Sứ Mạng Thật của Hal Moore và Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ tại LZ X-Ray

Theo Coleman (1988),

Ngày 13/11 vào lúc 5 giờ chiều, Đại Tá Brown bay xuống gặp Trung Tá Moore tại bộ chỉ huy của Đại Đội A phía nam Pleime và bảo Moore thực hiện một cuộc tấn kích trực thăng vận vào vùng Lime tại chân rặng núi Lime vào sáng hôm sau. Theo thông lệ, Brown cho phép các tiểu đoàn trưởng chọn lấy các bãi đáp và đặt kế hoạch điều quân. Lời chỉ đạo của Trung Đoàn Trưởng là Moore phải thực hiện một cuộc hành quân lùng địch dọc theo các sườn núi cho tới ít ra là ngày 15/11. Brown quan ngại có thể xảy ra các cuộc đụng độ lớn với địch trong vùng, tuy là các lực lượng Mỹ chưa hề đặt chân xa đến vùng phía tây này; Lữ Đoàn 1 Không Kỵ có tiến gần nhất tới vùng này là vào ngày 4/11 khi lâm chiến tại khoảng 4 cây số phía đông bắc Làng Anta. Giờ đây, Brown có ý định phái các lực lượng trực tiếp tới các sườn núi phía đông của Chu Prong. Trong đầu óc ông lởn vởn hình ảnh của các ngôi sao đỏ trên các bản đồ treo trong phòng hành quân của hai Ban 2 tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Không Kỵ và tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, và do đó, ông nói với Moore là giữ các đội hình đại đội bộ binh gần kề bên nhau để hỗ trợ lẫn nhau.

[…]

Sau khi nhận chỉ thị của trung đoàn trưởng, Moore lập tức nhảy vào hành động. Đại Úy Gregory “Matt” Dillon, sĩ quan Ban 3, bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng bàn đồ vùng mục tiêu tìm kiếm các địa điểm có thể xử dụng làm bãi đáp đổ quân.

Và tiếp sau

Sáng sớm Chủ Nhật 14/11, một ngày trong sáng, nóng bức và khô ráo như mọi ngày trên vùng tây nguyên.

[…]

“Ít đơn vị mường tượng được là mình dấn thân đến gặp định mệnh đến khi thời điểm lịch sử sờ mó tới mình. Đó là trường hợp của Tiểu Đoàn 1/7 vào sáng ngày 14/11”. Đó là cách mô tả của bản báo cáo tường trình chính thức sau trận đánh về Chiến Dịch Pleiku khi mở đầu phần bàn tới LZ X-Ray. Cuộc hành quân này được coi như một cuộc hành quân thông thường, như mọi cuộc hành quân tiến sâu vào lòng địch. Lẽ dĩ nhiên là không phải như vậy đối với Hal Moore. Ông đã thấy cái ngôi sao khiếp đảm trên cả hai bản đồ trong phòng tình báo Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Không Kỵ và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và ông đủ khôn ngoan và kinh nghiệm để cho tình hình yên ắm trong quá khứ đánh lừa mình.

Như vậy là Hal Moore coi bộ tiến vào Chu Prong biết là sẽ gặp nhiều địch quân, không chừng một hoặc hai hoặc ngay cả ba trung đoàn Bắc Quân. Sứ mạng của ông sẽ là khởi xướng một cuộc đụng độ với một đơn vị địch, rồi bám sát lấy đơn vị này và, tùy theo số lượng địch quân giao tranh, Tướng Knowles sẽ dồn đống quân số binh sĩ không kỵ tương ứng để tiêu diệt địch.

Nhưng những gì xảy ra kế tiếp hoàn toàn trái nghịch với tiến trình của khái niệm hành quân tìm, ghim và tiêu diệt địch.

Một, ngày 14/11, sau khi đổ bộ xuống LZ X-Ray, Hal Moore đã không tiến ra khỏi bãi đáp lùng kiếm địch quân, nhưng lại củng cố chu vi phòng thủ bảo vệ bãi đáp.

Hai, khi địch quân xung phong với một lực lượng gồm hai tiểu đoàn, Tướng Knowles đã không phản ứng bằng cách tung vào một số lượng đơn vị to lớn mà chỉ cố ý tăng cường tuyến phòng thủ với chỉ duy một tiểu đoàn, Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ, và xem như toại nguyện khi địch quân chém vè và rút lui ngày 16/11 thay vì truy đuổi địch quân.

Ba, thay vì đổ thêm quân vào bãi đáp để chuẩn bị truy đuổi địch quân, Tướng Knowles lại thực hiện một cuộc hoán chuyển đơn vị bằng cách thay thế Tiểu Đoàn 1/7 với Tiểu Đoàn 2/5 để tiếp tục bảo vệ LZ X-Ray.

Bốn, ngày 17/11, nhằm nhường chỗ cho B-52 oanh tạc, thay vì bốc quân mau lẹ bằng trực thăng, Tướng Knowles lại ra lệnh cho hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 lội bộ chậm rãi ra khỏi bãi đáp tiến về LZ Columbus và LZ Albany.

Dựa vào bốn sư kiện này, quả là hiển nhiên sứ mạng của Hal Moore không phải là một cuộc hành quân tìm và diệt địch thông lệ. Quả thật vậy, sứ mạng cá biệt – tuy ông không được thông báo rõ – của ông là thực hiện một thế nghi binh đánh lạc hướng địch quân, nhằm khiến địch quân tập trung tại các địa điểm xuất quân trong tư thế sẵn sàng di chuyển đi tấn công trại Pleime lần thứ hai phải chia trí và khiến chúng phải án binh bất động trong khi Bộ Tư Lệnh B3 suy tính lại chuyển hướng tấn công vào mối nguy mới xuất hiện; và như vậy các đơn vị án binh bất động lâu hơn tại các địa điểm xuất quân thành mồi ngon cho các B-52 oanh kích.

Thế nghi binh này là thành phần sau cùng trong thế chuẩn bị gồm ba giai đoạn cho khái niệm hành quân nhằm tiêu diệt ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 với các cuộc oanh kích bằng phi cơ chiến lược B-52. Hai thế nghi binh trước là: lùa các đơn vị tản mác địch quân về lại mật khu Chuprong-Iadrang và khuyến dụ địch quân chuyển qua tư thế tấn công khiến các đơn vị qui tụ lại tại các địa điểm tập trung và xuất quân.

Trái với ý tưởng chung, Tướng Knowles biết chính xác các vị trí của bản doanh của ba trung đoàn địch quân cùng các đơn vị của ba trung đoàn suốt thời gian của chiến dịch và dình rập thời điểm thuận lợi khi địch quân tập trung lại để trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh kích bằng B-52.

- Ngày 27/10, Trung Đoàn 33 đến làng Kro (ZA080030);

- Ngày 28/10, Trung Đoàn 32 tới sát các căn cứ hậu cần tại mạn bắc của Ia Drang;

- Ngày 29/10, Trung Đoàn 33 nhắm đi tới làng Anta (YA940010), nằm tại chân rặng núi Chu Prong;

- Ngày 1/11, bản doanh trung đoàn đã tới căn cứ tại làng Anta (YA940010);

- Ngày 2/11, khoảng 0400 giờ Ban Chỉ Huy trung đoàn 33 tới Đồi 732 (YA885106);

- Ngày 5/11, Trung Đoàn 66 tiếp tục qui tụ vào các vùng tập trung trong mật khu Chu Prong;

- Ngày 7/11, Trung Đoàn 33 chờ đợi cho các lực lượng phân tán qui tụ về đơn vị mẹ;

- Ngày 8/11 Trung Đoàn 33 thu thập xong các đơn vị cơ hữu cuối cùng;

- Ngày 11/11, vị trí ba tiểu đoàn 7, 8 và 9 của Trung Đoàn 66 trải dọc mạn bắc bờ sông Ia Drang (trung tâm khối tại 9104), Trung Đoàn 33 vẫn ở các vị trí quanh Làng Anta (YA940010), Trung Đoàn 32 vẫn ở phía bắc sông Ia Drang (YA820070);

- Ngày 14/11, Tiểu Đoàn 1/7 đổ bộ xuống LZ X-Ray (YA935010), chỉ “cách vị trí Tiểu Đoàn 9/ Trung Đoàn 66 Bắc Quân có 200 thước” (Nguyễn Hữu An);

- Ngày 15/11, các lực lượng B3 (trọng tâm khối tại YA8702); tại đây B-52 khởi sự trút bom xuống.

Tóm lại, trái nghịch ý tưởng chung cho là “Lần đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam, oanh tạc chiến lược được xử dụng trong việc hỗ trợ trực tiếp của một thế điều quân bộ chiến” (Chiến Dịch Pleiku , 17/11, trang 93), thật ra là thế điều quân bộ chiến - tức là Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ – được thực hiện nhằm hỗ trợ trực tiếp oanh tạc chiến lược.

TubeHome.com Video from everywhere!


(Coleman, J.D., "Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam", St. Martin’s Press, New York)

Nguyễn Văn Tín
01 tháng 3 năm 2012

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu