Chương IV
Đợt I
Hành Quân Dân Thắng 21
Từ 20 tới 26 Tháng 10 năm 1965
Phá Vỡ Vây Lấn tại Pleime

Nhử Mồi

Khi Việt Cộng bắt đầu tấn công Trại Pleime, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Bộ Chỉ Huy tác chiến đang ở Bình Định để trực tiếp điều động Hành Quân Thần Phong 6. Ngay sau khi đổ quân bằng trực thăng vận vào các địa điểm tình nghi địch tập trung tại phía nam Quận Hoài Ân, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II trở về Pleiku vào chiều ngày 20 tháng 10 năm 1965.

Cuộc tấn kích mạnh mẽ của địch vào hừng đông đã bị đánh bật và bẻ gãy bởi các cuộc oanh tạc kịp thời và chính xác nhưng các phi vụ tiếp tế bằng máy bay và công việc tải thương bằng trực thăng vẫn gặp phải hỏa lực cường tập của súng phòng không. Tuy hứng chịu tổn thương nặng, Việt Cộng kiên trì ở lại quanh vùng Trại và thay vì chỉ gồm một tiểu đoàn duy nhất, lực lượng của họ tăng lên tới cấp trung đoàn. Cộng thêm vào mối đe dọa của địch quân hơn quân số, nhiều khó khăn khác trút lên đầu trại vì sự tiếp tế lương thực và đạn dược và tải thương bằng đường không bị cản trở không ngừng bởi các pháo kích vào phi đạo và bãi trực thăng.

Vào thời điểm này hình như đic̣h không gấp rút hành động như những cuộc tấn cộng "đánh và chạy" trước. Hình như họ định buộc các lực lượng bạn tới giải cứu và mục tiêu của họ gồm hai phần, thứ nhất là đoàn quân tiếp cứu và thứ nhì là chính Trại. Điều này sẽ cống hiến họ một con mồi to béo hơn và đồng thời một cơ may thành công, nhờ vào một tập trung các lực lượng của họ.

Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết định đấu lại trò chơi của địch. Vì địch tính tuần tự diệt trừ các lực lượng của chúng ta, kế điều quân phải khéo dùng tối đa đến yếu tố THỜI GIAN và khai thác các yếu điểm tự tại của thế giàn trải quân của địch.

Ngay chiều ngày 20 tháng 10, một Chiến Đoàn Thiết Giáp gồm:

- Bộ Chỉ Huy, Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh,

- Một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân,

- Một Đại Đội Xe Thiết Giáp M 113,

- Một Đại Đội Chiến Xa M-41,

- Một Đội Pháo Binh,

- Một Tiểu Đội Công Binh

được lệnh di chuyển tới Phú Mỹ, 20 cây số Nam Pleiku. Chiến đoàn tiến gần tới khu tập trung vào lúc 1800 giờ, đóng trại qua đêm và chuẩn bị tiến tới xa hơn vào hừng đông.

Sáng ngày 21 tháng 10, Chiến Đoàn Luật tiếp tục di chuyển, dọc theo trục Phú Mỹ-Pleime, nhưng chỉ thực hiện những cuộc tuần tiễu bạo dạn nội trong một đường kính 10 cây số! Lệnh ban bố rõ ràng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cho Chiến Đoàn Trưởng, Trung Tá Luật, là giả bộ cho đoàn quân sắp tiến tới Trại Pleime, nhưng trong thực tế, ông phải đợi thêm cho đủ lực lượng tăng phái sẽ được di chuyển tới bằng đường không từ Kontum và Bình Định tới Pleiku, ngay khi các điều kiện thời tiết cho phép các di chuyển bằng đường không.

Cũng vào sáng hôm đó, lúc 0930 giờ, hai đại đội của Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù QLVNCH được trực thăng vận tới khoảng 5 cây số Đông Bắc Trại. Làm như có một cuộc giao tiếp giữa Chiến Đoàn và hai đại đội này sắp xảy ra vào chiều hôm này! Nhưng thật ra đó chỉ là một hành động đáp ứng cho một tình thế khẩn cấp: trại lính đã chiến đấu 36 giờ để chống cự một lực lượng địch đông gấp năm lần.

Qua suốt đêm thứ nhì, Trại chỉ bị quấy nhiễu bởi các cuộc pháo kích của địch và không phải đối chọi một cuộc tấn công nào.

Tin chắc là đợt đầu của kế hoạch - phục kích đoàn quân tiếp cứu - sắp sửa xảy ra, Mặt Trận Việt Cộng ra lệnh cho Trung Đoàn 32 rời khu tập trung(1).

Điểm đáng lưu ý là các cuộc phục kích qui mô của Việt Cộng xảy trong thời gian mới đây đều được thực hiện trong khuôn khổ của chiến thuật chiến trận vận động. Chúng không còn hiện hữu như những bẫy gài tĩnh động. Sự thay đổi trong thế điều quân của đic̣h được sai khiến bởi các lý do sau đây:

1) Có thể bảo toàn bí mật.

2) Việt Cộng có thể tránh tổn thất gây nên bởi các cuộc oanh tạc dọn chiến trường của ta tại các địa điểm phục kích.

3) Có sự uyển chuyển khi cần đáp ứng các trường hợp khẩn cấp

4) Họ có thể áp dụng những chiến thuật này vì các phương tiện truyền tin hiện có trong tầm tay.

Trong trận Đức Cơ (tháng 8 năm 1965), Việt Cộng hứng chịu tổn thất nặng nề trong các lần toan tính đầu.

Vì vậy, ngày 21 tháng 10, các diễn biến sau đây xảy ra:

1) Chiến Đoàn QLVNCH thực hiện các cuộc tuần tiễu dọc theo Liên Tỉnh Lộ 5.

2) Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù đổ bô tại Đông Bắc Pleime.

3) Trung Đoàn 32 Bắc Việt di chuyển tới địa điểm phục kích trên Liên Tỉnh Lộ 5.

Trên lộ trình tiến tới Trại sau khi đổ bộ, Tiểu Đoàn 91 giao tranh với địch lúc 1030 giờ, giết và gây thương tích cho một số không rõ Việt Cộng và tịch thu một bích kích pháo 82 ly, hai đại liên M.G. 50 ly, nhiều súng liên thanh cộng đồng và súng trường Nga sô. Cuộc đụng độ này chứng tỏ là quanh Trại, địch đã phân tán quân để tránh trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh tạc của ta và đồng thời để phục kích các lực lượng tiếp cứu khi dùng đường không tại khu vực quanh Trại.

Trong khi phía ta thu thập thêm tin tình báo về ý đồ và thế điều quân của địch thì phía Việt Cộng cũng từ từ đoán biết được mưu kế của phía ta. Họ không mấy chốc khám phá ra là các hoạt động của ta từ trước tới giờ nhắm dụ họ hoãn tấn công các lực lượng tiếp cứu. Nếu họ mau mắn hủy diệt trại, cơ may mà họ trông chờ bấy lâu nay sẽ không còn xảy ra nữa.

Điều này giải thích sao trong đêm thứ ba, áp lực ̣địch quanh Trại gia tăng. Trại bị sách nhiễu bởi hỏa lực suốt đêm nhưng vẫn không xảy ra một cuộc xung phong nào. Hành động như vậy, địch muốn cho thấy là ngoại trừ các lực lượng tiếp cứu được gửi tới, các quân lính của họ sẽ ở lại và thắt chặt vòng cương tỏa.

Ngày 22 tháng 10, Chiến Đoàn Thiết Giáp tiếp tục công cuộc tuần tiễu trên cùng một lộ trình và Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù tiếp tục tiến tới hướng Trại. Tiểu đoàn này đụng độ thêm hai lần với địch và tịch thu 4 đại liên và nhiều súng trường. Vào buổi chiều, với sự không yểm mạnh mẽ, họ tới đích để tăng cường cho Trại Pleime.

Trải qua ba ngày và ba đêm. Các sinh hoạt chì trệ khiến cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II có thêm tin tức về địch và có thêm thời gian. Hành Quân Thần Phong 6 vẫn tiếp diễn (cho tới ngày 24 tháng 10), và ngày 22 tháng 10 tất cả các phi cơ khiển dụng được sung vào việc chuyên chở một tiểu đoàn để tăng cường cho Quảng Đức. Ngoài Chiến Đoàn, chỉ còn một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân ở lại tại Pleiku. Ngay cả nếu Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết định tung vào chiến trận đơn vị cuối cùng này, cũng không còn lấy phi cơ vì tiểu đoàn 119 Trực Thăng vẫn còn vướng bận với Hành Quân Thần Phong 6. Ngoài ra, thời tiết sương mù trên đèo Măng và An Khê không cho phép thực hiện các chuyến bay.

Trong đêm thứ tư, sự tăng cường bởi tiểu đoàn 91 khiến trại lính an tâm phần nào. Nhưng chính vào lúc này các khó khăn xuất hiện. Trong suốt bốn ngày, hỏa lực tập kết của Việt Cộng ngăn cản Trại tới nguồn suối ngoài trại để tiếp tế nước uống. Cộng thêm vào sự thiếu hụt nguy kịch này, cột ăng ten rađiô chính bị hỏa lực địch bắn gãy vào lúc 0510 giờ.

Phục Kích và Chống Phục Kích

Sáng sớm ngày 23 tháng 10, ngay sau khi báo cáo từ Trại tới Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, có quyết định tức khắc đẩy đoàn quân tiếp cứu tới Pleime không chậm trễ và bằng mọi giá.

Lúc 1000 giờ, tiểu đoàn 1/42 được trực thăng vận từ Kontum tới Pleiku, rồi chuyển tới Phú Mỹ và tăng phái cho Chiến Đoàn Thiết Giáp. Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân QLVNCH - đơn vị cuối cùng ở lại trong Pleiku - được lệnh trực sẵn chuyển vận bằng trực thăng vào lúc 1400 giờ. Lực lượng của tất cả các đơn vị trên, gồm cả Chiến Đoàn Thiết Giáp tổng cộng khoảng 1000 quân lính. Con số này thấp hơn so với lực lượng địch cỡ trung đoàn đóng chốt tại các vị trí phục kích nhưng sự thật là không còn có lấy một đơn vị chiến đấu nào khác tại Pleiku. Để đối ứng với các trường hợp khẩn cấp, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II yêu cầu Lực Lượng Đặc Nhiệm Alpha Mỹ (Thiếu Tướng Stanley R. Larsen, Bộ Tư Lệnh Nha Trang) tạm thay chu toàn phận vụ an ninh của Phi Trường Pleiku và thành phố Pleiku và vào lúc 1300 giờ, Chiến Đoàn Ingram gồm một tiểu đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ tới theo ấn định.

Lúc 1400 giờ, tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân QLVNCH được trực thăng vận tới bãi đáp tại phía Tây của Liên Tỉnh Lộ 5, 10 cây số Bắc Pleime, với sứ mạng:

- Càn quét hướng đông và dồn địch về hướng Liên Tỉnh Lộ 5.

- Chận đứng và hủy diệt bất cứ địch quân nào kẹt giữa tiểu đoàn và Chiến Đoàn.

Cũng vào giờ phút này, Chiến Đoàn Thiết Giáp-Bộ Binh khởi hành từ Phú Mỹ và tấn công dọc theo trục Liên Tỉnh Lộ 5 để giải tỏa Trại Pleime.

Lúc 1700 giờ, Chiến Đoàn dừng lại tại nửa đường trong khi các vụ oanh tạc ấn định trước nã vào các khu vực nghi địch tập trung quân.

Lúc 1750 giờ, đang khi tiến lên một còn đường dốc và hẹp với cây cỏ rậm rạp hai bên lề đường, bỗng dưng Chiến Đoàn gặp phải hỏa lực mãnh liệt từ phía Nam và phía Đông. Đồng loạt, địch xung phong phía hậu của đoàn quân trong đó bao gồm các chiến xa.

Địch hoàn toàn có ưu thế về mặt địa hình và cẩn thận phân phối hỏa lực nặng. Nhưng phản ứng nhanh nhẹn của quân lính ta, yểm trợ dồi dào bởi các khẩu súng và đại liên của các xe tăng và các thiết vận xa M-113 cũng như sư can thiệp gần như tức khắc của Không Quân, tất cả tạo thành một màn chắn chống lại các đợt tấn công của địch quân. Tiếng súng lẻ tẻ tiếp diễn cho đến khi màn đêm che phủ chiến trường. Chiến Đoàn nhanh chóng tái tổ chức các vị trí vì thế nào địch cũng sẽ tái hoạt động đêm nay. Đúng như dự đoán, vào lúc 0315 giờ, họ tái tấn công nhưng không thành công trong nỗ lực trọc thủng các vị trí quân ta. Cũng như buổi chiều, Không Quân lại một lần nữa biểu dương hỏa lực hiệu nghiệm và chính xác ngoại hạng.

Sáng ngày 24 tháng 10, trong khi công cuộc tiếp tế và tải thương tiếp diễn, các cuộc tuần tiễu phát xuất từ Chiến Đoàn quanh chiến trường. 150 xác Việt Cộng bị bỏ lại, 75 vũ khí cộng đồng và cá nhân bị tịch thu với một số tù binh bị bắt. Trong sổ nhất ký của một Việt Cộng tên Nguyễn Đình Cẩn, - một di tích của trận chiến này - bị bắt về sau trong đợt hai, các hàng chữ sau đây được thảo ra để ghi nhớ ngày 23 tháng 10:

"Chúng tôi lúc này nằm sát mép đường chờ nổ súng: có lệnh, pháo của ta lớp lớp nổ trên đường tới tấp. Bọn địch điên cuồng, súng các loại trong xe tăng bắn ra tới tấp, máy bay địch từ bốn phía lao tới bắn phá lung tung xuống trận địa, một Đồng chí cùng quê hương của tôi đi cáng thương binh bị bắn dọc đường bị hy sinh. Trong lúc này bom đạn địch nó đổ ra không ai tính cho hết được - Chao ôi, sao mà bọn địch chúng dùng toàn loại máy bay bắn phá chặn đường của chúng tôi. Bom Na-Pan ... thật là vô cùng, lưới thép nó bao vây quanh người tôi."

Suốt ngày 24 tháng 10, tình hình hoàn toàn êm thắm. Tuy vậy, Chiến Đoàn Ingram(2) đã di chuyển từ Phi Trường Pleiku tới vị trí 10 cây số Nam Phú Mỹ để cung ứng pháo yểm cho Chiến Đoàn Thiết Giáp-Bộ Binh khi cần đến. Thất bại của Việt Cộng trong nỗ lực đợt đầu cũng làm hỏng giai đoạn toan tính hủy diệt Trại Pleime. Trung Đoàn 32 được lệnh rút lui thay vì tiếp sức Trung Đoàn 33 vây lấn Trại. Trại chỉ hứng chịu một ít pháo kích vào lúc 0150 đêm đó.

Lúc 1300 giờ ngày 25 tháng 10, Chiến Đoàn Thiết Giáp-Bộ Binh lại lên đường tiến tới Pleime. Sau 5 cây số, chiếc thiết vận xa dẫn đầu đoàn quân gặp phải hỏa lực địch, lập tức bị pháo binh của ta dập tắt. Chiến Đoàn tới Pleime vào xế chiều.

Một cuộc hành quân càn quét khu vực quanh Trại được thực hiện ngay sáng ngày 26 tháng 10. Cỏ voi che phủ khắp nơi quanh Trại. Lúc 1015 giờ, trong khi Chiến Đoàn tản ra miệt phía Nam của Trại, một hỏa lực mạnh của địch quân bỗng nhiên khởi phát. Sợ bị các xe tăng hạng nặng và các thiết vận xa cán, Việt Cộng cố chiếm lấy phần tay trên với một cuộc phục kích không chuẩn bị trước nhưng tiếc thay, họ ở vào một vị thế quá tồi tệ, tuy ẩn bóng nhưng không bao che khỏi hỏa lực cộng hưởng mãnh liệt của các thiết vận xa, Pháo binh và Không Quân. Khi cuộc đụng độ chấm dứt, hơn 140 thây Việt Cộng nằm la liệt trên mặt đất, 5 bị bắt và ít nhất 100 khác bị thương, với hơn 20 vũ khí cộng đồng bị tịch thu.

Cuộc càn quét kéo dài đến trưa ngày 27 tháng 10. Ở miệt Nam Trại, gần bên đồi Chu Hô, còn tìm thấy nhiều thây ma và vũ khí. Một số tử thi xạ thủ Việt Cộng bị ràng trói vào các các khẩu đại liên phòng không hạng nặng.

Chiến Đoàn được lệnh rời Pleime và trở về lại Pleiku ngày 28 tháng 10, vì không còn có sự hiện diện nào của đic̣h được ghi nhận và khu vực quanh Trại đã được càn quét kỹ lưỡng. Để giữ an ninh Liên Tỉnh Lộ 5 cho cuộc rút lui của Chiến Đoàn, Chiến Đoàn Alpha TQLC VN được trực thăng vận từ Ban Mê Thuột và trên lộ trình trở lui, Chiến Đoàn Thiết Giáp-Bộ Binh không gặp kháng cự nào tuy nhiên thu hồi được 6 ổ mìn chống chiến xa.

Như thế, Hành Quân Dân Thắng 21 kết thúc với 400 thương vong về phía địch. Nhưng mối đe dọa từ một cuộc trả đũa của địch vẫn lủng lẳng trên đầu Trại Pleime đ̣ến chừng nào tàn quân của hai Trung Đoàn 32 và 33 BV không bị truy lùng. Mối quan tâm này khiến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II lấy một quyết định sẽ được trình bày trong chương sau.


(1) Xem tài liệu:
- Tiêu lệnh tác chiến điều Trung Đoàn 32 lập ổ phục kích.
- Sổ Nhật Ký của một Cán Bộ Việt Cộng.
(2) Được tăng cường thêm bởi một dàn pháo. Lữ Đoàn 1 của Sư ̣Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ được di chuyển đến Phi Trường Pleiku vào lúc 2400 giờ ngày 24 tháng 10, ngay sau khi Hành Quân tại thung lũng Vỉnh Thạnh (Bình Định) kết thúc.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc
Đại Tá Hiếu, tác giả ẩn danh
(Why Pleime - April 1966)

generalhieu