray trong ngày 15 tháng 11 (Pleiku, tình báo ngày 15/11, trang 88):

Một điều khác không giải thích được là Trung Đoàn 32 đã không sung trận và ở nán lại các vị trí tại 12-14 cây số phía tây bắc của mạn bắc bờ sông Ia Drang.

Tướng Kinnard đâu có hay biết là quân lính trung đoàn này và cả Trung Đoàn 33 đang bị bom B-52 ghìm xuống mặt đất! (Pleime, chương VI):

Trong năm ngày liên tiếp, từ 15 đến 19 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã bay tổng cộng 96 phi vụ. Từng khu vực một, các khu vực của rặng núi Chu Prông - mỗi khu 20 dậm vuông - tuần tự trải qua một cơn động đất từ Tây sang Đông. Các công sự và hầm hố trước nay từng chống cản các vụ đánh phá của phi cơ tác chiến và pháo binh bắt đầu bị các trái bom 750 cân anh trực tiếp đánh rập. Lớp cây lá rừng rậm không còn hữu hiệu cho công việc ẩn núp lẫn bao che. "Cửa hậu" vào Căm Bốt bị đóng lại và để trốn thoát, tàn quân Việt Cộng chỉ còn lại thung lũng eo hẹp của Ia Drang.

Đối với khái niệm hành quân xử dụng tới B-52, Tướng Kinnard chỉ lờ mờ đại khái biết là kế hoạch phía Sư Đoàn 1 Không Kỵ được Tướng Knowles dự thảo với Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến 1 Mỹ và MACV (Pleiku, trang 9):

Kế hoạch nguyên thủy dùng các phóng pháo cơ chiến lược yểm trợ cho sư đoàn được trình bày bởi Tư Lệnh Phó Sư Đoàn qua Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến tại Việt Nam tới Ban 3 của Bộ Tư Lệnh Hỗ Trợ Quân Sự Hoa Kỳ, Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn với Cochran, Tướng Kinnard cũng cho thấy là ông không biết đến khái niệm hành quân đánh vào Chu Prong khi ông nói là Tướng Larsen bắt ép ông duy trì quân lính tại LZ X-Ray khi mà ông muốn rút quân ra khỏi bãi ngay ngày 16 tháng 11:

Trong lúc trận chiến xảy ra tại Xray, Tướng Swede Larsen đang bị giới báo chí chất vấn tại sao chúng ta rời bỏ chiến trường. Họ không hiểu cách thức các đơn vị ta chiến đấu. Với một đơn vị không kỵ tấn công, chúng tôi không đếm xỉa gì đến địa thế. Chúng tôi có thể đi đến bất cứ đâu. Chú tâm là địch quân. Chúng tôi đi đến ngay chỗ có địch. Tại Xray, địch ngưng đánh, chúng tôi không ngưng giao chiến. Chúng tôi không thấy lợi gì ở lại Xray. Mảnh đất này không có giá trị gì đối với tôi. Tôi muốn đi tới nơi nào có bóng dáng địch. Nhưng Tướng Swede Larsen ra lệnh cho tôi ở lại địa điểm này, và tôi ở lại đó thêm 24 tiếng đồng hồ.

(At the time of the Xray fight, Swede Larsen was under pressure from the news media on why we left the battlefield. They didn't understand how our unit fought. With an air assault unit, we don't give much of a damn about terrain. You can go anywhere. The focus is on the enemy. You go where he is. At Xray, the enemy broke off, we didn't quit. We were no longer interested in Xray. That piece of ground meant nothing to me. I wanted to go on to where the enemy was. But Swede ordered me to stay in that spot, and I stayed there an extra 24 hours.)

Tự Mình Đánh Lấy, Không Nhờ Vả

Sau khi thắng trận tại LZ X-Ray, Tướng Kinnard muốn đuổi theo diệt địch với Lữ Đoàn 2 Không Kỵ (Cochran):

Tôi khuyến cáo Tướng Swede Larsen và các thượng cấp cho phép tôi truy đuổi địch vào tận Căm Bốt. Điều này không mấy ai biết, nhưng lời yêu cầu của tôi đã được chấp thuận qua mọi thang cấp kể cả Đại Sứ Henry Cabot Lodge nhưng lại không được chấp thuận tại Washington ... Tôi muốn tiêu diệt địch. Đáng lẽ ra đó là bước sau của tôi, đó là điều tôi muốn Lữ Đoàn 2 thực hiện...

(I recommended to Swede and up through the chain that I be allowed to pursue them into Cambodia. This is not well known, but my request was approved up through channels to include Ambassador Henry Cabot Lodge but disapproved in Washington ... I wanted to destroy the enemy. This would have been my next step, this is what I wanted the 2nd Brigade to do...)

Nhưng đó không phải điều Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II muốn. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II muốn tự tay mình làm lấy công việc này và chỉ nhờ Sư Đoàn 1 Không Kỵ thiết lập một căn cứ hỏa lực mới gần biên giới Căm Bốt tại LZ Crooks để yểm trợ pháo binh cho Lữ Đoàn Dù VN thực hiện cuộc hành quân Thần Phong 7 nhằm triệt tiêu hai Tiểu Đoàn 635 và 334 còn sống sót của địch; Lữ Đoàn 2 Không Kỵ đóng trong vai trò trừ bị (hành quân Silver Bayonet II), với sứ mạng chính là bảo vệ căn cứ hỏa lực LZ Crooks (Pleime, chương VI):

Ước tính tình báo về khả năng địch, thực hiện vào ngày 17 tháng 11 chỉ cho thấy là gần 2/3 lực lượng của họ bị tiêu hao trong những trận giao tranh ở Đợt I và Đợt II.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II nghĩ là đến lúc tung lực lượng trừ bị vào để chấm dứt trận chiến đã kéo dài khoảng một tháng. Ngoài bị tổn thất nặng nề, địch buộc phải xa vào bẫy các lực lượng của ta giăng ra và xô đẩy vào các lộ trình rút lui mà chúng ta dự kiến.

Lần này nỗ lực chính được thực hiện bởi Lữ Đoàn Dù QLVNCH với sứ mạng triệt hủy các đơn vị Việt Cộng đào tẩu và tất cả các cơ sở xung quanh thung lũng Ia Drang. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ trước nay gánh chịu tấn công sẽ tiếp tục tạo áp lực từ Đông sang Tây và cung ứng pháo yểm cho Lữ Đoàn Dù.

Cuộc hành quân mang tên "Thần Phong 7" khởi động chiều ngày 18 tháng 11 khi lữ đoàn đươc trực thăng vận tới vùng hành quân, ngay sau khi tới Pleiku.

Trung Tá Robert Tully, Tiểu Đoàn Trưởng 2/5 Không Kỵ, thuộc Lữ Đoàn 2 Không Kỵ, trong bản báo cáo sau cuộc hành quân Silver Bayonet II, than phiền là bị buộc làm công tác bảo vệ căn cứ hỏa lực LZ Crooks, thay vì được phép đi lùng diệt địch:

Khuyến cáo: (1) dành thêm thời gian cho hành quân lùng và diệt địch.

(Recommendations: (1) more time be allocated to search and destroy operations.)

Trong cuộc phỏng vấn với Cochran, Tướng Kinnard vẫn ra giọng kẻ cả như thể là ông tự nguyên trao lại cuộc truy kích địch cho phía Việt Nam:

Người ta quên là trong giai đoạn này chúng tôi hành quân phối hợp với QLVNCH. Một điều mà chúng tôi muốn là để cho QLVNCH tự đánh lấy cuộc chiến của họ. Chúng tôi chuyển giao cuộc hành quân lại cho QLVNCH và giúp họ với pháo yểm, cũng như khi cuộc hành quân bắt đầu tại Plei Me.

(People forget that in this phase we operated in conjunction with the ARVN. One name of the game was to get the ARVN to fight their own war. We turned the operation back to the ARVN and help them with fire support, just as the operation had started at Plei Me.)

Tướng Kinnard còn cho biết cảm nghĩ ông về QLVNCH khi ông Cochran hỏi "Thế còn QLVNCH thì sao?":

Từ đầu, tôi vẫn nghĩ điều hệ trọng là QLVNCH học biết tự đánh lấy cuộc chiến của mình. Nhưng họ phải tập bò trước khi biết đi, tập đi trước khi biết chạy.

(From the beginning, I felt it was critical that the ARVN learn to fight their own war. But they had to learn to crawl before they walked, to walk before they ran.)

Khi lính Không Kỵ Mỹ nhảy vào Chu Prong, lính Việt Cộng không sợ giáp mặt giao tranh lại còn phục kích nữa. Đến khi lính Dù Việt Nam nhảy vào Ia Drang thì lính Việt Cộng sợ né tránh giao tranh, nhưng rồi cũng bị lính Dù phục kích hai lần. Ai "tập bò", ai "biết chạy" đây?

Coi bộ Tướng Kinnard tự mâu thuẫn: một đàng ông phát biểu là ông muốn dạy cho QLVNCH tự đánh lấy địch; đàng khác, ông vận động muốn lấn át Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đi tiếp cứu trại Pleime ở giai đoạn I và truy đuổi địch qua tận Căm Bốt ở giai đoạn III của chiến dịch Pleime - mà ông cải danh thành chiến dịch Pleiku.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 23 Tháng 04 Năm 2011

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu