Các Thế Chiến Thuật Trong Trận Pleime

Thoạt tiên, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân ra chỉ thị cho Mặt Trận B3 Tây Nguyên chinh phục vùng Cao Nguyên bằng cách chiếm cứ thành phố Pleiku, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II vào cuối năm 1965 hay đầu năm 1966. Để có đủ lực lượng thực hiện kế hoạch này, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân tăng cường thêm cho hai Trung Đoàn 32 và 33 đã có mặt tại vùng Cao Nguyên với Trung Đoàn 66 thuộc Sư Đoàn 304. Trung Đoàn 66 xuất trại vào ngày 15 tháng 8 năm 1965 và dự tính theo đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập vào Nam Việt Nam và vào tới Cao Nguyên khoảng tháng 12 năm 1965.

Nhưng khi thấy Mỹ bắt đầu đưa Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ tới hải cảng Qui Nhơn vào đầu tháng 10 để chuẩn bị lên vùng Cao Nguyên tăng cường cho Quân Đoàn II, Mặt Trận B3 Tây Nguyên được lệnh thi hành Chiến Dịch Đông Xuân nội trong tháng 10 trước khi quân lính của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ sẵn sàng xung trận, mặc dù Trung Đoàn 66 mới đi được có nửa đường và nếu có hối thúc nhanh chân lên cũng phải đến đầu tháng 11 mới tới hậu cứ Chu Pong- Ia Drang. Do đó, Mặt Trận B3 Tây Nguyên đành phát động chiến dịch Plây Me với một lực lượng yếu kém hơn gồm hai đơn vị chủ lực chính là Trung Đoàn 32 và 33.

Trước hết, Đại Tá Hà Vi Tùng, Tham Mưu Trưởng Mặt Trận B3 Tây Nguyên dùng thế chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện" nhằm phân tán mỏng lực lượng đối phương với hai mặt trận (diện); mặt trận thứ nhất tại Quận Hoài Ân, Tỉnh Bình Định, và mặt trận thứ hai tại Plei Me; điểm là Pleiku.

Với cuộc tấn công tại Quận Hoài Ân, Đại Tá Tùng trói chân Chiến Đoàn 1 Dù là lực lượng trừ bị chính của Quân Đoàn II, và buộc Quân Đoàn II phải trưng dụng hết các trực thăng của 119th Helicopter Battalion cho công cuộc chuyển vận quân cho cuộc hành quân phản công mang tên Thần Phong 6 này.

Sở dĩ Đại Tá Tùng chọn Plei Me, cách xa Pleiku 40 cây số làm địa điểm mặt trận thứ hai với lý do chính là nó nằm ngoài tầm tác xạ của các khẩu đại bác đặt tại Pleiku để ngăn ngừa Quân Đoàn II dùng tới thế chiến thuật "tiền pháo hậu xe".

Kế hoạch của Đại Tá Tùng gồm bốn giai đoạn: (1) vây hãm trại Pleime với Trung Đoàn 33 để buộc Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, phải gửi quân tiếp viện đến giải cứu trại; (2) dùng Trung Đoàn 32 lập ổ phục kích để tiêu diệt đoàn quân tiếp cứu; (3) tiếp sau đó Trung Đoàn 32 sẽ hiệp lực với Trung Đoàn 33 triệt hủy trại Pleime; (4) cuối cùng hai Trung Đoàn 32 và 33 sẽ hiệp lực với Trung Đoàn 66 tới sau để thanh toán thành Pleiku. Trong kế hoạch này, Đại Tá Tùng dùng thế "công đồn đả viện".

Để buộc Đại Tá Hiếu phải dùng đường bộ đến tiếp cứu trại, chứ không dùng được đường hàng không, Đại Tá Tùng dùng hai đại đội của Tiểu Đoàn Súng Phòng Không 14,5 ly bố trí quanh trại Pleime để bắn hạ các trực thăng chuyển vận quân đến tiếp cứu trại. Như vậy sẽ dễ dàng đánh tan quân tiếp viện hơn và tiêu hao lực lượng của Quân Đoàn II nhanh chóng hơn.

Tại địa điểm phục kích, để tránh quân mai phục bị thiệt hại bởi các cuộc oanh tạc và pháo tập trước khi đoàn quân tiếp viện xuất hiện, như từng bị tại trận Đức Cơ vào tháng 8 mới đây, lần này Đại Tá Tùng dùng thế phục kích di động, tức là cho quân phục kích tập hợp tại một địa điểm tập trung quân không mấy xa địa điểm phục kích, và chỉ phái quân phục kích tới địa điểm mai phục trước đoàn quân tiếp cứu sớm hơn một tí mà thôi.

Đại Tá Tùng cũng đã tính rất kỹ là Đại Tá Hiếu sẽ không thu gom được một lực lượng lớn hơn một trung đoàn để địch lại Trung Đoàn 32 (có khoảng 2.200 quân), không những không phá vỡ nổi ổ phục kích mà còn bị xơi tái một cách dễ dàng. Đại Tá Tùng cũng dự kiến là quá lắm là Đại Tá Hiếu sẽ được Mỹ yểm trợ cho một hai tiểu đoàn lính Mỹ, như trong trận Đức Cơ được vài đơn vị của Lữ Đoàn 173 Dù Mỹ tới bảo vệ thành Pleiku.

Đại Tá Tùng tính toán kỹ chắc ăn như vậy, coi bộ Đại Tá Hiếu khó lòng mà hóa giải các thế chiến thuật của đối thủ mình được. Tưởng chừng chỉ cần ba nước cờ là chiếu bí được đối thủ. Không ngờ Đại Tá Hiếu lại cao tay ấn hơn và dễ dàng phá vỡ từng nước cờ một của Đại Tá Tùng một cách không mấy khó khăn.

Trước hết dựa vào sự diễn tiến của các cuộc tấn công trước - Thuần Mẫn (29/6-1/7), Quốc Lộ 19 (16-25/7), Đức Cơ (3-18/8), Quốc Lộ 21 (19/8-2/9), Phủ Cừ, Bồng Sơn, Phủ Lý (23/9-2/10), khi Việt Cộng đồng loạt tấn công một lúc trại Pleime và Quận Hoài Ân (Bình Định), Đại Tá Hiếu suy đoán ngay là Đại Tá Tùng áp dụng chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện", với Pleiku là điểm, Pleime là diện chính và Hoài Ân là diện phụ, nên kêu gọi Tướng Vĩnh Lộc đang có mặt tại Bình Định chỉ huy cuộc hành Quân Thần Phong 6 phản kích cuộc tấn công của địch tại Quận Hoài Ân, trở lại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II.

Khi nhận thấy Việt Cộng tấn công trại Pleime với một trung đoàn mà không đánh dứt điểm ngay, Đại Tá Hiếu suy đoán ngay là Đại Tá Tùng dùng chiến thuật "công đồn đả viện", ̣đánh đồn cầm chừng để nhử quân chủ lực ra khỏi thành Pleiku để dễ dàng tiêu diệt. Và khi nhận xét thấy Đại Tá Tùng dùng Trung Đoàn 33 là một trung đoàn chưa có kinh nghiệm chiến đấu vì mới xâm nhập vào vùng Cao Nguyên có vài tháng để tấn công trại Pleime và dùng Trung Đoàn 32 là một trung đoàn thiện chiến có mặt tại chiến trường Cao Nguyên từ tháng Giêng năm 1965 và từng tham dự các trận đánh thực hiện tại Kontum và Pleiku, tỉ như Plei Kleng (3/65), Lệ Thanh (6/65) và Đức Cơ (8/65), để thiết lập ổ phục kích, Đại Tá Hiếu kết luận ngay là trọng tâm tấn công của Đại Tá Tùng là lực lượng tiếp cứu rồi thứ đến mới tới trại Pleime.

Để khiến Đại Tá Tùng tưởng mình bị trúng kế, Đại Tá Hiếu thu góp đoàn quân tiếp cứu ngay ngày hôm sau cuộc tấn công vào trại và đồng thời vào sáng cùng ngày phái một toán hỗn hợp lực lượng đặc biệt Mỹ Việt tới trại bằng trực thăng, ngỏ ý cho Đại Tá Tùng lầm tưởng là đoàn quân tiếp cứu sẽ tìm cách nối kết với toán lực lượng đặc biệt vào chiều ngày 21/10.

Toán lực lượng đặc biệt Mỹ Việt được thả xuống cách trại 5 cây số với hai mục đích: một là lượng định thế điều quân của Đại Tá Tùng quanh trại và hai là khiến cho quân trú phòng an tâm là không bị Quân Đoàn bỏ rơi. Khi toán lực lượng đặc biệt Mỹ Việt trên đường lần mò tới trại khám phá vài ổ súng phòng không xây đắp rất kiên cố và địch quân trải mỏng xung quanh trại để tránh bị phi pháo gây thiệt hại, Đại Tá Hiếu suy đoán là Trung Đoàn 33 có nhiệm vụ ngăn cản không cho phép mình tiếp cứu trại bằng trực thăng và buộc mình phải đến tiếp cứu bằng đường bộ.

Khi nhờ các toán trinh sát báo cáo cho biết là chưa thấy Việt Cộng thiết lập sẵn ổ phục kích ngày 21/10, Đại Tá Hiếu suy đoán Đại Tá Tùng dùng chiến thuật phục kích di động để tránh quân phục kích bị các cuộc tiền phi pháo gây thiệt hại tiếp sau bài học của cuộc phục kích tại Đức Cơ tháng 8 trước đây, Đại Tá Hiếu ra lệnh cho đoàn quân tiếp cứu của Đại Tá Luật lai vãng quanh vùng Phù Mỹ chứ không trực chỉ ngay tới trại Pleime, chờ địch tiến xuất đầu lộ diện tại địa điểm phục kích trước.

Đồng thời Đại Tá Hiếu cũng cần thời gian để các trực thăng của Tiểu Đoàn 119 Trực Thăng Mỹ đang trưng dụng chuyển quân cho cuộc hành quân thi hành nhiệm vụ xong rồi mới rảnh tay xoay qua chuyển vận Tiểu Đoàn 1/42 từ Kontum xuống tăng cường cho Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Tiếp Cứu đang chỉ có 1,000 quân lính chưa đủ mạnh để đương đầu với lực lượng phục kích của Trung Đoàn 32 địch.

Đại Tá Hiếu cũng cần đợi sự ưng thuận của Bộ Tự Lệnh US Task Force Alpha Mỹ đem quân Mỹ tới bảo vệ phi trường và thành phố Pleiku thay cho Tiểu Đoàn 22 Biệt Động Quân có thể tăng cường cho Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Tiếp Cứu, nhẩy xuống phía nam ổ phục kích gây nên thế gọng kìm ép lấn Trung Đoàn 32 vào giữa. Và chỉ đến khi được các toán trinh sát mật báo là các đơn vị của Trung Đoàn 32 bắt đầu di chuyển từ các địa điểm tập trung quân tiến tới các vị trí phục kích, Đại Tá Hiếu mới ra lệnh cho Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Tiếp Cứu chuyển bánh dời Phù Mỹ tiến về hướng trại Pleime trên Quốc Lộ 5B.

Ngoài ra Đại Tá Hiếu cũng nhờ tới khả năng của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ mới tới vùng Cao Nguyên dùng trực thăng khổng lồ để chuyên chở các khẩu đại bác (của Pháo Đội B/Tiểu Đoàn 2/17 Pháo Binh) đến Phù Mỹ để có thể thực hiện chiến thuật "tiền pháo hậu xe", điều mà Đại Tá Tùng không thể ngờ tới khi lập kế hoạch phục kích. Quả thật vậy, khi Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Tiếp Cứu đi được nửa đoạn đường gần tới ổ phục kích, Đại Tá Hiếu ra lệnh cho Đại Tá Luật dừng chân Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Tiếp Cứu lại để phi pháo thi hành nhiệm vụ bắn phá tiêu diệt các vị trí phục kích trước khi tiếp tục tiến quân tới trại. Thất bại trong kế hoạch triệt tiêu lực lượng quân tiếp viện, Đại Tá Tùng phải ra lệnh cho Trung Đoàn 32 rút quân về hậu cứ Chu Prong, và bỏ dự tính hiệp lực cùng Trung Đoàn 33 tấn công trại. Đồng thời Trung Đoàn 33 cũng được lệnh rút quân theo Trung Đoàn 32.

Sau khi gỡ được thế nước cờ bí, đến lượt Đại Tá Hiếu đi đường quyền tấn công lại Đại Tá Tùng.

Trong quá khứ, sau khi giải cứu được đồn, Đại Tá Hiếu không có điều kiện để truy đuổi theo địch quân. Nhưng lần này, nhân cơ hội Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ mới tới vùng Cao Nguyên với phương tiện hiện đại dồi dào về trực thăng đủ loại, Đại Tá Hiếu thuyết phục được giới quân sự cao cấp Mỹ cho phép phía Mỹ hiệp lực với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II mở chiến dịch truy lùng địch đến tận hậu cứ Chu Prong với Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ làm lực lượng chính và Lữ Đoàn Dù VN làm lực lượng trừ bị. Đại Tá Hiếu cung cấp các toán Lực Lượng Đặc Biệt Dù tháp tùng mọi nhóm kỵ binh Mỹ xuất hành đi lùng kiếm địch. Đồng thời, Đại Tá Hiếu chia xẻ mọi tin tức tình báo của ban tham mưu Quân Đoàn II thâu lượm được về tung tích địch quân từ các đài kiểm thính, các toán trinh sát Lực Lượng Đặc Biệt Dù và các lời khai của các tù binh và hàng binh Việt Cộng.

Thoạt đầu, Đại Tá Hiếu đề nghị các toán Eagles Flights của Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ dồn đuổi địch quân từ đông sang tây, tức là từ trại Pleime tới chân rặng núi Chu Prong. Tiếp đến khi biết cả quân lính của ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 đóng quân tập trung tại thung lũng Ia Drang, với Trung Đoàn 66 tại phía nam sông Ia Drang và Trung Đoàn 32 tại phía bắc sông Ia Drang và Trung Đoàn 33 tại phía tây của rặng núi Chu Prong, Đại Tá Hiếu đề nghị với Tướng Kinnard dùng thế nghi binh, ra lệnh cho Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Mỹ thay thế cho Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ xoay chiều hướng hành quân từ tây sang đông, tức là từ chân rặng núi Chu Prong trở lui ngược lại về trại Pleime, khiến cho Đại Tá Tùng lầm tưởng quân lính Mỹ đánh mất tăm hơi quân lính của mình. Tưởng thật vậy nên Đại Tá Tùng đặt kế hoạch giai đoạn hai cho chiến dịch Plây Me tấn công lần thứ hai trại Pleime. Lần này, Đại Tá Tùng dùng cả ba Trung Đoàn 32, 33 và 66 với sự yểm trợ của một tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14,5 ly trên đường xâm nhập sẽ đến kịp ngày N định vào ngày 16/11. Và lần này Đại Tá Tùng tính sẽ đánh dứt điểm ngay trại chứ không còn dùng thế "công đồn đả viện".

Đại Tá Tùng không ngờ là Đại Tá Hiếu ra ngón quyền cước tấn công trước hai ngày, tức là vào 14/11, với Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Mỹ lộn đầu trở lại hướng tây và nhảy xuống ngay tại phía đông chân rặng Chu Prông. Tuy bị đánh bất ngờ, nhưng Đại Tá Tùng cũng ráng tung các tiểu đoàn của Trung Đoàn 66 ra ngênh chiến Tiểu Đoàn 1/7 Kỵ Binh Mỹ của Trung Tá Hal Moore.

Đại Tá Hiếu nhận xét thấy Đại Tá Tùng không còn có trong tay các súng cộng đồng nặng hạng và súng phòng không đặt để trên sườn núi ngó xuống bãi đáp X-Ray để yểm trợ hữu hiệu cho cuộc phản công bộ chiến của các đơn vị thuộc Trung Đoàn 66. Đại Tá Hiếu suy đoán là các loại súng này đã bị hủy hoại hay mất mát trong giai đoạn một tấn công trại Pleime của chiến dịch Plây Me. Thật là may cho Tiểu Đoàn 1/7 Kỵ Binh Mỹ, nếu không, cuộc đổ quân sẽ gặp khó khăn vì hầu hết các trực thăng sẽ bị súng phòng không VC từ trên sường núi bắn hạ và đội hình của các đại đội thuộc Tiểu Đoàn 1/7 Kỵ Binh Mỹ sẽ bị đánh dập bởi bích kích pháo VC từ trên sườn núi nhắm bắn chính xác trước khi quân lính bộ đội xung phong vào các tuyến phòng thủ. Thay vào đó, Đại Tá Hiếu nhận xét thấy Đại Tá Tùng buộc phải dùng tới chiến thuật "biển người".

Ngoài cuộc tấn công của các đơn vị thuộc Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Mỹ, Đại Tá Hiếu còn phối hợp với Không Quân Mỹ dùng phóng pháo cơ chiến lược B-52 thực hiện mỗi ngày năm phi xuất trải thảm bom tại rặng núi Chu Prong từ ngày 15/11. Đến ngày 17/11, bãi đáp X-Ray cũng trở nên mục tiêu cho các B-52.

Ngày 17/11, Đại Tá Hiếu ước tính quân số bị loại ra khỏi vòng chiến của Đại Tá Tùng lên tới 6.000 chiến sĩ, khoảng 2/3 tổng số sung vào chiến dịch Plây Me, trong số này, Trung Đoàn 33 là chịu thiệt hại nhiều nhất, thứ đến Trung Đoàn 66, còn Trung Đoàn 32 thì tránh né đụng độ với các đơn vị của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ trong giai đoạn truy kích địch. Nếu xét khoảng 400 quân sĩ Việt Cộng bị loại khỏi vòng chiến quanh trại Pleime và tại địa điểm phục kích qua cuộc hành quân Dân Thắng 21 , khoảng 1000 qua cuộc hành quân All The Way, khoảng 2300 tại bãi đáp X-Ray và bãi đáp Albany qua cuộc hành quân Silver Bayonet thì có thể suy ra là các pháo đài B-52 đã giết hại khoảng 2000 Việt Cộng.

Vì hai Tiểu Đoàn 334 và 635 còn lại của Trung Đoàn 32 nằm tại vùng phía bác sông Ia Drang và gần biên giới Căm Bốt, nên không tiện để quân Mỹ tiến sát tới vùng biên giới có thể gây tranh chấp về mắt chính trị quốc tế. Do đó, Đại Tá Hiếu quyết định dùng Lữ Đoàn Dù VN để thực hiện cú quyền cước cuối cùng để triệt hạ đối thủ.

Trước hết, Đại Tá Hiếu nhờ Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ đặt một căn cứ hỏa lực pháo binh mới (với Pháo Đội C/Tiểu Đoàn 2/17 Pháo Binh) tại bãi đáp Crooks phía bắc sông Ia Drang để yểm trợ cho cuộc hành quân Thần Phong 7 truy lùng hai tiểu đoàn cuối cùng của Đại Tá Tùng. Thứ đến, Đại Tá Hiếu chuyển vận toàn bộ Lữ Đoàn Dù rải rác tại Sài Gòn, Biên Hoà, Vũng Tàu và Phú Yên đến một địa điểm nằm phía bắc sông Ia Drang, với sứ mạng dồn hai tiểu đoàn này tới ổ phục kích thiết lập tại hành lang duy nhất còn lại để đào tẩu sang Căm Bốt. Lữ Đoàn Dù, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Ngô Quang Trưởng, thực hiện được hai cuộc phục kích: một ngày 20/11 lúc 1440 giờ (khoảng 200 VC bị giết), và hai ngày 24/11 lúc 0945 giờ (khoảng 65 VC bị giết).

Trận đánh Pleime với ba giai đoạn Pleime-ChuProng-IaDrang chấm dứt chiều ngày 26 tháng 11 năm 2009.

Trong cuốn Why Pleime, Đại Tá Hiếu đã so sánh trận Điện Biên Phủ và trận Pleime về mặt chiến thuật như sau:

Trận đánh Điện Biên Phủ chấm dứt cuộc chiến Đông Dương (1947-1954) kéo dài hai tháng nhưng chỉ là một cuộc vây lấn một cứ điểm tại lòng chảo Điện Biên Phủ.

Trận đánh Pleime với nhiều khác biệt trên nhiều phương diện chiến thuật: Bao bọc, Chống phục kích, Giải tỏa, Truy đuổi, Phục kích, Khai thác, Tấn công và tiêu diệt, hẳn là trận đánh to lớn nhất từ mấy năm sau này.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 16 tháng 04 năm 2009

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu