Chương Trình Bình Định

Khi Đại Tá Hiếu về nắm Sư Đoàn 22, quân đội Mỹ và Việt đang đều tuân theo chiến thuật search and destroy "lùng và diệt" địch do Tướng Westmoreland đề xướng. Chiến thuật này không mấy hiệu quả vì Việt Cộng áp dụng du kích chiến, chỉ ló mặt ra khi lực lượng đối phương yếu kém hơn. Do đó, Đại Tá Hiếu thích nghi với tình huống chế biến chiến thuật đó thành ra chiến thuật "dụ và diệt địch" như trong cuộc hành quân Đại Bàng 800. Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, Tướng Creighton Abrams thay thế Tướng Westmoreland và thay luôn chiến thuật "lùng và diệt" địch với chiến thuật clear and hold "quét sạch và giữ lấy". Theo chiến thuật này, sau khi càn quét Việt Cộng ra khỏi các nơi đông dân cư, các phần đất an ninh được giao phó lại cho Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trấn giữ. Chiến thuật này còn được gọi là Chương Trình Bình Định và Phát Triển.

Sư Đoàn 22 Bộ Binh và Chương Trình Bình Định

Tướng Hiếu đã thi hành chiến thuật bình định một cách mỹ mãn trong vùng hoạt động của Sư Đoàn 22. Nguyễn Nho viết:

Năm 1966 tôi được Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu, TL/SĐ/22BB (Bà Di, Qui Nhơn), gọi về làm SQ Báo Chí cho Đại Tá. Tôi làm việc với Đại Tá được khoảng một năm thì thuyên chuyển về TVBQGVN Đàlạt. Vì thời gian ở với Tướng Hiếu quá ngắn ngủi, hơn nữa lúc đó mới Thiếu Úy, nên còn quá non nớt về sự hiểu biết của mình, rất tiếc là không còn nhớ đến các trận đánh đầy mưu lược của Th/T Hiếu. Nhưng có một điều là từ khi Tướng Hiếu về làm TL/SĐ22BB thì việc bình định trong vùng 22 chiến thuật đã thành công rất rõ rệt. Mỗi buổi sáng tôi xuống P3 để lấy tin tức và nhất là về công tác bình định, thì tôi thấy hằng ngày mình càng kiểm soát được nhiều làng xã.

Sở dĩ Tướng Hiếu đạt được nhiều thành quả trong chương trình Bình Định là vì Tướng Hiếu chú tâm đến kiện toàn khả năng chiến đấu của các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, bằng cách luân phiên gửi các chỉ huy trưởng và chỉ huy phó của các lực lượng này đến trung tâm huấn luyện Phú Tài để theo học các khóa đào tạo cấp đại đội trưởng chung với các sĩ quan thuộc chủ lực quân của Sư Đoàn 22. Đầu năm 1969, Tướng Hiếu đã có thể phó thác cho các lực lượng ĐPQ và NQ đảm trách 90% phận vụ an ninh lãnh thổ, khiến cho Sư Đoàn 22 giải tỏa nhiều tiểu đoàn hơn vào việc hành quân tấn kích di động

Đại Tá Trịnh Tiếu kể là Tướng Hiếu đã đụng độ mạnh với Tướng Mỹ Tư Lệnh Lực Lượng I Dã Chiến Hoa Kỳ liên quan đến thể thức phối hợp các đơn vị trong chương trình Bình Định như sau:

Để bảo vệ chủ quyền chỉ huy của Quân đội VNCH, Thiếu Tướng Hiếu đã có lần chống đối trung tướng Hoa kỳ làm Tư Lệnh Lực Lượng 1 dã chiến tại Nha trang ra lệnh sư đoàn 22BB đặt một trung đoàn bộ binh do một đại tá chỉ huy dưới quyền điều động của một đại úy quận trưởng trong kế hoạch yểm trợ bình định phát triển. Việc này đã gây tranh luận rất phức tạp, khiến trung tướng Lữ Lan, tư lệnh Quân đoàn II phải giảng hoà giữa đôi bên.

Tuy vậy, Tướng Larsen, Tư Lệnh Lực Lượng 1 Dã Chiến Hoa Kỳ, tỏ ra công bằng ghi nhận công trình bình định của Sư Đoàn 22 và tài lãnh đạo của Tướng Hiếu trong bản phúc trình đề ngày 11 tháng 8 năm 1967 gửi về thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ:

15. Sư Đoàn 22 Bộ Binh VNCH làm việc mật thiết và liên tục với Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ trong mười tháng qua và đóng góp nhiều trong các thành quả vượt bực trong Tỉnh Bình Định. Mức tiến bộ khả quan trong nỗ lực chiến đấu và trong tài lãnh đạo của QLVNCH là hai lãnh vực khích lệ đối với các chỉ huy trưởng Hoa Kỳ làm việc chung với các đơn vị này.

16. […]

17. Vùng Phát Triển Cách Mạng Ưu Tiên Toàn Quốc thành công nhất tại Việt Nam là Bình Định nơi mà hai năm trước, kể như là nằm trọn dưới sự kiểm soát của Việt Cộng ngọai trừ thành phố Qui Nhơn. Ngày nay vùng này bao gồm chừng 500.000 dân cư.

18. Tỉnh lỵ biểu hiện tiến triển nhất trong hai năm là Phú Yên. Trước Việt Cộng kiểm soát 75% ruộng lúa và chừng 80% dân cư trong năm 1965. Nay Tỉnh Phú Yên hầu như hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Chính Phủ Nam Việt Nam. Một tài liệu Bắc Quân mới bắt được nhìn nhận là, trong khi hai năm trước họ kiểm soát 265.000 dân cư, nay họ kiểm soát 20.000.

Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Chương Trình Bình Định

Khi được Tướng Trí gọi về nắm Sư Đoàn 5 vào tháng 8 năm 1969, Tướng Hiếu đã đem theo kinh nghiệm dồi dào về chiến thuật bình định thủ đắc được trong ba năm cầm đầu Sư Đoàn 22. Do đó, Tướng Hiếu đã khiến Tướng McAuliffe phải khâm phục tầm hiểu biết của mình khi hai người thảo luận với nhau về chương trình này:

Kế đó Tướng Hiếu nói tới chương trình bình định. Ông nói là hành quân quân sự thì tương đối thẳng ro và dễ hiểu đối với một quân nhân. Ngược lại, bình định thì phức tạp. Nhắc tới lời hướng dẫn mới đây của Tướng Trí, ông nói là Sư Đoàn 5 cần ra xa khỏi vùng bình định, để cho các lực lượng NQ/ĐPQ đảm trách. Ông lấy ví dụ của một quả nắm tay đâm thọc vào một lọ cá; thoạt tiên cá dang cả ra, và tránh xa khi nào nắm tay còn nằm trong lọ; tuy nhiên, ngay sau khi rút nắm tay ra, cá lại trở về vị trí cũ. Ông nói điều đó cũng xảy ra tương tợ như vậy đối với VC trong vùng đông dân cư, nghĩa là, khi QLVN và Mỹ rút đi, VC lại có khuynh hướng trở về lại. Ông đã nói chuyện với tất cả các quận trưởng trong vùng hoạt động của ông, cũng như với các trưởng làng, và nhiều người trong họ lấy làm áy náy trước viễn ảnh lực lượng Mỹ và Việt rút ra khỏi vùng đông dân cư. Theo cái nhìn của ông, Tỉnh Bình Dương có đủ lực lượng NQ/ĐPQ, nhưng những lực lượng này cần phải cải tiến thêm về hiệu năng tác chiến, và cần sự bảo đảm yểm trợ của các lực lượng Mỹ và Việt kế cận để đẩy VC ra xa và duy trì an ninh cho dân chúng. Do đó, ông cho thấy ông cảm thấy buộc phải trông chừng những lực lượng địa phương này và trợ lực cũng như yểm trợ họ càng nhiều càng tốt. Tôi đoan kết với ông là tôi đồng quan điểm với ông. Tuy nhiên, ông coi đây là một vấn đề nan giải nhất, nhất là khi đọ với lời hướng dẫn của Tướng Trí.

Nói tán rộng ra, ông nói tới cái nhìn hẹp hòi của nhiều quận trưởng. Mối quan tâm của họ, ông nói, trước tiên là thống kê bình định của họ, và họ chỉ chú tâm tới sinh hoạt quân sự nếu chúng có lợi cho bức ảnh thống kê của họ. Tướng Hiếu nhấn mạnh, tuy nhiên, các tiểu đoàn trưởng (Mỹ và Việt) mong muốn họp phối hợp hằng ngày với các quận trưởng trong vùng lực lượng họ hành quân ... như tôi đã nêu lên đang được thực hiện trong quận Phú Hoà.

Tướng Hiếu tiếp sau đó nói tới làm sao cải tiến việc phối hợp các nỗ lực quân sự lẫn chính trị chống lại địch. Ông nói là các trung đoàn/lữ đoàn trưởng là những người có đủ tầm mắt nhìn và đủ phương tiện để đặt kế hoạch, phối hợp, và thi hành các cuộc hành quân lớn. Tương tợ như vậy, ông coi các quận trưởng và trưởng khu vực như có đủ trách nhiệm để nhìn tình hình vượt khỏi giới hạn eo hẹp của quận. Do đó, ông tuyên bố là ông sẽ chỉ thị cho các trung đoàn trưởng gặp hằng ngày với các trưởng khu vực trong vùng của họ, cùng với các lữ đoàn trưởng Mỹ với chủ đích là đặt kế hoạch và giám sát việc thực hiện các cuộc hành quân chống địch, cũng như đối với những ai yểm trợ công cuộc bình định. Cộng thêm vào đó, ông có ý định đưa ý kiến cho Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Dương có những buổi họp phối trí hằng tuần nhằm vào các vấn đề yểm trợ quân sự. Ông muốn các trung đoàn trưởng của ông và các lữ đoàn trưởng Mỹ hành quân trong tỉnh Bình Dương, cũng như các quận trưởng và các tiểu đoàn trưởng, sẽ tham dự vào các cuộc họp cấp tỉnh hàng tuần này. Ông hy vọng là những cuộc họp này sẽ nhấn mạnh tới sự yểm trợ và trợ giúp cần có cho các lực lượng NQ/ĐPQ. Tôi đoan kết Tướng Hiếu chúng ta đồng quan điểm với ông về khái niệm phối hợp này, và chúng ta sẽ hoàn toàn cộng tác.

Tóm tắt lại, để ĐPQ và NQ có thể chu toàn phận vụ bình định và phát triển, Tướng Hiếu đặt nặng vấn đề phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chủ lực quân và các đơn vị ĐPQ và NQ bằng cách chỉ thị cho các trung đoàn trưởng và các tiểu đoàn trưởng phải họp hàng tuần với các tỉnh trưởng và quận trưởng trong khu vực họ hành quân; đồng thời, Tướng Hiếu cũng căn dặn các đơn vị chủ lực quân phải luôn yểm trợ tối đa cho các đơn vị ĐPQ và NQ khi hữu sự.

Ngoài ra, Tướng Hiếu còn ấn định quan niệm hoạt động cho các đơn vị ĐPQ và NQ giống như các đơn vị tác chiến thuộc Sư Đoàn 5:

Quan niệm hoạt động trong tương lai của Sư Đoàn là săn diệt địch. Các đơn vị sẽ được giao mỗi đơn vị 1 đối tượng và phải nỗ lực ngày đêm để tiêu diệt đối tượng đó. Quan niệm này các Tiểu Khu cũng có thể áp dụng với các đơn vị ĐPQ+NQ. Nếu tất cả chúng ta đều áp dụng quan niệm săn diệt địch, chúng ta sẽ tiêu diệt được tất cả lực lượng của địch trong thời gian ngắn.

Quả thật vậy, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng chừng không đầy nửa năm sau khi Tướng Hiếu về nắm Sư Đoàn 5 Bộ Binh, các đơn vị Việt Cộng không còn hoạt động được trong các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long; đồng thời Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Giải Phóng Nam Việt Nam cũng không còn chốn dung thân trong các mật khu Dương Minh Châu và Hố Bò và phải bỏ chạy tìm chỗ nương thân trên phần đất Cam Bốt. Thành thử, vào tháng 4 năm 1970, các đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 đã có thể rảnh tay tham dự vào các cuộc hành quân vượt biên Toàn Thắng 42, …, 46 cùng với các đơn vị của Quân Đoàn III, Quân Đoàn IV và các đơn vị Hoa Kỳ.

Mặt khác, khi Tướng Hiếu về nắm Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 1 Bộ Binh HK, Sư Đoàn 1 Kỵ Binh HK và Trung Đoàn 11 Thiết Kỵ HK còn hiện diện tại vùng hành quân của Sư Đoàn 5 với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh HK đặt tại Lai Khê, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Kỵ Binh HK đặt tại Biên Hòa và Bộ Tư Lệnh Trung Đoàn 11 Thiết Kỵ HK đặt tại Long Giao. Sau khi Tổng Thống Nixon tuyên bố Việt Nam Hóa Chiến Tranh vào tháng 9 năm 1969, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh HK chuyển giao căn cứ Lai Khê lại cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh và dời về Dĩ An vào tháng 11 năm 1969 và Bộ Tư Lệnh Trung Đoàn 11 Kỵ Binh HK dời về Biên Hòa vào tháng 10 năm 1969, rồi Dĩ An vào tháng 7 năm 1970. Đồng thời các đơn vị tác chiến của các đơn vị Mỹ này thu hẹp tầm hoạt động chỉ đủ để bảo vệ các căn cứ của họ chuẩn bị cho việc rút lui khỏi Việt Nam. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh HK hoàn tất việc rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1970, các đơn vị thuộc Trung Đoàn 11 Kỵ Binh HK vào tháng 3 năm 1971 và các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Kỵ Binh HK vào tháng 4 năm 1971.

Trong khi các đơn vị Mỹ từ từ rút lui, Tướng Trần Văn Đôn đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 để tìm hiểu về hậu quả của chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Tướng Đôn kể lại trong cuốn Fall of South Vietnam: Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders của các tác giả Stephen T. Hosmer, Konrad Kellen and Brian M. Jenkins (1980):

Tôi thăm viếng một số đơn vị tại chiến trường để tìm hiểu về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh...Chuyện này xảy ra tại bộ tư lệnh Sư Đoàn 5. Tôi thảo luận vấn đề với tư lệnh của sư đoàn, Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một tướng thanh liêm nhất, và đồng thời cũng tài ba nhất. Câu trả lời của Tướng Hiếu đã làm cho tôi phải lấy làm ngạc nhiên và bừng tỉnh con mắt. Tôi hỏi Tướng Hiếu, 'Anh nghĩ sao về Việt Nam hóa?' Tướng Hiếu nói với tôi, 'Không thể thực hiện nó được.' 'Tại sao vậy?' Tướng Hiếu đáp, 'Sư Đoàn 5 bao giàn một vùng mà trước đây có hai sư đoàn Mỹ khác, và bây giờ sau khi hai sư đoàn Mỹ đó đã bỏ đi tôi chỉ có một sư đoàn của tôi để bao giàn trọn vẹn vùng này. Tôi có ba trung đoàn trong vùng và phải dùng một trung đoàn thay thế cho một sư đoàn. Làm sao mà tôi có thể đối chọi với địch trong tình trạng này? Hẳn là tôi phải suy yếu đi nhiều.' Tướng Hiếu tỏ vẻ thất vọng. Tôi lấy làm ngạc nhiên; Tướng Hiếu là một con người trầm lặng, rất lễ độ, và đã cố gắng hết sức mình. Nhưng Tướng Hiếu đã khẳng định với tôi là không thi hành được. 'Làm sao mà tôi có thể bao giàn một vùng rộng lớn hơn với số lượng đơn vị bớt đi?'

Nói vậy thôi, chứ thật ra thì, tuy gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phối trí lực lượng Mỹ Việt, Tướng Hiếu không những đã khiến cho ba Trung Đoàn 7, 8 và 9 của Sư Đoàn 5 cáng đáng nổi công việc của Sư Đoàn 1 Bộ Binh HK, Sư Đoàn 1 Kỵ Binh HK và Trung Đoàn 11 Thiết Kỵ HK mà còn tạo được một tình trạng an ninh hoàn hảo hơn khi ba đại đơn vị Mỹ đó còn hoạt động trong ba tỉnh thuộc khu vực hành quân của Sư Đoàn 5. Bằng cớ là từ năm 1970 cho đến tháng 6 năm 1971, khi Tướng Hiếu rời khỏi Sư Đoàn 5, Tướng Hiếu chỉ toàn săn đuổi địch quân với các cuộc hành quân vượt biên bên phần đất Cam Bốt, mà không phải bận tâm Cộng Quân có khả năng khuấy phá đàng sau vườn nhà mình. Sự kiện này chứng minh là Tướng Hiếu đã thành công trong lãnh vực bình định và phát triển trên phần đất mình đảm trách.

Không biết Tướng Hiếu có khi nào hội kiến với Tướng Abrams để thảo luận đến chiến thuật bình đình clear and hold "quét sạch và giữ lấy" không. Tuy nhiên, Raymond E. D'Addario, Sĩ Quan An Ninh Cá Nhân Tướng Abrams, khi đọc thấy trang nhà Tướng Hiếu đã gửi đến một điện thư với nội dung sau đây:

Tôi được vinh dự quen biết Anh ông. Anh ông là một con người tuyệt diệu, can đảm chẳng vậy mà bọn thù nghịch phải dùng tới thủ đoạn đê hèn để ám hại Anh ông. Tôi phục vụ với tư cách sĩ quan An Ninh Cá Nhân cho Tướng Creighton Abrams. Tôi có thể nói lại với ông là Tướng Abrams rất kính trọng Anh ông và luôn đề cao tính thanh liêm, danh dự và quả cảm của Tướng Hiếu.

Nguyễn Văn Tín
24.02.2005

general hieu