|
Nhật Ký Trận Pleime
Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II
Ngày 19 tháng 10 năm 1965
- 2300 giờ, Đại Úy Moore, chỉ huy trưởng trại Pleime, báo cáo về cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II là một đơn vị Bắc Quân khai hỏa vào trại với khí giới nhẹ, bích kích pháo và súng không giựt.
Ngày 20 tháng 10 năm 1965
- Quân địch phát động một loạt xung phong. Trại chống trả mãnh liệt. Suốt đêm, địch đã liên tiếp thất bại chọc thủng qua các vị trí phòng thủ.
- Gọi Tướng Vĩnh Lộc, tại Bộ Chỉ Huy tác chiến ở Bình Định, đang chỉ huy cuộc hành quân Thần Phong 6, khuyến cáo là coi bộ các sinh hoạt VC tại Bình Định chỉ là thế nghi binh và Pleime mới là điểm tấn công chính. Việt Cộng đang áp dụng chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện".
Tướng Vĩnh Lộc nói là sẽ trở về Pleiku càng sớm càng tốt, ngay sau khi thực hiện xong cuộc trực thăng vận quân lính vào các điểm tập trung của địch tại vùng phía nam Quận Hoài Ân.
- Sáng sớm hôm nay, địch quân phát động một cuộc xung phong mãnh liệt. Kêu gọi oanh kích đẩy lui được cuộc tấn công.
- Các phi vụ tiếp vận và tải thương vẫn gặp trở ngại bởi hỏa lực phòng không địch.
- Tuy bị tổn thất nặng Việt Cộng vẫn bám sát quanh trại, và coi bộ không chỉ là một tiểu đoàn, mà lực lượng của chúng cỡ trung đoàn.
- Ngoài vấn đề địch quân đông gấp bội, trại còn gặp khó khăn về mặt tiếp tế lương thực bằng đường hàng không và công cuộc di tản thương binh bị các cuộc pháo kích vào phi đạo và bãi trực thăng không ngừng cản trở.
- Tướng Vĩnh Lộc có mặt tại Pleiku vào buổi chiều.
- Coi bộ lần này địch quân không vội vàng như trước với những cuộc tấn công chớp nhoáng rồi tháo lui. Hình như chúng tìm cách buộc các lực lượng của chúng ta đến giải cứu và chúng có hai mục tiêu, trước là nhắm vào đoàn quân tiếp cứu, thứ đến là trại. Điều này sẽ hiến cho chúng một con mồi to lớn hơn và có nhiều cơ may thành công hơn nhờ vào tập trung được một lực lượng to lớn hơn.
- Phía mình lấy quyết định chấp nhận trò chơi của địch. Vì lẽ chúng dự tính loại dần các lực lượng của ta, kế hoạch điều quân phải xử dụng tối đa đến yếu tố thời gian và đồng thời khai thác yếu điểm của địch quân trong thế điều quân của chúng.
- Ngoài ra ta đã phố hợp với Ban 3/MACV điều nghiên kế hoạch xử dụng oanh tạc B-52 tiêu diệt ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 địch tính dùng để tiến công trại Pleime khi ba trung đoàn này tập trung quân tại hậu cứ Chu Prong. Nhưng vì địch chỉ tiên công trại với hai Trung Đoàn 32 và 33, ta cần trì hoãn dùng tới oanh tạc B-52, chỉ phản công cầm chừng không cho phép địch chiếm cứ trại và buộc chúng rút lui về Chu Prong hiệp lực với Trung Đoàn 66 tính kế tiến công trại lần nữa. Khi đó ta sẽ xử dụng oanh tạc B-52 để tiêu diệt cách hữu hiệu ba trung đoàn cùng một lúc.
- Qui tụ một Chiến Đoàn Đặc Nhiệm (CĐĐN) bộ binh thiết giáp tiếp cứu bao gồm: Ban Chỉ Huy Trung Đoàn Thiết Kỵ, một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân, một Đại Đội Thiết Vận Xa M-113, một Đại Đội Xe Tăng M-41, một đơn vị Pháo Binh và một Trung Đội Công Binh.
- 1800 giờ, CĐĐN tụ họp tại vùng tập trung và đóng trại qua đêm.
- Tướng Vĩnh Lộc chỉ định Trung Tá Nguyễn Trọng Luật Chỉ Huy Trưởng CĐĐN.
- Trong đêm thứ hai, trại Pleime chỉ bị bích kích pháo địch quấy phá và không xảy ra một cuộc tấn công nào.
Ngày 21 tháng 10 năm 1965
- 0800 giờ, ra lệnh cho CĐĐN của Trung Tá Luật di chuyển dọc theo trục lộ Phù Mỹ-Pleime, nhưng chỉ thực hiện những cuộc tuần tiễu mạnh dạn nội trong đường bán kính 10 cây số.
- Xuất phái các đội toán trinh sát Lực Lượng Đặc Biệt Dù với trọng trách phát giác các ổ phục kích của địch dọc theo lộ trình dẫn đến trại Pleime.
- Chuẩn bị sắp xếp bốc các toán quân tăng phái bằng trực thăng cho CĐĐN của Trung Tá Luật từ Kontum và Bình Định đưa đến Pleiku, để thực hiện ngay sau khi điều kiện khí tượng cho phép trực thăng cất cánh.
- 0930 giờ, cho trực thăng vận hai đại đội của Toán 91 LLĐBD tới địa điểm cách trại Pleime 5 cây số hướng đông bắc (1) để xác định cách sắp xếp vị trí quân địch quanh trại và (2) để tăng cường trại đã phải chiến đấu không ngừng trong suốt 36 tiếng đồng hồ chống cự một lực lượng địch đông gấp 5 lần. Hy vọng địch nghĩ nhầm là toán quân LLĐBD này sẽ kết nối với CĐĐN vào ngay buổi chiều hôm nay.
- Các toán trinh sát báo cáo là không tìm thấy một ổ phục kích nào dọc theo lộ trình dẫn tới Pleime. Điều này có nghĩa là địch đã loại khử thế phục kích tĩnh động và áp dụng thế phục kích di động. Làm như vậy, địch nhắm (1) duy trì kín đáo, (2) tránh thiệt hại gây nên bởi các tiền hỏa tập pháo binh và không quân của ta vào các vị trí phục kích,
(3) có được thế uyển chuyển đáp ứng mọi trường hợp có thể xảy ra. Ngoài ra, phương tiện truyền tin của chúng đã tiến bộ đến mức độ chúng dùng tới thế phục kích di động.
Quả là địch đã học được bài học của trận Đức Cơ (tháng 8 năm 1965), khi chúng hứng chịu tổn thất nặng nề tại các ổ phục kích tĩnh động.
- Các toán trinh sát báo cáo là các toán địch quân thuộc Trung Đoàn 32 BV đã dời các khu tập trung quân gần Chu Prong và đang trên đường di chuyển đến địa điểm phục kích trên Tỉnh Lộ 5. Điều này có nghĩa là Bộ Tư Lệnh Dã Chiến Việt Cộng xác tín là phần 1 của kế hoạch - phục kích đoàn tiếp cứu - sắp xảy ra.
- 1030 giờ, trên đường tiến tới trại sau khi đổ bộ, Tiểu Đoàn 91 LLĐBD đụng độ địch giết và gây thương tích cho một số không rõ Việt Cộng và tịch thu một bích kích pháo 82 ly, hai súng liên thanh 50 ly, nhiều súng cộng đồng và súng trường nhãn hiệu Nga Sô. Cuộc đụng độ này chứng tỏ là quanh trại, địch đã phân tán quân nhằm tránh trở nên các mục tiêu oanh kích của ta và cũng nhằm phục kích các lực lượng tiếp cứu khi được trực thăng vận đến vùng quanh trại.
- Coi bộ Việt Cộng khám phá ra là các sinh hoạt của các toán quân ta tới giờ chỉ nhằm dụ dẫm chúng chờ tấn công các lực lượng tiếp cứu; nếu chúng hấp tấp phá hủy trại, cơ hội nhẫn nại trông mong trước giờ sẽ không xảy ra.
- Điều này giải thích tại sao đêm nay áp lực của địch quanh trại gia tăng. Trại bị quấy nhiễu bắn phá suốt đêm nhưng không xảy ra một cuộc xung phong nào. Hành động như vậy, địch bắn tiếng là ngoại trừ lực lượng giải cứu được phái tới, các toán quân địch sẽ ở nán lại và xiết chặt vòng vây lại.
- Như vậy là Bộ Tư Lệnh Dã Chiến Việt Cộng đã lấy quyết định xử dụng tới Trung Đoàn 33 ít kinh nghiệm chiến đấu hơn (vừa mới đặt chân tới Cao Nguyên một vài tháng trước) để tấn công trại Pleime và xử dụng Trung Đoàn 32 dồi dào kinh nghiệm chiến đấu để phục kích đoàn quân tiếp cứu. Trung đoàn này xâm nhập vào Nam Việt Nam từ tháng Giêng; đã gây công trạng với các cuộc tấn công và phục kích cấp tiểu đoàn và trung đoàn, thực hiện tại các tỉnh Kontum và Pleiku, tỉ như Plei Kleng (tháng 3 năm 65), Lệ Thanh (tháng 6 năm65) và Đức Cơ (tháng 8 năm 65).
- Coi bộ kế hoạch của Việt Cộng gồm ba giai đoạn: (1) Trung Đoàn 33 bao quanh Pleime và quấy nhiễu quân trú phòng, tạo đủ áp lực để buộc QĐ II phái lực lượng phản ứng; (2) Trung Đoàn 32 phục kích và triệt hủy đoàn quân tiếp cứu; (3)
Cả hai trung đoàn hợp lực tràn ngập và phá hủy trại Pleime.
- Phía ta đương đầu với một toán đối thủ có hạng: Tướng VC Chu Huy Mân, Tư Lệnh Quân Khu IV và hai phụ tá chính, Đại Tá Quân, Phụ Tá Tư Lệnh, và Đại Tá Hà Vi Tùng, Tham Mưu Trưởng. Trong cuộc chiến Đông Dương, Tùng chỉ huy Trung Đoàn 803, kết cấu cùng với Trung Đoàn 108 thành lực lượng chính của Việt Minh trên Cao Nguyên. Thành tích của hai trung đoàn này là chiếm cứ Kontum và đánh bại Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 100 Pháp trên Quốc Lộ 19.
Ngày 22 tháng 10 năm 1965
- CĐĐN của Trung Tá Luật tiếp tục tuần tiễu trên lộ trình cũ.
- Tiểu Đoàn 91 LLĐBD tiếp tục tiến tới trại Pleime. Tiểu đoàn đụng độ thêm hai lần với địch và tịch thu 4 đại liên và nhiều súng ống.
- Vào buổi chiều, với trợ lực của không yểm, tiểu đoàn rốt cùng tới đích tăng cường cho trại Pleime.
- Sự tăng cường này khiến doanh trại an tâm phần nào. Nhưng chính vào lúc này lại gặp thêm khó khăn. Trong suốt bốn ngày liền, hỏa lực dày đặc của Việt Cộng đã ngăn cản trại tiếp tế nước uống tại khe suối gần trại.
- 0510 giờ, cột ăng ten của đài ra điô chính bị hỏa lực địch đốn hạ.
- Bằng cách trì hoãn các thế điều quân, Bộ Tư Lệnh QĐ II đã thâu góp thêm được thông tin về địch và có được thêm thời gian. Ngoài CĐĐN của Trung Tá Luật, chỉ còn lại một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đóng tại Pleiku. Ngay cả trong trường hợp Bộ Tư Lệnh QĐII quyết định dùng tới đơn vị cuối cùng này, cũng không tìm ra trực thăng vì Tiểu Đoàn 119 Trực Thăng Mỹ vẫn bận với cuộc hành quân Thần Phong 6. Mặt khác, thời tiết sương mù tại Đèo Măng và An Khê không cho phép máy bay hoạt động.
Ngày 23 tháng 10 năm 1965
- Sáng sớm, các toán trinh sát LLĐBD báo cáo các toán quân thuộc Trung Đoàn 32 đã tới địa điểm phục kích. Lấy ngay quyết định thôi thúc đoàn quân tiếp cứu đánh thốc tới trại Pleime không một chút chần chờ và với bất cứ giá nào.
- 1000 giờ, Tiểu Đoàn 1/42 của ta được trực thăng vận từ Kontum đến Pleiku, rồi được quân xa vận chuyển đến tăng phái cho CĐĐN của Trung Tá Luật.
- 1100 giờ, ra lệnh cho Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân - đơn vị sau cùng ở lại Pleiku - sẵn sàng được trực thăng vận vào lúc 1400 giờ.
- Lực lượng của các toán quân kể trên, gồm cả CĐĐN khoảng chừng một ngàn người, còn ít ỏi hơn lực lượng địch cỡ trung đoàn mai phục sẵn tại các vị trí phục kích.
- Với đơn vị cuối cùng bổ sung cho CĐĐN của Trung Tá Luật, thành phố Pleiku bị bỏ ngỏ. Đế phòng mọi bất chắc, gọi cho Thiếu Tướng Stanley R. Larsen, tại Bộ Tư Lệnh US Task Force Alpha ở Nha Trang, yêu cầu gửi quân Mỹ tạm thời phụ trách an ninh cho phi trường Pleiku và thành phố Pleiku.
- 1300 giờ, Task Force Ingram gồm một tiểu đoàn bộ binh và một pháo đội thuộc 1st Air Cavalry Division đến đúng theo thời khóa biểu ấn định.
- 1400 giờ, Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân được trực thăng vận tới bãi đáp tại phía tây của Tỉnh Lộ 5, cách Pleime 10 cây sộ với nhiệm vụ: (1) càn quét về hướng đông và ép đẩy địch về hướng Tỉnh Lộ 5; (2) ngăn chận và triệt hủy địch quân bị kẹt giữa tiểu đoàn và CĐĐN.
- 1400 giờ, CĐĐN của Trung Tá Luật chuyển bánh ra khỏi Phù Mỹ và tấn công dọc theo trục Tỉnh Lộ 5 để giải cứu trại Pleime.
- 1700 giờ, ra lệnh cho CĐĐN của Trung Tá Luật ngưng lại giữa đoạn đường trong khi các cuộc oanh kích dự tính trước thực hiện các phi vụ trên đầu các vị trí nghi quân địch tập trung.
- 1750 giờ, Trung Tá Luật báo cáo là đang khi tiến hành leo lên một đoạn đường giốc và hẹp với cây cối rậm rạp hai bên đường, CĐĐN thình lình đối đầu với hỏa lực mạnh tới từ phía nam và đông; đồng thời, phía hậu của đoàn quân tiếp cứu gồm các quân xa chiến đấu cũng báo cáo là bị hỏa lực địch xung phong uy hiếp.
- Địch hoàn toàn chiếm phần lợi thế về mặt địa hình và hỏa lực mạnh của chúng được phân phối cẩn thận. Nhưng quân ta phản ứng nhanh chóng với hỏa lực từ các họng súng máy đại liên từ các xe tăng và thiết vận xa.
- Không Quân lập tức được gọi đến can thiệp và kịp thời ngăn chận các đợt xung phong liên tiếp của địch quân.
- Súng bắn lẻ tẻ kéo dài tới khi trời sập tối trên chiến trường.
- CĐĐN tái tổ chức cấp tốc các vị trí của mình vì địch có thể tấn công tiếp ban đêm.
- 0315 giờ, địch tấn công đúng theo dự đoán, nhưng chúng không thành công chọc thủng các tuyến phòng của quân ta.
- Kêu gọi Không Quân can thiệp, và một lần nữa biểu dương hỏa lực hữu hiệu và chính xác.
Ngày 24 tháng 10 năm 1965
- Vào buổi sáng, trong khi công việc tái tiếp tế và tản thương đang tiến hành, các cuộc tuần tiễu được CĐĐN thực hiện quanh chiến trường và tìm thấy: 120 xác VC chết, 75 súng cộng đồng và cá nhân, với một số tù binh.
- Task Force Ingram được tăng phái thêm một pháo đội và di chuyển từ phi trường Pleiku tới vị trí tại 10 cây số cách Phù Mỷ ngõ hầu cung ứng hỏa lực pháo binh yểm trợ cho CĐĐN của Trung Tá Luật khi cần thiết.
- 2400 giờ,1st Brigade of 1st US Air Cavalry Division di chuyển tới phi trường Pleiku.
- Việt Cộng thất bại trong việc thực hiện phần một của kế hoạch và cũng tiêu tùng trong nỗ lực phá hủy trại Pleime. Trung Đoàn 32 được lệnh triệt thoái thay vì hợp lực với Trung Đoàn 33 đang bao quanh trại.
- Trong ngày, tình hình yên lặng hoàn toàn.
- 0150 giờ, trại chỉ hứng chịu một ít đạn bích kích pháo của địch.
Ngày 25 tháng 10 năm 1965
- 1300 giờ, CĐĐN của Trung Tá Luật lại chuyển bánh tiến tới trại Pleime.
- Tiến được 5 cây số, các thiết vận xa tiền phong của đoàn quân tiếp cứu gặp phải hỏa lực của địch. Hỏa pháo của Task Force Ingram liền dập tắt hỏa lực địch.
-1700 giờ, CĐĐN của Trung Tá Luật tới trại Pleime.
Ngày 26 tháng 10 năm 1965
- Sáng sớm, một cuộc càn quét được lập tức thực hiện quanh trại.
- 1015 giờ, trong khi CĐĐN dàn ra phía nam trại, một hỏa lực địch mãnh liệt bộc phát. Vì sợ bị các xe tăng và thiết vận xa lăn bánh trên đầu, Việt Cộng cố gắng phỗng tay trên bằng cách phát động một cuộc phục kích nhưng khốn thay, chúng ở trong một vị thế quá bất lợi, che dấu nhưng không chống đỡ trước hỏa lực dồi dào của hỏa tập từ thiết vận xa, pháo binh và Không Quân. Khi cuộc chạm súng chấm dứt, trên 140 Việt Cộng phơi thây tại chiến trường, 5 bị bắt và ít nhất 100 Việt Cộng bị thương, cùng với 20 súng cộng đồng bị tịch thu.
- Một buổi họp quan trọng được triệu tập tại Trung Tâm Hành Quân QĐ II với sự hiện diện của các cố vấn Mỹ và các chỉ huy trưởng đơn vị.
- Phát biểu bài thuyết trình sau đây: "Các đơn vị địch đã rút lui về phía tây tới biên giới Căm Bốt. Đây là cơ hội đào thoát duy nhất vì ngoài lợi thế về địa hình, hậu cứ Chu Prông và mật khu Căm Bốt cung cấp không những nơi trú ngụ mà còn thêm tiếp liệu và bổ sung quân số mà hai Trung Đoàn 32 và 33 đang thiếu hụt. Lần đầu tiên từ khi cuộc chiến khởi phát trên bán đảo Đông Dương, các lực lượng của ta có cơ hội đi tới kết luận như thế này. Trong suốt các cuộc gây hấn từ năm 1948, địch luôn có thể rời bỏ chiến trường và rút lui an toàn, thôi giao tranh tùy ý mình. Do đó lực lượng của ta không nên bỏ lỡ cơ may này: phải đuổi theo hai Trung Đoàn Bắc Quân vì nếu không, mối nguy hiểm sẽ vẫn còn đó và địch có thì giờ tái tổ chức các đơn vị của chúng. Ngoài ra, quyết định trên lần này khả thi được vì có sẵn các lực lượng trừ bị, với sự hiện diện của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đóng tại An Khê, một đơn vị có khả năng di động cực cao trên toàn thế giới và đồng thời có những quân cụ và vũ khí hiện đại nhất."
- Quyết định của Bộ Tư Lệnh QĐ II khai thác các kết quả của đợt một và truy đuổi địch quân được giới hữu trách quân sự Mỹ biểu đồng tình và đôi bên thỏa thuận thiết lập một sự cộng tác chặt chẽ trong các sinh hoạt hành quân. 1st US Air Cavalry Division là nỗ lực chính với hành quân Long Reach và Lữ Đoàn Dù VN đóng vai trò trừ bị, sẵn sàng xung trận theo lệnh của Quân Đoàn II.
- Bộ Tư Lệnh Mỹ đồng ý theo phương thức sau: liên hợp tình báo và yểm trợ, chia xẻ khái niệm hành quân và kết quả, vùng hành quân riêng rẽ, chỉ huy riêng rẽ, điều quân riêng rẽ, thực hiện các sinh hoạt riêng rẽ, và trừ bị riêng rẽ.
- Để đánh lừa địch vốn hành động như kẻ trộm, Lữ Đoàn 1 Không Kỵ được chính thức công khai giao cho trách vụ truy lùng và diệt đoàn quân tháo lui địch. Nhưng thật tình là dùng trực thăng lùa các toán quân tản mác của địch mau chóng lui về căn cứ Chu Prong, không cho phép chúng lai vãng giữa khoảng đường từ Pleime đến Chu Prong. Một khi các toán quân của hai Trung Đoàn 32 và 33 lui về căn cứ Chu Prong kết tụ lại với Trung Đoàn 66 tạo cơ hội oanh tạc B-52 tiêu diệt ba trung đoàn này cùng một chập. Sự rút lui của địch là một chủ trương sáng suốt và hợp lý của BCH mặt trận V.C. nhưng địch sẽ tìm cách rửa hận và vì trại Pleime hẻo lánh còn là một cái gai trước mắt.
Ngày 27 tháng 10 năm 1965
- Công cuộc càn quét kéo dài đến trưa.
- Về phía nam trại, quanh đồi chứ danh Chu Hô, khám phá thêm xác chết và súng ống địch. Một số xạ thủ Việt Cộng bị xiềng vào các súng đại liên của chúng.
- Các phi đội Eagle Flights thuộc Air Cavalry Division xung trận. Từ hừng đông đến chập tối, các phi đội này không ngừng bay trên vùng lùng kiếm địch quân. Mọi nơi nghi ngờ có sự hiện diện của địch đều được chu đáo kiểm tra và ứng xử, hoặc với các cuộc oanh kích hoặc với chính hỏa lực của phi đội, để đánh tan và phá vỡ ra từng mảnh nhỏ và như vậy không cho phép địch quân lẩn trốn.
Ngày 28 tháng 10 năm 1965
- Đem Chiến Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tới bằng không vận từ Ban Mê Thuật để giữ an ninh trên Tỉnh Lộ 5 cho việc triệt thoái của CĐĐN.
- Ra lệnh cho Trung Tá Luật đưa CĐĐN ra khỏi trại Pleime và trở về Pleiku, vì không còn ghi nhận được bóng dáng địch quân quanh trại sau công cuộc càn quét.
- Trên đường tháo lui, CĐĐN của Trung Tá Luật không gặp một đối kháng nào ngoài 6 mìn chống chiến xa được tháo gỡ.
- Thế là hành quân Dân Thắng 21 chấm dứt với 400 thương vong phía địch quân.
Ngày 29 tháng 10 năm 1965
- Thu xếp để cho các toán LLĐBD VN tháp tùng các toán Eagle Flights để trợ lực các quân lính mới tới của US 1st Air Cavalry.
- Rất nhiều tàn quân Việt Cộng bị bắt qua chiến thuật của Eagle Flights.
- Khảo cung Trung Sĩ Việt Cộng Nguyễn Xuân Tiến.
Ngày 30 tháng 10 năm 1965
- Khảo cung sơ khởi ba quân lính Việt Cộng qui hàng.
- Chúng cho biết là ngay từ 19 tháng 9 - một tháng trước cuộc tấn công - một cuộc chuẩn bị kỹ lưỡng xuống đến hạ tầng thấp nhất được phát động. Nhiều cuộc tập dượt được mọi đơn vị thực hiện trên bản đồ và trên các mặt bàn với đồn hình cát. Đồng thời, các đội toán vận tải với sự trợ lực của các lao công địa phương tới tấp chuyển vận gạo và đạn dược đến trước.
Ngày 31 tháng 10 năm 1965
- Thẩm vấn sơ khởi Hoàng Văn Chung, ĐĐ 8, TĐ 966, Trung Đoàn 32.
- Tài liệu tịch thu: Tiêu lệnh tác chiến phục kích bởi Trung Đoàn 32, gửi cho Đinh Khẩn, trung đoàn trưởng, soạn tại bộ chỉ huy trung đoàn/Plei Luc Chin, ký tên Tham Mưu Trưởng (Hà Vi Tùng) lúc 15 giờ, ngày 12 tháng 10 năm 1965, Pleiku, Plei The (YA 815 008) với bản đồ, tỷ lệ 1/1000000 soạn năm 1962.
- Tài liệu cho thấy Bộ Tư Lệnh Dã Chiến Việt Cộng dự tính là "sau đợt tấn công đầu tiên và Pleime, phía QLVNCH sẽ phải gửi một đoàn tiếp cứu. Đoàn tiếp cứu này phỏng đoán sẽ bao gồm mốt toán lính tác chiến và một toán thiết giáp tác chiến đến từ Biệt Khu Chiến Thuật 24. Chắc cũng sẽ có một hay hai tiểu đoàn lính Mỹ làm trừ bị."
- Điều Bộ Tư Lệnh Dã Chiến Việt Cộng không thấy trước được là sự tăng phái của US Ingram Task Force, đặc biệt là tiểu đoàn pháo binh đem từ Phù Mỹ tới gần vùng ổ phục kích. Hỏa lực của pháo binh này đã dập tắt hỏa lực của địch tại nơi phục kích gồm các đại liên, súng không giựt 57 ly và các súng phóng hỏa tiễn (B.40) cùng các đại liên phòng không.
Ngày 1 tháng 11 năm 1965
- Bộ Tư Lệnh 1st US Air Cavalry Division báo cáo là vào lúc 0730 giờ, khoảng một trung đội Việt Cộng xuất hiện tại 10 cây số tây nam trại Pleime. Một lực lượng phản ứng tức khắc được 1st Brigade thuộc 1st Air Cavalry Division tung ra. Chỉ vài phút sau, 20 Việt Cộng bị giết và bắt sống 19 tên. Các toán lính Mỹ tiếp tục lục lọi và thình lình khám phá một bệnh xá dã chiến Việt Cộng đầy đủ trang bị thuốc men và y cụ giải phẩu chế tạo bởi các nước Cộng Sản.
- Trong khi các chiến lợi phẩm được chuyển vận đi bằng trực thăng, một lực lượng địch cỡ tiểu đoàn âm thầm tiến tới các toán quân bạn và tìm cách bao vây các vị trí của họ. Cuộc đụng độ đầu tiên giữa các đơn vị của 1st US Air Cavalry Division và Việt Cộng xảy ra. Cuộc đụng độ này kéo dài 5 tiếng đồng hồ cho đến trời tối. Khi tháo lui, địch đã bị 'First Team' đánh cho một đòn chí tử: 99 Việt Cộng bị giết (đếm được xác), 44
lính chính qui Việt Cộng khác bị bắt sống cùng với 20 khí giới. Nhưng có ít nhất 200 Việt Cộng hoặc bị chết hay bị thương.
- Việc phát giác trại cứu thương này cũng cống hiến nhiều tài liệu, đặc biệt là một bản đồ cho biết các đường tiếp tế và di chuyển quân của địch. Các dữ kiện này đã được biến cải thành những thông tin tình báo đưa tới gặt hái thêm nhiều thành quả.
- Khảo cung 13 lính Việt Cộng bắt được tại trạm xá cấp trung đoàn.
Ngày 2 tháng 11 năm 1965
- Thẩm vấn sơ khởi Trần Ngọc Lưỡng, thuộc Đại Đội C-18, Trung Đoàn 101.
Ngày 3 tháng 11 năm 1965
-Thẩm vấn sơ khởi Trung Sĩ Nhất Cao Xuân Hải, thuộc TĐ 2, Trung Đoàn 324.
- 2100 giờ, một cuộc phục kích táo bạo ngay trong lòng khu Chu Prong-Ia Drang gây tổn thất nặng cho Tiểu Đoàn 8 mới xâm nhập thuộc Trung Đoàn 66: 112 chết (đếm được xác), khoảng hơn 200 tên khác bị chết hay bị thương, tịch thu 30 khí giới.
Ngày 4 tháng 11 năm 1965
- Khám phá được một hầm chôn vũ khí lớn tại 5 cây số phía tây trại Pleime, gần xông Ia Meur.
Ngày 6 tháng 11 năm 1965
- Tiểu Đoàn 5 thuộc Trung Đoàn 33 bị tiêu diệt gần hết sau cuộc giao tranh xảy ra tại phía bắc sông Ia Meur: 77 chết (đếm được xác), gần 400 tên khác phỏng chừng chết hay bị thương.
Ngày 7 tháng 11 năm 1965
- Tới giờ phút này, 1st Brigade thuộc 1st US Air Cavalry Division trong cuộc hành quân 'All The Way' trải rộng một vùng khoảng 2500 cây số vuông đã giáng một cú thoi sơn vào đầu các đơn vị Việt Cộng trên đường rút lui, nhưng trong các cuộc đụng độ, vẫn không thấy vết tích liên quan đến Trung Đoàn 32. Tuy số thương vong Việt Cộng lên tới 1500 quân lính, gồm cả số thương vong trong đợt đầu, thêm một trung đoàn - Trung Đoàn 66 - đã được bổ sung vào trận địa.
- Phỏng chừng các đơn vị của Trung Đoàn 32 đã chuồn mất về hướng đông.
- Thẩm vấn Hoàng Thế U, thuộc TĐ 8 Trung Đoàn 66.
- Thẩm vấn Trung Sĩ Phạm Sâm, thuộc Đại Đội Truyền Tin, Trung Đoàn 101B.
Ngày 8 tháng 11 năm 1965
- Đề nghị khái niệm chuyển hướng hành quân đi ngược hướng rặng núi Chu Prong để đánh lừa Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3. Sáng kiến này được chuyển đạt tới Tướng Kinnard qua ngã Tướng Larsen, Tư Lệnh I Field Force VN.
Ngày 9 tháng 11 năm 1965
- 1st US Air Cavalry bắt đầu di chuyển quân từ phía tây sang phía đông
(đi xa khỏi rặng núi Chu Prong ).
- Đây là thế nghi binh nhằm khiến địch tưởng là các lực lượng phe ta đã đánh mất dấu vết các đơn vị địch, nhưng kỳ thật ra - chúng ta biết được qua các cuộc thẩm vấn tù binh và báo cáo nguồn tin tình báo - địch tập trung trong vùng Chu Prong-Ia Drang: (1) ba tiểu đoàn của Trung Đoàn 66 trải dài dọc theo bờ phía bắc sông Ia Drang; (2) Trung Đoàn 32 cũng đóng quân phía bắc trong cùng chung vùng với Trung Đoàn 66; và
(3) Trung Đoàn 33 đóng chốt tại các vị trí gần bên làng Anta (danh xưng của Việt Cộng), phía đông dãy núi Chu Prong.
Ngày 10 tháng 11 năm 1965
- US 3rd Brigade thay thế US 1st Brigade.
- Hành quân All the Way chấm dứt, hành quân Silver Bayonet khởi sự.
Ngày 11 tháng 11 năm 1965
- Đọc báo cáo các thẩm vấn tù binh và hàng binh Việt Cộng cho thấy Bộ Tư Lệnh Dã Chiến Việt Cộng đã lấy quyết định "tấn công đợt hai Pleime". Ngày tấn công được ấn định là ngày 16 tháng 11. Tất cả ba trung đoàn sẽ được xung vào lần này cùng với đơn vị bích kích pháo 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không 14.5 ly hai nòng, cả hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính sẽ tới kịp cho cuộc tấn công. Theo lời tuyên bố của viên sĩ quan ủy viên chính trí qui hàng, kế hoạch của cuộc tấn công mới sẽ chính yếu là triệt hủy trại Pleime.
- Đích thân gặp Tướng Kinnard tại doanh trại An Khê để thảo luận về ngày N tấn công của địch quân và phác họa kế hoạch cùng với Bộ Tư Lệnh 1st US Air Cavalry
nhằm đánh phủ đầu địch quân ngay trong lòng địch trước ngày N (16/11).
- Hàng binh Việt Cộng Thiếu Úy Bùi Văn Cường, sĩ quan ủy viên chính trị, đại đội truyền tin, Trung Đoàn 33 ước tính là Trung Đoàn 33 của đương sự đã mất 40 phần trăm lực lượng khởi thủy 2200 quân, với một mất mát 60 phần trăm trong số 150 quân và 13 súng phòng không trong đại đội súng phòng không. Con số này đặc biệt quan trọng đối với Bộ Tư Lệnh 1st US Air Cavalry vì đại đơn vị này thi hành trực thăng chiến.
Ngày 12 tháng 11 năm 1965
- US 3rd Air Cavalry Brigade tiếp tục dùng thế nghi binh bằng cách hành quân từ phía tây chuyển qua phía đông, đi xa khỏi rặng núi Chu Prong và tiến tới gần trại Pleime.
Ngày 13 tháng 11 năm 1965
- Báo cáo tình báo từ các toán LLĐBD VN cho biết là các quân lính Việt Cộng tại vùng Chu Prong-Ia Drang có vẻ nhởn nhơ trong khi chuẩn bị cho cuộc tấn công đợt hai vào trại Pleime.
- Bộ Tư Lệnh QĐ II và Bộ Tư Lệnh US 1st Air Cavalry đồng ý ra tay tấn công địch quân trước ngay tại cửa ngõ rặng núi Chu Prong, ấn định vào ngày mai.
Ngày 14 tháng 11 năm 1965
- 1200 giờ, trực thăng đổ quân của 3rd Air Cavalry xuống bãi đáp X-Ray, cách trại Pleime khoảng 25 cây số, tại phía đông chân rặng núi Chu Prong.
- Sau 20 phút chuẩn bị bãi với hỏa pháo và 30 giây hỏa lực trực thăng chiến đấu, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ bắt đầu đổ bộ. Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 1/7 là Trung Tá Harold G. Moore.
- Coi bộ thế nghi binh có hiệu quả: địch không có phản ứng tại bãi đáp X-Ray. Trách vụ an ninh bãi đáp được giao phó cho Đại Đội A, và Đại Đội B được lệnh tung ra lùng kiếm địch quân.
- 1245 giờ, các vụ đụng độ chạm súng nhẹ bắt đầu, trở thành nặng vào khoảng
1330 giờ.
- Đồng thời, Đại Đội C và Đại Đội D tiếp tục được đổ xuống bãi đáp X-Ray.
- 1740 giờ, Trung Tá Moore thu hồi các đại đội và thiết lập một chu vi phòng thủ chặt chẽ qua đêm.
- 1800 giờ, Đại Đội B của Tiểu Đoàn 2/7 đổ bộ để tăng cường cho 1/7.
- Ban đêm, quân địch chỉ đánh thăm dò quanh chu vi.
Ngày 15 tháng 11 năm 1965
- Khi mặt trời vừa ló dạng, địch quân lại xuất hiện và tấn công cùng lúc từ ba hướng.
- 0730 giờ, địch quân tiến gần tới chu vi các hố chiến đấu cá nhân bất chấp bị pháo binh, bích kích pháo và hỏa lực không yểm gây tổn thất nặng. Nhiều trận đánh xáp là cả xảy ra.
- 0910 giờ, Đại Đội A, Tiểu Đoàn 2/7 đổ bộ để tăng cường.
- 1000 giờ, cuộc tấn công của địch quân bị đẩy lui. Xác chết, thi thể, súng ống và trang cụ của địch quân rải rác khắc cùng ven và chung quang các chu vi phòng thủ. Có nhiều dấu chỉ địch lôi kéo đi nhiều xác chết ra khỏi vùng giao tranh.
- 1510 giờ, Tiểu Đoàn 2/5 đi bộ từ bãi đáp Victor tới bãi đáp X-Ray và giải cứu trung đội bị cô lập và không mấy gặp sự kháng cự của địch.
- Phóng pháo cơ B52 cũng tham dự và trận đánh với năm phi vụ thả bom mỗi ngày vào rặng núi Chu Prong.
- Đêm tương đối yên lặng tại bãi đáp X-Ray.
Ngày 16 tháng 11 năm 1965
- 0400 giờ, địch tấn công từ hướng đông nam. Trái sáng được thả xuống từ phi cơ. Cuộc tấn công bị súng nhỏ và hỏa lực pháo binh đánh bại.
- 0432 giờ, địch lại tấn công từ một hướng khác, nhưng bị hỏa lực pháo binh gây tổn thất lớn.
- 0500 giờ, địch chuyển cuộc tấn sang hướng tây nam, nhưng bị đẩy lui sau nửa giờ giao tranh.
- 0627 giờ, một cuộc tấn công khác nhắm thẳng vào ban chỉ huy.
- 0641 giờ, địch bị đánh bật ra và lôi theo xác chết dưới tầm hỏa lực.
- 0810 giờ, một cuộc lùng kiếm và càn quét được tất cả các đơn vị thực hiện quanh chu vi trại. Xác chết địch nằm la liệt khắp chiến trường và thu nhặt được rất nhiều súng ống.
- Toàn thể trận chiến kéo dài liên tục trong 48 tiếng với 79 chết và 125 bị thương đối với Tiểu Đoàn 1/7, và 634 chết (đếm được xác), 1215 chết (ước lượng) , 6 bị bắt sống đối với Tiểu Đoàn 9 BV
- Điểm đáng chú ý là địch đã không đặt các súng ống cộng đồng trên các núi đồi ngó xuống bãi đáp để yểm trợ cho cuộc tấn công của chúng. Tình trạng này có thể giải thích bởi những lý do sau đây:
- (1) Địch đã mất hầu hết các súng ống cộng đồng hạng nặng trong đợt một.
- (2) Địch đã bị Tiểu Đoàn 1/7 tấn công bất ngờ và cấp chỉ huy của họ đã không biết xử dụng thế lợi về mặt địa hình.
- (3) Địch đã quá ỉ lại vào chiến thuật 'biển người' và quá tự tin là cuộc tấn công sẽ mau chóng phá vỡ đội hình của Tiểu Đoàn 1/7.
- 1040 giờ, Tiểu Đoàn 1/7 rời khỏi bãi đáp X-Ray và được hai Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 thay thế.
- Vào buối chiều, một chiếc trực thăng bị bắn hạ tại vùng trời bãi đáp Albany.
Ngày 17 tháng 11 năm 1965
- Hai Tiểu Đoàn được lệnh rời khỏi bãi đáp X-Ray vì mục tiêu hôm nay của B52 bao gồm bãi đáp X-Ray.
- Hai tiểu đoàn được lệnh ra cách xa 3 cây số khỏi bãi đáp, Tiểu Đoàn 2/7 theo hướng bắc và Tiểu Đoàn 2/5 theo hướng tây bắc đi tới bãi đáp Albany.
- Việc di chuyển này dựa theo ước tính là địch đã rút lui về hướng đó, coi bộ nhằm tấn công vị trí pháo binh tại bãi đáp Albany từng yểm trợ hữu hiệu Tiểu Đoàn 1/7 trong hai ngày qua.
- Tiểu Đoàn 2/7 lọt vào ổ phục kích của một đơn vị Việt Cộng cỡ một tiểu đoàn, khi sắp tới gần mục tiêu.
- Nhưng một lần nữa, Việt Cộng lại biến thành những mục tiêu cho hỏa lực oanh tạc và pháo tập: 406 chết (đếm được xác), 100 chết (ước lượng) và tịch thu 112 vũ khí.
- Tình báo ước tính về khả năng địch thực hiện ngày hôm nay cho thấy là gần 2/3 tổng số lực lượng địch bị loại khỏi vòng chiến qua các cuộc giao tranh đợt I và đợt II.
- B52 tiếp tục thả bom có hệ thống các vùng trong rặng núi Chu Prong - từng hộp 20 dậm vuông - từ tây qua đông. Các hầm trú và giao hầm hố trước nay chống cự được lại các cuộc oanh tạc của phi cơ chiến thuật và pháo binh bắt đầu banh xác bởi sức công phá của những trái bom 750 cân anh. Rừng cây không còn là phương tiện trú ẩn và trốn tránh hữu hiệu nữa. Cửa hậu đưa qua Căm Bốt bị khóa lại và để thoát thân, hai Tiểu Đoàn 334 và 635 sống sót của Trung Đoàn 32 chỉ còn cách duy nhất xử dụng thung lũng eo hẹp của sông Ia Drang.
- Sắp xếp để các toán LLĐBD ra khỏi các vùng sắp bị B52 thả bom, rồi phái họ trở lại khám xét kết quả tàn phá quân lính và cơ sở địch gây nên bởi bom B52.
- Bộ Tư Lệnh QĐ II nghĩ là đã tới lúc tung vào Lữ Đoàn Dù VN trừ bị để chấm dứt một cuộc chiến đã kéo dài khoảng một tháng.
- 1st Air Cavalry Division tiếp tục gây áp lực từ đông sang tây. Yêu cầu Bộ Tư Lệnh 1st Air Cavalry thiết lập một căn cứ hỏa lực pháo binh mới đặt tại bãi đáp Crooks (YA 875125), cách 7 cây số hướng đông bắc của vùng Lữ Đoàn Dù VN sẽ thực hiện cuộc hành quân càn quét.
- 1st Air Cavalry Division trực thăng vận mấy khẩu đại bác vào vị trí chiều hôm nay.
- Ban Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù, các Ban Chỉ Huy của Chiến Đoàn 1 Dù và 2 Dù, năm Tiểu Đoàn Dù: 3, 5, 6, 7 và 8 đóng quân rải rác tại Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu và Phú Yên được báo sẵn sàng được chuyển vận tới Pleiku sáng ngày mai.
- Báo cho Ban Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù là cuộc hành quân mang tên Thần Phong 7 sẽ chỉ được hỏa lực pháo binh yểm trợ từ bãi đáp Crooks và bãi đáp Columbus và Ban Chỉ Huy sẽ cần tới sự trợ giúp của một viên Cố Vấn Mỹ để gọi pháo khi cần.
Ngày 18 tháng 11 năm 1965
- Sáng sớm, các phi cơ vận tải khổng lồ của C130's Squadron thuộc 7th US Air Force không vận toàn bộ Lữ Đoàn Dù từ bốn phi trường đến phi trường Pleiku nội trong vài tiếng đồng hồ.
- Trung Tá Ngô Quang Trưởng, Tham Mưu Trưởng của Tướng Du Quốc Đống, được chỉ định chỉ huy cuộc hành quân.
- Nhận thấy Trung Tá Trưởng chọn Thiếu Tá Schwarzkoft làm cố vấn cho lữ đoàn. Nhớ thấy anh chàng này tại cuộc giải tỏa trại Đức Cơ; anh ta dám cự nự Tướng Vĩnh Lộc và bênh vực Thiếu Tá Nghị, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 1 Dù, từ chối tấn công khi không có đủ thì giờ chuẩn bị đầy đủ cho công cuộc giải tỏa trại. Anh ta ăn nói giống tài tử John Wayne, tốt bụng và đáng tin cậy.
- Thuyết trình về Thần Phong 7 cho toàn ban Chỉ Huy Lữ Đoàn. Báo cho Trung Tá Trưởng biết là sẽ được sự yểm trợ của pháo binh thuộc 1st US Air Cavalry đặt tại bãi đáp Crooks và bãi đáp Columbus và của các toán LLĐB Dù VN xâm nhập sâu trong lòng địch. Đặc biệt là chỉ điểm cho Trung Tá Trưởng thung lũng nhỏ hẹp của sông Ia Drang mà hai tiểu đoàn sống sót Việt Cộng sẽ xử dụng để chuồn về Căm Bốt.
- Sứ mạng của Lữ Đoàn Dù là triệt hủy các đơn vị tẩu tán Việt Cộng và các cơ sở của chúng quang thung lũng Ia Drang.
- Mọi nỗ lực mấy ngày cuối đây - thả bom B52, điều quân của các đơn vị US 1st Air Cavalry - đều nhằm đưa đẩy các đơn vị Việt Cộng còn lại về con đường đào tẩu cuối cùng của thung lũng nhỏ hẹp Ia Drang.
- 1500 giờ, Ban Chỉ Huy Chiến Đoàn 1 Dù, các Tiểu Đoàn 3, 5, 6 Dù được trực thăng vận đến địa điểm (84,09), phía bắc sông Ia Drang.
- Tiểu Đoàn 3 Dù lập tức càn quét theo hướng tây tiến tới Plei The.
- Tiểu Đoàn 6 Dù cũng càn quét theo hướng tây nhưng hơi về phía nam song song với hướng tiến quân của Tiểu Đoàn 3 Dù nhắm tới Plei Leo.
- Các toán LLĐB Dù báo cáo là một lực lượng địch cỡ tiểu đoàn âm thầm bám sát theo toán quân của Tiểu Đoàn 3 Dù.
Ngày 19 tháng 11 năm 1965
- 1100 giờ, Tiểu Đoàn 3 Dù được lệnh dụ dẫm địch đi theo mình xuống phía nam tới địa điểm (YA805080), phía bắc sông Ia Drang, nơi Tiểu Đoàn 6 Dù thiết lập ổ phục kích nằm chờ.
Ngày 20 tháng 11 năm 1965
- 1440 giờ, các đơn vị đic̣h lọt vào ổ phục kích. Gần 200 tên Việt Cộng thuộc Tiểu Đoàn 635/Trung Đoàn 32 từng tránh né giao tranh và còn nguyên vẹn trong suốt đợt hai cuối cùng bị lộ tung tích và buộc phải chiến đấu, mặc dù đã cố gắng hết sức tránh đụng độ.
- Thu thập được một hàng binh quan trọng Thiếu Úy Bùi Văn Cường (tự Cồn), sĩ quan ủy viên chính trị, đại đội truyền tin, Trung Đoàn 32. Cường tiết lộ nhiều tin tức tình báo về hai Tiểu Đoàn sống sót 334 và 635 thuộc Trung Đoàn 32 và về con đường tháo lui của chúng.
- Trên đường càn quét về hướng tây, hai Tiểu Đoàn 3 và 6 Dù đã triệt hủy 3 trung tâm huấn luyện, một hầm chứa trang cụ và 75 căn nhà.
- 1745 giờ, Tiểu Đoàn 8 Dù được trực thăng vận đến địa điểm (YA822075).
- Ban Chỉ Huy Chiến Đoàn 1 Dù, các Tiểu Đoàn 3, 5, 6 Dù được lệnh đi bộ tới địa điểm (YA822075)
- Tổng lược danh xưng của các đơn vị Việt Cộng do các tù binh cung cấp.
Ngày 22 tháng 11 năm 1965
- 1100 giờ, Ban Chỉ Huy Chiến Đoàn 2 Dù, các Tiểu Đoàn 2 và 7 Dù được trực thăng vận đến địa điểm (YA822075) để sát nhập với Tiểu Đoàn 8 Dù.
- 1350 giờ, toàn thể Lữ Đoàn Dù hiện diện tại địa điểm (YA822075) vùng tập trung quân và được lệnh vượt sang phía nam sông Ia Drang, và leo núi lên tới đỉnh tại (YA810055).
Ngày 23 tháng 11 năm 1965
- 1115 giờ, Trung Tá Trưởng và lữ đoàn dù tới địa điểm (YA 822075), và thảo kế hoạch lập ổ phục kích địch quân tại thung lũng eo hẹp phía nam bờ sông Ia Drang.
- Thẩm vấn Nguyễn Nghệ Trung, thuộc Tiểu Đoàn 635, Trung Đoàn 32.
Ngày 24 tháng 11 năm 1965
- 0945 giờ, Tiểu Đoàn 3 Dù đụng độ toán quân địch tại địa điểm (YA802070).
- 1050 giờ, Tiểu Đoàn 6 Dù đụng độ cùng toán địch quân đó tại địa điểm (YA 820064).
- Toán quân địch bị kẹt giữa hai vị trí nút chặn. Hỏa lực pháo binh được gọi tới.
- Khoảng nửa tiếng sau, các Tiểu Đoàn 7 và 8 Dù xung phong xuống sườn núi và xô đẩy các toán địch quân áp vào bờ phía nam sông Ia Drang.
- Kết quả: 65 tên Việt Cộng bị giết (đếm được xác), 10 tên bị bắt sống, và tịch thu 58 súng ống.
Ngày 26 tháng 11 năm 1965
- Sau khi không còn đụng độ với địch quân, Lữ Đoàn Dù được lệnh tháo lui ra khỏi vùng hành quân, chấm dứt đợt ba của Trận Chiến Pleime.
Ghi chú: Nhật ký này được tái tạo từ chính lời văn của Đại Tá Hiếu lẩy từ Why Pleime. Thật ra phương thức này đi ngược chiều điều gì Đại Tá Hiếu đã làm, khi để thảo bản tường trình sau trận đánh Pleime, Đại Tá Hiếu đã tham khảo những điều ghi chép trong nhật ký để có được các dữ kiện, các ngày giờ và những suy tư của mình trong khi trận đánh đang tiếp diễn. Đại Tá Hiếu có thói quen ghi chép nhật ký, ngay cả khi còn là một trang thanh niên trước khi tòng quân; cụ Hướng đã khám phá mối tình thầm kín của cậu con trai khi đọc mấy trang nhật ký của con trai để trên bàn viết; thân phụ Tướng Hiếu cũng đọc được những hàng chữ cuối cùng ghi chép trong cuốn nhật ký, sau khi Tướng Hiếu gọi điện thoại cho vợ căn dặn "đừng để các con chơi ngoài đường"; Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 22, nói: "Tướng Hiếu luôn mang theo một cuốn sổ để trong túi áo. Mỗi lần ra lệnh ngoài chiến trường, Tướng Hiếu luôn ghi chép lệnh vào trong cuốn sổ."
Nguyễn Văn Tín
Ngày 06 tháng 03 năm 2009
Tài liệu tham khảo
- Chính
- Sách báo
* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.
* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.
* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.
* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.
* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.
- Việt Cộng
generalhieu
|
|