Phê Bình Nhận Xét của Tướng Bùi Nam Hà về Chiến Dịch Plâyme

Trong cuốn sách, Chiến thắng Plây Me: ba mươi năm sau nhìn lại: tài liệu hội thảo khoa học(*)), Thiếu Tướng Bùi Nam Hàh lên tiếng góp ý với bài, Từ Plây Mê-Ia Đrăng đến Sa Thầy, Đắc Tô, Một Chặng Đường Phát Triển Đầy Sáng Tạo Trong Nghệ Thuật Đánh Mỹ Ở Chiến Trường Tây Nguyên.

Ông tuyên bố là một người trong cuộc, với cương vị Tham Mưu Trưởng mặt trận, góp một vài nhận xét về chiến dịch .

Xin nói ngay là bài có khá nhiều nhận xét sai lầm và nét nổi bật chung của toàn bài là nặng phần tuyên truyền cổ võ ba quân hơn là phân tách khách quan thuần túy quân sự.

Hành quân Long Breach

Ngay từ đầu bài, Tướng Nam Hà đã sai lầm trầm trọng khi gọi tên của cuộc hành quân Mỹ nhằm “tìm và diệt” đối phương là Long Breach. Đây không phải lỗi in ấn chính tả, vì vài đoạn văn sau, ông viết:

Sư đoàn kỵ binh bay số 1 (...) hình thành một binh đoàn chiến dịch binh quân chủng hợp thành với ý định mở cuộc hành quân Long Breach (tạm dịch: đốt phá) tìm diệt quân chủ lực ta.

Không hiểu sao mà Tướng Nam Hà lại có thể “tạm dịch Long Breach là đốt phá”? Tuy nhiên xin bỏ qua chuyện nhỏ này vì tên đúng của cuộc hành quân là Long Reach do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đặt tên cho cuộc hành quân khi giao cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ nhiệm vụ truy đuổi tàn quân địch sau trận vây lấn và phục kích tại trại Pleime. Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, viết trong cuốn, Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, nơi trang 101:

Vì vậy quyết định phải tổ chức truy kích địch của Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II, trong đó Sư đoàn I Không Kỵ làm nỗ lực chính và Liên Đoàn Nhảy dù VN làm trừ bị sẵn sàng tham dự khi tình hình tiến triển và đòi hỏi, được toàn thể chiến sĩ của Sư đoàn hân hoan nhận lãnh, vì đã mấy đơn vị được may mắn mở những trang sử đầu của mình với một cuộc trường chinh (Long Reach).

Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ thực hiện cuộc hành quân Long Reach với ba cuộc hành quân All the Way (27/10-9/11, Lữ Đoàn 1 Không Kỵ), Silver Bayonet I (9/11-17/11, Lữ Đoàn 3 Không Kỵ), và Silver Bayonet II (17/11-26/11, Lữ Đoàn 2 Không Kỵ). Khi thảo bản tường trình sau trận đánh, phía Mỹ cải danh xưng Long Reach thành Pleiku Campaign, có lẽ với dụng ý xóa bỏ dấu vết lệ thuộc vào quyền lãnh đạo cuộc hành quân của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II.

Chủ yếu chiến dịch Plây Me là quân Mỹ

Tướng Nam Hà nhận xét:

Quyết tâm chiến dịch và chiến đấu được khẳng định là dụ quân địch vào trận để vây diệt mà đối tượng là tổng dự bị chiến dịch – chiến lược Mỹ-ngụy, chủ yếu là quân Mỹ.

Tướng Nam Hà khẳng định như vậy là quá xa sự thật. Chủ đích nguyên thủy của chiến dịch Plây Me là triệt hủy toàn bộ lực lượng của Quân Đoàn II bằng thế “công đồn đả viện”. Chính vì muốn tránh đụng độ lớn với quân Mỹ mà thay vì phát động chiến dịch được dự tính vào cuối năm 1965 hay đầu năm 1966 thì lại khởi động tiến công sớm hơn ngày 19 tháng 10 năm 1965 cốt ý là hy vọng Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ mới đổ bộ lên bờ biển Qui Nhơn cuối tháng 9 và đang rục rịch khăn gói lên An Khê lập trại vào giữa tháng 10 chưa sẵn sàng ứng chiến, mặc dù Trung Đoàn 66 mãi đến đầu tháng 11 mới lê gót được đến mật khu Chu Prong.

Rồi khi cho lệnh hai Trung Đoàn 32 và 33 rút lui về mật khu Chuprong-Iadrang với chủ đích kết tụ với Trung Đoàn 66 tiến công trại Pleime lần thứ hai, và lần này sẽ đánh dứt điểm chứ không đánh viện. Quả thật vậy, Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3 đã không tổ chức đối đầu ứng chiến với Lữ Đoàn 1 Không Kỵ khi bị lùa về mật khu Chu Prong mà chỉ tập trung quân lại nhằm tấn công trại Pleime lần thứ hai khi nhầm tưởng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh thay thế cho Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh đánh mất tung tích của các đơn vị mình nên Mặt Trận B3 liền cải đổi thế thủ qua thế công, để rồi bị quân Mỹ đột kích bất thần tại chân rặng núi Chu Prong đang khi các đơn vị chuẩn bị lên đường tiến công trại Pleime tại các địa điểm xuất quân. Thành thử Bộ Tư Lệnh B3 rút quân về Chu Prong không phải là dụ quân Mỹ vào để đánh mà là để chuẩn bị nỗ lực triệt tiêu trại Pleime trong một cuộc tiến công thứ hai.

Phi Pháo Mỹ

Tướng Nam Hà nhận xét:

Với địa hình có “rừng che bộ đội, rừng ngăn quân thù”, lại có tài ngụy trang khéo léo, ý thức giữ bí mật, kỷ luật cao, bộ đội ta đã hạn chế, vô hiệu hóa được một phần sức mạnh của không quân, pháo binh các loại của Mỹ - chỗ dựa chủ yếu cho sức mạnh của chúng.

Tướng Nam Hà quả thật không ngờ là phía Mỹ-ngụy đã chủ yếu đánh bại đối phương bằng oanh tạc B-52, chứ không phải bằng bộ chiến và pháo binh. Đại Tá Hiếu viết trong cuốn , Why Pleime , nơi chương VI:

Trong năm ngày liên tiếp, từ 15 đến 19 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã bay tổng cộng 96 phi vụ. Từng khu vực một, các khu vực của rặng núi Chu Prông - mỗi khu 20 dậm vuông - tuần tự trải qua một cơn động đất từ Tây sang Đông. Các công sự và hầm hố trước nay từng chống cản các vụ đánh phá của phi cơ tác chiến và pháo binh bắt đầu bị các trái bom 750 cân anh trực tiếp đánh rập. Lớp cây lá rừng rậm không còn hữu hiệu cho công việc ẩn núp lẫn bao che. "Cửa hậu" vào Căm Bốt bị đóng lại và để trốn thoát, tàn quân Việt Cộng chỉ còn lại thung lũng eo hẹp của Ia Drang.

Nắm thắt lưng địch mà đánh

Tướng Nam Hà nhận xét:

Nhân tố thứ hai là phát huy sở trường về tiến công vận động của binh đoàn chủ lực cơ động mà nội dung cơ bản là đánh gần với khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Theo nguyên tắc đó, từ Tư Lệnh chiến dịch đến từng chiến sĩ các đơn vị binh chủng theo chức trách, vị trí của mình mà cố gắng tiếp cận bám sát địch đến mức độ tối đa. Tất cả là nhằm bảo đảm đưa toàn bộ các tiểu đoàn đột kích vào các trận chiến đấu giáp lá cà. Đó là thể hiện tư tưởng tích cực tiến công tiêu diệt địch của quân đội ta, là cách đánh bảo đảm cho ta luôn nắm quyền chủ động, còn địch lúng túng bị động, phải đối phó với ta hết tình huống này đến tình huống khác, hết trận này đến trận khác.

Có ba tình huống trong đó phía Mỹ-ngụy đã không một tị “lúng túng” hoá giải thế “Nắm thắt lưng địch mà đánh”:

- (1) Chiến thuật Việt Cộng xử dụng để triệt hạ thiết đoàn tiếp cứu ở địa điểm phục kích là đặt để các bộ đội thiết bị lưỡi lê và dao găm tiến sát tới cạnh các xe tăng và xe bọc sắt trực sẵn để giết hại các binh sĩ của thiết đoàn sẽ bấn loạn tinh thần tự nhiên chui ra khỏi lòng xe và nhảy xuống đất để ứng chiến quân phục kích. Trung Tá Nguyễn Trọng Luật biết vậy, nên đã ra lệnh các chiến binh không nhảy ra khỏi xe đồng thời thả cửa tung lựu đạn tay ra banh xác các chiến binh Việt Cộng. Đến khi cuộc phục kích kết thúc thì chỉ việc ung dung xuống xe đi đếm xác địch bị lựu đạn giết hại nằm ngổn ngang sát cạnh các xe tăng.

- (2) Với thế “kiềm vĩ kích thủ”, nắm đuôi với bộ binh đập đầu với oanh tạc B-52, cán binh Việt Cộng chịu bó tay chết thảm trong khi các toán quân Mỹ cẩn thận đứng xa vùng oanh tạc khoảng cách an toàn trên 3 cây số.

- (3) Đến khi lính dù Việt Nam nhảy vào vòng chiến trong giai đoạn chót của chiến dịch Pleime thì các cán binh Việt Cộng của hai Tiểu Đoàn Việt Cộng – 635 và 334 – sống sót chỉ tìm cách tránh nhé sợ đụng độ với quân dù, mặc dù vậy cũng bị quân dù phục kích hai lần, bị thiệt hại khoảng 200 tên và vứt bỏ lại vô số vũ khí khi tháo chạy.

Trung Tá Nguyễn Trong Luật hèn nhát

Tướng Nam Hà nhận xét:

Chiến đoàn 3 thiết giáp ngụy lọt vào trận địa phục kích dài 4 km trên tỉnh lộ 21. Trung đoàn 320 được tăng cường vận động ra đường lao vào xung phong đánh giáp lá cà. (...) Sau 10 giờ giáp chiến quyết liệt, đẫm máu (từ 16 giờ ngày 22 đến 2 giờ sáng ngày 24-10), trung đoàn 320 đã căn bản tiêu diệt được chiến đoàn 3 thiết giáp. Chỉ huy chiến đoàn là trung tá Nguyễn Trọng Luật đã leo lên trực thăng trốn thoát từ mờ sáng 24.

Chết thật, không hiểu Tướng Nam Hà nghe được tin vịt vô căn cứ này ở đâu ra? Trung Tá Luật đã thành công thắng vượt ổ phục kích và dẫn đưa Chiến Đoàn 3 Thiết Giáp tiến vào trại Pleime vào lúc ban tối ngày 24-10.

Đánh thắng trận Plây Me

Tướng Nam Hà nhận xét:

Sau 2 ngày vây ép, xét thấy đã đủ gây cho địch tác động phản ứng dây chuyền, ngày 26-10, ta quyết định “mở vây” căn cứ Plây Me và chuyển toàn bộ hai trung đoàn 320, 33 về bố trí ở khu trung tuyến chiến dịch ở vùng Đông bắc và Đông nam suối Ia Mơ. Vùng hậu tuyến chiến dịch thuộc địa khu từ Bắc – Đông bắc Chư Pông đến thung lũng sông Ia Drăng, thế trận vây diệt quân chiếu đấu Mỹ đã được hình thành.

Chứ không phải nỗ lực “công đồng đả viện” không thành khi số cán binh bị thương vong ở cả hai địa điểm phục kích và đồn quá cao khiến Mặt Trận B3 phải ra lệnh tháo lui về hậu cứ để tính kế phục thù sao? Đại Tá Hiếu nhận xét trong cuốn, Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, nơi trang 94:

Cuộc hành quân Dân Thắng 21 chấm dứt, trại Pleime vững mạnh trở lại, nhưng trong số hai Trung Đoàn V.C. đã tham dự, ta mới gây cho chúng được hơn 400 tổn thất nhân mạnh. Sự rút lui của địch là một chủ trương sáng suốt và hợp lý của BCH mặt trận V.C. nhưng địch sẽ tìm cách rửa hận và vì trại Pleime hẻo lánh còn là một cái gai trước mắt.

Điều động binh lực

Tướng Nam Hà nhận xét:

Địch bắt đầu phản ứng mạnh. Bộ Tham mưu liên quân Mỹ-ngụy đã hủy bỏ cuộc hành quân càn quét Bồng Sơn (Bình Định) để đưa chiến đoàn thủy quân lục chiến ngụy lên giải vây cho Plây Me, tiếp đó không vận ào ạt sư đoàn 1 kỵ binh bay, trung đoàn Nam Hàn, hai chiến đoàn dù ngụy, trung đoàn vận tải trực thăng Mỹ lên Plây Cu, tham chiến. Chúng dùng hàng trăm lần chiến B52 và bom Coribou (bom phát quang) chi viện cho các trận đánh.

Xin mạn phép chỉnh những sai sót của Tướng Nam Hà như sau:

-“ chiến đoàn thủy quân lục chiến ngụy” được đưa lên không phải để giải vây cho Plây Me mà là để giữ an ninh trục lộ rút quân của chiến đoàn 3 thiết giáp từ trại Pleime về thành Pleiku. Đại Tá Hiếu viết trong cuốn, Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, nơi trang 94:

Để bảo vệ cuộc rút quân của Chiến Đoàn Thiết Giáp, trong ngày 27-10 chiến đoàn A TQLC được không vận từ Banmêthuột tới trục Phú-Mỹ Pleime để giữ an ninh. Chiến Đoàn thiết giáp rời trại lúc 11g sáng ngày 28-10 để trở về Pleiku.

- “sư đoàn 1 kỵ binh bay” không được “không vận ào ạt” đưa lên Pleiku. Chỉ có Task Force Ingram gồm 1 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo binh rút từ cuộc hành quân Thần Phong 6 ở Bồng Sơn lên trợ lực cho cuộc hành quân Dân Thắng 21 giải vây cho trại Pleime. Tiểu đoàn bộ binh thay thế cho Tiểu Đoàn 22 BĐQ bảo vệ phi trường Pleiku và tiểu đoàn pháo binh yểm trợ cho Chiến Đoàn Thiết Giáp tại địa điểm phục kích.

- “trung đoàn Nam Hàn” không có mặt tại chiến trường Pleime vào thời gian từ 19-10 đến 26-11. Chỉ vào cuối năm 1966 mới có một tiểu đoàn Nam Hàn được đưa lên Cao Nguyên hành quân liên hợp với Sư Đoàn 4 Bộ Binh Mỹ dọc theo Quốc Lộ 19 gần biên giới Cao Mên.

- không phải “chúng dùng hàng trăm lần chiến B52 chi viện cho các trận đánh”, mà nỗ lực chính là dùng B52 tiêu diệt địch quân còn bộ chiến là dùng để trợ lực cho B52 nhắm trúng mục tiêu oanh tạc.

Thế nghi binh của Lữ Đoàn 3 Không Kỵ Mỹ

Tướng Nam Hà nhận xét:

Từ cuối tháng 10, quân ta đã cơ bản điều chỉnh xong đội hình. Trung đoàn 33 tiến ra vây diệt chặn đánh lữ đoàn 1 kỵ binh Mỹ ở khu trung tuyến chiến dịch trên các khu chiến Quynh Kla, Plây Bolga, Plây Ngo, bờ tây sông Ia Mơ. Từ 30-10 đến 11-11, trung đoàn đã tiêu hao, tiêu diệt nặng các phân đội quân Mỹ khiến chúng phải rút lữ 1 kỵ binh bay ra khỏi vòng chiến và đưa lữ 3 kỵ binh không vận vào tham chiến ở khu hậu tuyến chiến dịch.

Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh thay thế Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh không vì “trung đoàn đã tiêu hao” mà là dùng thế nghi binh dụ địch tập trung quân lại để bị tiêu diệt bằng oanh tạc B-52. Đại Tá Hiếu viết trong cuốn, Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, nơi trang 106:

Ngày 10-11 Lữ Đoàn 3 được cử thay thế Lữ Đoàn 1 đã hành quân ròng rã gần nửa tháng nay. Về phía VC thì sư hoạt động hướng về phía Đông của Sư Đoàn 1 Không Kỵ đã làm cho chúng đinh ninh rằng đại đơn vị này đã dồn mọi nỗ lực về hướng Đông trại Pleime. Cho nên bộ Chỉ Huy mặt trận VC đã lại ra lệnh chuẩn bị một cuộc tấn công trại Pleime lần thứ hai.

Trung Đoàn 320

Tướng Nam Hà nhận xét:

Trung đoàn 320 tham gia chặn đánh hai chiến đoàn dù quân ngụy đến cứu nguy cho lữ 3 kỵ binh bay Mỹ tại vùng Tây suối Ea Kreng (Plây Thê) và Đông suối Ea Man. Quân ta tiêu diệt được tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1, lữ 3 kỵ bnh không vận. Bị loại khỏi vòng chiến ngày 19-11, lữ 3 Mỹ phải rút chạy về Plây Cu. Chiến dịch Plây Me-Ia Đrăng kết thúc.

Tướng Nam Hà nhận xét quá nhầm lẫn.

- Lữ Đoàn 3 Không Kỵ rút về Pleiku ngày 17-11 sau trận đánh tại LZ Albany và được thay thế bởi Lữ Đoàn 2 Không Kỵ làm lực lượng trừ bị cho Liên Đoàn Dù VN.

- Liên Đoàn Dù VN được tung vào vòng chiến ngày 18-11 để truy lùng và triệt tiêu nốt hai tiểu đoàn sống sót – 635 và 334 – của Trung Đoàn 32. Hai đơn vị này đã tránh né đụng độ và bị quân Dù phục kích hai lần vào ngày 20-11 và 24-11 tại “vùng Tây suối Ea Kreng (Plây Thê) và Đông suối Ea Man”.

Đại Tá Hiếu viết trong cuốn , Why Pleime , nơi chương VI:

Trung Đoàn 32 Bắc Việt không can dự và không hề hấn trong suốt đợt hai, cuối cùng bị tìm thấy và buộc phải chiến đấu, mặc dù cố né tránh đụng độ càng nhiều càng tốt.

Tham mưu trưởng chiến dịch Plây Me

Tướng Bùi Nam Hà tự giới thiệu “là một người trong cuộc, với cương vị Tham mưu trưởng mặt trận”. Theo tài liệu tình báo của Đại tá Hiếu thì tham mưu trưởng của mặt trận trong chiến dịch Pleime là Đại Tá Hà Vi Tùng (Why Pleime, chương III):

Tại Bản Doanh Mặt Trận Tây Nguyên, Tướng Việt Cộng Chu Huy Mân kiêm luôn chức Tư Lệnh Vùng IV Quân Sự, và các cộng sự viên chính Đại Tá Quan, Phụ Tá cho Tư Lệnh, và Thượng Tá Hà Vi Tùng, Tham Mưu Trưởng (trong chiến tranh Đông Dương, Hà Vi Tùng là trung đoàn trưởng Trung Đoàn 803; trung đoàn này cùng với Trung Đoàn 108 hợp thành các chủ lực chính của Việt Minh trên vùng Cao Nguyên. Hai trung đoàn này đã có công trạng chiếm cứ Kontum và đánh bại Chiến Đoàn Đặc Nhiệm số 100 Pháp trên Quốc Lộ 19) điều nghiên kế hoạch họ đã hoạch định.

Chính xác ở đâu? Xin nhường lại cho các sử gia – nhất là phía Việt Cộng - điều nghiên xác định. Ở đây, chỉ xin dựa vào nét thông minh và thâm sâu của nhân vật Hà Vi Tùng phản ảnh trong sách Why Pleime đem ra so sánh với nét khù khờ và nông cạn của Bùi Nam Hà qua lời phát biểu tại khóa hội thảo, để mà suy diễn Hà Vi Tùng là tham mưu trưởng nguyên thủy của chiến dịch và Bùi Nam Hà được thay thế vào chức vụ tham mưu trưởng sau đợt vây đồn diệt viện thất bại.


(*) Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Quân đội nhân dân. Bộ tư lệnh Quân đoàn 3. Nhà xuất bản Hà Nội: Quân đội nhân dân, 1995.

Nguyễn Văn Tín
11 tháng 08 năm 2013

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu