Trận LZ X-Ray (General Knowles)

Khởi Đầu

Cuộc hành quân đang trong giai đoạn lắng đọng. Lữ Đoàn 1, dưới sự lãnh đạo của Harlow Clark, vừa mới hoàn tất một trận đánh rất thành công tại vùng cao nguyên và Tướng Kinnard quyết định hoán chuyển Lữ Đoàn 3, đang nôn nóng xông vào trận chiến, với Lữ Đoàn 1. Óc khôn ngoan thường tình nghĩ là địch quân đã dạt vào vùng phía đông nam của Pleiku và chúng tôi được lệnh thực hiện cuộc hành quân tại đó. Cuộc hành quân vừa bắt đầu thì Swede Larsen, Tư Lệnh Quân Đoàn, thăm viếng chúng tôi và hỏi tình hình ra sao. Tôi trình với ông là chúng tôi đang khoan một miệng giếng khô. Chúng tôi không có lấy một đụng độ nào để trình báo và tôi cũng không trông mong gì cả. Rồi ông nói, “Tại sao lại hành quân tại đó nếu giếng khô?” Câu trả lời của tôi là, “Thưa Thiếu Tướng, Thiếu Tướng đã gởi văn thư ra lệnh cho chúng tôi làm như vậy.” Tướng Larsen trả lời là sứ mạng chính là, “Tìm địch và truy đuổi theo nó.”

Ít lâu sau đó Tim Brown, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3, và Hal Moore thăm Trạm Chỉ Huy dã chiến của tôi và, dựa vào linh tính và một ít tình báo sơ thiển, tôi bảo họ thảo một kế hoạch cho một cuộc hành quân xung kích không vận tại chận Rặng Núi Plei Mei. Họ trở lại chiều hôm đó với một kế hoạch tuyệt hảo sau khi đã bay thám sát kỹ lưỡng không phận vùng hành quân. Tôi bật đèn xanh cho họ khởi động cuộc hành quân vào sáng sớm ngày hôm sau. Kế hoạch, mang tên LZ X-Ray, khởi động đúng như trù tính; và ngay khi ổ ong phản ứng, chúng tôi biết là mình vớ được vàng. Tôi gọi Tướng Kinnard và xin thêm bộ binh, pháo binh và trực thăng vận tải. Ông nói, “Gửi hàng đi rồi đó. Việc gì đang xảy ra vậy?” “Chúng tôi đang khai mào một trận đấu ngon lành. Đề nghị Thiếu Tướng lên đây càng sớm càng tốt.”

Khi Tướng Kinnard tới tôi trình cho ông xem bản đồ tình tình đặt lên thân cây dừa. Ông xem một chập và nói, “Anh làm gì tại vùng này vậy?” “Thưa Thiếu Tướng, mục đích của cuộc hành quân là tìm địch quân và quả nhiên là chúng ta tìm thấy chúng!”

Sau một lúc tạm ngừng khó xử và một ít câu hỏi ông nói, “Được rồi, khả quan đấy. Anh cho tôi biết anh cần gì.”

Nghiệm xét mức độ hành động, tôi làm việc chặt chẽ với Bill becker, Tư Lệnh Pháo Binh Sư Đoàn; và để đáp ứng cho tất cả các mục đích thực tế, chúng tôi đặt để một vòng đanh thép quanh khu vực trận địa của Hal Moore. Chúng tôi cung cấp cho anh ta và Tim Brown tất cả yểm trợ hỏa lực họ yêu cầu đồng thởi hỗ trợ thêm với pháo binh, không yểm và hỏa lực hỏa tiễn không vận. Chúng tôi còn trải thảm bom B-52 và không tập mọi nẻo đường rừng vào ra vùng trận địa 24 trên 24 tiếng đồng hồ.

Tôi giữ liên lạc mật thiết với Tim Brown và Hal Moore từ Trực Thăng Chỉ Huy của tôi; và vào ngày thứ hai, tôi hỏi Hal nếu tôi có thể đáp trực thăng xuống trận địa cho một cuộc thăm viếng ngắn gọn không? Hal chấp thuận lời yêu cầu đồng thời ra lệnh cho phối hợp viên yểm trợ hỏa lực ngưng hỏa pháo và di chuyển không trợ tiếp cận ngõ hầu chúng tôi có thế hạ cánh và bay lơ lửng trên mặt đất. Anh ta không muốn trực thăng của chúng tôi đáp hẳn xuống mặt đất và ở nán lại lâu hơn vài giây vì trận chiến đang ở mức độ dữ dội. Chúng tôi hạ cánh xuống thật nhanh. Tôi nhảy ra và trực thăng bay vụt đi.

Thật là mừng gặp lại Hal Moore và nhận thấy tinh thần anh ta khả quan. Tinh thần binh sĩ cao và Tiểu Đoàn 1/7 đang thi hành một công việc trọng đại. Tôi đưa cho Hal một điếu xì gà và anh ta báo cáo tình hình với tôi. John Stoner, Sĩ Quan Liên Lạc Không Quân, tháp tùng tôi và tôi đem anh ta theo để có được không yểm tiếp cận. Khi Hal vừa chấm dứt thuyết trình thì một trái bom thả trúng một mục tiêu gần kề Ban Chỉ Huy. Mặt đất rung động và một mảnh bom bay vào khu vực Ban Chỉ Huy, rớt cách xa chỗ chúng tôi đang đứng chừng mười hay mười lăm foot . John Stoner tiến tới trìu mến lượm mảnh bom còn bốc khói, quay trở lại, và đưa cho tôi, rồi nói, “Thưa Chuẩn Tướng, như vậy gần đủ chứ?”

Tôi thông báo cho Hal biết các sinh hoạt chúng tôi đang thực hiện ngay ngoại biên khu vực để trợ giúp trận đánh của anh ta. Tôi cũng cập nhật về tình trạng tiểu đoàn của Bob Tully đang lội bộ tới bãi đáp để tăng cường cho anh ta, cùng các hoạt động khác đang được thực hiện để hỗ trợ cuộc hành quân của anh ta.

Chúng tôi gọi trực thăng của tôi tới. Tôi nhảy lên trực thăng, và chúng tôi vội vã rời khỏi bãi đáp.

Thách Đố

Chúng tôi chộp được con hổ đằng đuôi; và không muốn buông thả nó. Rõ ràng là chúng tôi cần phải chiếm đoạt phần đất cao điểm chế ngự bãi đáp và chúng tôi lập nhiều kế hoạch để làm điều đó. Tuy nhiên, khi phối hợp các chi tiết chúng tôi khám phá ra là khoản đất then chốt chúng tôi muốn đã bị B-52 trải thảm bom, sau khi hủy bỏ không tập một vùng khác, với một số lượng lớn bom 5000 cân anh với nhiều chốt nổ chậm. Chúng vẫn còn năng hoạt và trái bom cuối cùng có thể phát nổ năm ngày sau.

Chúng tôi không muốn dính líu đến tình huống đó nên quyết định rút ra khỏi LZ X-Ray và xoay sở thế điều quân để nắm lấy đuôi hổ từ một hướng khác.

Tiếp Vận

Tôi đã thiết lập một Bộ Chỉ Huy Cóc Nhảy trong phạm vi Biệt Khu MACV tại Pleiku để điều khiển các cuộc hành quân và các công tác tiếp vận chính yếu. Chúng tôi lựa chọn địa điểm này là vì nó cận kề vùng hành quân, để tiết kiệm các toán phòng vệ và sự kiện nó kế bên một phi trường. Bộ Chỉ Huy của chúng tôi là một thùng sắt connex được Trực Thăng Cần Cẩu chuyển vận tới. Căn phòng sắt này chứa đầy thiết bị truyền thông và đủ rộng chỗ cho một ban nhân viên rường cột dăm ba người. Chúng tôi theo dõi thường xuyên tất cả mọi yếu tố chính yếu liên quan đến trận chiến: lực lượng, thương vong, đạn dược, phi cơ khiển dụng, pháo binh và xăng nhớt. Chúng tôi ở cuối đường ống tiếp vận dài nhất mà Quân Đội Hoa Kỳ từng duy trì tới giờ. Như một trường hợp tại điểm, một binh sĩ treo một bảng hiệu phía ngoài một đại đội thuộc Ban Chỉ Huy có hai mũi tên. Một mũi tên chĩa về hướng Đông và đề “Los Angeles – 12,500 miles”. Mũi tên kia chĩa về hướng Tây và đề “Los Angeles – 12,500 miles”.

Dân tiếp vận tại Sư Đoàn và toàn thể giây chuyền giăng về tận Nước Mỹ thực hiện nhiều phép lạ hằng ngày để cung cấp chúng tôi mọi dụng cụ chiến tranh thiết yếu.

Chính là trong thời gian trận đánh ở tại vùng đó mà chúng tôi bắt đầu thiếu hụt xăng nhớt. Xăng nhớt tụt xuống tới mức độ chỉ còn đủ để cho phi cơ bay trong cuộc hành quân một lần nữa, và đó là mức độ hết an toàn đối với tôi. Tôi nói chuyện với Kinnard và Swede Larsen và xin phép được gọi Jack Norton tại Sài Gòn. Tôi nói với Jack tôi phải được xăng nhớt chuyên chở tới đêm nay và nếu không chở đến được tôi sẽ chấm dứt cuộc hành quân, bốc hết cả các toán quân ra khỏi trận địa với số lượng xăng nhớt còn lại, bỏ lại các dụng cụ mà chúng tôi không thể mang theo và lội bộ tới bờ biển cùng với toán quân còn lại. Kể ra là tốn nhiều hơi sức thuyết phục, nhưng Jack hiểu được ý định của tôi, và trước khi rạng đông ló dạng, các phi cơ vận tải C 130 nối đuôi nhau chở các thù thảng xăng nhớt tới. Như vậy là giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và cuộc hành quân tiếp diễn.

Điều đáng ghi nhận là sự kiện ban chỉ huy yểm trợ có được một viên Hạ Sĩ Quan tháo vát tại phi trường chuyên lo công việc di tản các binh sĩ bị thương và tử thi. Anh ta có một đường giây nóng tới Bộ Chỉ Huy Nhảy Cóc của tôi và mỗi khi con số thương vong trực thăng tản thương chở tới tăng lên khác thường anh ta đều gọi tôi. Điều này thường cho tôi dấu chỉ về tình trạng các toán quân trong trận chiến trước khi giới chức chỉ huy thông thường ra tay hành động. Ngay khi anh ta gọi, tôi tức khắc bay tới chiến trường và chứng kiện tình hình trước tiên. Điều này thường là động cơ thực hiện các thế điều quân để tăng cường một trận địa cá biệt và tăng thêm yểm trợ hỏa lực.

Nhân Sự

Chúng tôi chỉ đưa các binh sĩ còn lại một thời gian phục vụ ngắn theo hợp đồng tới Việt Nam mà thôi. Chúng tôi không thể lãng phí phá vỡ một đội toán đã được huấn luyện kỹ càng và cho là có thể tuần tự luân chuyển các binh sĩ này với các binh sĩ thay thế từ Mỹ. Trong thời kỳ cao điểm của chiến dịch, Ban 1 Nhân Sự của Sư Đoàn yêu cầu chúng tôi phái về một số những binh sĩ này để lập thủ tục hồi hương. Tôi nói với Ban 1 là tôi cho họ một ngày tại hậu cứ Sư Đoàn trước khi chuyển họ tới Sài Gòn để về nước.

Bob Tully nói với tôi là điều này tạo nên một tình trạng hi hữu trong nội bộ tiểu đoàn anh ta khi họ di chuyển lên tăng cường Hal Moore. Một đêm nọ, một tiền đồn của tiểu đoàn bắt đầu phóng lựa đạn lửa và họ bắn thâu đêm. Sáng hôm sau, sau khi thực hiện hành động thích hợp, khi họ gom các binh sĩ lại họ khám phá là các binh sĩ này tới ngày mãn hạn ngày hôm đó và chúng nó không muốn thiệt mạng đêm cuối cùng của chúng. Thế nên, chúng nó tự ý thực hiện một pha bắn Phá Rối và Can Thiệp chập với các động tác thay đổi vị trí khôn khéo để sống sót qua đêm.

Địch Quân

Chắc chắn là chúng ta chiến đấu sống còn với quân chính quy Bắc Việt, được huấn luyện cao và quyết tâm. Ai nấy đều biết các mục tiêu chiến lược của Bắc Việt. “Bảo vệ Bắc Phần, giải phóng Nam Phần và thống nhất toàn cõi.”

Chúng tôi suy đoán từ tình báo thu thập được là chúng tôi đụng trận với một Sư Đoàn. Điều này được xác nhận từ các tài liệu tịch thu được bởi các lực lượng Mỹ trong một cuộc tấn công thành đạt chống lại Bản Doanh Vùng 4 Quân Sự ngoại biên Sài Gòn.

Lt.Gen. Richard T. Knowles
Tháng 5 năm 1983

(Dịch từ bài Anh văn lưu tại 27180000000, Richard T. Knowles Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University)


Bình Luận

Trung Tướng Richard Knowles thảo bài tường thuật về Trận LZ X-Ray tháng 5 năm 1983 theo lời yêu cầu của Trung Tướng Hal Moore mong có được sự giúp đỡ trong công trình hoàn thành cuốn sách We Were Soldiers Once … And Young . Cuốn sách được xuất bản năm 1992. Knowles gửi cho Moore bài tường thuật này với một lá thư đề ngày 20 tháng 6 năm 1983.

Bài tường thuật của Tướng Knowles không được công bố ra cho quần chúng mãi cho tới tháng 7 năm 2017, đến khi Vietnam Center and Archive, Texas University, quảng bá Richard T. Knowles Collection (2718)

Trong bài tường thuật, Knowles phát biểu một số quan điểm cá nhân độc đáo làm sáng tỏ nhiều điều thầm kín của trận đánh.

- “Tại sao lại hành quân tại đó nếu giếng khô?”

Khi thuật lại cuộc đối thoại với Tướng Swede Larsen, Tư Lệnh IFFV, Knowles chỉ cho thấy là ý kiến và kế hoạch của Hành Quân LZ X-Ray không xuất phát từ cá nhân ông, mà từ cấp bậc cao hơn và được chuyển đạt tới ông qua Larsen.

- “Anh làm gì tại vùng này vậy?”

Quả nhiên là Tướng Kinnard không được thông báo nên không biết sự việc Knowles tiến vào Chu Prong không phải là tự ý mà là theo lệnh Larsen.

- “Bộ chỉ huy cóc nhảy”.

Knowles nói rõ bộ chỉ huy thiết lập trong khuôn viên bản doanh Quân Đoàn II tại Pleiku không phải là một bộ chỉ huy sư đoàn tiền phương đầy đủ, nhưng tình thật là một ”bộ chỉ huy cóc nhảy” gồm một “ban nhân viên rường cột dăm ba người” hành sự trong một thùng connex eo hẹp. Công việc chính yếu của ban chỉ huy này là trợ giúp Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II thực hiện cuộc Hành Quân Long Reach về mặt điều khiển các cuộc hành quân và các công tác tiếp vận thiết yếu. Các lệnh điều quân các đơn vị Không Kỵ được chuyển đạt từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tới Knowles qua trung gian Tướng Larsen, Tư Lệnh IFFV, ngõ hầu bề ngoài Knowles không có vẻ tùng phục Tướng Vĩnh Lộc.

Bộ chỉ huy cóc nhảy của Knowles được thiết lập cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và hành sự như phân bộ Mỹ trong cuộc hành quân liên hợp Việt-Mỹ, trong đó phía Việt Nam đảm trách các khái niệm hành quân và tình báo và phía Mỹ lãnh phần điều quân và mặt tiếp vận.

- “Vòng đanh thép”.

Một khi được đổ bộ xuống LZ X-Ray xong, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ của Hal Moore được một vòng thép do pháo binh sư đoàn thiết lập bảo vệ. Hơn nữa, Knowles còn ra lệnh bắn phá “mọi nẻo đường rừng vào ra vùng trận địa 24 trên 24 tiếng đồng hồ” - để ngăn chận không cho phép các toán quân của Trung Đoàn 32 và 33 kéo tới vùng bãi đáp - đồng thời tăng phái Tiểu Đoàn 2/7 và 2/5 Không Kỵ cho Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ để chống cản Tiểu Đoàn 7 và 9 thuộc Trung Đoàn 66 Bắc Việt và cũng là để bao che cho Tiểu Đoàn này khi rút ra khỏi bãi đáp ngày 16 tháng 11.

Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ không khi nào lâm vào tình trạng nguy khốn, khiến cho Knowles an toàn đáp xuống LZ X-Ray thám sát trận địa vào chiều ngày 15 tháng 11, và Đại Tá Tim Brown vào buổi sáng cùng ngày.

Lý do cuộc thăm viếng của Knowles là để kiểm tra tình hình và xem Moore có ưng chịu và có thể ứng xử với lệnh rút Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ không. (Moore and Galloway, page 210)

Sáng hôm đó, vào lúc 9 giờ 30, Brown đáp xuống LZ X-Ray để thiết lập một ban chỉ huy lữ đoàn tiền phương ngõ hầu thi hành cuộc triệt thoái của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ. Nhưng Moore không chịu nhường lại quyền chỉ huy chiến trường. (Moore and Galloway, page 202)

Khoảng nửa đêm, Moore nhận được lệnh trình diện tại Sài Gòn để tường trình tình hình trận địa cho Tướng Westmoreland và ban tham mưu MACV. Moore cực lực phản đối lệnh đó. (Moore and Galloway, page 216)

Trước khi cho đổ bộ Tiểu Đoàn 1/7 xuống LZ X-Ray cạnh bên bản doanh Trung Đoàn 66, Knowles vốn biết là trung đoàn này không được yểm trợ bởi tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14,5 ly và tiểu đoàn bích kích pháo 120 ly; cả hai đơn vị này đều trên đường mòn xâm nhập và trù tính liên hợp với Trung Đoàn 66 tại Pleime tấn công trại. Nếu không, hai tiểu đoàn này có thể tàn sát các toán quân đổ bộ tại LZ X-Ray.

Quả nhiên là Tiểu Đoàn 1/7 Không Ky được đổ bộ tại LZ X-Ray để thiết lập một thế nghi binh chứ không để tấn công địch.

- “Giây phút hỏa lực cường thám”.

Knowles giải thích vụ bắn Phá Rối và Can Thiệp ban đêm do một tiền đồn thuộc Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ dưới quyền Bob Tully thực hiện : các binh sĩ của tiền đồn này “tới ngày mãn hạn ngày hôm đó và chúng nó không muốn thiệt mạng đêm cuối cùng của chúng”.

Trong lá thư, Knowles khuyến cáo Hal Moore ghi chi tiết về “Giây phút hỏa lực cường thám” của tiểu đoàn dưới quyền ông trong cuốn sách sắp xuất bản.

- “Chộp con hổ đằng đuôi”.

Knowles tiết lộ chủ đích cho đổ bộ các toán quân Không Kỵ là “Chộp con hổ đằng đuôi” và đập đầu nó với oanh tập B-52 từ ngày 15 đến 16 tháng 11. Ông cũng giải thích lý do rút quân ra khỏi LZ X-Ray ngày 17 tháng 11 và di chuyển quân tới LZ Albany là để “nắm lấy đuôi hổ từ một hướng khác” đồng thời tiếp tục đập đầu nó với bom B-52 từ ngày 17 đến 20 tháng 11.

Cụm từ “Chộp con hổ đằng đuôi” Knowles dùng có dấu tay của Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Đại Tá Hiếu đặt tên cho cuộc hành quân của Không Kỵ 1 Mỹ, Long Reach (Trường Chinh) (Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 101) và dùng một cụm từ tương tự để mô tả một chiến thuật một tiểu đoàn Bắc Việt dùng để phục kích một tiểu đoàn Dù Việt Nam trong giai đoạn tiếp sau của chiến dịch: kiềm thủ kích vĩ (Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, trang 132).

Nguyễn Văn Tín
Ngày 15 tháng 10 năm 2017

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu.com