Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một Tướng Tuyệt Giỏi của QLVNCH

Một số tướng lãnh QLVNCH được biết đến do vai trò chính trị họ thủ vai trong cuộc Chiến Việt Nam (1954-1975), tỉ như Tướng Dương Văn Minh, Tướng Trần Văn Đôn, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Nguyễn Cao Kỳ; một số khác do vai trò chiến đấu trong một số trận đánh lớn, tỉ như Tướng Đỗ Cao Trí (các cuộc hành quân vượt biên Căm Bốt, 1970), Tướng Lý Tòng Bá (Trận Đánh Kontum, 1972), Tướng Ngô Quang Trưởng (Trận Đánh Quảng Trị, 1972), Tướng Lê Văn Hưng (Trận Đánh An Lộc, 1972), Tướng Lê Minh Đảo (Trận Đánh Xuân Lộc, 1975). Tuy nhiên, có một tướng lãnh ít người biết đến hơn, nhưng lại hết sức tài giỏi, Tướng Nguyễn Văn Hiếu.

Ngay từ năm 1958, khi còn mang lon thiếu tá và là phụ tá tham mưu trưởng Quân Khu I, tài cán quân sự của Hiếu đã được một cố vấn Mỹ nhận xét thấy:

“Ngày 16 tháng 2 năm 1958, Hiếu được bổ nhiệm làm Tham Mưu Phó Hành Quân tại Quân Đoàn I. Tư Lệnh Quân Đoàn là Trung Tướng Trần Văn Đôn. Trong tháng 8 năm đó, Hiếu tiếp nhận một bản lượng giá từ một Cố Vấn Mỹ. Bản tường trình cho thấy rõ là trong thời gian sáu tháng tại Quân Đoàn I, Hiếu đã để lại một ấn tượng rất khả quan cho Nhóm Cố Vấn Mỹ tại Đà Nẵng. Hiếu được nhiệt liệt đề cử theo học US Army Command and General Staff College tại Fort Leavenworth, Kansas; được khen ngợi về khả năng hành chánh; về tài nghệ và xử dụng đúng mức nhân sự; và về thái độ thượng đẳng đối với việc tiếp nhận và chấp nhận ý kiến của các cố vấn Mỹ. Các cố vấn kết luận trong bản tường trình như sau: “Ông là một người có tiềm năng lên tới bậc cao nhất trong Quân Đội Việt Nam. Ông đáng được gửi sang học một trường bên Mỹ càng sớm càng tốt, đặc biệt là Ft. Leavenworth. Ông đáng được bổ nhiệm vào các công việc chỉ huy chiến trường để có thêm kinh nghiệm chỉ huy. Sĩ quan này, nếu được xử dụng và khai triển đúng mức, rất có thể trở nên một sĩ quan tướng lãnh tài giỏi tương lai nếu không là xuất chúng trong Quân Đội Việt Nam. Thái độ của ông đối với Hoa Kỳ rất mạnh, và khả năng thông thạo ngoại ngữ rất quan yếu cho các cuộc hành quân liên hợp của Đồng Minh.”(1).

Tuy Hiếu lại được các cố vấn Mỹ tiến cử theo học tại US College of Command and General Staff at Fort Leavenworth thêm một lần nữa năm kế tiếp 1959, Hiếu vẫn bị các sĩ quan kém tài năng hơn vượt qua mặt và chỉ được qua học đại học quân sự này vào năm 1962 vì lẽ đã không chịu gia nhập Đảng Cần Lao của Tổng Thống Diệm.

Sau khi tốt nghiệp Command and General Staff College năm 1963, Hiếu tiếp tục phục vụ trong ngành tham mưu, thoạt đầu với tư cách tham mưu trưởng Sư Đoàn 1 Bộ Binh vào tháng 8 năm 1963 tại Huế và tiếp sau tham mưu trưởng Quân Đoàn II tại Pleiku.

Vào năm 1965 trong vai trò Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, Đại Tá Hiếu đã có cơ hội biểu lộ nét thiên tài quân sự trong chiến dịch Pleime(2). Chiến dịch này là đáp ứng của QLVNCH đối với chiến dịch Plâyme của Bắc Quân được Việt Cộng điều nghiên từ đầu năm 1965 nhằm cắt đôi Nam Việt Nam dọc theo Quốc Lộ 19 từ Pleiku, trên Cao Nguyên xuống Qui Nhơn, vùng ven biển. Để đạt mục tiêu, Bộ Tư Lệnh Bắc Quân tung vào ba Trung Đoàn –32, 33 và 66 dưới sự chỉ huy của Mặt Trận Dã Chiến B3. Chiến dịch nguyên thủy được hoạch định khởi công vào cuối năm 1965 hay đầu năm 1966. Nhưng vì các toán quân của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ bắt đầu tràn lên Cao Nguyên, chiến dịch được phát động sớm hơn dự tính vào ngày 19 tháng 10 năm 1965. Kế hoạch gồm ba giai đoạn: (1) phát động một cuộc tấn công nghi binh vào trại Pleime với Trung Đoàn 33 nhằm dụ chủ lực quân của Quân Đoàn II ra khỏi Pleiku và tiêu diệt toán quân tiếp viện này bằng cách đặt một địa điểm phục kích do Trung Đoàn 32 thiết lập; (2) đánh dứt điểm với hai Trung Đoàn 32 và 33; (3) tiến chiếm thành phố Pleiku với ba Trung Đoàn - 32, 33 và 66.

Trước tiên, Đại Tá Hiếu đã có thể đánh bại mưu toan đầu tiên của địch bằng định thần đây là một chước phục kích di động và chống trả với một chiến thuật trì trệ và rồi khiến binh sĩ ẩn nấu bên trong bụng chiến xa khi bị tấn công tại địa điểm phục kích và thả cửa quăng lựu đạn ra giết hại các toán quân địch trực sẵn gần kề chiến xa trong thế sẵn sàng sát hại chiến sĩ nếu họ nhảy ra khỏi chiến xa.

Tiếp đến, Đại Tá Hiếu đã có thể truy đuổi các toán quân địch tháo lui về rặng núi Chu Prong nơi chúng kết tụ với Trung Đoàn 66 đến chiến trường chậm trễ, với sự trợ giúp của Lữ Đoàn 3 Không Kỵ Mỹ. Đại Tá Hiếu đã thành công cầm chân các toán quân của ba trung đoàn này co cụm nhau lại vào một khu vực bằng cách điều động Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ Mỹ nhảy xuống bãi đáp X-Ray trong một thế nghi binh khiến chúng trở nên mục tiêu cho các cuộc oanh tạc máy bay B-52 thực hiện trong suốt năm ngày từ 15 đến 19 tháng 11.

Sau hết, Đại Tá Hiếu kết thúc cuộc phản công với Lữ Đoàn Dù Việt Nam bằng cách dự kiến các đường tháo lui của hai tiểu đoàn Bắc Quân sống sót và tiêu diệt chúng tại hai địa điểm phục kích dọc theo sông Ia Drang, thứ nhất tại khu vực phía bắc và thứ hai tại khu vực phía nam (3).

Sau hơn một tháng hành quân, kết quả của chiến dịch Pleime là sự tiêu diệt của trọn các lực lượng của Mặt Trận Dã Chiến B3 gồm khoảng chừng 6 ngàn chiến binh. Ba trung đoàn bị banh xác được tái phục hồi với tân binh tại các hậu cứ nằm trên lãnh thổ Căm Bốt.

Đại Tá Hiếu gán thành quả của chiến dịch Pleime cho việc thâu thập các tin tức tình báo về tình trạng quân sự địch trong mọi thời điểm xuyên suốt thời gian chiến dịch:

“Trận chiến từ giai đoạn hai và ba cũng mang thêm một sắc thái chưa từng có từ trước tới nay vì ngót 20 năm rồi, khi còn chiến tranh Việt Pháp, chưa mấy khi các cuộc truy kích đã được đề cập tới sau mỗi lần địch xuất hiện và nếu có thực hiện được cũng không đem lại kết quả gì đáng kể. Cho nên lần này ý chí quyết không để cho địch chạy thoát, cộng với sự nắm vững tình hình địch đã làm cho trận chiến phát triển đến một mức độ và quy mô tối đa đồng thời đem lại những chiến công lớn nhất từ trước đến nay của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh.” (4).

Vào cuối cuộc Chiến Việt Nam, Tướng Hiếu, trong tư cách Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III phụ trách hành quân, đã có dịp thảo kế hoạch và thi hành một cuộc hành quân lớn loại blitzkrieg trong mặt trận Đức Huệ tháng 4 năm 1974 mà William Legro cho là “cuộc phản công lớn sau chót của Nam Việt Nam”(5) . Trong cuộc hành quân vĩ đại này, để giải tỏa áp lực Sư Đoàn 5 Bắc Quân đè nặng trên căn cứ hẻo lánh một đơn Biệt Động Quân trấn giữ tại Đức Huệ đối diện với mật khu Bắc Quân tại Svây Riêng trong lãnh thổ Căm Bốt, Tướng Hiếu đã xử dụng các lực lượng hành quân cấp quân đoàn.

Trong giai đoạn I của cuộc hành quân, vào ngày 28 tháng 4, mười một tiểu đoàn QLVNCH thuộc bộ binh, địa phương quân và biệt động quân thực hiện những cuộc hành quân thăm dò, ngăn chận và trinh sát, yểm trợ bởi các phóng pháo cơ và chiếu đấu cơ của Không Lực Việt Nam nhằm vào các vị trí và căn cứ địch quân.

Trong giai đoạn II, Tướng Hiếu phát động Lực Lượng Đặc Nhiệm Xung Kích Quân Đoàn III gồm ba Lực Lượng Đặc Nhiệm – 315, 318 và 310 – tấn công bất thần thọc sâu 15 cây số vào lãnh thổ Căm Bốt nhằm vào hậu cứ của Sư Đoàn 5 Bắc Quân. Lực Lượng Đặc Nhiệm được được yểm trợ bởi các căn cứ hỏa pháo đặt tại ba trục tấn công dọc theo biên giới.

Theo Samuel Lipsman and Stephen Weiss, “Khoảng ngày 10 tháng 5, khi đơn vị cuối cùng của QLVNCH trở về căn cứ, các hệ thống truyền tin và tiếp vận của Cộng quân trong vùng bị phá vỡ trầm trọng. Cộng quân thiệt hại hơn 1,200 chết, 65 bị bắt, và hàng trăm khí giới bị tịch thu. Mặt khác, nhờ vào các yếu tố vận tốc, bí mật, và phối trí của một hành quân đa diện, QLVNCH chỉ bị chết có dưới 100 quân lính.” (6).

Giữa hai cuộc hành quân lớn kể trên, Tướng Hiếu đã biểu dương tài cán chiến thuật và chiến lược trong việc hoạch định và thi hành nhiều cuộc hành quân khác cấp sư đoàn, tỉ như chiến dịch Đỗ Xá năm 1964, hành quân Thần Phong 1 năm 1965, hành quân Đại Bàng 800 năm 1967 và trận đánh Snoul năm 1971. So với các tướng lãnh khác thuộc mọi Quân Đội – QLVNCH, Hoa Kỳ và Bắc Quân – Tướng Hiếu đã thực hiện các trận đánh lớn nhiều hơn cả trong cuộc Chiến Việt Nam mà hầu hết là được phát động ở cấp tiểu đoàn vì lẽ Cộng Sản Bắc Việt đã quyết định áp dụng chiến tranh du kích trong phần lớn của cuộc xung đột.(7)

(Hành quân Thần Phong 1)

Tướng Trần Văn Đôn mà Tướng Hiếu từng làm việc dưới quyền khi khởi đầu binh nghiệp đánh giá Tướng Hiếu trội hơn mọi tướng lãnh khác trong QLVNCH: “Vào tháng 2 năm 1972, Trung Tướng Đôn lúc bấy giờ và hiện là Phó Thủ Tướng, nói với Lãnh Sự tại Đà Nẵng Tướng Hiếu là một trong số tướng lãnh tài năng nhất của QLVNCH và “tướng lãnh thanh liêm nhất trong Quân Đội hiện nay.” Đức tính này được thường xuyên xác nhận và tuyên dương trong giới sĩ quan QLVNCH. Tướng Đôn nói thêm là ông sẽ lựa chọn Tướng Hiếu trên hết bất cứ một tướng lãnh nào ông quen biết.” (8).

Tướng Hiếu có thể thực hiện nhiều chiến công hơn nữa nếu đã không bị gạt qua bên lề vì không chịu luồn cúi về mặt chính trị. Dưới thời nền Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tướng Hiếu lên lon chậm chạp và bị nhiều sĩ quan kém tài cán hơn qua mặt đi học US College of Command and General Staff at Fort Leavenworth. Dưới thời nền Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng Thống Thiệu, Tướng Hiếu bị sa thải vào tháng 6 năm 1971 và không được giao phó quyền chỉ huy cho đến khi Sàigòn xụp đổ.

Tuy nhiên, Tướng Hiếu cũng đã có thể đạt được một thành quả lớn lao khi ông được chỉ định làm phụ tá cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đặc trách bài trừ tham nhũng mà ông coi như là “một vấn đề cấp bách nhất đối với Cộng Hòa Việt Nam” ngoài mối đe dọa từ phía Cộng Sản Bắc Việt. Tướng Hiếu thành công trong vụ điều tra Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội (QTKQĐ); trong vụ này Tổng Thống buộc phải cất chức Tổng Trưởng Quốc Phòng, Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Tuy vậy, tiếp sau vụ này, Tướng Hiếu không thu hoạch được thêm thành quả trong vụ bài trừ tham nhũng vì không được Tổng Thống Thiệu hỗ trợ.(9).

Nhiều người tin là chính vì vai trò chính trong việc chống tham nhũng trong Quân Đội mà Tướng Hiếu bị ám sát trong văn phòng làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Biên Hòa ngày 8 tháng 4 năm 1975, một ngày trước ngày trận đánh Xuân Lộc bùng nổ.(10)

Tướng Hiếu sinh ngày 23 tháng 6 năm 1929 tại Thiên Tân, Trung Hoa. Thân phụ và thân mẫu quê quán tại Bắc Ninh và Nam Định, Bắc Việt sang Trung Hoa lập nghiệp. Ông lớn lên tại Thượng hải và học trường Collège Français de Shanghai và đậu bằng Baccalauréat en mathematics năm 1948. Ông nhập học Université l’Aurore de Shanghai và học ban Khoa Học cho tới năm 1949 thì theo gia đình từ bỏ Trung Hoa và trở về Việt Nam.

Hiếu gia nhập Quân Đội và ghi danh vào Khóa 3 Trần Hưng Đạo Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt ngày 1 tháng 10 năm 1950. Ông tốt nghiệp thứ hạng khóa gồm 135 sinh viên sĩ quan ngày 30 tháng 7, năm 1951. Binh nghiệp theo ngạch sĩ quan tham mưu, bắt đầu là một phần tử ban tham mưu của Bộ Quốc Phòng Quốc Gia tại Sàigòn. Vào tháng 9 năm 1952, ông được bổ nhiệm vào Bộ Tư Lệnh của Quân Khu 3 tại Bắc Việt. Vào tháng 5 năm 1954, ông được bổ nhiệm vào Ban Hành Quân của Bộ Tư Lệnh của QLVNCH tại Sàigòn, và lên lon đại úy ngày 1 tháng 4 năm 1955 rồi thiếu tá ngày 15 tháng 10 năm 1957. Ngày 16 tháng 2 năm 1958, ông được bổ nhiệm làm Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Hành Quân tại Quân Đoàn I đóng tại Đà Nẵng. Ngày 16 tháng 12 năm 1962, ông qua Mỹ học US College of Command and General Staff at Fort Leavenworth, Kansas và trở về Việt Nam ngày 10 tháng 5 năm 1963. Ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn I Bộ Binh. Sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II và phục vụ liên tiếp qua ba Tướng Tư Lệnh: Đỗ Cao Trí, Nguyễn Hữu Có và Vĩnh Lộc.

Ngày 28 tháng 6 năm 1966, ông đươc bộ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ông được lên lon Chuẩn Tướng và ngày 9 tháng 8 năm 1969 thì lên lon Thiếu Tướng. Ngày 11 tháng 8 năm đó, ông trở nên Tư Lệnh Sư Đoàn 5 dưới quyền Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III. Trong thời gian nắm Sư Đoàn 5 Bộ Binh, ông đã thất sủng vì chỉ trích công khai chính sách Việt Nam Hóa của Mỹ và chống đối tham nhũng trong quân đội. Không lâu sau khi Tướng Trí tử nạn trực thăng vào tháng 2 năm 1971, ông bị loại ra khỏi quân đội vào tháng 6 năm 1971 cho đến tháng 12 năm 1973. Khi đó Tổng Thống Thiệu cần đến tài chiến lược của ông để bảo vệ Sàigòn và vùng phụ cận và bổ nhiệm ông làm Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III. Vào tháng 11 năm 1974, Đại Sự Mỹ tại Sàigòn xác nhận: “Ngoại trừ xảy ra một bước lùi trong tình hình quân sự, rất có thể, do đó, Tướng Hiếu sẽ duy trì tại các chức vụ quan trọng trong tương lai gần.”(11). Tuy nhiên, sự việc đã không xảy ra như vậy: Tướng Hiếu bị ám sát trong khu vực an ninh của văn phòng làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ngày 8 tháng 4 năm 1975.

Nguyễn Văn Tín
24 tháng 12 năm 2012


(1) American Embassy Saigon, Airgram A-231, Bản Tướng Mạo Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó, Quân Đoàn III , November 7, 1974, đoạn 6.
(2) Thiếu Tướng Vĩnh Lộc, Why Pleime, Nhà In Bộ Thông Tin, tháng 10 năm 1966.
(3) Thiếu Tướng Vĩnh Lộc, Why Pleime, Nhà In Bộ Thông Tin, tháng 10 năm 1966, trang 126-133.
(4) Thiếu Tướng Vĩnh Lộc, Pleime, Trận Chiến Lịch Sử, Nhà In Bộ Thông Tin, tháng 10 năm 1966, trang 132.
(5) W. Legro, Chapter 9 - 1974, Year of decision, Vietnam: Cease Fire To Capitulation , US Army Center of Military History -CMH Pub 90-29 – 1985
(6) Lipman S. and Weiss S., The False Peace, The Vietnam Experience, Boston Publishing Company, trang 124.
(7)Có chừng một tá trận đánh/hành quân lớn trong Cuộc Chiến Việt Nam (1959-1975): Đỗ Xá (1964), Pleime (1965), Khe Sanh (1968), Tế̀t Mậu Thân (1968), Hành Quân Vượt Biên Căm Bốt (1971), Lam Sơn 719 (1971), Snoul (1971), Kontum (1972), Quảng Trị (1972), An Lộc (1972), Đức Huệ/Svay Riêng (1974), Xuân Lộc (1975). Tướng Hiếu hoạch định và thực hiện bốn trong số mười hai trận chiến - Đỗ Xá , Pleime, Snoul, và Đức Huệ/Svay Riêng. Xuân Lộc cũng rất có thể là trận đánh của Tướng Hiếu vì lẽ ông là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III phụ trách hành quân và bị ám sát ngày hôm trước khi trận này khởi phát vào ngày 9 tháng 4 năm 1975. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4, Tướng Hiếu còn đang thảo luận với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm Thiết Giáp Xung Kích Quân Đoàn III tại Gò Dầu Hạ chuẩn bị cho cuộc tấn công Bắc Quân sắp tới.
(8) American Embassy Saigon, Airgram A-231, Biographic data on MG Nguyen Van Hieu, November 7, 1974, đoạn 23.
(9) American Embassy Saigon, Airgram A-042, Tướng Hiếu Duyệt Xét Nỗ Lực Chống Tham Nhũng, March 5, 1973.
(10) New York Time, General Kills Self In Saigon Dispute, Sàigòn, ngày 9 tháng 4 năm 1975.
(11) American Embassy Saigon, Airgram A-231, Bản Tướng Mạo Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó, Quân Đoàn III , November 7, 1974, đoạn 23.

generalhieu