Đại Tá Hal Moore Tự Đề Cao trong sách
“We Were Soldiers Once ... and Young”

Sau trận đánh Ia Drang, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tuyên dương gương anh dũng của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ với huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Tiểu Đoàn của Trung Tá Moore là đơn vị tăng phái cho lực lượng của Quân Đoàn II trong chiến dịch Pleime.

Năm 1992, Trung Tướng Hal Moore và Joe Galloway xuất bản cuốn sách We Were Soldiers Once ... and Young để “nói cho dân chúng Mỹ Quân Lính trong trận đánh anh dũng chừng nào. Nói cho họ biết họ đã thực hiện một công việc to lớn và chúng ta có một Quân Đội to lớn chừng nào” (Brian Sobel, 10 Questions for General Hal Moore). Trong lời thuật về trận đánh hào hùng, Moore đã tự đề cao trong hai khía cạnh: vai trò được giao phó trong trận đánh và mức độ nguy hiểm trong tíến trình của trận đánh.

Sứ Mạng Được Giao Phó

Moore được giao phó sứ mạng ghim ba Trung Đoàn Việt Cộng – 32, 33 và 66 – tại các vùng tập trung chuẩn bị xuất quân tấn công trại Pleime lần thứ hai, bằng cách thực hiện một cuộc xâm nhập trực thăng vận tại chân rặng núi Chu Prong, sát cạnh vị trí của Trung Đoàn 66, lực lượng chính trong cuộc tấn công thứ hai này. Một khi thế nghi binh đánh lạc hướng địch hoàn tất, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ sẽ được rút ra ngay.

Trung Tá Moore không đọc được ý định của cấp trên và lầm tưởng ông được phái đi lùng và diệt địch quân. Do đó, sáng ngày 15 tháng 11, ông từ chối nhường quyền chỉ huy chiến trường tại bãi đáp X-Ray cho Đại Tá Tim Brown, khi ông này đáp xuống X-Ray để thiết lập một ban chỉ huy lữ đoàn tiền phương để điều động cuộc hành quân và thực hiện cuộc triệt thoái của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ với thế hoán chuyển quân với hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ. Thái độ đề kháng của Moore đã đưa đến sự can thiệp kế tiếp của Chuẩn Tướng Knowles tại cấp Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Tiền Phương và của Tướng Westmoreland/DePuy tại cấp Bộ Tư Lệnh MACV.

Qua chính ngòi bút ông, Moore viết trong cuốn sách We Were Soldiers Once ... and Young :

- liên quan đến Đại Tá Brown (trang 202)

Khoảng 9:30 giờ, trước khi Trung Tá Tully tới nơi, Đại Tá Tim Brown đáp trực thăng xuống tham viếng mặt trận. Plumley nhớ lại: “Trung Tá Moore nghiêm chào Brown và nói, ‘tôi nói với đại tá là đừng có đến đây. Không an toàn! Brown nâng cổ áo lên và giơ con ó đại bàng lon đại tá vào mặt Moore và nói, ‘Xin lỗi ông nhé!” Dillon và tôi tường trình tình hình. Brown hỏi ông có nên ở lại X-Ray để thiết lập một bộ chỉ huy lữ đoàn nhẹ và điều động chiến trường không. Chúng tôi đưa ý kíến chống lại ý định đó. Tôi biết rõ vùng này, và Bob Tully và tôi rất ăn ý với nhau. Brown đồng ý. Trước khi rời đi, Đại Tá Brown nói với chúng tôi rằng chúng tôi đã thi hành nhiệm rất chu đáo nhưng giờ này tiểu đoàn sung độ của Trung Tá Tully trên đường tới nơi cùng vớ hai đại đội của Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ, rất có thể là ông rút chúng tôi khỏi X-Ray vào ngày hôm sau.

- liên quan đến Tướng Knowles (trang 210)

Khoảng độ nửa giờ sau khi chiến đoàn đặc nhiệm của Trung Tá Tully trở lui về X-Ray [4:30 giờ chiều] Chuẩn Tướng Richard Knowles gọi điện thoại xin phép đáp xuống bãi đáp.

(…)

Trước khi rời đi, Tướng Knowles nói với chúng tôi là có thể ông sẽ ra lệnh cho Đại Tá Tim Brown rút tiểu đoàn của tôi và các đơn vị tăng phái ra khỏi X-Ray vào ngày hôm sau và không vận chúng tôi trở về trại Holloway để dưỡng sức và tái trang bị.

- liên quan đến Tướng Westmoreland/DePuy (trang 216)

Khoảng giữa đêm [Ngày 15 tháng 11] Trung Tá Edward C. (Shy) Meyer, sĩ quan thừa hành Lữ Đoàn 3, chuyển đạt một thông tin động trời đến tôi: Bộ Tư Lệnh Tướng William Westmoreland muốn tôi “rời bãi đáp X-Ray sáng ngày hôm sau để đến Sài Gòn trường trinh cho ông và ban tham mưu về trận đánh.” Tôi không thể nào tin được là mình được lệnh ra khỏi chiến trường khi trận chiến chưa chấm dứt! Tôi phân vận sao cấp sư đoàn và lữ đoàn lại không ngăn chận một lệnh không thể hiểu nổi như vậy trước khi nó tới tay tôi. Chỗ đứng của tôi rõ ràng là sát cánh bên quân lính mình.

(…)

Khoảng 1:30 giờ sáng, tôi gọi Trung Tá Shy Meyer và phát biểu lời phản đối kịch liệt lệnh trên. Tôi nói rất rõ ràng là và chỗ đứng của tôi là cạnh quân lính tôi – rằng tôi là người đầu tiên của tiểu đoàn đặt chân vào bãi chiến trường giết chóc khốc liệt này và rằng tôi quyết tâm là người sau chót của tiểu đoàn rời đi. Chấm hết. Tôi không cònnghe gì thêm về vấn đề này sau đó nữa.

Rõ ràng là Moore đã hiểu lầm vai trò của ông chỉ là thứ yếu đối với vai trò chính yếu của các phi vụ oanh tạc B-52 trong việc triệt tiêu ba trung đoàn Việt Cộng tại Chu Prong khi ông từ chối rút tiểu đoàn cho là trận đánh chưa chấm dứt và không nhìn nhận là vai trò giao phó đánh lạc hướng chú ý của địch quân đã hoàn tất và sự hiện diện của tiểu đoàn của ông không cần thiết nữa.

Thế nghi binh được hoạch định như sau: một khi cuộc đổ quân gây được chú ý khiến Mặt Trận B3 đình chỉ xuất quân tấn công trại Pleime, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ sẽ rút đi. Tiểu đoàn sẽ được tăng phái với số đơn vị tương xứng với lực lượng phản công của đối phương. Cuộc hành quân đã được thực hiện như sau:

- Khoảng trưa ngày 14 tháng 11, Tướng Knowles hay tin là Mặt Trận B3 quyết định phản công với chỉ hai Tiểu Đoàn 7 và 9 thuộc Trung Đoàn 66. Ông tăng phái thêm một tiểu đoàn cho lực lượng tấn kích trực thăng vận (Coleman "Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam", St. Martin’s Press, New York, 1988, trang 219):

Knowles nhấc điện thoại gọi Harry Kinnard đóng tại An Khê, xin thêm một tiểu đoàn bộ binh, thêm pháo binh, và trực thăng chuyển vận quân và vận tải cỡ trung bình.

- Khoảng chiều tối ngày 14 tháng 11, Tướng Knowles quyết định tung vào thêm Tiễu Đoàn 2/5 Không Kỵ để chuẩn bị rút Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ dự định vào ngày 16 (1/7 AC after action report):

A. Xế chiều ngày 14 tháng 11, chuẩn tướng Tư Lệnh đã di chuyển Tiểu Đoàn 2/5 tới bãi đáp Victor. Khoảng 0800 giờ [ngày 15 tháng 11] tiểu đoàn này lội bộ tiến tới bãi đáp X-Ray.

Điều Hành Tình Trạng Quân Sự tại Bãi Đáp X-Ray

Moore nhìn nhận là Tướng Knowles và Đại Tá Brown rất kỹ lưỡng khi điều hành cuộc hành quân tấn kích trực thăng vận tại bãi đáp X-Ray (Moore, trang 38):

Knowles, Brown, và tôi rất thoải mái với nhau. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nhau trong mười tháng qua. Họ am hiểu thế trực thăng vận và chiến thuật xử dụng trực thăng, và tôi đã cũng đã từng học qua môn học này. Họ biết là có thể đặt tin tưởng vào tôi, và tôi biết họ sẽ cung ứng mọi hỗ trợ tôi cần đến, đôi khi ngay cả trước khi tôi biết là tôi cần đến.

Tướng Knowles và Đại Tá Brown đã cẩn trọng thu xếp sao cho Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ sẽ chỉ phải gắp nguy cơ tối thiếu trong việc thi hành thế nghi binh trong ba lãnh vực:

- 1/ Các toán quân Việt Cộng không có súng phòng không để bắn hạ các trực thăng chuyển quân đổ bộ và bích kích pháo hặng nặng để đánh vùi dập các toán quân bộ binh Mỹ trước khi xung phong (Why Pleime, chương V):

- Địch đã mất gần hết các vũ khí cộng đồng trong đợt đầu. Họ bị tiểu đoàn 1/7 tấn công bất ngờ và các cán bộ chỉ huy đã không khéo xử dụng địa thế.

Các trực thăng chuyển vận quân, đạn dược, tiếp liệu và tải thương bị trúng đạn tại bãi đáp X-Ray là do từ các loại súng nhỏ mà thôi.

Tướng Kinnard cũng ghi nhận là (Pleiku campaign, trang 88):

Hiển nhiên là nỗ lực của Bắc Quân không được hỗ trợ bởi các tiểu đoàn bích kích pháo và súng phòng không không tới kịp vào vùng chiến trận và còn rong ruổi trên đường mòn xâm nhập.

- 2/ Trong suốt trận chiến, số lượng các đơn vị Mỹ tại bãi đáp (1/7, 2/7 và 2/5) luôn ít nhất bằng nếu không trội hơn hai Tiểu Đoàn phản công 7 và 9 thuộc Trung Đoàn 66 (Tướng Nguyễn Hữu An, Hồi Ức):

Ở sở chỉ huy tiền phương chúng tôi lúc này nắm được t́nh h́nh chắc hơn. Dưới trung đoàn 66 cho biết: tiểu đoàn 9 đă liên lạc được với tiểu đoàn 7. Như vậy tương quan lực lượng trong khu vực nhỏ này, mỗi bên có hai tiểu đoàn, nếu tính số lượng quân Mỹ trội hơn, chưa kể hai đại đội pháo và không quân chi viện.

- 3/Nhờ vào tin tình báo tức thời tiếp nhận được từ các đài kiểm thính liên lạc vô tuyến phía địch do Ban 2 Quân Đoàn II cung cấp, Tướng Knowles và Đại Tá Brown biết chính xác mọi dự tính, tính toán và điều quân xuất phát từ Mặt Trận B3 Tiền Phương: quyết định đình chỉ tấn công trại Pleime và chỉ phản công lại với duy hai tiểu đoàn. Việc theo dõi tin tình báo tức thời cũng cho phép Tướng Knowles và Đại Tá Brown ước lượng mức độ áp lực của đối phương đối với các toán quân Không Kỵ Mỹ tại bãi đáp X-Ray và cho phép hai người biết là khi nào an toàn để đáp xuống bãi đáp X-Ray vào lúc 4 giờ 30 chiều (Knowles) và lúc 9 giờ 30 sáng (Brown) ngày 15 tháng 11.

- 4/Hơn nữa, một khi được đổ bộ xuống LZ X-Ray xong, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ của Hal Moore được một vòng thép do pháo binh sư đoàn thiết lập bảo vệ. Hơn nữa, Knowles còn ra lệnh bắn phá “mọi nẻo đường rừng vào ra vùng trận địa 24 trên 24 tiếng đồng hồ” - để ngăn chận không cho phép các toán quân của Trung Đoàn 32 và 33 kéo tới vùng bãi đáp. (Richard T. Knowles Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University, p. 4)

Trong bản Tường Trình Sau Trận Đánh của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ, Moore lấy làm ngạc nhiên là, khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 15, nhu cầu tăng viện của ông đã được Đại Tá Tim Brown, Lữ Đoàn Trưởng, tiên đoán tối hôm trước:

Tôi gọi vô tuyến cho lữ đoàn trưởng, báo cho ông biết về tình hình, và dựa vào tổn thất do Đại Đội C gánh chịu và cuộc tấn công khốc liệt, tôi yêu cầu tăng viện thêm một đại đội. Ông đã báo cho Đại Đội A, Tiểu Đoàn 2/7 phải sẵn sàng từ tối hôm trước và đã tụ họp đại đội này với các trực thăng sẵn sàng chuyển vận.

Moore cũng được cho biết là Đại Tá Tim Brown đã chuẩn bị sẵn sàng Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ tăng phái cho Tiểu Đoàn1/7 và 2/7 Không Kỵ từ chiều tối ngày 14 tháng 11:

A.Xế chiều ngày 14 tháng 11, lữ đoàn trưởng đã chuyển vận Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ đến bãi đáp Victor. Khoàng 5 giờ sáng [ngày 15 tháng 11] đại đội này lội bộ tiến tới bãi đáp X-Ray.

Moore không hay biết là Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ sẽ được thay thế bởi hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ.

Kịch Hóa Sư Kiện

- Chọn Lựa Bãi Đáp X-Ray

Moore lấy điểm khi gán cho mình công chọn lựa bãi đáp X-Ray. Ông viết nơi trang 64 của cuốn sách:

Đại Tá Tim Brown có bảo chúng tôi đại khái là ông muốn chúng tôi hành quân sau khi đổ bộ, nhưng bây giờ chúng tôi phải chọn lựa một bãi đáp, và tốt nhất phải là một bãi đáp có thể tiếp nhận càng nhiều trực thăng trong số mười sáu chiếc cùng một lúc.

Tướng Knows có ý kiến khác. Jack Swickard viết trong bài, "Friendship with military legend", Tâm giao với một huyền thoại quân sự (Swickardworld, Friday, October 11, 2013):

Một lần, khi tôi viếng thăm Dick về trận đánh, ông nói với tôi là ông đã lựa chọn bãi đáp tiên khởi mà Hal Moore và các toán lính của ông xử dụng khi đổ bộ.

- Lost Platoon (Trung Đội Thất Lạc)

Moore quan trọng hóa số phận của Trung Đội 2, Đại Đội B, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ khi trung đội này bị địch quân cô lập trong sách We Were Soldiers Once ... and Young , trang 76-77, 103, 138, 165-66, 206, 208, 209. Điều này được chỉnh sửa bởi

Đại Tá John Herren, một đại đội trưởng khác trong trận đánh, nói về “Trung Đội Thất Lạc” mô tả trong sách và phim.

"Tôi muốn khẳng định ở đây là trung đội không bị thất lạc”, ông nói. “Thưa ông Joe Galloway và Trung Tướng Moore, tôi không biết tại sao hai vị lại đưa điểm này vào trong sách. Trung đội không bị thất lạc; chỉ bị cô lập thôi.

"Thật ra, họ không biết chính xác vị trí của họ”, ông nói, khiến cử tọa cười ồ lên, “nhưng điều đó không có nghĩa là học bị thất lạc."

Herren phát biểu tại buổi họp ngày 2 tháng 5 năm 2012 tại Fort Benning, GA.

- Broken Arrow (Mũi Tên Gãy Cánh)

Moore mô tả tình thế tại chiến trường “nóng” hơn là trên thực tế khi ông khiến cho Trung Úy Charles Hastings, liên lạc viên không quân, xử dụng mật hiệu Broken Arrow khoảng 7 giờ sáng ngày 15 tháng 11, trong sách We Were Soldiers Once ... and Young , trang 175, như thể các đơn vị dưới quyền ông sắp bị xung phong tràn ngập tới nơi:

“Tôi [Charlie Hastings] xử dụng mật mã ‘Broken Arrow’, có nghĩa là đơn vị Mỹ đụng trận và có nguy cơ vị tràn ngập – và chúng tôi nhận được tất cả các phi cơ khả dụng trong không phận Việt Nam đến không trợ. Chúng tôi có phi cơ chồng chất khoảng cách 1.000 foot từ 7.000 feet đến 35.000 feet, mỗi phi cơ trực sẵn đợi được chĩ định mục tiêu thả bom.”

Moore mô tả tình hình vào thời điểm đó một cách bình thản hơn trong bản tường trình sau trận đánh của TĐ 1/7 KK:

Hỏa lực địch quân nặng đến độ các động thái tiến ra khỏi phònt tuyến và nội trong phạm vi khu vực đưa đến tổn thương của các đơn vị bạn. Chính là vào thời điểm 7 giờ 55 này, tất cả các vị trí trung đội đều tung ra lựu đạn khói mầu theo lệnh của tôi để xác định tỏ tường vị trí cho các quan sát viên không quân điều chỉnh phi pháo. Tất cả các bắn phá phi pháo được điều chỉnh thật là sát nách. Một số pháo yểm rớt vào trong phòng tuyến phòng thủ, và hai thùng bom na-pan rớt chúng vùng ban chỉ huy của tôi khiến hai người bị thương và một số đạn dược súng M-16 phát nổ. Chúng tôi cho là điều bất thường, nhưng chấp nhận do tính cách khẩn trương cần đến yểm trợ tiếp cận bất thường (50-100 thước). Đại Đội C, cùng với các đơn vị tăng phái, giao tranh với lực lượng đông đảo địch quân trong hơn hai tiếng. Vào khoảng 0910 giờ, các đơn vị của Đại Đội A, Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ bắt đầu đổ bộ.

Cũng chính là vào thời điểm này Đại Tá Brown lấy quyết định đáp xuống bãi đáp X-Ray, biết rõ là tình hình an toàn, chứ không bất an như Moore nói (Moore,trang 202):

Khoảng 9:30 giờ, trước khi Trung Tá Tully tới nơi, Đại Tá Tim Brown đáp trực thăng xuống tham viếng mặt trận. Plumley nhớ lại: “Trung Tá Moore nghiêm chào Brown và nói, ‘tôi nói với đại tá là đừng có đến đây. Không an toàn! Brown nâng cổ áo lên và giơ con ó đại bàng lon đại tá vào mặt Moore và nói, ‘Xin lỗi ông nhé!”

Vì không ý thức được vai trò thứ yếu của mình, Moore lấy làm bất bình khi tiểu đoàn của ông được lệnh rút ra trong khi trận đánh chưa chấm dứt và bám chặt vào quyền chỉ huy tiểu đoàn sao cho ông là người đầu tiên của tiểu đoàn đặt chân xuống vùng đất giết chóc này và nhất quyết phải là người sau cùng rời đi.”

- Mad Minute (Phút Điên Cuồng)

Moore quan trọng hóa tình hình sáng sớm ngày tiểu đoàn triệt thoái, ngày 16 tháng 11 với lệnh thực hiện một cuộc hỏa thám Mad Minute (Moore, trang 223):

Đúng 6 giờ 55 sáng tất cả mọi người tại tuyến phòng thủ sẽ khai hỏa súng cá nhân và tất cả các súng liên thanh, trong hai phút trong thế bắn xả láng. Lệnh bắn lên cây cối, ụ ổ kiến, bụi bậm và cỏ lau phía trước mặt và phía trên các vị trí Mỹ. Các xạ thủ sẽ nhắm bắn tất cả gì khiến họ lo ngại..

Thật ra thì tình hình về phía địch quân, các toán quân cuả Tiểu Đoàn 7 và 9 thuộc Trung Đoàn 66 giáp mặt với các toán quân không kỵ Mỹ tại bãi đáp X-Ray vào lúc đó đang lâm vào trạng thái bị chấn động mạnh và xuống tinh thần gây nên bởi các đợt bom trải thảm kinh hồn của B-52 trút xuống gần cạnh từ 1600 giờ ngày 15 tháng 11 (Tướng Nguyễn Hữu An, Hồi Ức):

Đến gần trưa chúng tôi dừng lại trên sườn nam núi Chư Pông. Tôi đang đứng chống gậy, mải ngắm nghía địa h́nh xung quanh không để ư ǵ khác, bỗng Đồng Thoại nằm xuống giật chân tôi, cùng lúc đó một tràng bom nổ như sấm sét chạy qua chỗ chúng tôi.

- Tôi nói vui với Đồng Thoại:

- Đứng hay nằm ở đây cũng là ăn mày thôi.

Mắt tôi vẫn dơi theo những đám khói xám đang tan để lại một vệt dài dọc theo sườn núi những cây cối đổ ngang ngửa. Từ hồi c̣n ở ngoài miền Bắc tôi đă đọc nhiều tài liệu tham khảo về nền quân sự Hoa Kỳ, bây giờ tận mắt nh́n thấy và đang đụng đầu với nó. Một chiếc B.52 chở được 25 tấn bom, riêng ngày hôm nay chúng dùng 24 chiếc nối đuôi nhau quần xung quanh khu vực Chư Pông này.

Ngày hôm đó, 15 tháng 11, bom trải thảm chủ yếu nhắm vào các vị trí của Trung Đoàn 32 nằm tại khoảng cách chừng 12 cây số tây bắc bãi đáp X-Ray (Pleiku campaign, trang 88):

Một điều khác không giải thích được là Trung Đoàn 32 đã không sung trận và ở nán lại các vị trí tại 12-14 cây số phía tây bắc của mạn bắc bờ sông Ia Drang.

Kết quả của vụ xài phí đạn dược bắn phá trong hai phút của các súng cá nhân và súng máy chỉ gây cho hai tay súng bắn tỉa đeo lủng lẳng trên cây bị trúng đạn chết (Moore, trang 224).

Tướng Knowles nhận định rằng hành động "mad minute" chỉ là biện pháp thận trọng của một số lính tới ngày mãn hạn quân dịch cuẩn bị hồi hương ngày hôm đó và không muốn thiệt mạng đêm cuối cùng" (Knowles):

Chúng tôi chỉ đưa các binh sĩ còn lại một thời gian phục vụ ngắn theo hợp đồng tới Việt Nam mà thôi. Chúng tôi không thể lãng phí phá vỡ một đội toán đã được huấn luyện kỹ càng và cho là có thể tuần tự luân chuyển các binh sĩ này với các binh sĩ thay thế từ Mỹ. Trong thời kỳ cao điểm của chiến dịch, Ban 1 Nhân Sự của Sư Đoàn yêu cầu chúng tôi phái về một số những binh sĩ này để lập thủ tục hồi hương. Tôi nói với Ban 1 là tôi cho họ một ngày tại hậu cứ Sư Đoàn trước khi chuyển họ tới Sài Gòn để về nước.

Bob Tully nói với tôi là điều này tạo nên một tình trạng hi hữu trong nội bộ tiểu đoàn anh ta khi họ di chuyển lên tăng cường Hal Moore. Một đêm nọ, một tiền đồn của tiểu đoàn bắt đầu phóng lựa đạn lửa và họ bắn thâu đêm. Sáng hôm sau, sau khi thực hiện hành động thích hợp, khi họ gom các binh sĩ lại họ khám phá là các binh sĩ này tới ngày mãn hạn ngày hôm đó và chúng nó không muốn thiệt mạng đêm cuối cùng của chúng. Thế nên, chúng nó tự ý thực hiện một pha bắn Phá Rối và Can Thiệp chập với các động tác thay đổi vị trí khôn khéo để sống sót qua đêm.

So với tác động chính thực hiện bởi cuộc hành quân oanh tạc B-52, tác động phụ nhẹ ký rất nhiều về mặt thời gian (2 ngày – 14-15 tháng 11 đọ với 5 ngày – 15-19 tháng 11), không gian (bãi đáp X-Ray đọ với toàn vùng Chuprong-Iadrang), quân số can dự (Tiểu Đoàn 1/7, 2/7 và 2/5 Không Kỵ đọ với Phi Đoàn B-52 đóng tại Guam), lực lượng địch quân tham chiến (hai tiểu đoàn đọ với 3 trung đoàn).

- First Man In and Last Man Out (Tiên Nhập Hậu Xuất)

Trung Tá Moore muốn tô vẽ hình ảnh của một hiệp sĩ hùng dũng tiên phong xua quân vào phòng tuyến địch quân rồi vung kiếm phá vỡ thoát khỏi vòng vây xiết chặt của địch quân: ông là người đầu tiên của tiểu đoàn xung phong xuống bãi đáp X-Ray và là người sau chót của tiểu đoàn rời khỏi bãi đáp. Kỳ thật thì là một màn xuất nhập thong dong vào một công viên, không có gì xảy ra và không một tiếng súng từ phía địch quân. Trung Tá Moore đặt chân xuống bãi đáp lúc 10 giờ 48 sáng; cuộc đụng độ đầu tiên hỏa lực ở mức độ trung bình giữa toán tiền phương của Đại Đội B với địch quân trên lộ trình tuần tiễu ra khỏi phòng tuyến chỉ xảy ra vào lúc 12 giờ 45 trưa. Cuộc triệt thoái bằng trực thăng của Tiểu Đoàn 1/7 được thực hiện êm thắm dưới sự bao che của hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ.

Huy Chương Tuyên Dương Anh Dũng

Thật là lạ, một trận chiến lịch sử theo như Trung Tá Moore mô tả trong cuốn We Were Soldiers Once ... and Young lại không khai sinh nhiều gương anh dũng được chính thức tưởng thưởn với huy chương: huy chương Distinguished Service Cross cho Colonel Hal Moore ngày 1 tháng 6 năm 1966; huy chương Medal of Honor cho Second Lieutenant Walter J. Marm, Đại Đội A, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ ngày ngày 15 tháng 2 năm 1967; huy chương Bronze Star with Valor cho Specialist 4 Gaelen Bungum, Đại Đội B, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ (năm tháng tưởng thưởng không rõ); huy chương Silver Star cho Second Lieutenant John Lance Geoghegan, Đại Đội C, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ (năm tháng truy tặng không rõ); huy chương Distinguished Service Cross cho Staff Sergeant Clyde E. Savage, trưởng toán tiểu đội 3 và cho Specialist 5 Charles R. Lose, y tá trung đội, cả hai thuộc Đại Đội B, Tiểu Đoàn 1/7Không Kỵ; huy chương Silver Star cho Major Bruce Crandall và Captain Edward Freeman, cả hai phi công thuộc Đại Đội A, Tiểu Đoàn 229 Assault Helicopter (năm tháng tưởng thưởng không rõ).

Năm 1992, Moore và Galloway lưu ý tới tình trạng sơ suất này trong sách We Were Soldiers Once ... and Young (New York: Random House, 1992, trang 374):

Tôi đã từng thôi thúc các nhân viên văn phòng của tôi khi chúng tôi thảo các lá thư phân ưu cho các gia đình có thân nhân chết trận và sắp xếp đề nghị cấp huy chương và tưởng thưởng. Chúng tôi gặp vấn đề trong lãnh vực thảo văn bản đề nghị tưởng thưởng: Ít người trong chúng tôi biết đánh máy chữ, rất nhiều văn bản được thảo bằng tay dưới ánh đèn mờ tối. Nhiều nhân chứng đã được di tản với vết thương hay đã được di chuyển đi nơi khác trong khi đợi được giải ngũ.Quá nhiều người đã anh dũng chết trận, trong khi những người chứng kiến gương hy sinh của họ cũng đã bị giết. Gương anh dũng ngoại hạng thật sự là một nhân đức thông thường trên chiến trường tại bãi đáp X-Ray trong ba ngày và hai đêm. Các gương anh dũng nếu xảy ra tại các chiến trường khác, trong những ngày khác được tưởng thưởng với huy chương Medal of Honor hay Distinguished Service Cross hay Silver Star thì chỉ được công nhận duy với một điện tín thông báo “Bộ Trưởng Quân Đội xin chia buồn ...”

Lời than phiền này gây chú ý cho Quốc Hội và năm 1966 một đạo luật được thông qua miễn trừ thời hạn ba năm trìn nạp kiến nghị xin tưởng thưởng huy chương, kể cả huy chương Medal of Honor, liên quan đến các cuộc hành quân tại thung lũng Ia Drang, gần Pleiku, Nam Việt Nam, từ ngày 23 tháng 10 năm 1965, đến ngày 26 tháng 11 năm 1965 (Barbara Salazar Torreon, Medal of Honor: History and Issues, August 18, 2015). Đạo luật này cho phép bất cứ thành viên nào của Quốc Hội đều có thể đệ trình kiến nghị tưởng thưởng huy chương lên hội đồng quân sự cứu xét tưởng thưởng huy chương.

Chắc hẳn là tất cả mọi cựu chiến binh có tham dự trận Ia Drang đã được kêu gọi cộng tác vào công cuộc tìm kiếm nhằm chỉnh sửa sơ suất này. Tuy vậy, kết quả rất là yếu kém: huy chương Bronze Star with Valor cho Specialist 4 Bill Beck and Specialist 4 Russell E. Adams, Đại Đội A, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ năm 1966; huy chương Bronze Star with Valor cho Joe Galloway, phóng viên chiến trường ngày 1 tháng 5 năm 1998; huy chương nâng cấp từ Silver Star lên thành Medal of Honor cho Captain Edward Freeman năm 2001 và cho Major Bruce Crandall năm 2007.

Tựu trung, sau hai chục năm lục lọi, chỉ đào thấy được thêm ba gương anh dũng với huy chương Bronze Star tưởng thưởng trong trận Ia Drang tại bãi đáp X-Ray, không một gương anh dũng nào tại bãi đáp Albany.

Nguyển Văn Tín
Ngày 29 tháng Giêng năm 2016

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu