Chương I
Chiến ̣Dịch Năm 1954 của Việt Minh Trên Cao Nguyên

Một Vị Trí Chiến Lược

Đối với hầu hết mọi người, việc gia tăng đột xuất của các sinh hoạt Việt Minh tại Cao Nguyên trong năm 1954 là vì những lý do sau đây:

1) Một số lượng lớn đơn vị Pháp rút lui để đi tăng cường cho Điện Biên Phủ, vì vậy khiến cho vùng không được bảo vệ đầy đủ bởi các lực lượng di động, vào thời điểm đó chỉ gồm có Chiến Đoàn số 100 (Groupement Mobile numéro 100), một ít Tiểu Đoàn Dân Thượng và Chiến Đoàn số 11 Việt Nam.

2) Việt Minh đoán biết trước kế hoạch hành quân Atlante nhằm chiếm cứ vùng trung tâm duyên hải và họ đánh thốc vào Cao Nguyên để có mặt trước tiên tại chiến trường và buộc Pháp phải phân tán lực lượng.

3) Bằng cách gia tăng hoạt động tại các chiến tuyến tương đối êm thắm như vậy, Việt Minh hy vọng tiếp tục nắm tay trên và chủ động đối với kế hoạch của Tướng Navarre nhắm tạo dựng các lực lượng di động khẻo mạnh.

Nhưng tất cả những lý do trên không thể giải thích tại sao Việt Minh lại kiên trì theo đuổi những toan tính của họ cho đến Hiệp Ước Geneva năm 1954 và tiến tới nắm quyền kiểm soát lãnh thổ. Theo Tiến Sĩ Bernard B. Fall(1), khi đình chiến được tuyên bố, thẩm quyền Pháp chỉ bao gồm Darlac và Đà Lạt.

Do đó quả là một lỗi lầm lớn cho là Việt Minh tăng cường nhịp độ hoạt động tại Cao Nguyên năm 1954 chỉ là để phối hợp một chiến dịch rộng lớn hay là một lực đối phó chống lại sự bành trướng của Pháp. Vì chúng ta cần phải luôn biết là cả Pháp lẫn Việt Minh đều coi chiến trường Cao Nguyên như một phần của cuộc chiến trên toàn bán đảo Đông Dương, kể cả không những Việt Nam mà gồm cả Lào và Căm Bốt.

Trong một tài liệu Việt Minh nhan đề "Thành Công tại Hạ Lào" (trang 3), địch xác định rõ ràng:

"Đối với Pháp, Hạ Lào, Đông Căm Bốt và Tây Nguyên gộp lại thành một tam giác chiến lược từ đó có thể chinh phục Nam Việt Nam, Hạ Trung Việt, Căm Bốt lẫn Trung và Hạ Lào".

Mặt khác, Tướng Pháp Delange, lúc đó là Tư Lệnh Vùng 4 Quân Sự (Bản doanh tại Ban Mê Thuột), cũng viết trong "Chiến dịch của Khu V từ 1/1 đến 31/7/1954" (trang 9-10) như sau:

"Theo khái niệm của Bộ Tổng Tư Lệnh Việt Minh, vùng trải Đông-Tây từ Quảng Ngãi đến Cao Nguyên Bolovens và Bắc-Nam từ Quảng Nam đến Pleiku là "địa bàn chiến lược" có thể dùng làm bàn đạp để bành trướng hầu như bất cứ hướng nào:

- Hướng Nam tới nam Cao Nguyên và Nam Việt Nam,

- Hướng Đông tới vùng duyên hải,

-Hướng Tây tới Hạ Lào và Căm Bốt.

"Hơn nữa, với Trung Lào (cần được giải phóng bởi Khu IV), vùng này sẽ là một căn cứ lớn ngay chính giữa bán đảo Đông Dương. Kiểm soát được phần lãnh thổ này sẽ khiến địch có thể phối hợp hoạt động và điều động lực lượng giữa Bắc và Nam và như vậy chuẩn bị cho một cuộc "tổng phản công". Các vị trí và địa thế trong vùng này hợp thành bởi "phần Bắc Cao Nguyên và Bolovens" được coi là rất ứng hợp với các ý định của Việt Minh và phải được giải phóng theo kế hoạch của họ".

Tiếp sau, Tướng Delange cũng viết:

"Các cuộc tấn công của Việt Minh trên Tây Nguyên năm 1954 rất khác xa các cuộc tấn công những năm trước. Lần này, "vùng giải phóng" sẽ được bảo vệ và nới rộng về hướng nam để tạo an ninh hơn cho căn cứ của họ và có thể gây áp lực sau này một cách trực tiễp hơn vào Căm Bốt và Nam Việt Nam".

Kontum và Quốc Lộ 19

Để thực hiện kế hoạch, trong tháng 12 năm 1953 và tháng giêng năm 1954, Việt Minh đánh thốc vào Trung và Hạ Lào, chiếm cứ Thakkhet, tiêu diệt toàn bộ loạt đồn Pháp dọc theo Quốc Lộ 12 và 19, đe dọa căn cứ Seno và bao vây Voeune Sai (phía Đông Căm Bốt).

Vào cuối tháng giêng năm 1954, ngày 27, Việt Minh đồng loạt tấn công Mang Buk, Cao Nguyen Gi (hiện giờ là tiểu khu quận Chương Nghĩa) và Konbrai. Rồi họ chuyển mọi nỗ lực qua phía Bắc Kontum và cắt đứt phần đất này khỏi Pleiku. Ngày 2 tháng 2, tất cả mọi đồn phía Tây Bắc Kontum, kể cả Dakto, bị tràn ngập và ngày 5 tháng 2, tất cả mọi chiếc cầu phía Bắc Kontum bị phá hủy. Lực Lượng Viễn Chinh Pháp bị buộc phải bỏ Kontum ngày 7 tháng 2 và rút về Pleiku. Chiến Đoàn số 100 vừa mới đặt chân tới Cao Nguyên không đầy hai tháng - ngày 17 tháng 12 năm 1953 - và từ đó luôn di động, bị ép vào một cuộc triệt thoái thứ nhì! (Cuộc triệt thoái thứ nhất ngày 28 tháng giêng năm 1954, từ Tuy Hòa tới Kontum).

Mười ngày sau, ngày 17 tháng 2, Việt Minh trở lại tấn về hướng đông và hướng nam: họ chiếm Dakdoa, sách nhiễu Pleibon và tấn công La Pit (10 cây số Bắc Pleiku, trên Quốc Lộ 14) như thể để buộc Pháp cũng phải rời bỏ khỏi Pleiku.

Nhưng ngày 15 tháng giêng, Chiến Đoàn Atlante đổ bộ tại Sông Cầu và Tuy Hòa. Việt Minh liền điều chỉnh các mục tiêu sau ngày 15 tháng 3 như sau:

1) Tiêu diệt điểm chính An Khê, hay ít nhất ngăn cấm Quốc Lộ 19 để cô lập Pleiku và cấm đoán mọi liên lạc của các toán quân Pháp giữa An Khê và Qui Nhơn

2) Mở các mặt trận khác trên Cao Nguyên và dọc theo vùng duyên hải để phân tán các lực lượng Pháp.

Ngày 29 tháng 3, Việt Minh khởi sự hoạt động trên Quốc Lộ 19 với một cuộc phục kích và một cuộc tấn công đồn tại Đèo Mang. Trong tháng kế tiếp, họ lại phục kích và tấn công bốn lần trong vùng trải từ An Khê tới Pleiku, gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị của Chiến Đoàn số 100.

Đồng thời các nỗ lực địch gia tăng trên Quốc Lộ 14 và Liên Tỉnh Lộ 7, theo hướng Cheo Reo. Các cuộc tấn công được phát động không ngừng vào Plei Ptao, Lei Ring, B. Hioan Cham, Lệ Bắc.

Ngoài các mặt trận chính kể trên - An Khê và Mặt Trận Sông Ba - do các đơn vị chủ lực quân thuộc Khu V thực hiện, hai mặt trận phụ do các đơn vị địa phương tổ chức để sách nhiễu phía hậu của các lực lượng Pháp, một tại Phú Yên và Darlac, hai tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Djiring.

Tháng 5 năm 1954, để yểm trợ cho cuộc mặc cả tại Hội Nghị Geneva, Việt Minh tung ra mọi nỗ lực khắp trong vùng. Từ đó tới ngưng chiến, họ không ngừng tấn công các vị trí và đoàn xe Pháp trên tất cả các Quốc Lộ 19, 21, 14 và 1. Các đồn Pháp tại Tuy Hòa không ngừng bị vây lấn và sách nhiễu. Chính là trong thời điểm này mà Lực Lượng Viển Chinh Pháp buộc phải bỏ An Khê (ngày 29 tháng 6 năm 1954) và trên đường rút lui về Pleiku, Chiến Đoàn số 100 bị tiêu hao bởi các ổ phục kích địch. Sau một lần khác sa vào bẫy Việt Minh tại Đèo Chu Drek trên Quốc Lộ 14, Tiểu Đoàn 2 Nam Triều Tiên (Pháp) bị hoàn toàn loại khỏi vòng chiến!

Bằng cách kiên trì thực hiện kế hoạch và hoạt động không ngừng, Việt Minh cho thấy mức quan trọng họ đặt vào Cao Nguyên. Đứng trước thất bại, Tướng Delange trầm tư ghi xuống đoạn văn kết luận sau đây, trước khi rời Việt Nam:

"Bất kể tương lai sẽ thế nào, Cao Nguyên sẽ cống hiến cho địch những đường xâm nhập thiên nhiên tốt nhất, do vị trí chiến lược, địa thế hiểm trở và dân cư thưa thớt, cho đến chừng nào địch thôi đeo đuổi mộng gây hấn Miền Nam Việt Nam. Qua các "hàng lang" đó, tất cả mọi giao liên giữa hai vùng sẽ xảy ra cách hòa điệu và trong bí mật".


(1) Street Without Joy, The Stackpole Company, Chương 9, trang 169.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc
Đại Tá Hiếu, tác giả ẩn danh
(Why Pleime - April 1966)

generalhieu