|
Trận Pleime Qua Lăng Kính New York Times
Saigon, South Vietnam, Friday October 22, 1965
Neil Sheehan, Đặc Phóng Viên The New York Times
Trại Bị Phong Tỏa Được Trợ Giúp; Tổn Thất Việt Cộng Gia Tăng
Hàng trăm lính bộ binh Nam Việt Nam được vận chuyển bằng đường không ngày hôm qua tới trại Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ tại Pleime, trên Cao Nguyên, nơi một tiểu đoàn Việt Cộng coi bộ bị tổn hại nặng trong một cuộc tấn kích 36 tiếng bất thành.
Một phát ngôn nhân quân sự nói các toán tiếp viện đã đáp xuống bằng trực thăng Mỹ tại một phi đạo cách trại khoảng nửa mile và rồi đã tiến vào trại mà không gặp du kích quân.
Theo phát ngôn nhân, một tiểu đoàn Việt Cộng - khoảng 600 người - vẫn còn lảng vảng gần trại, trong các núi rừng khoảng 215 mile bắc Sài Gòn.
Hình như Việt Cộng đã gián đoạn cuộc giao tranh sáng ngày hôm qua trước khi đoàn quân tiếp viện tới nơi.
Phát Hiện 90 Xác Chết
Các báo cáo từ trại nói là các toán tiếp viện và các quân trú phòng nguyên thủy - vài trăm dân Thượng chỉ huy bởi các toán Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ và Việt Nam - chỉ đương đầu với hỏa lực lẻ tẻ súng hạng nhẹ.
Lính Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ trong trại nói qua rađiô cho viên phi công của một phi cơ quan sát là họ có thể thấy đến khoảng 90 xác chết rải rác quanh trại.
Tối qua, các du kích quân lại sách nhiễu trại với hỏa lực đại liên 50 ly và bích kích pháo 81 mm.
Cuộc tấn công vào trại, khoảng 25 mile nam Pleiku, khởi sự vào 7 giờ 30 tối ngày thứ ba. Du kích quân nã vào trại bíck kích pháo hạng nặng và súng không giựt 57 mm và rồi tung từng đợt bộ binh xông vào trại.
Khi vừa sáp tới hàng rào cản giây kẽm gai của trại, lính Việt Cộng bị đẩy lui bởi các phóng pháo-chiến đấu cơ của Không Lực Hoa Kỳ, ào ạt đổ xuống và thả hàng loạt bom napan, hay xăng đặc.
Các phát ngôn nhân quân sự nói là cuộc không tập rất là chính xác và hầu hết các thùng xăng lửa rơi ngay vào trong vùng giây kẽm gai.
Trong suốt ngày hôm sau, các du kích quân nã vào trại đạn bích kích pháo, súng không giựt và liên thanh. Tổn thất quân trú phòng được coi là nhẹ.
Một đại đội dân Thượng, dẫn đầu bới lính Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ - các chuyên viên về rừng mạc - còn đang ngoài trại khi Việt Cộng tấn công. Tuy nhiên đại đội này đã chiến đấu vào lại trại với sự yểm trợ của các chiến đấu-phóng pháo cơ.
Tối thứ tư, trại lại thỉnh thoảng bị hỏa lực nặng của bích kích pháo và súng liên thanh quấy phá, nhưng hình như Cộng Quân không tìm cách xung phong vào trại. Phi cơ vận tải thả trái sáng để hướng dẫn quân trú phòng và các phi cơ yểm trợ.
Các phi cơ bị hỏa lực súng phòng không uy hiếp. Một phi công quan sát viên báo cáo thấy năm súng đại liên đóng chốt gần một phi đạo bên ngoài trại.
Trong một vụ khác, 15 mile nam Pleiku, bốn lính Mỹ bị giết khi trực thăng quân sự của họ rớt xuống và phát nổ trong một phi vụ thám thính. Tai nạn xảy ra một ngày sau một trực thăng khác bị bắn hạ trong vùng này. Tất cả bốn phi hành đoàn cũng bị giết.
Saigon, South Vietnam, Friday October 22, 1965
Charles Mohr, Đắc Phóng Viên The New York Times
Việt Cộng Gia Tăng Hỏa Lực Vào Trại Mỹ
Nam Việt Nam Phái Tới Tăng Viện
Du kích quân Cộng Sản vây hãm một trại Lực Lương Đặc Biệt Mỹ tại Pleime "gia tăng áp lực" tối qua và sáng sớm hôm nay và Chính Phủ Nam Việt Nam đáp ứng bằng cách sai phái thêm quân tăng viện cho tiền đồn này, một phát ngôn nhân quân sự cho biết.
Một phi cơ cánh quạt A-1E Skyraider chiến đấu-phóng pháo Mỹ bị bắn hạ sáng nay đang khi tấn công khoảng 600 du kích quân Việt Cộng đang bắn phá trại Pleime với đại liên 50 ly và bích kích pháo 80 ly. Viên phi công nhảy dù xuống và được một trực thăng Mỹ cứu vớt.
Cuộc tấn công Việt Cộng vào Pleime bắt đầu tối thứ ba. Các du kích quân để lại khoảng 90 xác chết trên các hàng rào giây kẽm gai quanh trại sau một cuộc xung phong bộ binh bất thành và tiếp tục bắn phá trại với hoả lực súng đại liên, bích kích pháo và súng nhẹ.
Chuyên Viên Chiến Trận Rừng Rú
Nguyên thủy trại Pleime đồn trú một toán nhỏ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ - các chuyên viên chiến trận rừng rú - và vài trăm dân sự chiến đấu Thượng. Sáng hôm qua trại được tăng cường bởi vài trăm lính chủ lực Việt Nam được chuyển vận tới bằng đường không. Hôm nay thêm quân tăng viện nhập vào trại.
Cường độ hỏa lực nhắm vào trại Pleime, 25 mile nam thành phố chính Pleiku, được báo cáo là gia tăng trong đêm, nhưng yên tịnh đã trở ḷại sau hừng đông, theo lời phát ngôn nhân.
Một số toán tuần tiễu đã rời và trở về trại mà không đụng độ địch. Các quan sát viên Không Quân báo cáo là một ngọn đồi phía bắc trại chất đống thân xác du kích quân.
Phi cơ chiến đấu-phóng pháo bị bắn hạ phía nam trại bởi hỏa lực vũ khí tự động. Khởi đầu trận Pleime, một phóng pháo cơ B-57 và một trực thăng vũ trang bị bắn rớt.
Các phi cơ Không Quân thả 900 trái sáng trên Pleime tối qua, và một viên phi công nói là du kích quân hình như chuyển qua xử dụng vũ khí tự động nhiều hơn thay cho các vũ khí bị tiêu hủy trong 215 vụ oanh kích.
Saigon, South Vietnam, Saturday October 23, 1965
Neil Sheehan, Đặc Phóng Viên The New York Times
Việt Cộng Phục Kích Một Đoàn Quân Tiếp Cứu Lực Lượng Mỹ
Lính Việt Nam Bị Tấn Công 10 Mile Cách Tiền Đồn Pleime
Thêm Một Phi Cơ Bị Hạ; Chiếc Thứ Tư Bị Mất Tại Đồn - Một Phi Công Mỹ Được Cứu Vớt Dưới Hỏa Lực
Một cánh quân tiếp cứu VNCH trên đường di chuyển đến trại Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ tại Pleime bị phục kích ngày hôm nay, và nhiều thiết vận xa và quân xa bị phá hủy, một phát ngôn nhân quân sự cho biết.
Phát ngôn nhân nói đoàn quân tiếp viện gồm vài trăm lính bộ binh, được chiến xa yểm trợ, di chuyển từ thành phố Pleiku tới một địa điểm trên còn đường lộ đất khoảng 10 mile đông bắc trại thì bị tấn công trước khi chập tối.
Không biết tổn thất của đoàn quân tiếp viện là bao nhiêu. Tối nay các báo cáo nói là đoàn quân xa chưa tiến tới trại. Trại này được thiết lập giữa núi rừng trên Cao Nguyên, 215 mile bác Sài Gòn và 25 mike nam Pleiku.
Pháo Binh Hạng Nặng Tới Nơi
Trong khi đó, một phát ngôn nhân Mỹ nói, bốn tiểu đoàn pháo binh hạng nặng bắt đầu tới Nam Việt Nam để bảo vệ các vùng quanh các căn cứ Mỹ, các đường lộ và các
trục giao thông.
Trại Pleime bị các lực lượng du kích quân ước lượng khoảng hai tiểu đội - hơn một ngàn người - vây hãm từ tối thứ ba.
Khoảng trưa hôm nay các chiến đấu-phóng pháo cơ thuộc Không Lực Mỹ Việt và các phi cơ Hải Quân từ Đệ Thất Hạm Đội bay hơn 300 phi xuất, thả bom, hỏa tiễn và na-pan, nhưng họ không thành công đánh bật các du kích quân.
Tối nay trại báo cáo là Việt Cộng đang nã vào vị trí với các đầu đạn lân tinh trắng bích kích pháo.
35 Tiếng Trong Rừng
Phát ngôn nhân tại đây nói là một viên phi công thuộc Không Lực Mỹ lái chiếc chiến đấu-phóng pháo cơ cánh quạt A-1E bị bắn hạ hôm qua trong khi thả bom chống du kích quân quanh trại và được cứu vớt hôm nay trong tình trạng tốt sau 35 tiếng trong rừng.
Viên phi công, Đại Úy Melvin C. Elliott, 36 tuổi, quê quán Glendale, Ariz., được một trực thăng Không Lực bốc lên tại một bãi quang đầy bụi rậm và cỏ hoang cao khoảng tám mile đông nam trại. Trực thăng tiếp cứu luôn bị hỏa lực du kích quân bắn phá, trong khi bay lửng trên mặt đất cho tới khi Đại Úy Elliott có thể chạy tới từ nơi ẩn núp.
Phát ngôn nhân nói các chiến đấu-phóng pháo cơ khác loại khử một số hỏa lực Cộng Quân bằng cách thả vào vị trí súng Việt Cộng với bom na-pan trong khi các trực thăng Quân Lực Mỹ bay là thấp xuống và lia đạn đại liên vào du kích quân.
Viên phi công của trực thăng tiếp cứu, Đại Úy Dale L. Potter, 31 tuổi, quê quán Joseph, Ore., nói là đại úy Elliot trông "tiêu điều và rách rưới" khi anh ta chạy ra khỏi rừng nhưng sau này anh ta chứng tỏ không bị thương tích.
Hôm qua, một viên phi công khác, Đại Úy Myron W. Burr, 31 tuổi , quê quán South Windsor, Conn., được cứu vớt sau khi chiếc chiến đấu-phóng pháo cơ của anh bị hỏa lực Cộng Quân trên mắt đất bắn lủng. Từ thứ ba có cả thảy bốn phi cơ bị bắn hạ quanh trại.
Các viên chức quân sự Mỹ tin là các vụ oanh tạc liên tục đã gây tổn thất trầm trọng cho du kích quân, nhưng Việt Cộng vẫn không chịu từ bỏ vây hãm trại Lực Lượng Đặc Biệt, một tiền đồn của các chuyên viên chiến trận rừng rú. Thứ tư và thứ năm, vài trăm lính Biệt Động Quân NVN và bộ binh được chuyển vận bằng trực thăng đến trại để tăng cường doanh trại của vài trăm dân sự chiến đấu Thượng chỉ huy bởi các toán Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ Việt.
Một số viên chức quân sự Mỹ cho là có lẽ Việt Cộng đang bảo vệ các trục lộ xâm nhập từ Lào không chừng băng qua trại, nhưng các quan sát viên quân sự khác không chấp nhận giả thuyết này và nêu lên là Việt Cộng đã kiểm soát nhiều giải đất rộng lớn trên Cao Nguyên.
Theo các báo cáo chính thức, mức độ tổn thương của quân trú phòng được coi là nhẹ.
Saigon, South Vietnam, Sunday October 24, 1965 (Reuters)
Đoàn Quân Tiếp Viện Lại Bị Tấn Công
Đoàn quân tiếp viện trên đường di chuyển đến Pleime lại bị các lực lượng Việt Cộng tấn công sáng hôm nay.
Các du kích quân nã hỏa lúc súng trường và đại liên vào đoàn quân lính và quân xa đang tiến hành chậm rãi, nhưng ngưng tấn công sau năm phút, một phát ngôn nhân quân sự Mỹ nói. Các tổn thất được mô tả là nhẹ.
Pleineute, South Vietnam, Sunday October 24, 1965
Charles Mohr, Đặc Phóng Viên The New York Times
Cuộc Tấn Công Việt Cộng Vào Tiền Đồn Mỹ Giảm Bớt Cường Độ
Đơn Vị Tiếp Cứu VN Phá Vỡ Ổ Phục Kích - Đối Chọi Với Quân Hà Nội
Cộng Quân Bị Thiệt Hại Nặng, Phát Hiện Ít Nhất 100 Xác Chết - Các Phóng Pháo Cơ Mỹ Đánh Rập Lực Lượng Tấn Công
Áp lực Cộng Quân đè trên trại Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ tại Pleime hình như thuyên giảm hôm nay.
Tuy nhiên, đoàn quân tiếp viện Nam Việt Nam phái đi giải tỏa tiền đồn bị ngưng chệ trước khi tới đích, sau một trận giao tranh khốc liệt cận chiến tối qua và sáng sớm hôm nay. Một tiểu đoàn chủ lực quân Bắc Quân hiện diện trong đám địch quân.
Đoàn quân tiếp viện hứng chịu tổn thất mà các sĩ quan Mỹ cho là nhẹ. Nhưng lính Bắc Quân bị các cuộc oanh kích và các hỏa lực súng chiến xa gây tổn thất nặng.
Cộng Quân Lủi Trốn Khỏi Đường Lộ
Buổi sáng, một quan sát viên đi cùng một tiểu đoàn Biệt Động quân VN, trải qua đêm bên lề mặt trận chính, có thể trông thấy các toán quân Cộng Sản bận đồ ka ki lót tót hướng về phía tây từ đường lộ nơi xảy ra trận giao tranh.
Trong khi các biệt động quân di chuyển qua một cánh rừng cây tầm xuân cùng với đoàn quân tiếp viện, họ phát hiện những dấu hiệu nhãn tiền của sức mạnh Không Quân Mỹ - một đống gồm năm tử thi lính Bắc Quân, với đầu bị vỡ sọ bởi các mảnh bom hạng nặng.
Tuy các lời thuật có vẻ lộn xộn về một cuộc chiến hỗn độn, hình như có hơn 300 tử thi lính Cộng Quân đếm được gần đường lộ và các xác chết khác có lẽ nằm vùi trong các bụi rậm xa hơn.
Quân chính phủ cũng thiệt hạng bộn. Hai quân xa chở xăng nhớt bị hỏa lực địch phá hủy. Trong một khoảng khắc, Cộng Quân cũng chiếm chứ hai khẩu đại bác, nhưng hai khẩu này sau cũng được thâu hồi lại.
Cuộc Chiến Qua Đến Ngày Thứ Năm
Trại Lực Lượng Đặc Biệt tại Pleime, khoảng 25 mile nam Pleiku trên Cao Nguyên, bị một lực lượng lớn mạnh Việt Cộng tấn công từ tối thứ ba.
Các trực thăng tiếp liệu không còn đáp xuống trại được, mặc dù các phi công gan dạ thực hiện nhiều phi vụ tải thương vào trong pháo đài dưới làn mưa đạn địch quân.
Coi bộ Cộng Quân không mấy quan tâm tràn ngập trại bằng dụ và phục kích một đoàn quân tiếp viện. Tuy nhiên, lần này phía Nam Việt Nam và các cố vấn Mỹ đoán biết ổ phục kích và biến nó thành một trận đánh.
Trong khi đoàn quân tiếp viện, yểm trợ bởi vài trăm lính bộ binh NVN, thận trọng lần mò xuôi nam tới Pleime, một tiểu đoàn lính Biệt Động Quân được trực thăng thả xuống một vùng phía sau địa điểm nghi địch thiết lập ổ phục kích.
Lính Biệt Động Quân đã di chuyển vào thôn làng nhỏ bé này của dân Thượng khi tiếng ing tai nhức óc của các đại liên 50 ly phá tan bầu trời vào buổi trưa cùng với các đạn bích kích pháo và súng không giựt.
Các dân Thượng - bán thân trần truồng - dùng ngón tay bịt tai như trẻ con nghe kể một câu chuyện kinh dị.
Trong trận chiến thả dàn trên đường lộ, các chiến xa tại tuyến đầu đoàn quân tiếp viện thi đua bắn trả hỏa lực đại liên 50 ly với chủ lực quân Cộng Sản và hứng chịu tổn hại nhẹ.
Đại Đội Quân Sài Gòn Bị Cắt Đứt
Tuy nhiên, trở lại dọc đường lộ, một toán quân Cộng Sản khác xén ngang vào giữa đoàn quân tiếp viện và gây thiệt hại khá lớn. Một đại đội quân Sài Gòn bị mất ra điô và bị cắt đứt trọn đêm. Đoàn xe tiếp liệu cho pháo binh và các súng lớn cũng bị phá hủy. Trong các hầm hố cá nhân đào gấp rút, các toán quân giao tranh cận chiến, và nhiều chiến binh bị chết.
Các lính Biệt Động Quân gần Pleineute cũng không giúp đỡ gì được mấy vì một cuộc tấn công Cộng Quân từ phía hậu sẽ khiến biệt động quân nằm trong tầm bắn của các chiến xa bạn. Các lính biệt động quân bị phơi trần cũng có nguy cơ bị một lực lượng địch đông đảo hơn uy hiếp.
Lúc trời nhá nhem tối, trong khi các phản lực cơ Mỹ thả bom các vị trí địch quân dọc theo đường lộ, một xạ thủ Cộng Quân nhả đạn lửa đỏ vòng lên tới các phi cơ mỗi đợt bay qua. Được các lính Biệt Động Quân điềm chỉ, các phi cơ lia đạn xuống vị trí súng phòng không. Mỗi lần một phi cơ nhào xuống, súng phòng không lại bắn trả lại.
Vào buổi sáng, một lính Biệt Động Quân giết được một con rắn xanh bóng láng chui vào trại, và các chiến binh co rãn thân thể và tắm nắng trong ánh sáng ban mai. Ai nấy đều phấn kích khi thấy các toán địch quân trốn chạy qua một bãi quang cách khoảng 100 thước. Oanh tạc cơ được báo động, nhưng hình như các toán địch quân đã biến mất tăm hơi.
Tuy nhiên, hầu hết các phi cơ đã tỏ ra chính xác hơn. Một vệt dấu tích xem xét bởi lính Biệt Động Quân - một lằn bước chân khó mon theo ngay cả bằng chân cẳng - mang đầy rẫy những hố to gây nên bởi các đạn súng 200 mm.
Các toán quân NVN tước súng khỏi các tử thi lính Cộng Quân bị sát hại bới các bom đạn. Trên lộ đường, một phóng viên đếm được 24 khẩu súng tịch thu, hầu hết là súng nhẹ của khối Cộng Sản, cùng với một khẩu súng không giựt 57 mm. Một tù binh bị bắt.
Đoàn quân tiếp viện tới địa điểm cách trại Pleime năm mile khi trận chiến bắt đầu, nhưng các toán quân rải rác quy tụ lại và tái tổ chức xa hơn trên đường lộ, hình như để chuẩn bị xông tới tiền đồn trong giai đoạn kế sau.
Pleiku, South Vietnam, Tuesday October 26, 1965 (Associated Press)
Lính Mỹ Đuổi Theo Du Kích Quân
Một đoàn quân tiếp viện NVN bắt đầu tiến tới Pleime tối qua đang củng cố vị trí ngay bên ngoài trại và vào hừng đông báo cáo chỉ có một ít hỏa lực bắn lẻ tẻ từ phía Việt Cộng.
Các toán lính Mỹ, trong một cuộc càn quét về hướng tây và bắc Pleime, giao tranh với một trung đội lính Việt Cộng khoảng từ 35 đến 50 người trên đường tháo lui. Một phát ngôn nhân nói trung đội du kích quân hình nhừ là thành phần của một toán quân bọc hậu bao che cuộc triệt thoái của Việt Cộng.
Cuốc tiến công một tuần lẽ của Việt Cộng hình như nhằm mục đích đả thông các trục lộ tiếp tế từ Lào và Bắc Việt. Một điềm chỉ viên quân sự Mỹ tại Pleiku nói là quân trú phòng Pleime - 300 lính Thượng và một tá cố vấn Mỹ - cùng nhau với các oanh kích Không Quân đánh gục khoảng 750 của lực lượng Việt Cộng gồm 1.200 lính.
Saigon, South Vietnam, Tuesday October 26, 1965
R.W. Apple, Jr., Đặc Phóng Viên The New York Times
Lực Lượng Không Kỵ Một Mỹ Hỗ Trợ Đoàn Quân Tiếp Viện Sài Gòn
Tổn Thất Việt Cộng Nặng Trong 7 Ngày Giao Tranh Trên Cao Nguyên
Các toán quân thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đã được tung vào trận chiến tại Pleime trên Cao Nguyên, theo lời một phát ngôn nhân quân sự.
[Một đoàn quân tiếp viện yểm trợ bởi các toán quân Mỹ đã phá vỡ cuộc vây hãm dài bảy ngày của Việt Cộng tại trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime sáng thứ ba. Associated Press báo cáo từ Pleiku, 25 mile cách trại.]
Các đơn vị Mỹ, gồm cả bộ binh, pháo binh và một phi đội không kỵ trực thăng, được tung vào trận chiến ngày thứ bảy, phát ngôn nhân tiết lộ. Tin này được giữ kín vì lý do an ninh.
Chuẩn Tướng Charles Knowles, phụ tá tư lệnh Không Kỵ 1 Mỹ, nói tại Pleiku là các toán quân của ông đã tiếp tay vào trận chiến theo lời yêu cầu của giới thẩm quyền Nam Việt Nam.
Các lực lượng Việt Cộng bao quanh Pleime đã nổ súng trở lại chiều hôm qua. Họ nã đạn bíck kích pháo nặng vào trại từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 tối.
Tổn thất của nhóm dân sự chiến đấu Thượng và các cố vấn Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ bảo vệ trại lại được phát ngôn nhân mô tả ở đây là nhẹ. Không rõ số thương vong về phía quân Mỹ.
Trại được tiếp tế bằng thả dù chiều chủ nhật từ các phi cơ vận tải Caribou nhẹ của Lục Quân Mỹ. Từ khi trại bắt đầu bị vây hãm hơn 270.000 pound đạn dược, lương thực và vật dụng khác đã được thả dù xuống pháo đài tí hon hình tam giác này.
Theo lời Trung Tá William A. McLaughlin, chỉ huy trưởng 310th Air Commando Squadron, hơn một nửa số 29 vận tải cơ C-123 Mỹ dùng cho phi vụ tiếp tế bị hỏa lực trên mặt đất bắn trúng.
Saigon, South Vietnam, Tuesday October 26, 1965
R.W. Apple, Jr., Đặc Phóng Viên The New York Times
Cuộc Tấn Công Việt Cộng Tại Pleime Bị Chận Đứng
Lực Lượng Mỹ Việt Chận Đứng Cuộc Xung Phong Mới Cách Trại 7 Thước
Du kích quân Việt Cộng tiến công tới cách 7 thước hàng rào trại Lực Lượng Đắc Biệt tại Pleime chiều hôm nay trước khi bị đẩy lui.
Bò trên bụng qua đất đỏ quanh tiền đồn, Cộng Quân phát động một cuộc xung phong lớn vào lúc trưa. Họ di chuyển dước sự bao che của hỏa lực đại liên 50 ly và bích kích pháo.
Một du kích quân - một kéo cắt giây kẽm gai trên tay - bị bắt trong vùng hàng rào giây kẽm gai.
Lúc 1 giờ 45 trưa đang khi cuộc tấn công mặt tiền vào pháo đài hình tam giác bị đánh bật, một cuộc tấn công khác khai triển mặt tây nam. Tại đó, một đơn vị từ tiền đồn phái ra giao tranh với hỏa lực súng nhẹ với các toán quân Việt Cộng hơn năm tiếng rưỡi đồng hồ.
Vào khoảng 9 giờ tối, chu vị quanh Pleime lại trở nên yên lặng. 1.500 quân trú phòng của pháo đài trên Cao Nguyên - dân sự chiến đấu Thượng, quân lính Nam Việt Nam và các cố vấn Mỹ chuyên viên trận chiến rừng rậm - hứng chịu tổn thất nhẹ trong ngày.
Các chiến lược gia Mỹ lấy làm khó hiểu nỗ lực dai dẳng của Cộng Quân tại Pleime. Họ nhìn nhận là họ không ngờ Việt Cộng lại chọn chiến đấu dai dẳng chống lại một tiền đồn nhỏ bé và hẻo lánh.
Một chỉ huy trưởng Mỹ nêu ý kiến là Việt Cộng phải xử dụng các đường mòn trong vùng để xâm nhập người và quân dụng từ Căm Bốt vào Nam Việt Nam. Trại nằm chỉ cách 14 mile từ vùng rừng rú của phía đông bắc Căm Bốt.
Viên sĩ quan này cũng nói là ông tin Việt Cộng vì không đạt được thành quả hiển nhiên mùa thu này, cần tạo một chiến thắng nhãn tiền về mặt tuyên truyền. Có lẽ, ông thêm, Việt Cộng nghĩ là họ có thể tấn chiếm trại Lực Lượng Đặc Biệt cách nhanh chóng và với mất mát tối thiểu không đáng kể.
Bất luận phía Cộng Quân nghĩ gì, cuộc chiến tại Pleime trở nên quan trọng đối với quân đồng minh vì nó cống hiến cho họ một dịp hiếm có giao tranh liên tục với các lực lượng địch thường hay tránh né.
Cuộc tấn công hôm nay gây ngạc nhiên vì đêm qua một đoàn quân tiếp viện Nam Việt Nam đã phá vỡ phòng tuyến của các lực lượng địch quân và tiến tới Pleime. Tưởng là cuộc vây hãm kéo dài một tuần lễ đã chấm dứt.
Các cố vấn Mỹ hiện giờ dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Charles Beckwith, ước lượng lực lượng địch quân khoảng cấp trung đoàn - chừng 2.000 người. Nhiều người trong số đó mặc đồng phục màu ka ki của chủ lực quân Bắc Việt.
Một thượng sĩ Bắc Quân, bị bỏ lại đằng sau vì đau bệnh, bị một toán tuần tiễu bắt hôm nay. Anh ta nói với các thẩm vấn viên là anh ta xâm nhập vào Nam Việt Nam được ba tháng cùng với tiểu đoàn bộ binh của anh ta.
Viên thượng sĩ nói cũng có các đơn vị Cộng Quân khác trong vùng, nhưng không nói rõ là bao nhiêu.
Một phóng viên tháp tùng toán tuần tiễu nói nhiều lính Cộng Quân bị giết trong hầm hố cá nhân và chiến hào bởi bom na-pan thả từ các chiến đấu-phóng pháo cơ.
Bị Trúng Đạn Hai Lần
Một quân nhân Mỹ tóc đỏ, Hạ Sĩ Daniel H. Shea of Roslindale, Mass., thuật lại cách nào anh ta và hai người khác xuất trại đang bị vây hãm thứ tư tuần qua để tìm kiếm những người sống sót của một trực thăng Mỹ bị xạ thủ Việt Cộng bắn hạ.
Cùng với anh ta có Đại Úy Harold H. Moore, quê quán Fayetteville, N.C., lúc đó là trưởng trại và Trung Sĩ Nhất Joseph Bailey, quê quán Oklahoma.
Khi họ lần mò tới ven bụi rậm của phi đạo ngoài trại, một xạ thủ Việt Cộng, hình như trang bị với một ống kính nhắm hữu hiệu bắn trúng Trung Sĩ Bailey hai lần. Anh ta gục xuống mắt đất.
"Chỉ vài phút trước," Hạ Sĩ Shea kể lại, "anh ta mới nói là có thể nguy hiểm nếu lần mò tới chiếc trực thăng đó, nhưng các phi công đã ra công giúp đỡ chúng ta, không lẽ chúng ta lại không đãi ngộ họ."
Trong khi đạn véo véo trên đầu, Hạ Sĩ Shea quỳ xuống trên đầu gối và dùng miệng thực hiện động tác hô hấp nhân tại cho Trung Sĩ Bailey trong khoảng ba phần tư đồng hồ trong khi Đại Úy Moore tìm cách kêu gọi thả khói mù bao che đường rút lui về pháo đài.
Không kêu gọi được khói mù, thành thử Hạ Sĩ Shea, 24 tuổi. cố gắng khuâng vác Trung Sĩ Bailey về nơi an toàn mà không được khói mù bao che.
"Chúng tôi chưa đi được nửa đường thì Bailey lại bị trúng đạn lần nữa," viên lính trẻ nói. "Vài giây sau chúng bắn trúng tay tôi. Bailey tắt thở."
Họ chẳng bao giờ tới được trực thăng Mỹ bị bắn hạ.
Pleime, South Vietnam, Wednesday October 27, 1965
Charles Mohr, Đặc Phóng Viên The New York Times
Vây hãm tại Pleime: Lính Mỹ Thán Phục Địch Quân Lì Lợm
Một tiểu đoàn lính Mỹ nhảy từ trực thăng hôm nay xuống một triền đồi cháy nhám và loang lổ ngoài hàng rào kẽm gai của trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime bị tấn công trong tám ngày qua.
Các toán lính, thành phần của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ dàn quân qua các hố bom và hầm chiến đấu cá nhân chứa đựng tử thi cháy xém của một số du kích quân và tràn vòng qua phía tây trại. Nhưng họ đụng độ rất ít địch quân.
Coi bộ trận chiến Pleime đã thật sự chấm dứt. Nhưng trận chiến cũng đã có vẻ chấm dứt trưa ngày hôm qua khi 17 lính Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, râu ria rậm rạp và áo quần lấm bùn, đang thư giãn quanh tòa nhà trụ sở của họ.
Bỗnh dưng tiếng súng nổ ré lên, và các lính Mỹ, những chuyên viên trận chiến rừng rậm, phải ẩn trú trong một tiếng trong khi khoảng chừng 2.000 đạn súng trường và đại liên bắn phá vào tòa nhà.
Cũng chính những lính Lực Lượng Đặc Biệt mệt mỏi đó đứng trên các công sự chiến đấu ngắm nhìn các toán lính Không Kỵ đáp trực thăng xuống và rồi bắt đầu chất các tử thi của lính Nam Việt Nam lên trực thăng.
Khi tới trại hôm thứ hai bằng trực thăng, một phóng viên hỏi một trung sĩ Lực Lượng Đặc Biệt có thể tìm thấy trưởng trại, Thiếu Tá Charles A. Beckwith, quê quán Atlanta, Ga., ở đâu.
"Khi ông thấy một người thật là to lớn hét hò 'Nhanh chân lên,' thì đó là chính ông ta," người trung sĩ nói.
Cảm tưởng đánh đập mạnh me ̃nhất về Pleime là lòng thán phục sâu đậm của lính Mỹ dành cho địch quân mà trong số đó có hàng trăm lính chủ lực Bắc Việt.
Thiếu Tá Beckwith gọi các toán quân tấn công là "những chiến binh kỳ khôi nhất tôi chưa từng thấy trên thế giới ngoại trừ lính Mỹ."
"Tôi ước chiêu mộ được họ," ông ta nói.
"Tôi ước tôi biết được họ dùng thần dược gì để mà khiến họ chiến đấu dũng mãnh như vậy. Họ thật là quyết chí và nhiệt tâm."
Trận chiến Pleime khởi đầu tối ngày 19 tháng 10 với một cuộc xung phong vào trại hình tam giác, 225 mile đông bắc Sài Gòn, và lực lượng trú phòng gồm 250 dân sự chiến đấu Thượng và chín cố vấn Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ.
Trại cầm cự và ngày thứ sáu được tăng cường bởi thêm 14 lính Lực Lượng Đặc Biệt và khoảng 250 lính Biệt Cách Dù VN. Trong bốn ngày kế tiếp, các toán lính chủ lực quân Bắc Việt trong lực lượng tấn công và quân trú phòng giao tranh nhau ngay ngoài hàng rào giây kẽm gai.
Hôm thứ bảy, một toán lính khác phục kích và tràn ngập một phần một đoàn quân tiếp viện qui mô lính Nam Việt Nam tại năm mile rưỡi trên đường lộ và chận đứng đoàn quân tiếp viện trọn một ngày.
Hai hàng vòng cung hầm hố địa đạo của Pleime được xén từ đất đỏ, và bụi bậm đã biến hình dạng những chiến binh mồ hôi nhuễ nhoại thành hình thù tượng đồng.
Mùi hôi thối của trại bị vây hãm thật là buồn mửa. Mỗi đêm, hàng trăm con chuột lục lạo chạy ngang qua thân thể những quân nhân nằm ngủ, và chí rận bò ngổn ngang trong các bộ chiến y không được giặt rũ.
Thùng thảng trống rỗng đầu đạn và đạn dược và các cánh dù muôn màu rải rác khắp cùng trại.
"Thưa Lại Ông Ta Là Bọn Tôi Đang Lê Lết Chân"
Tối thứ hai, có tin trên đài phát thanh là Tổng Thống Johnson tỏ vẻ "quan ngại" về Pleime và các tướng lãnh tại Sài Gòn mong muốn một báo cáo tình hình mới để chuyển đạt lên tổng thống. Nhiều tiếng cười phát rộ lên.
" Thưa lại tổng thống là bọn tôi đang lê lết chân," một quân nhân nói .
Nhưng tối thứ hai, cường độ hỏa lực địch quân giảm thiếu rất nhiều, và không một người lính Lực Lượng Đặc Biệt nào để tâm tới năm tràng đạn súng không giựt và tám tràng đạn bíck kích pháo nã vào trong trại.
Ngoài những quấy phá lẻ tẻ của địch, các lực lượng yểm trợ còn gây thiệt hại hơn. Chẳng hạn, hai người bị giết khi các kiện hàn thả dù từ trên không rơi trúng vào họ, và một kiện hàng để lại một lỗ hổng to tướng trên nóc phòng ăn sĩ quan.
Trong cuộc vây hãm, các phi cơ thuộc Không Lực, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ thả hàng trăm trái bom gần sát Pleime đến độ mảnh bom vung vãi quanh trại. Hai quân trú phòng bị bom Mỹ gây thương tích.
Nhưng như sĩ quan chỉ huy phó, Thiếu Tá Charles Thompson, quê quán Morristown, Tenn., tuyên bố trong khi ông ấn trốn trong một vụ oanh kích: "Thật là khoái chí! Thật là khoái chí!"
"Không Quân đã cứu vãn trại này," trở nên ý kiến chung.
Nhưng sức mạnh không quân có hạn. Quân trú phòng phần nào hãnh diện vì lẽ các vụ oanh tạc đã không làm cho các họng súng phòng không địch câm nín.
"Lính Việt Cộng ngang nhiên đứng trong hầm và tiếp tục bắn trả lại toàn bộ Không Quân," một người phát biểu.
Hai trực thăng bị bắn hạ bởi hỏa lực súng phòng không địch, và tám lính Mỹ bị giết trên các trực thăng này. Hai chiến đấu-phóng pháo cơ A-1E Skyraider và một phi cơ chụp ảnh thám thính RB-66 bị bắn hạ.
Vào buổi đầu của trận đánh, Trung Sĩ Nhất Joseph Bailey, quê quán Lebanon, Teen., mượn một lá cờ Mỹ nhỏ viền vàng của Hạ Sĩ Eugene Tafoya, quê quán Albuquerque, N.M., và treo lên cột cờ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ của Nam Việt Nam.
"Nếu bị giết thà là bị giết dưới ngọn cờ của chính chúng ta," Trung Sĩ Bailey nói. Một giờ sau, anh ta chết.
Lúc 5 giờ 30 chiều thứ hai đoàn quân xa tiếp viện xuất hiện trên mỏm đồi phía bắc và lăn rầm rộ xuống hướng trại. Các quân trú phòng Thượng và các toán lính Biệt Cách Dù đã tới trại từ thứ sau vỗ tay hoan hô và lấy giải khăn vàng cuốn cổ vẫy mừng.
Các trẻ nít của dân Thượng chơi trong các hầm hay bám sát vào váy mẹ chúng. Hơn một trăm bà vợ và một số đông đảo trẻ thơ và trẻ con lớn hơn đang sống trong các hầm địa đạo cùng với lính dân sự chiến đấu Thượng.
Các con nít được trang bị súng ống. Đặc biệt là một bé trai 12 tuổi tên John, bận đồ lính và mang mũ sắt tay mang súng trường và thắt lưng đeo lủng lẳng lựu đạn.
Sáng thứ hai, một đứa bé trai bị chết cháy trong một công sự súng bích kích pháo. Thế rồi với đoàn quân tiếp viện nhập vào trại chiều thứ hai, chiến trận coi bộ chấm dứt tại Pleime.
Sáng hôm qua, một toán lực lượng đặc biệt và hai đại đội biệt cách dù NVN ngang nhiên xuất trại tiến tới triền đồi phía bắc, nơi từng có sáu ổ đại liên. Trong bốn chuyến xuất trậi trước, lính Mỹ bị giết đồng thời tịch thâu được ba khẩu súng 50 ly, và những người sống sót bị đánh bật trở vào trại mỗi lần.
Họ không hề quên trận đánh ngày thứ bảy khi một lính Việt Cộng đơn phương trồi lên khỏi hầm hố, và xung phong vào hai trung đội lính Thượng với một trái lựu đạn trong tay khiến cho toán lính Thượng tan hàng chạy toán loạn. Chính Thiếu Tá Beckwith đã bắn bảy viên đạn vào lưng tên địch, nhưng ông đã phải nói, "Quả thật là một chiến binh."
Trong cuộc càn quét ngày hôm qua, phát hiện được tử thi của khoảng 40 lính Việt Cộng. Một số tử thi nằm trong các địa đạo hình chữ L cách hàng ràng giây kẽm gai có 40 thước, và không ai có thể cắt nghĩa được làm sao họ có thể đào những địa đạo này mà không bị phát giác.
Trong bụi rậm, quân trú phòng Pleime bắt được một trung đội phó của một trung đoàn Bắc Quân bị bỏ lại sau vì đau yếu. Anh ta run rảy nhưng được đối xử tử tế và được cho một điếu thuốc lá.
Một lính Mỹ nói: "Chúng ta phải đặt để tên này trên bờ tường phía bắc và thảy các toán lính chính phủ ra. Chắc tên này sẽ chống cự nổi một mình. Nếu chúng ta có được hai tên nữa, chúng ta sẽ bảo toàn tất cả các bờ tường."
Cuộc hành quân kết thúc khi thình lình một xạ thủ Việt Cộng nổ súng trúng vào một lính Nam Việt Nam.
Đồng thời, đoàn quân tiếp viện và các lính bộ binh cũng ngang nhiên xuất trại để thực hiện hành quân càn quét phía nam. Nhưng một nhóm du kích quân bắt đầu khai hỏa vào trại, và đoàn quân chiến xa gồm 16 thiết vận xa và khoảng 800 lính bộ binh, buộc phải trở vào lại trại mặc dù lực lượng địch quân chỉ ít ỏi nhưng ẩn núp kiên cố.
Năm cố vấn Mỹ khiêng các lính bị thương vào trại, một thương binh chết.
Tử thi của 19 lính NVN và nhiều thương binh được đưa vào trại. Coi bộ cuộc vây hãm trại Pleime chưa chấm dứt.
Vào buổi chiều, Việt Cộng thỉng thoảng bắn tỉa lính NVN.
Khi các trực thăng cứu thương bắt đầu tới, bác sĩ Lực Lượng Đặc Biệt, Đại Úy
Lanny Hunter, quê quán Abilene, Tex., phải ngăn cản không để những kẻ mà ông gọi là "thương binh cười trừ" và ngay cả lính NVN lành lặn leo lên trực thắng chiếm chỗ của các thương binh trầm trọng.
Đêm lại trở lại tương đối yên lặng với chỉ năm loạt đạn bích kích pháo nã vào trại. Hôm nay, Hạ sĩ Leo Drake, một y tá cao lêu nghêu, chui đầu ra khỏi nhà bếp lúc sáng tinh sương trong tay cầm một tô cà phê nóng hổi và la lên, "Xin chào tất cả, những người tốt số của trại Pleime!"
Trong khi chỉ phát hiện được có 40 tử thi lính Việt Cộng, chắc địch quân còn chết nhiều hơn thế nữa.
Lính NVN nói đếm được 124 xác chết sau trận phục kích đoàn quân tiếp viện thứ bảy vừa qua, và lính Mỹ đều nhìn nhận con số này tuy chính mắt họ không thấy.
Sài Gòn báo cáo hoàn toàn sai là thân xác Việt Cộng "nằm vắt ngang trên hàng rào kẽm gai" tại Pleime và chỉ khiến quân trú phòng trại phá lên cười.
Tổn thất phía chính phủ nhiều nhưng ít hơn tổn thất phía Việt Cộng khá bộn.
Saigon, Vietnam, Saturday October 30, 1965 (Associated Press)
Việt Cộng Đột Kích Trại Pleime
Việt Cộng tấn cộng trại Lực Lượng Đặc Biệt tại Pleime tối qua với hỏa lực bích kích pháo và súng nhẹ, một phát ngôn nhân quân sự Mỹ báo cáo.
Lực lượng địch, ước lượng khoảng từ 35 đến 50 người, nã 10 đợt bích kích pháo vào trại và duy trì hỏa lực súng nhẹ lẻ tẻ sau nửa đêm.
Saigon, South Vietnam, November 16, 1965
Charles Mohr, Đặc Phóng Viên The New York Times
3 Tù Binh Nói Về Trợ Giúp Từ Trung Quốc
Lính Bắc Việt Cũng Nói Dân Miên Giúp Đỡ Họ
Tù binh Bắc Việt nói hôm nay là các đơn vi ̣họ tiếp nhận sự trợ giúp từ lính Miên trong khi xâm nhập vào Nam Việt Nam và mỗi trung đoàn xâm nhập có một cố vấn Trung Cộng.
Các tù binh này, bắt được gần trại Pleime vào cuối tháng mười và đầu tháng này, xuất hiện tại một buổi họp báo tại Sài Gòn ngày hôm nay.
Một tù binh nói là dân chúng Bắc Việt "thù ghét Mỹ" vì các cuộc oanh tạc thường nhật nhắm vào Bắc Việt.
Những người thanh niên này, bận quân phục ka ki rẻ tiền, quả quyết là các trung đoàn của họ đi qua Căm Bốt đến vùng Pleime, trung phần Việt Nam. Một người, Nguyễn Xuân Liên, nói trung đoàn anh ta tiếp nhận gạo và trợ giúp khác từ các lính địa phương quân Miên.
Chính phủ Căm Bốt gắng sức chối bỏ là Bắc Quân xử dụng lãnh thổ Căm Bốt như vùng tập trung quân, và đặc biệt là Chính Phủ Căm Bốt giúp đỡ họ.
Nhắc Tới Báo Cáo Quá Khứ
Lời xác định là các cố vấn Tàu hiện diện trong các đơn vị chủ lực quân Bắc Việt tại Nam Việt Nam nối tiếp báo cáo bởi một trung sĩ Lực Lượng Đặc Biệt là anh ta thấy một tử thi Tàu gần Pleime tháng vừa qua.
Một phát ngôn nhân chính thức Mỹ bàn luận là "chúng tôi không có một ý thức rõ rệt về các cố vấn Tàu, nhưng điều đó rất có thể có." Còn đối với nhận định về Căm Bốt, phát ngôn nhân nói là ai cũng biết là một số các đơn vị Bắc Việt xâm nhập vào Nam Việt Nam từ quốc gia đó nhưng ông không rõ là họ có tiếp nhận sự giúp đỡ không.
Lính Bắc Quân xuất hiện tại buổi họp báo có tóc húi cua và có vẻ dụt dè và e thẹn khi quân cảnh dẫn độ họ vào phòng họp. Nhưng chỉ sau vài phút là họ ăn nói liến thoắn.
Ngoài Liên ra, hai người kia là Hoàng Văn Chung, 27 tuổi, một hạ sĩ trong một đơn vị quân y thuộc Trung Đoàn 32 Bắc Việt, và Trần Ngọc Lương, cao, da vàng bủng, 20 tuổi là một y tá thuộc Trung Đoàn 33. Liên, 25 tuổi, là một hạ sĩ và tiểu đội trưởng trong một đơn vị mà anh ta gọi là Trung Đoàn 2.
Liên và Lưỡng đều quê quán tại làng xã trong Tỉnh Quảng Bình, Bắc Việt và Chung quê quán Nam Định. Lương bị lính Mỹ bắt tại phía tây Pleime khi bệnh viện dã chiến của anh ta bị các đơn vị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ chiếm cứ. Hai người kia được liệt kê vào thành phần hồi chánh viên vì không như tù binh thường họ đã tự ra đầu thú.
Cả ba nói là trước khi rời Bắc Việt trong tháng hè năm nay họ được cho biết là ba phần tư Nam Việt Nam đã được "giải phóng" và họ đi vào để chống lại Mỹ "xâm chiếm" Miền Nam.
Họ nói là họ thấy lính Việt Mỹ được trang bị khá hơn họ và phương tiện chuyển vận nhanh hơn họ và đời sống trong rừng rất nghiệt ngã.
Pleime, South Vietnam, December 4, 1965
Hanson W. Baldwin, Đặc Phóng Viên The New York Times
Đồn Lũy Tang Thương Tại Pleime Được Củng Cố Lại Như Mới
Các hố bom bên ngoài hàng rào kẽm gai của trại vẫn loang lổ trên mặt đất và các cây cối trong rừng rậm còn mang dấu tích nhám cháy của các trái sáng được thả dù xuống.
Nhưng những đoạn giây kẽm gai bị cắt đứt đã được thay thế, các gia đình của lính Thượng đã trở lại trại Lực Lượng Đặc Biệt và căn cứ mà bao nhiêu người đã chết xung quanh mới đây đã hồi phục tráng kiện hơn bao giờ hết.
Cuộc chiến khốc liệt bắt đầu cuối tháng 10 với việc vây hãm Pleime có thể là chung quyết đối lại nỗ lực khống chế vùng Cao Nguyên của Việt Cộng với ý đồ chia cắt Nam Việt Nam làm hai.
Dù gì đi nữa, các trận đánh là cao đỉnh của chiến dịch trong năm này của Việt Cộng, với sự trợ lực của các đơn vị mạnh của Bắc Quân, để chiếm cứ các thủ phủ quận trong vùng Quân Đoàn II, để đe dọa Pleiku và khống chế Quốc Lộ 19, con đường chiến lược trên Cao Nguyên.
Đầu mùa mưa, các nỗ lực này đạt được thành quả. Các tỉnh thành lần lượt rơi vào tay Cộng Quân. Các vùng Việt Cộng lấn chiếm càng ngày càng rộng thêm. Chỉ có sức chống cự kiên cường của các trại Lực Lượng Đặc Biệt như tại Pleime và Đức Cơ và sự xuất hiện của Sư Đoàn 1 Không Kỵ, với các trực thăng, mới giúp phía Nam Việt Nam thay đổi thủy chiều.
Cuộc chiến đấu dành giựt Cao Nguyên còn lâu mới chấm dứt. Địch sẽ trở lại từ các căn cứ bí mật trong vùng rừng rậm bên kia biên giới Căm Bốt.
Đại Úy Harold M. Moore, một sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt quê quán Pekin, Ill., chỉ huy toán bảy chuyên viên chiến trận rừng rậm trong cuộc vây hãm. Anh ta vẫn chỉ huy và vui vẻ.
Đại Úy Moore và trưởng trại, Đại Úy Trần Văn Nhân, hãnh diện khoe công cuộc phòng thủ trại và các dân sự chiến đấu Thượng. Một số người Thượng vẫn còn mang thương tích; vài người chỉ mới 12 tuổi không tỏ vẻ gì sợ Việt Cộng tấn công.
Bên ngoài hàng rào kẽm gai, xa hơn bãi mìn Claymore và các địa đạo cùng chòi canh là những tàn tích cháy xám của một làng mạc nơi trú ngụ của các gia đình của một số chiên binh trong trại.
Một thân máy bay A-1E Skyraider đổ nát bị bắn hạ trong trận đánh nằm trên một ngọn đồi kế cạnh. Các thùng thảng súng đạn của địch rải rác trên mắt đất. Các đồi núi loang lổ các hố bom và rừng cây cháy xám nơi bom na-pan trải thảm.
Nhưng lá cờ vàng ba sọc đỏ vẩn phất phới tại trại Pleime, và doanh trại tráng kiện hơn sau cuộc vây hãm. Căn cứ đã hụp lặn xuống lòng đất - các doanh trại và các vị trí súng ống được các lớp bao cát và đất sét đỏ che đậy.
Tại Đức Cơ, nơi một nửa doanh trại là Việt Nam và một nửa Thượng, tình trạng cũng thế. Tiền đồn cường tráng hơn trước, và các toán tuần tiễu tiến sâu vào các rừng rậm.
Dân chúng di cư đã trở lại. Các làng mạc lại được thiết lập tại các vùng đất gần biên giới Căm Bốt.
Các bài báo được rút tỉa từ The New York Times on line
ngày 22 tháng 8 năm 2007
Tài liệu tham khảo
- Chính
- Sách báo
* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.
* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.
* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.
* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.
* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.
- Việt Cộng
generalhieu.com
|
|