Đại Tá Hà Vi Tùng tại Pleime-LZ Xray-LZ Albany

Đại Tá Hà Vi Tùng là Tham Mưu Trưởng của Vùng IV Chiến Thuật Bắc Việt tại Cao Nguyên. Vùng hành quân của ông bắt đầu từ lãnh thổ Căm Bốt, cắt ngang qua khúc giữa của Nam Việt Nam, và tận cùng tại Biển Đông. Một con người nhỏ thó với nét mặt khắc khổ phong sương, Tùng chứng tỏ là một cựu chiến binh của nhiều trận chiến với quân lính Pháp. Sứ mạng mới của ông trong năm 1965 là đôn đốc sư đoàn tân lập của ông tiến công tại Cao Nguyên với mục tiêu tối hậu là cắt đôi Nam Việt Nam.

Từ mật khu trong vùng rừng rậm tại rặng núi Chu Prong, ngay phía tây thung lũng Ia Drang vắt ngang qua biên giới Căm Bốt, Đại Tá Tùng hoạch định kỹ lưỡng chiến dịch sắp tới. Ông lưu ý ban tham mưu của ông là một cuộc hành quân tầm cỡ lớn như vậy có thể buộc họ phải chiến đấu với các đơn vị lớn Mỹ lần đầu tiên. Kế hoạch của ông tập trung vào việc phá hủy một trại Lực Lượng Đặc Biệt tại Plei Me, trú ngự bởi một nhóm 300 người Thượng Jarai và 10 viên cố vấn Mỹ. Tùng có trong tay hai trung đoàn thiện chiến để dùng cho cuộc hành quân - một trung đoàn sẽ lấn chiếm trại và trung đoàn kia phục kích đoàn quân tiếp cứu mà phe Nam Việt Nam sẽ nhất định phải phái tới để giải cứu trại. Để phòng hờ cuộc xung phong đầu tiên bất thành, Tùng cũng sẽ điều động một tiểu đoàn súng phòng không hạng nặng dọc theo các tuyến bay để bảo vệ các quân lính của ông bị phi cơ giết hại.

Vào ngày 19 tháng 10 năm 1965, Tùng và ban tham mưu của ông di chuyển đến một địa điểm cách trại vài dậm và thiết lập một đường giây ra điô liên lạc với các trung đoàn tấn công. Cũng vào tối ngày hôm đó quân lính của ông khai hỏa trận chiến bằng cách vây quanh Plei Me và sáp tới đánh dứt điểm.

Cuộc Chiến Mở Màn cho Ia Drang

Vào nửa đêm, Đại Úy Harold Moore, chỉ huy trưởng Mỹ tại Plei Me, biết là ông lâm nguy. Trại của ông bị bắn phá từ tứ phía. Hỏa lực bích kích pháo và súng không giựt tiếp diễn không ngừng. Vì không có pháo binh bạn trong tầm bắn, Moore phải gọi phi cơ yểm trợ tiếp cận.

Khoảng 0400 giờ, một viên sĩ quan điều không trên một phi cơ chiếu sáng C-123 hướng dẫn các vụ không tập ngay khi các quân lính địch khởi sự cuộc xung phong phối hợp đầu tiên. Dưới mắt quan sát của viên sĩ quan điều không, các phi công tuần tự trút bom lửa napalm và bom nặng ký sát bên chu phi chiếu sáng. Đại Tá Không Quân Edsel Manning, Sĩ Quan Liên Lạc Không Trợ cho Quân Đoàn II, điều động hỏa lực Không Quân Mỹ Việt từ mọi ngõ ngách của vùng tây nguyên cũng như của các phi cơ chiến đấu thuộc Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi. Khoảng tờ mờ sáng ngày 20 tháng 10, bầu trời trên trại trở nên rất ư là bận rộn. Lúc cao điểm, các sĩ quan điều không điều động các phi cơ bay tới hoặc riêng rẽ hoặc từng cặp để thực hiện các cuộc thả bom và bắn ria tiếp diễn hợp đồng, chính xác và liên tục.

Nhưng đối với các phi công của bốn binh chủng không lực bay tám loại phi cơ chiến đậu, đây không phải làm một cuộc săn bắn gà tây. Các họng súng phòng không của Đại Tá Tùng bắt đầu bắn hạ phi cơ khi một chiếc trực thăng UH-1B "Huey" bị hạ phía đông trại Plei Me với cả bốn phi hành đoàn tử nạn. Tiếp sau đó trong cùng ngày hỏa lực của đại liên bắn trúng hai phóng pháo cơ B-57; một chiếc rớt xuống đất và chiếc kia buộc phải chuyển hướng đáp xuống phi trường Plei Ku để sửa chữa. Trong hai ngày kế tiếp, thêm hai chiếc chiến đấu cơ và một chiếc trực thăng khác cũng bị bắn hạ.

Đúng như Đại Tá tùng tiên đoán, phía Nam Việt Nam phái một đoàn quân thiết vận xa đi giải cứu trại Plei Me. Và đúng theo dự tính, đoàn quân tiếp cứu lọt vào ổ phục kích tại 5 dậm trước khi tới đích. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, bích kích pháo, súng không giựt, và súng liên thanh gây thiệt hại nặng cho binh lính Nam Việt Nam.

Đứng về mặt chiến thuật, cả cuộc vây lấn trại và sư đáp ứng của Mỹ không có gì là mấy bất ngờ. Các binh sĩ địch quân thực hiện các cuộc tấn công với sức mạnh và mức chính xác thường lệ, và phía Mỹ đã xử dụng tối đa hỏa lực phi pháo. Tuy nhiên, trong khi cuộc giao tranh tiến hành, Đại Tá Tùng càng tăng thêm lo lắng về giá phải trả do hỏa lực của phía Đồng Minh. Báo cáo từ các phân tích đài kiểm báo và các lời khảo cung của tù binh mô tả tình trạng càng ngày càn hỗn độn và bấn loạn từ phía địch.

Đại Tá Tùng không nghĩ là phi cơ Mỹ sẽ oanh kích ban đêm, và ông cũng đã không chuẩn bị cho một màn thả bom dũng mãnh và bền dai như vậy. Chỉ duy duy trì mức độ áp lực trên trại Plei Me đã khiến ông mất một nửa trung đoàn trong 2 ngày. Tám mươi tấn bom không ngừng trút xuống trên đầu đã làm hao tổn lực lượng của ông và rốt cuộc khiến không thể thực hiện một cuộc xung phong tối hậu. Quả thật vây, sau 4 ngày cố gắng không đem lại kết quả, Đại Tá Tùng miễn cưỡng rút hai trung đoàn bị dầm vật của ông ra khỏi các vị trị phơi bầy quanh Plei Me và ra lệnh rút về hướng tây, trở lui về mật khu của rặng núi Chu Prong. Lần đầu tiên, địch quân đã nếm mùi tác dụng tập trung của hỏa lực Mỹ. Và cũng lần đầu tiên cuộc vây hãm một căn cứ tiền đồn cô lập đã bị bẻ gẫy chỉ duy do hỏa lực không quân.

Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ Nhảy vào Vòng Chiến

Chiều ngày 27 tháng 10, Tướng Westmoreland thăm An Khê, bản doanh mới lập của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ. Ông duyệt xét cuộc giao tranh mới xảy ra tại Plei Me và ra chỉ thị cho Tướng Kinnard, Tư Lệnh Sư Đoàn, phát động một chiến dịch tiêu diệt quân lính của Đại Tá Tùng trong khi chúng rút lui. Thời cơ thật thích hợp với lối đánh không kỵ của Tướng Kinnard. Con đường không dấu vết hướng về Căm Bốt không là một trở ngại đối với lực lượng hùng hậu trang bị với 476 trực thăng. Và Kinnard hăng hái đề nghị tung cả một lữ đoàn vào việc lùng kiếm địch. Các đơn vị cấp đại đội và trung đội sẽ nhảy cóc bằng trực thăng từ vị trí này qua vị trí kia, những nơi nghi là có địch quân để thực hiện những màn lục soát ngắn gọn dưới sự bảo vệ của các trực thăng vũ trang và pháo binh.

Kinnard tấn công từ trên không bằng cách cho hỏa lực pháo binh và trực thăng vũ trang bắn phá chiến trường trải rộng để làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của toàn quân trước khi tung vào các trung đội bộ binh để thanh toán các đơn vị nhỏ. Chủ đích của Kinnard là lôi cuốn địch quân giao chiến rồi xử dụng các trựng thăng để di chuyển các đơn vị rải rác tụ về nơi có tiếng súng trong vòng vài giây phút.

Kinnard nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là đụng độ là điểm chính. Địa thế không có có giá tri chiến thuật mấy trong lối đánh của ông. Ông chỉ thị cho binh sĩ tìm cách chạm địch với bất cứ cách nào - một chiếc trực thăng bị từ dưới đất bắn lên, một nhúm lửa khỏi được vội vàng dập tắt, cỏ cao bị nằm rạp xuống, bất cứ một dấu chỉ sự hiện diện của địch quân. Các trung đội trở thành mòi nhử dụ đich quân chui đầu vào một chiến trận quyết liệt. Hỏa lực là cây kiếm núp sau tấm màn che phủ. Núp bóng và vung lên khi đúng lúc, hỏa lực phi pháo sẽ tiêu diệt địch quân.

Kinnard khai mào cuộc săn đuổi ngày 28 tháng 10. Ngay tức khắc, các cuộc xung phong của trực thăng bắt đầu ngăn trở các nỗ lực thu gom các trung đoàn của Đại Tá Tùng. Hỏa lực của hỏa tiễn và đại liên từ các trực thăng bắn rượt quân lính Bắc Việt. Các cuộc oanh kích gieo thêm rối loạn giữa đám tàn quân địch. Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 11, quân Mỹ thành công lớn khi một trung đội nhảy xuống một trạm cứu thương của Trung Đoàn 33 BV, không mấy cách xa bản doanh của Đại Tá Tùng về phía đông. Trong cuộc giao tranh tiếp sau đó, 100 Việt Cộng bị giết. Ngày 3 thánh 11 các toán quân không kỵ nhảy xuống chân rặng núi Chu Prong. Chiều hôm đó, quân Mỹ phục kích một toán tuần tiễu địch, giết một chục tên, và tiếp sau đó đẩy lui một cuộc phản công cấp tiểu đoàn của địch với sự yểm trợ của hỏa tiễn trực thăng.

Vào khoảng ngày 10 tháng 11, hầu hết tàn quân Việt Cộng đã chạy thoát khỏi màn lưới hỏa lực phi pháo bằng cách lủi sang bên lãnh thổ Căm Bốt. Giá phải trả trong cuộc vây hãm trại và triệt thoái thật là cao. Hai trung đoàn chỉ thu gom được một nửa lực lượng nguyên thủy.

Đại Tá Tùng là một chiến binh chuyên nghiệp thượng thặng để mà từ bỏ thế chủ động mà không lâm chiến thêm một lần nữa. Trong bầu khi tương đối thinh lặng của nơi ẩn trú trên một đỉnh núi, Đại Tá Tùng tụ họp các trung đoàn trưởng, kể cả chỉ huy trưởng của Trung Đoàn 66 mới đặt chân tới chiến trường, và điều nghiên kế hoạch cho một cuộc tái tân công. Hành động dưới sự thúc đẩy của những lý do không rõ, Đại Tá Tùng chọn phát huy một cuộc tấn công dứt điểm nhắm thẳng vào trại Lực Lượng Đặc Biệt Plei Me. Lần này, ông dự tính tung cả ba trung đoàn vào vòng chiến và đưa thêm vào một tiểu đoàn bích kích pháo hạng nặng và một tiểu đoàn súng phòng không 14.5 ly. Trong 5 ngày kế tiếp, quân Bắc Việt chuẩn bị cho cuộc tấn công mới lần đầu tiên với một cuộc hành quân cấp sư đoàn tại Nam Việt Nam.

Đại Tá Tùng không ngờ là Tướng Kinnard cũng quyết định một cuộc tấn công mới. Ngày 13 tháng 11, các trựng thăng khổng lồ CH-47 chuyển vận với 28 chuyến, 2 pháo đội tại bãi đáp Falcon, hàng dậm trước bộ binh và chỉ 5 dậm cách rặng núi Chu Prong. Vào lúc 1030 giờ sáng hôm sau, Trung Tá Harold A. Morre, tiểu đoàn trưởng TĐ1/7 Không Kỵ, bắt đầu thả xuống ba đại đội tại bãi đáp X-Ray, một bãi trống trải tại chân núi Chu Prong và ngay giữa lòng sư đoàn địch đang rục rịch đi tấn công Plei Me. Mặt đất bãi đáp X-Ray bằng phẳng, với cây cối vươn cao tới 100 feet, rải rác cỏ mây cao và gồ đống mối khắp cùng.

Cuộc chiến tại bãi đáp X-Ray khởi đầu khi trực thăng dẫn đầu chạm đất. Khoảng trưa tất cả các đại đội của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ đều chạm địch. Các trực thắng vừa rà xuống đã bị nã đạn, và địch quân tấn công vũ bão bãi đáp từ tứ phía. Vào khoảng 1500 giờ, Trung Tá Moore biết là tiểu đoàn của ông đụng mạnh. Trước khi trời tối đen, ông thu gom lại tất cả lực lượng, ngoại trừ duy nhất một trung đội, vào trong một chu vi eo hẹp. Thật là khó tưởng, trung đội chỉ gồm có 12 binh sĩ sống sót và bị thương bị cô lập trong 2 ngày, bao quanh bởi địch quân nhưng được bảo vệ bởi một màn chắn hỏa lực.

Vào chập tối, Cộng Quân bắt đầu tấn công với các đội hình to lớn hơn. Đợt này qua đợt nọ các binh sĩ lăn xả vào chu vi phòng thủ. Trong suốt đêm dài kế tiếp, hai pháo đội từ bãi đáp Falcon rót 4.000 viên đạn yểm trợ các kỵ binh bị vây hãm. Các điều không viên quan sát các màn đạn tiến sát tới chu vi phòng thủ tới độ các mảnh đạn nóng bỏng lướt vèo trên đầu các toán quân bạn.

Cuộc tấn công tăng cường độ sáng sớm ngày hôm sau. Hỏa lực địch trở nên chính xác đến độ điều không viên với đại đội nguy khốn nhất bị ép rạp xuống mặt đất và không còn quan sát được gì. May thay, viên sĩ quan pháo binh nằm tại ban chỉ huy của Trung Tá Morre có thể nhìn thấy cuộc giao tranh, và từ vị trí cách xa có thể điều chỉnh các cuộc không tập và pháo tập quanh đại đội lâm nguy. Cuộc giao tranh sớm trở nên hỗn độn đến mức độ khó phân biệt bạn với thù. Trong một khoảng khắc Trung Tá Moore e ngại bãi đáp sẽ bị tràn ngập. Nhưng ông quyết tâm không để cho lịch sử tái diễn: "Tôi ý thức trong tâm trí là chúng tôi thuộc Trung Đoàn 7 Không Kỵ," ông nhớ lại như vậy, "và Trời ơi, chúng tôi không thể để điều gì xảy ra tại Custer tái diễn lại tại đây."

Vào lúc 0800 giờ, ông ra lệnh cho tất cả các trung đội của ông tung ra lựư đạn khói màu đánh dấu để các quan sát viên trên không và dưới mặt đất nhận định chính xác chu vi lằn ranh chu vi phòng thủ của ông. Rồi ông ra lệnh tất cả hỏa lực yểm trợ tiến sát tới mức tối đa. Không bao lâu, pháo binh dàn dựng một tấm bình phong bao che thép sắt dày đặc ngăn cản không cho phép địch trọc thủng. Trung Tá Moore ghi nhận là có một lúc các đạn pháo lân tinh đã chứng tỏ rất là hữu hiệu trong việc chận đứng bước tiến của địch quân. Coi bộ Trung Đoàn 66 chưa từng nếm tác dụng khói và sức nóng của các đạn pháo lân tinh này. Sự xuất hịện bất thần của loại đạn này đã gây hoang mang cho địch quân.

Nhờ khói phân danh chu vi phòng thủ rõ ràng, các trực thăng võ trang cũng đã có thể xung trận. Các chiếc trực thăng HU-1 nạn đạp đầy ắp liên tục lao xuống nhả hỏa lực đại liên không ngừng ngay tại bờ ranh phòng thủ. Hơn nữa, trong suốt 40 tiếng gây cấn tại X-Ray, Không Lực duy trì phi cơ tác chiến túc trực với một phóng pháo chiến đấu cơ nhào vào mục tiêu từng 15 phút một. Và trong những lúc tuyệt vọng, các phi cơ bất kể nguy cơ bay lượn qua các đạn pháo và hỏa lực súng nhẹ để trút bom napalm và bom xé mảnh.

Các hỏa lực yểm trợ không ngớt bao che đem lại niềm tin cho các quân trú phòng bị cô lập để nâng tinh thần lên tiếp tục chiến đấu. Nhưng mục tiêu của Tướng Kinnard là chiến thắng. Ngày 15 tháng 11, khi áp lực địch quân giảm xuống ông phái thêm hai pháo đội nhẹ tới bãi đáp Columbus, một căn cứ hỏa lực vội vã thiết lập bằng cách khai quang đám cỏ lau chỉ cách 5 dậm hướng đông bắc địa điểm giao tranh. Các chiếc trực thăng Chinook khổng lồ liên tục chuyển vận hàng trăm kiện đạn đeo lơ lửng trong các bạt lưới dưới bụng trực thăng từ các trại hậu cứ đến căn cứ hỏa lực tân lập mà không bị địch và địa thế gây trở ngại.

Kinnard còn dành cho địch một món quà quái đản hơn. Vào buổi trưa của ngày thứ hai của cuộc giao tranh tại bãi đáp X-Ray, Đại Tá Tùng và ban tham mưu ông nhìn thấy một vùng đất rộng lớn ngay phía nam thình lình nổ tung trong một màn trải thảm bom nổ xé trời lở đất. Cuộc không tập đầu tiên bằng phi cơ B-52 trong cuộc yểm trợ một cuộc giao tranh tác chiến đã diễn ra ngay tại hậu cứ của Đại Tá Tùng. Các cuộc không tập tiếp tục dọc theo rặng núi Chu Prong trong 5 ngày kế tiếp. Các lời đồn lan rộng trong ba trung đoàn của Đại Tá Tùng là những "tấm thảm" này bao phủ một vùng 20 dậm vuông và các địa đạo và hầm hố cá nhân không nhằm nhò gì để bao che họ.

Đại Tá Tùng cố gắng tấn công tại X-Ray một lần nữa ngày 16 tháng 11, nhưng lại bị ngập lụt trong một cuộc tắm máu. Tiến sau một bức tường đạn pháo di động, quân Mỹ xông tới hướng các vị trí Cộng Quân. Sau 3 ngày giao tranh, số thương vong của Đại Tá Tùng vượt quá con số 1.000. Một lần nữa hỏa lực đã không cho phép ông chiến thắng.

Sau cuộc giao tranh tại bãi đáp X-Ray, Đại Tá Tùng nhận thức là một chu vi phòng thủ bộ binh với dồi dào pháo binh yểm trợ là một mục tiêu khó nuốt. Ông kết luận là nguồn gốc đích thực khiến ông thất bại chính là các khẩu pháo yểm trợ đặt tại những bãi đáp phòng thủ sơ sài về phía đông. Ông lập luận là một cuộc tấn công tại đó có thể giết quân lính Mỹ nhiều hơn và loại khử gốc nguồn nguy hại nhất của sức lực giết hại. Do đó ngày 16 tháng 11, ông ra lệnh cho Trung Đoàn 66 di chuyển về hướng bãi đáp Columbus và tiêu diệt cả hai pháo đội đặt tại đó.

Lại một trường hợp trùng hợp đóng một vai trò then chốt trong trận đánh này. Ngày 16 tháng 11, các trực thăng bốc quân sĩ thấm mệt của Trung Tá Moore ra khỏi bãi đáp X-Ray và thay thế họ với hai tiểu đoàn mới, TĐ 2/7 và TĐ 2/5 Không Kỵ. Để trung thành với phương châm là "địa thế không có địch trong đó không có một giá trị nào," Tướng Kinnard ra lệnh cho hai tiểu đoàn mới này từ bỏ bãi đáp X-Ray và tiến về bãi đáp Columbus để bảo vệ pháo binh. TĐ 2/5 rời khỏi bãi đáp X-Ray trước tiên và tới Columbus khoảng trưa. Nhưng TĐ 2/7 Không Kỵ rời đi trễ hơn và di hành theo một con đường khác, đưa tới giao điểm với hướng đi của Trung Đoàn 66. Chẳng may, Trung Đoàn 66 đi sớm hơn 20 phút.

Ngay sau giờ ngọ, viên chỉ huy địch quân cho đơn vị của mình dừng lại khoảng 1 dậm hay ngắn hơn cách bãi đáp Columbus để ăn trưa. Ngay tức khắc, toán quân tiền sát báo cáo là một đạo quân lớn Mỹ đang tiến lại gần. Không một giây phút chậm trễ, viên chỉ huy Việt Cộng ra lệnh cho các đơn vị bố trí theo đội hình phục kích. Một số chiến binh giàu kinh nghiệm chiến trận mau lẹ nằm rạp xuống đám cỏ. Một số chiến binh khác chèo lên các thân cây để có được một tầm bắn tốt hơn. Không ai ở thế được bao che. Các lính không kỵ Mỹ gần tới Columbus thì địch khai hỏa. Cảnh kinh hãi và lòng dũng cảm của những giờ phút kế tiếp ít thấy trong các trận đánh của Mỹ. Cuộc giao tranh trở nên đánh sáp lá cà. Trong khoảng vài phút, hàng trăm lính chết và bị thương Mỹ và Việt trà trộn lẫn nhau rải rắc trên cánh đồng mang tên bãi đáp Albany.

Các pháo thủ cách đó không mấy xa nghe thấy máy rađiô kêu gọi pháo từ các quan sát viên pháo binh, nhưng không thể đáp ứng vì sợ bắn chúng chiến binh bạn. Máy bay và trực thăng nhào xuống bay lên vào chiến địa nhưng không tìm thấy được địch quân ẩn trốn trong rừng cỏ cao.

Vào chập tối, tình huống bớt căng thẳng. Một số chỉ huy trưởng thu gom các binh sĩ sống sót trong hai chu vi phòng thủ. Những kẻ sống sót đánh dấu vị trí với lựu đạn khói và kêu gọi hỏa lực bảo vệ qua suốt đêm. Sáng hôm sau, địch rút lui, bỏ lại đàng sau 400 tử thi. Nhưng chỉ trong có vài tiếng đồng hồ, TĐ 2/7 Không Kỵ hứng chịu 157 thương vong - 2/3 của tổng số thiệt hại nhân sự của Sư Đoàn trong chiến dịch. Đối với Đại Tá Tùng, bài học nhãn tiền là: gây bất ngờ cho lính Mỷ và tách rời họ khỏi hỏa lực yểm trợ của họ, rồi cuộc chiến sẽ trở nên một trận đọ sức ngang nhau.

Trung Tá Robert H. Scales, Jr.
Tháng 10 năm 1986

Ghi chú: bài này là một đoạn trích của chương Firepower and Maneuver in the Second Indochina War của cuốn sách Firepower in Small Wars do the National Defense University Press xuất bản. Trung Tá Scales đã nêu danh cách chính xác Đại Tá Tùng là nhân vật đóng vai chính về phía Việt Cộng. Tuy nhiên, ông thiếu sót không chỉ điểm Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu như là nhân vật đóng vai chính về phía lực lượng Đồng Minh - VNCH và HK. Xin xem Hai Tay Cờ Chính Trong Ván Cờ Pleime. (Nguyễn Văn Tín, ngày 13/12/2009)

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu