Tôi tưởng không cần nhắc lại trận Pleime vì các báo chí địa phương lẫn quốc tế đều đã tường thuật rộng rãi về trận đánh qua các tường trình và hình ảnh của các phóng viên chiến trường như Frank McCulloch (Time), Charles Mohr, Neil Sheehan (New York Times), Peter Arnett (New York Herald Tribune), Eddie Adams (Associated Press), Alain Taieb (Paris Match), vân vân… và đặc biệt các đài truyền thông quốc tế: VOA, BBC, New Delhi, Bangkok, Tokyo, Manila, vân vân … đã bình luận tỉ mỉ về Pleime ròng rã hơn một tháng. Tôi tưởng là sẽ không viết gì khác, ngoài một bản báo cáo đầy đủ đệ trình cho Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tổng Tham Mưu và in ấn một số kinh nghiệm thu thập được qua các trận đánh lớn cho các Sư Đoàn 22, 23, 24 Chiến Thuật dưới quyền chỉ huy của tôi, để giảm tối thiểu sự hy sinh của quân sĩ chúng ta. Tôi đã quyết định không nói thêm gì khác vì theo truyền thống quân sự, "Không nên nản lòng khi thất bại và kiêu căng khi thành công". Nhưng đầu năm nay, một phái đoàn Tướng Lãnh Đại Hàn hướng dẫn bởi Tướng Lee Hyun Chin và tiếp sau đó, Thứ Trưởng Ngoại Giao Đại Hàn - Tướng Chang Chang Kuk - cùng với một số Tướng Tư Lệnh thuộc Quân Lực Đại Hàn, tới Việt Nam tháng 4 năm 1966 để học hỏi về các trận đánh tại Pleime và háo hức xin tài liệu. Rồi một phái đoàn gồm 11 Tướng Lãnh thuộc Trung Hoa Dân Quốc dẫn đầu bởi Tướng Lo Yu Lun, Hành Quân, cũng đến cùng một mục đích trên. Ngoài ra, còn thêm các vị Dân Biểu Quốc Hội cùng các vị Tư Lệnh Quân Sự Hoa Kỳ cũng đến thăm viếng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II để biết thêm về các chi tiết của trận đánh tại Pleime và tham quan Pleime. Mối quan tâm này chứng tỏ việc thu thập các tài liệu về trận chiến này không chỉ là điều nên làm đối với bất kỳ tư lệnh và nhân viên quân sự nào mà còn là một dịp để chu toàn và vinh danh tưởng niệm của các vị anh hùng đã anh dũng tử trận tại Pleime và Chu Prông. Tất cả các đơn vị tham dự trong trận chiến lịch sử này đã đem hết khả năng để phục vụ Quê Hương. Chúng ta hãnh diện về họ và thành thật tin tưởng là không gì đáng giá như là phần thưởng và huân chương cho những người đã chấp nhận trận đánh Pleime trong tình hình tồi bại của Cao Nguyên trong mùa mưa năm 1965. Những trang này được viết lên với mục đích tôn vinh các chiến tích của các anh hùng từ các đơn vị Thiết Giáp, Biệt Động Quân, Bộ Binh, Nhảy Dù, Không Quân, Lực Lượng Đặc Biệt và Biệt Cách Dù và đặc biệt những chiến sĩ sống sót nhưng vẫn đau khổ do bới thương tích gây nên. Qua cuốn sách tôi chỉ muốn lưu ý là trong trận Pleime, 6000 Việt Cộng đã bị loại khử, 3000 vũ khí cá nhân và cộng đồng bị tịch thu hay phá hủy, trong số đó có 169 súng đại liên hạng nặng và 179 lính chính qui Bắc Việt bị bắt làm tù binh. Trận chiến này kéo dài khá lâu: 38 ngày và 38 đêm hay nói cách khác trên 800 giờ: 800 giờ khắc khoải, lo âu, phiền muộn, hồi hộp và trông đợi. Trận đánh Điện Biên Phủ chấm dứt cuộc chiến Đông Dương (1947-1954) kéo dài hai tháng nhưng chỉ là một cuộc vây lấn một cứ điểm tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Trận đánh Pleime với nhiều khác biệt trên nhiều phương diện chiến thuật: hẳn là trận đánh to lớn nhất từ mấy năm sau này. Trong giai đoạn hai của trận đánh, có sự tham dự của một đơn vị hiện đại nhất và độc nhất vô nhị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ. Thật là thú vị cho tôi được may mắn chiến đấu sát cánh trong suốt trận đánh với một trong những tướng lãnh khôn ngoan nhất của Quân Lực Hoa Kỳ: Thiếu Tướng Harry Kinnard, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ. Tôi thành khẩn kêu gọi: Nếu họ có chi tiết hay tài liệu liên quan đến công cuộc tham chiến của các đơn vị mình, họ nên gửi cho Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn II để được góp thêm vào cuốn sách này ngõ hầu cuốn sách trở thành một tài liệu lịch sử hoàn bị, vì đó là kết quả của các gian lao và hy sinh mà các chiến sĩ từng anh dũng và nhiệt tâm phục vụ trên phần đất Cao Nguyên hẻo lánh này. Thiếu Tướng Vĩnh Lộc
|