Những Điều VC Dấu Nhẹm Quanh Trận Pleime

Cộng Sản Việt Nam (Việt Cộng) không muốn ai biết ba điều quanh trận đánh Pleime: ṃột là không có quân lính Bắc Việt xâm nhập vào Nam Việt Nam; hai là không có cố vấn Trung Cộng; và ba là không có chuyện bộ đội bị xích chân vào súng đại liên.

Lính Quân Đội Nhân Dân/Lính Quân Giải Phóng Miền Nam

Nhằm mục đích đánh lừa dư luận quốc tế là Cộng Sản Bắc Việt không có ý định xâm chiếm Nam Việt Nam bằng vũ lực quân sự, quân lính của Quân Đội Nhân Dân khi được phái vào Nam phải trá hình thành lính của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, gọi tắt là Quân Giải Phóng, phía VNCH và Hoa Kỳ gọi là Việt Cộng.

Tướng Nguyễn Nam Khánh, trong cuốn hồi ký của ông, kể lại là khi Sư Đoàn 304 được lệnh vào Tây Nguyên, Nam Việt Nam để hiệp lực với Trung Đoàn 32 và 33 tiến chiến Pleime-Pleiku, ông, khi đó là Thượng Tá Chính Ủy viên sư đoàn, được triệu tới Bộ Tổng Tư Lệnh cùng với Đại Tá Hoàng Kiện, Tư Lệnh Sư Đoàn 304 nhận lệnh ngày 15 tháng 8 năm 1965. Trước khi chia tay, Trung Tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái căn dặn:

"Bộ đã chính thức ký quyết định điều sư đoàn 304 (thiếu) tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên, nhưng do yêu cầu phải giữ bí mật về danh chính ngôn thuận và về thủ tục hành chánh không thể trao tay quyết định cho các đồng chí được đã đưa vào cơ quan lưu trữ của Bộ. Nhưng trong thực tế từ giờ phút này các đồng chí đã thuộc quân số Quân giải phóng miền Nam. Chúc các đồng chí lên đường thắng lợi. Hy vọng sớm nhận được chiến công của các đồng chí trong đó gửi ra.

"- Sự tế nhị về chính trị là như vậy, không có cách nào khác. Anh kết luận.

"- Dạ, chúng tôi hiểu. Anh Hoàng Kiện đáp lại.

Cố Vấn Trung Cộng Tại Chiến Trường Pleime

Cách chung Cộng Sản Bắc Việt cũng không muốn dư luận quốc tế biết họ được Trung Cộng yểm trợ trong trận đánh lớn cấp trung đoàn đầu tiên tại Pleime, nhất là cố vấn Trung Cộng hiện diện tại chiến trường Pleime.

Theo Tướng Moore, trong cuốn We Were Soldiers Once … and Young, nơi trang 63, toán kiểm thính điện đài thuộc Quân Đoàn II, nghe lóm được một bản tường trình tình hình chiến sự thảo bằng tiếng Quan Thoại, phát đi từ dưới chân núi Chu Prông. Điều này cho thấy sự hiện diện của cố vấn Trung Cộng tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương B3.

Rất có thể là cố vấn Trung Cộng làm việc với Bộ Tư Lệnh Tiền Phương B3 tại Chu Prông gửi báo cáo tình hình chiến trường cho các cố vấn Trung Cộng có mặt tại Pnom Penh. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II qua cuốn Why Pleime tiết lộ:

Nếu không có gạo Căm Bốt, nếu không có sự hiện diện của cố vấn Trung Cộng tại Pnom Penh, nếu không có sư thông thương giữa Hà Nội và thủ đô Khơ Me, các vụ xâm nhập của các đơn vị Việt Cộng từ Bắc Việt sẽ không thể xảy ra và khai triển thêm.

Ngoài ra, trong tờ trình báo cáo hoạt động của ban G-5, phòng chiến tranh tâm lý, Thiếu Tá Horace E. Jordan gửi cho Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II và Cố Vấn G-5, có ghi sự hiện diện của cố vấn Trung Cộng tại vùng Pleime:

Ngày 22 tháng 10, ban S-5, Det C-2 yêu cầu giải truyền đơn, dựa trên báo cáo tình báo từ Plei Me xác nhận là có cố vấn Trung Cộng tại chiến trường và một xác chết Việt Cộng bị xích vào đại liên.

Trong một cuộc họp báo quân ngày 16 tháng 11 năm 1965 tại Sài Gòn, ba tù binh Việt Cộng bắt được trong chiến dịch Pleime tiết lộ là mỗi trung đoàn Bắc Quân xâm nhập Nam Việt Nam có một cố vấn Trung Cộng tháp tùng.

Việt Cộng Bị Xích Chân Vào Vũ Khí

Hiện tượng một cán binh bị xích chân vào đại liên nêu trong bản báo cáo của ban tâm lý chiến và vẽ trong lá truyền đơn là do báo cáo của các chiến sĩ phòng thủ trại xông ra trại ghi trong tờ trình của 5th Special Forces Group (Airborne):

Sau khi các đại đội Biệt Cách Dù tới trại ngày 22, công cuộc phòng thủ được điều chỉnh lại ngay lập tức và các trách vụ phân phối lại. Trưa hôm đó lúc 1400 giờ một lực lượng tương đương cỡ ba đại đội gồm Biệt Động Quân và DSCĐ xuất trại để càn quét cao điểm ngoài trại. Một đại úy Biệt Kích Mỹ bị giết và một bị thương trong cuộc hành quân này. Có cả thảy mười một Biệt Động Quân/DSCĐ và một Trung Úy LLĐB bị giết, và 26 Biệt Động Quân/DSCĐ bị thương. Cuộc hành quân trở lui về trong trại lúc 1840 giờ. Trong cuộc hành quân, họ gặp sức kháng cự cuồng tín, và một lính Bắc Quân được chứng kiến bị xích vào một đại liên .50.

Ngoài ra , Why Pleime ghi:

Cuộc càn quét kéo dài đến trưa ngày 27 tháng 10. Ở miệt Nam Trại, gần bên đồi Chu Hô, còn tìm thấy nhiều thây ma và vũ khí. Một số tử thi xạ thủ Việt Cộng bị ràng trói vào các các khẩu đại liên phòng không hạng nặng.

Thông tin về sự kiện cố vấn Trung Cộng và một số cán binh Việt Cộng bị xích chân vào đại liên và súng phòng là khả tin vì nếu không mấy lá truyền đơn sẽ mất đi tính thuyết phục các cán binh Việt Cộng chiêu hồi, nếu chứa đựng những điều không thật. Giả dụ cán binh Việt Cộng biết là không có cố vấn Trung Cộng chỉ huy họ hay không có chiến hữu nào của họ bị xích chân vào đại liên hay súng phòng không, như vẽ trong lá truyền đơn, họ sẽ không tin vào lời hứa ghi trong các lá truyền đơn là họ sẽ được hạnh phúc ấm no. Trong thực tế khoảng 179 hồi chánh viên Việt Cộng đã chịu bỏ hàng ngũ qui hàng do tác động của chiến dịch thả truyền đơn.

Bản báo cáo của ban tâm lý chiến ghi là

- Ngày 24 tháng 10: từ1900-2200 giờ, 70.000 lá truyền đơn được giải xuống Plei Khote, núi Chugo, vùng Bắc trại Pleime.

- Ngày 25 tháng 10: từ 1500-1730 giờ, 50.000 lá truyền đơn được giải xuống vùng Plei Bu Can, Thang Ban và Bắc trại Pleime.

- Ngày 25 tháng 10: từ 1930-21000 giờ, 30.000 lá truyền đơn được giải xuống quanh trại Pleime và phía Bắc Plei Bu Can, Thang Ban.

- Ngày 27 tháng 10: từ 1900-2100 giờ, 20.000 lá truyền đơn được giải xuống vùng Plei Rede và vùng phía Tây trại Pleime.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 31 tháng 03 năm 2007

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu