Chương V
Đợt 2
Hành Quân "Long Reach"
Từ 27 tháng 10 đến 17 tháng 11 năm 1965
Đuổi Theo và Khai Thác
Trận Đánh trong Rặng Núi Chu Prông

Tấn Công Vô Giới Hạn

Ngày 26 tháng 10 năm 1965, đang khi đoàn quân tiếp viện và lính trú phòng trại Pleime thực hiện công cuộc càn quét xung quanh Trại, một buổi hội nghị diễn ra tại Trung Tâm Hành Quân của Quân Đoàn II với sự hiện diện của các cố vấn Mỹ và các đơn vị trưởng.

Tất cả mọi thông tin nhận được và bản phân tích tình hình đều qui tụ về một kết luận.

Các đơn vị địch đã rút lui về phía tây tới biên giới Căm Bốt. Đây là cơ hội đào thoát duy nhất vì ngoài lợi thế về địa hình, hậu cứ Chu Prông và mật khu Căm Bốt cung cấp không những nơi trú ngụ mà còn thêm tiếp liệu và bổ sung quân số mà hai Trung Đoàn 32 và 33 đang thiếu hụt.

Lần đầu tiên từ khi cuộc chiến khởi phát trên bán đảo Đông Dương, các lực lượng của ta có cơ hội đi tới kết luận như thế này. Trong suốt các cuộc gây hấn từ năm 1948, địch luôn có thể rời bỏ chiến trường và rút lui an toàn, thôi giao tranh tùy ý mình.

Do đó lực lượng của ta không nên bỏ lỡ cơ may này: phải đuổi theo hai Trung Đoàn Bắc Quân vì nếu không, mối nguy hiểm sẽ vẫn còn đó và địch có thì giờ tái tổ chức các đơn vị của chúng.

Ngoài ra, quyết định trên lần này khả thi được vì có sẵn các lực lượng trừ bị, với sự hiện diện của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đóng tại An Khê, một đơn vị có khả năng di động cực cao trên toàn thế giới và đồng thời có những quân cụ và vũ khí hiện đại nhất. (1)

Sau hai năm thao luyện trong rừng rậm của Tiểu Bang South Carolina, Sư Đoàn đã thành công hoàn toàn trong việc khai triển và tiến cử các chiến thuật mới. Trong một cuộc họp báo ngày 16 tháng 6 năm 1965, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara nói,

"Các chiến thuật, các kỹ thuật, các phương thức khi được xử dụng bởi sư đoàn mới này sẽ đưa tới một cách thức hoàn toàn khác biệt để giải quyết các vấn đề tác chiến. Việc dùng phi cơ để đem nhân sự chiến đấu trực tiếp tới chiến trường, đem họ ra khỏi chiến trường cung ứng một khả năng từ trước tới giờ chúng ta hay bất cứ một quân đội nào khác trên thế giới có được tới ngày hôm nay".

Các Toán Bay Đại Bàng khiêm nhường trở thành các toán quân Không Kỵ có khả năng vô hạn đã được Samuel Johnson (1709-1784) dự kiến với những lời lẽ sau đây: "Chống lại một đạo quân lướt sóng trên mây, chẳng có bức tường hay núi đồi hay biển cả nào có lấy được mảy may an toàn."

Quyết định của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II khai thác các kết quả của đợt một và đuổi theo địch được sự đồng thuận trọn vẹn của giới chức quân sự Mỹ và một sự thỏa thuận đã thành hình đi tới việc thiết lập một sự cộng tác chặt chẽ về mặt hành quân. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ sẽ là nỗ lực chính với Hành Quân Long Reach và Lữ Đoàn Dù QLVNCH sẽ là lực lượng trừ bị, sẵn sàng can dự khi Quân Đoàn ra lệnh.

Từ Pleime Đến Tận Chu Prông

Ngày 27 tháng 10, các Toán Bay Đại Bàng thuộc Sư Đoàn Không Kỵ tung vào chiến trường. Từ hoàng hôn tới xế chiều, chúng không ngừng bay trên vùng để tìm kiếm địch. Mọi nghi ngờ về sự hiện diện của địch được kiểm chứng và xử lý, hoặc bằng không kích hay bởi chính các Toán Bay Đại Bàng, hay bởi các lực lượng phản kích. Các chiến thuật này buộc địch di chuyển liên tục, phân tán mỏng để tránh bị phát giác.

Vô số lính VC lê lết tụt hậu bị bắt trong phương thức trên nhưng mãi tới năm ngày sau mới xảy ra kết quả khả quan.

Ngày 1 tháng 11, lúc 0730 giờ, khoảng chừng một trung đội Việt Cộng bị phát hiện tại 10 cây số Tây Nam của Trại Pleime. Một lực lượng phản kích lập tực được Lữ Đoàn 1 thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ tung ra. Chỉ vài phút sau, 20 lính Việt Cộng bị giế́t và 19 bị bắt. Quân lính của ta tiếp tục tìm kiếm và bất chợt khám phá một bệnh viện dã chiến Việt Cộng trang bị đầy đủ với thuốc men và dụng cụ giải phẩu chế tạo tại các nước Cộng Sản. Tất cả các tiếp liệu bắt nguồn từ nước cộng sản còn mới toanh và tổng cộng trị giá 40000 Mỹ kim.

Trong khi việc di tản chiến lợi phẩm bằng trực thăng tiếp diễn, một lực lượng cỡ tiểu đoàn địch âm thầm di chuyển tới các quân lính của ta và mưu toan bao vây các vị trí đóng quân. Cuộc giao tranh đầu tiên giữa các phần tử của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ và Việt Cộng xảy ra và kéo dài năm tiếng đồng hồ cho tới đêm tối. Khi địch cuối cùng ngưng đụng độ và rút lui, họ hứng chịu một cú đấm thoi sơn của "First Team": 99 lính Việt Cộng bị giết (đếm được xác), 44 lính chủ lực Việt Cộng bị bắt cùng với 40 vũ khí tịch thâu. Nhưng có ít nhất hơn 200 lính Việt Cộng khác có lẽ bị giết hay bị thương.

Chiếm đoạt được một trạm cứu thương là một khám phá lớn cho Sư Đoàn Không Kỵ và ngoài cơ hội giúp hủy diệt các lực lượng Việt Cộng, nó cũng cung cấp các tài liệu, đặc biệt một bản đồ vô giá ghi rõ các đường tiếp liệu và tiến quân. Những điều này được biến thành tin tình báo đưa tới những thành công sau này:

- Ngày 3 tháng 11, lúc 2100 giờ, một cuộc phục kích táo bạo ngay trọng tâm của vùng Chu Prông-Ia Drang giáng xuống Tiểu Đoàn 8 thuộc Trung Đoàn 66 mới vừa xâm nhập: 112 chết (đếm được xác), hơn 200 khác ước tính chết và bị thương và 30 vũ khí tịch thâu.

- Ngày 4 tháng 11, một kho cất dấu vũ khí lớn bị khám phá tại 5 cây số Tây của Trại Pleime, gần cạnh sông Ia Meur.

- Ngày 6 tháng 11, Tiểu Đoàn 6 thuộc Trung Đoàn 33 gần bị tiêu diệt sau một cuộc giao tranh xảy ra tại phía Bắc của sông Ia Meur: 77 bị giết (đếm được xác), gần 400 khác ước tính bị giết và bị thương.

Tới thời điểm này, Lữ Đoàn 1 của Sư Đoàn 1 Không Kỵ trong thế điều quân "All the Way"(2) trong một vùng có diện tích khoảng 2500 cây số vuông đã giáng những quả búa tạ xuống các đơn vị Việt Cộng đang rút lui, nhưng trong các cuộc đụng độ thực hiện trên, không thấy tăm hơi Trung Đoàn 32. Mặc dù con số tổn thương Việt Cộng lên tới 1500, gồm cả số trong đợt đầu, thêm một trung đoàn - Trung Đoàn 66 - đã được đưa thêm vào thế trận đánh.

Rất có thể là các phần tử của Trung Đoàn 32 đã chuồn mất về hướng đông.

Ngày 9 tháng 11, hướng di chuyển và xoay chuyển trọng tâm từ tây sang đông bắt đầu và ngày 10 tháng 11, Lữ Đoàn 3 Mỹ thay thế Lữ Đoàn 1 Mỹ.

Nhưng trong thực tế, vào thời điểm này, các đơn vị Việt Cộng nằm tại các địa điểm sau đây, như là các cuộc hành quân sau này tung vào ngay trọng tâm của vùng Chu Prông-Ia Drang cho thấy:

- ba tiểu đoàn của Trung Đoàn 66 đóng thành hàng giây dọc theo mạn bắc của sông Ia Drang;

- Trung Đoàn 32 cũng ở phía bắc trong cùng vùng;

- Trung Đoàn 33 duy trí các vị trì trong vùng kế cận làng Anta (theo đanh xưng Việt Cộng), đông của rặng núi Chu Prông.

Tin chắc các lực lượng của ta đánh mất vết tích của các đơn vị của họ, Mặt Trận Việt Cộng liền lấy một quyết định để lấy lại ưu thế với một cuộc tiến công. Mục tiêu lại là Pleime và ngày tiến công được ấn định vào ngày 16 tháng 11. Kế hoạch được biết trong nội bộ cán bộ Việt Cộng như là đợt hai của cuộc tiến công Pleime. Tất cả ba trung đoàn sẽ can dự vào lần này, cũng như một tiểu đoàn pháo kích 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14,5 ly; cả hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính sẽ tới kịp thời cho cuộc tiến công. Theo lời tuyên bố của một sĩ quan chính trị viên hàng binh, mục tiêu chính của cuộc tấn công mới là hủy diệt trại.

Việt Cộng Tự Sát, Ngày 14 tháng 11 năm 1965

Nhưng kế hoạch này sẽ chẳng bao giờ được đem ra thực hiện vì chỉ vài ngày sau, Lữ Đoàn 3 đánh thốc trở lại hướng tây. (Hành Quân Silver Bayonet).

Vào trưa ngày 14 tháng 11, các trực thăng đổ quân và pháo binh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ tới ngay cửa ngõ của rặng núi Chu Prông. Thay vì phát động một cuộc tiến công vào Pleime, Mặt Trận B3 buộc phải tranh đấu để bảo vệ hậu cứ của mình. Bãi đổ bộ mang tên LZ X-ray khoảng 25 cây số từ Trại Pleime, tại phía đông chân núi của rặng Chu Prông. Địa thế bằng phẳng và gồm các bụi cây cao tới 100 foot, cỏ voi cao từ một đến năm foot và các gò đống khác cùng khu vực cao tới tám foot với bụi rậm và cỏ voi trên và xung quanh chúng. Dọc theo cạnh phía tây của bãi đổ bộ, các cây cối và cỏ dại thật là dày đặc và tiếp nối vào trong rừng già trên các chân đồi núi.

Sau 20 phút pháo binh bắn phá chuẩn bị, và 30 giây hỏa lực không quân, cuộc đổ bộ của tiểu đoàn 1/7 Không Kỵ bắt đầu. Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Tá Harold G. Moore, thân chính cùng đại đội xung kích - Đại Đội B - đổ bộ đúng 1048 giờ ngày 14 tháng 11 năm 1965.

Trong khi các trực thăng bay trở lại Pleime bốc đại đội A, đại đội trưởng đại đội B lo thiết lập an ninh của bãi đáp bằng cách ra lệnh một trung đội phái một tiểu đội của mình vào các khu vực khác nhau, 52 tới 100 thước ngoài bãi đổ quân để dò thám. Vào khoảng 1120 giờ một tù binh bị bắt. Tên này khai là chỉ ăn chuối thay cơm trong năm ngày qua và có ba tiểu đoàn Việt Cộng trên núi.

Lúc 1210 giờ, một số lượng phần tử của đại đội A đổ bộ xuống đủ, phận vụ lo an ninh được giao cho đại đội này và đại đội B được lệnh lùng kiếm phần dưới của khu vực núi đặc biệt nhắm vào ngón tay đưa xuống bãi đáp X-ray.

Khoảng 1245 giờ, các phần tử tiên phong của đại đội B bắt đầu giao tranh trong một cuộc đọ súng với tầm mức tương đối nhẹ. Không bao lâu sau, vào khoảng 1330 giờ, đại đội trưởng báo cáo là anh ta bị ít nhất hai đại đội địch tấn công và trung đội 2B1/7 bên cánh phải sắp có thể bị bao vây và cắt đoạn khỏi phần còn lại của đại đội bởi một lực lượng đông đảo hơn. Cuộc đọ súng gia tăng cường độ. Đồng thời một ít hỏa lực pháo cối 60 và 81 ly bắt đầu rót xuống bãi đáp và vào đại đội B.

Không bao lâu sau khi cuộc giao tranh bắt đầu, trung đội cuối cùng của đại đội A và các phần tử tiên phong của đại đội C đổ bộ xuống. Đại đội A liền được lệnh di chuyển sang bên cánh trái của đại đội B, để thiết lập tiếp cận với đại đội này, để bảo vệ cạnh sườn trái và để phái một trung đội đi tiếp cứu đại đội B bằng cách tới trung đội đang bị nguy khốn. Đại đội C được lệnh chiếm một vị trí ngăn chận bên ngoài bãi đáp về phía nam và tây nam để tránh cho bãi đáp bị tràn ngập về hướng đó và để bảo vệ cạnh sườn trái của đại đội A. Hỏa lực không kích và pháo kích được lệnh bắn phá vào phần ven biên của chân núi và tiến dần lên núi và trên đường tiến quân của địch tới bãi đáp từ hướng tây và nam. Nhưng địa thế không có nét rõ ràng làm tiêu chuẩn và các bụi rậm và cây cối đều trông giống nhau. Không khí bị khói và bụi vẩn đục. Vì trung đội 2B1/7 bị tách rời khỏi ở phía trước của hai đại đội A và B khiến cho hỏa lực yểm trợ cho hai đại đội này bị chậm trễ. Tuy nhiên, bằng cách dùng kỹ thuật "diù dắt" hỏa lực xuống núi từ hướng nam và tây, hỏa lực được đặt tại những nơi tạo một ít nâng đỡ cho hai đại đội này. Mặc dù cố gắng hết sức, đại đội B tăng phái chỉ có thể tiến tới cách trung đội bị cô lập khoảng 75 thước và không tiến lớn hơn được.

Đồng thời, đại đội A trừ cũng đụng độ nặng với một lực lượng lớn của ít nhất một đại đội địch đang tiến tới dọc theo một khe suối khô nước song song với ven phía tây của bãi đáp. Ngay lập tức một cuộc cḥạm súng mãnh liệt phát nổ. Đại đội A bị tổn thất nhẹ và gây thiệt hại nặng cho địch. Một tiểu đội ở vào một vị trí cho phép nhả hỏa lực vào cạnh sườn của một toán từ 50 đến 70 lính Việt Cộng trong khi họ di chuyển ngang qua phía trước mặt.

Ngay khi cuộc giao tranh với đại đội A bùng nổ, các phần tử cuối cùng của đại đội C và các phần tử tiên phong của đại đội D đổ bộ xuống. Đại đội trưởng đại đội C ra lệnh cho các đơn vị vào vị trí dọc theo các phần tử khác đả đỗ bộ năm phút trước, một lực lượng gồm 175-200 địch quân tiến tới bải đáp và đâm đầu thẳng vào đại đội C. Địch quân bị chận đứng và nhiều quân sĩ bị giết trên đường xông tới chiếm cứ bãi đáp. Cuộc giao tranh kéo dài khoảng một tiếng rưỡi cho đến khi địch bị bấn loạn và hao mòn buộc phải tháo lui dưới không kích và pháo kịch, lôi theo nhiều xác chết và quân sĩ bị thương.

Lúc 1500 giờ, trong khi số còn lại của các phần tử tác chiến thuộc tiểu đoàn cuối cùng đổ bộ xuống, và hỏa lực địch thuyên giảm dưới sức phản công của hai đại đội C và D, tiểu đoàn trưởng có thể nhanh chóng ra lệnh cần thiết để tái phối trí quân ngũ. Sau đó, hai cuộc tấn công được phát động để tiến tới trung đội 2B1/7 đang vị bao vây. Nhưng vấp phải một lực lượng địch đông đảo hơn đang từ các vị trí che kín tìm cách cắt đoạn các lực lượng tấn kích. Khoảng 1740 giờ, Trung Tá Moore quyết định kéo hai đại đội A và B trở lui lại ven bãi đáp dưới hỏa lực yểm trợ bao che và thiết lập một chu vi phòng thủ qua đêm. Tiểu đoàn vẫn còn duy trì liên lạc tốt với các trung đội xung quanh và được bao che bởi một vòng đai pháo kích bắn tiếp cận bảo vệ. Khoảng 1800 giờ, đại đội B thuộc tiểu đoàn 2/7 đổ bộ để tăng cường cho 1/7.

Ngày 15 tháng 11 năm 1965

Vì bị tổn thất nặng vào buổi chiều, địch chỉ đánh dạm nhẹ xung quanh chu vi phòng thủ vào ban đêm. Còn trung đội bị cô lập hóa thì bị ba đợt tấn công riêng rẽ nhưng nhờ vào hỏa lực pháo kích tiếp cận liên tục, khi trời sáng, nhiều xác địch nằm ngổn ngang xung quanh trung đội.

Nhưng khi mặt trời vừa ló dạng, địch tái xuất hiện và đồng loạt tấn công từ ba phía: từ phía nam, tây nam và đông nam. Vào khoảng 0730 giờ, địch đã di chuyển gần tới chu vi các hố chiến đấu mặc dù bị pháo binh, bích kích pháo và không kích tiếp cận gây tổn thất nặng nề. Có nhiều cuộc đánh xáp lá cà xảy ra. Lúc 0755 giờ, tất cả các vị trí của trung đội được lệnh tung ra lựu đạn khói màu để xác định vị trí cho các quan sát viên trên trời vòng đai của chu vi phòng thủ và tất cả các hỏa lực yểm trợ tiến hết sức gần, vì hỏa lực của địch dày đặc khiến cho mọi di chuyển tới hay nội trong khu vực phòng thủ gây nên tổn thất cho quân lính của ta. Một số pháo kích của ta rơi vào bên trong chu vi phòng thủ và hai quả bom napalm thả vào khu vực của đơn vị chỉ huy.

Vào khoảng 0910 giờ, đại đội A thuộc tiểu đoàn 2/7 đổ bộ xuống tăng cường. Khoảng 1011 giờ, cuộc tấn công của địch bị đẩy lui, xác địch, tứ chi địch, vũ khí và quân cụ nằm ngổn ngang đầy ven bờ và phía trước chu vi phòng thủ. Có dấu chỉ cho thấy xác địch và thương binh địch được lôi kéo ra khỏi khu vực giao tranh.

Việc giải tỏa trung đội bị cô lập xảy ra vào buổi chiều và do tiểu đoàn 2/5 phái đi bởi Lữ Đoàn 3 thực hiện; đơn vị này đi bộ từ bãi đáp Victor, và tiến sát tới bãi đáp X-ray lúc 1205 giờ. Địch chỉ kháng cự nhẹ và trung đội ̣được giải cứu lúc 1510 giờ. Đơn vị vẫn còn đạn dược, tình thần còn tốt và chỉ bị 8 chết và 12 bị thương.

Ngày 16 tháng 11 năm 1965

Đêm trải qua yên tĩnh đến 0400 giờ khi một lực lượng gồm 250-300 địch quân tấn công từ phía đông nam. Máy bay thả trái sáng được kêu đến và tiếp tục cho tới 0545 giờ. Cuộc tấn công bị dập tắt bởi hỏa lực của vũ khí nhẹ và pháo binh. Lúc 0432 giờ, một cuộc tấn công khác bởi 200 địch quân đến từ cùng hướng nhưng pháo binh gây cho tổn thất nặng nề. Khoảng 0500 giờ, sức nặng của cuộc tấn công địch chuyển nhiều hơn qua phía tây nam nhưng bị dập tắt nửa giờ sau. Lúc 0627, một cuộc tấn công khác nhắm thẳng vào bộ chỉ huy. Lúc 0641 giờ, địch bị đánh đuổi và lôi kéo xác chết theo dưới hỏa lực.

Một công cuộc tìm và càn quét được thực hiện lúc 0810 giờ bởi tất cả các đơn vị trong phạm vi phòng thủ. Xác chết địch nằm la liệt khắp cùng khu vực và thu lượm được vô số vũ khí

Toàn bộ trận đánh kéo dài liên tục trong 48 tiếng đồng hồ và đic̣h ṭổn thất tại X-ray gần một phần ba tổng số mất mát trong suốt tất cả ba đợt:

- Chết trận (đếm được xác): 834

- Chết trận (ước tính): 1215

- Bị bắt: 6

- Vũ khí bị tịch thu: 141

- Vũ khí bị phá hủy: 100

Còn tiểu đoàn 1/7 thì 79 quân sĩ bị giết và 125 bị thương.

Tỉ lệ 1/10 chứng tỏ tiểu đoàn 1/7 rất là may mắn vì thật bất ngờ là từ trên các đồi bao quát ngó xuống bãi đáp, địch đã không đặt các vũ khí cộng đồng để yểm trợ các cuộc tấn công. Tình trạng này chỉ có thể giải thích bởi các lý do sau đây:

- Địch đã mất gần hết các vũ khí cộng đồng trong đợt đầu.

- Họ bị tiểu đoàn 1/7 tấn công bất ngờ và các cán bộ chỉ huy đã không khéo xử dụng địa thế.

- Các chiến thuật của họ hầu như dựa vào "biển người" và họ quá tự tin là cuộc tấn công của họ sẽ làm cho tiểu đoàn 1/7 rã ngũ rất mau chóng.

Tiểu đoàn 1/7 rời khỏi bãi đáp X-ray lúc 1040 giờ ngày 16 tháng 11 và được thay thế bởi hai tiểu đoàn 2/7 và 2/5.

Ngày 17 tháng 11 năm 1965

Cần lưu ý là từ chiều ngày 15 tháng 11, các phóng pháo cơ B52 đã tham gia vào trận đánh với năm phi vụ oanh tạc hằng ngày tại rặng núi Chu Prông. Ngày 17 tháng 11, các mục tiêu oanh tạc cũng bao gồm bãi đáp X-ray và hai tiểu đoàn của ta được lệnh di chuyển ra cách bãi đáp 3 cây số, về hướng bắc và hướng tây bắc tới một bãi đáp khác gọi là bãi đáp Albany.

Việc di chuyển cũng dựa trên ước tính là địch đã rút lui về hướng đó. Vào buổi chiều ngày hôm trước, một trực thăng đã bị bắn rớt trên vùng đó, sự di chuyển của địch cũng nhắm tấn công vị trí pháo binh nằm phía đông bãi đáp X-ray, đã từng yểm trợ hữu hiệu cho tiểu đoàn 1/7 trong hai ngày chót. Hai tiểu đoàn di chuyển theo hai hướng khác nhau, 2/7 theo hướng bắc và 2/5 theo hướng tây bắc.

Tiểu đoàn đầu sau đó rơi vào một ổ phục kích Việt Cộng thiết lập bởi một đơn vị địch cỡ tiểu đoàn, khi tiểu đoàn gần tới các mục tiêu.

Nhưng một lần nữa, Việt Cộng lại trở thành những mục tiêu cho không kích và pháo kích:

- Chết trận (đếm được xác): 403

- Chết trận (ước tính): 100

- Vũ khí bị tịch thu: 112.

Ngày 18 tháng 11, một cuộc tấn công lại xảy ra nhắm vào vị trí pháo binh, với kết quả là khoảng 100 lính Việt Cộng chết và hơn 20 vũ khí bị tịch thu.

Hao mòn bởi những thất bại và tổn thất liên tiếp và hậu cứ tại Chu Prông đang bị B52 phá hủy, cuối cùng Việt Cộng thôi cố gắng và phân tán thành từng toán nhỏ và rút lui về hướng biên giới.


(1) Sau thời kỳ thử thách bắt đầu từ năm 1963, Sư Đoàn chính thức hoạt động tháng 6 năm 1965 và tới Việt Nam tháng 9 năm 1965. So với các Sư Đoàn Mỹ khác, Sư Đoàn 1 Không kỵ có ít quân hơn (15787 thay vì 15900) và quân xa (1600 thay vì 3200) nhưng nhiều phi cơ hơn (435 thay vì 101). Việc di chuyển của 3000 quân lính trên một khoảng cách 160 cây số chỉ cần có 59 phút. (US Army Information Digest, August 65, trang 36)
(2) Danh xưng cuộc hành quân của Lữ Đoàn Mỹ.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc
Đại Tá Hiếu, tác giả ẩn danh
(Why Pleime - April 1966)

generalhieu