Tướng Hiếu, Một Chiến Thuật Gia Với Bộ Óc Chiến Lược Gia

Về mặt quân sự, Tướng Hiếu như thể một người thuận cả hai tay trái và tay phải, vừa giỏi về chiến lược vừa có tài về chiến thuật. Tướng Hiếu có một bộ óc bao quát và một tầm nhìn sâu rộng của một chiến lược gia, đồng thời cũng có một bộ óc phân tích và một chú tâm về tiểu tiết của một chiến thuật gia. Tướng Hiếu có điều kiện thi thố tài chiến lược gia khi giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II và có dịp thi thố tài chiến thuật gia trong khi giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 22 và Sư Đoàn 5. Đến khi được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, Tướng Hiếu được cơ hội phô trương tài chiến thuật lẫn chiến lược của mình. Xin trưng dẫn ra đây năm tài liệu điển hình minh họa đặc điểm nêu trên của Tướng Hiếu.

1. Bản báo cáo của Tướng McAuliffe, Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Mỹ

Ngày 14/8/1969, Tướng Hiếu về nắm Sư Đoàn 5. Ngày 1/9/1969, Tướng McAuliffe đến gặp Tướng Hiếu, tưởng là sẽ có dịp cố vấn chỉ bảo Tướng Hiếu đôi điều, không ngờ Tướng Hiếu lại tỏ ra hiểu biết và nắm vững tình hình quân sự vùng hành quân của Sư Đoàn 5 hơn ông.

Văn Phòng Cố Vấn Tư Lệnh Sư Đoàn
APO 96345
AVDB-ADS
Ngày 1 Tháng 9 năm 1969

VĂN THƯ ÐỂ LƯU GIỮ

Đề Tài: Thảo Luận Với Tướng Hiếu Về Các Cuộc Hành Quân Đồng Tiến


1. Tôi gặp Thiếu Tướng Hiếu, Tướng Tư Lệnh, Sư Đoàn 5 Việt Nam, lúc 0830 giờ, ngày 1 tháng 9, với chủ đích thảo luận về các cuộc hành quân Đồng Tiến giữa các đơn vị của Sư Đoàn 1 Bộ Binh Mỹ và Sư Đoàn 5 Việt Nam. Sau đây là bài tóm tắt các lời bàn của ông; tôi thấy những lời bàn này vừa đầy ý nghĩa vừa nặng ký.

2. Khởi sự câu chuyện tôi phác họa khái niệm đề nghị của ta về việc tiếp tục các cuộc hành quân Đồng Tiến chống lại Cục R. Khái niệm này đòi hỏi các đơn vị QLVNCH cách chung hướng về trung tâm của vùng Tam Giác (ví dụ, hành quân phát xuất từ Căn Cứ Hỏa Lực Gola và Lorraine) để Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Mỹ có thể trở lại làm việc với Trung Đoàn 8 VN trong các cuộc hành quân Đồng Tiến trong khu Tam Giác. Tướng Hiếu không thấy khó khăn trong việc chấp nhận khái niệm này, nhưng ông nhấn mạnh là ông muốn các đơn vị luân chuyển để có thể nhắm vào các mục tiêu lực lượng địch. Ông nói là không thấy có gì trở ngại nếu các vị chỉ huy của ông có thể phải phối hợp thêm với các vị chỉ huy khác, và chỉ cho thấy là sự kiện này xảy ra trong nhiều lãnh vực hành quân của Sư Đoàn 5; ông nói thêm là ông mong muốn, mỗi khi có thể, giảm thiểu số cấp chỉ huy cùng đơn vị phải tiếp xúc khi phối hợp hành quân.

3. Tiếp đó tôi bàn luận về khu vực Phú Hoà, nêu lên các vấn đề sơ khởi trong việc phối hợp với quận, chỉ cho thấy là hiện có sự phối hợp tốt đẹp khắp nơi, và các cuộc họp phối hợp hằng ngày xảy ra tại Căn Cứ Hỏa Lực Mortain giữa các Tiểu Đoàn Trưởng Mỹ Việt và Quận Trưởng và Cố Vấn Trưởng Mỹ. Thêm vào đó, tôi khẳng định là trong kế hoạch, một tiểu đoàn của Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn Không Kỵ 82 Mỹ, sẽ sắp sửa được đặt dưới quyền Sư Đoàn 1 Bộ Binh Mỹ và sẽ làm việc trong Tam Giác Sắt trong khuôn khổ phối hợp với nỗ lực hiện hành với khu vực Phú Hoà, với mục tiêu là càn quét địch nội trong 30 ngày. Tướng Hiếu đồng ý với khái niệm này.

4. Tôi xoay cuộc thảo luận qua mục tiêu tăng áp lực vào Trung Đoàn Đồng Nai VC, phác họa khái niệm dùng tới hai tiểu đoàn Mỹ và một tiểu đoàn VN hành quân giọc Hàng Lang Sông Bé hạ và vùng Bắc Tam Uyên. Tướng Hiếu đồng ý với khái niệm này và nhìn nhận điều này phù hợp với chỉ thị hướng dẫn mới đây của Tướng Trí trong dịp viếng thăm Trung Đoàn 7.

5. Kế đó Tướng Hiếu nói tới chương trình bình định. Ông nói là hành quân quân sự thì tương đối thẳng ro và dễ hiểu đối với một quân nhân. Ngược lại, bình định thì phức tạp. Nhắc tới lời hướng dẫn mới đây của Tướng Trí, ông nói là Sư Đoàn 5 cần ra xa khỏi vùng bình định, để cho các lực lượng NQ/ĐPQ đảm trách. Ông lấy ví dụ của một quả nắm tay đâm thọc vào một lọ cá; thoạt tiên cá dang cả ra, và tránh xa khi nào nắm tay còn nằm trong lọ; tuy nhiên, ngay sau khi rút nắm tay ra, cá lại trở về vị trí cũ. Ông nói điều đó cũng xảy ra tương tợ như vậy đối với VC trong vùng đông dân cư, nghĩa là, khi QLVN và Mỹ rút đi, VC lại có khuynh hướng trở về lại. Ông đã nói chuyện với tất cả các quận trưởng trong vùng hoạt động của ông, cũng như với các trưởng làng, và nhiều người trong họ lấy làm áy náy trước viễn ảnh lực lượng Mỹ và Việt rút ra khỏi vùng đông dân cư. Theo cái nhìn của ông, Tỉnh Bình Dương có đủ lực lượng NQ/ĐPQ, nhưng những lực lượng này cần phải cải tiến thêm về hiệu năng tác chiến, và cần sự bảo đảm yểm trợ của các lực lượng Mỹ và Việt kế cận để đẩy VC ra xa và duy trì an ninh cho dân chúng. Do đó, ông cho thấy ông cảm thấy buộc phải trông chừng những lực lượng địa phương này và trợ lực cũng như yểm trợ họ càng nhiều càng tốt. Tôi đoan kết với ông là tôi đồng quan điểm với ông. Tuy nhiên, ông coi đây là một vấn đề nan giải nhất, nhất là khi đọ với lời hướng dẫn của Tướng Trí.

6. Nói tán rộng ra, ông nói tới cái nhìn hẹp hòi của nhiều quận trưởng. Mối quan tâm của họ, ông nói, trước tiên là thống kê bình định của họ, và họ chỉ chú tâm tới sinh hoạt quân sự nếu chúng có lợi cho bức ảnh hống kê của họ. Tướng Hiếu nhấn mạnh, tuy nhiên, các tiểu đoàn trưởng (Mỹ và Việt) mong muốn họp phối hợp hằng ngày với các quận trưởng trong vùng lực lượng họ hành quân ... như tôi đã nêu lên đang được thực hiện trong quận Phú Hoà.

7. Tướng Hiếu tiếp sau đó nói tới làm sao cải tiến việc phối hợp các nỗ lực quân sự lẫn chính trị chống lại địch. Ông nói là các trung đoàn/lữ đoàn trưởng là những người có đủ tầm mắt nhìn và đủ phương tiện để đặt kế hoạch, phối hợp, và thi hành các cuộc hành quân lớn. Tương tợ như vậy, ông coi các quận trưởng và trưởng khu vực như có đủ trách nhiệm để nhìn tình hình vượt khỏi giới hạn eo hẹp của quận. Do đó, ông tuyên bố là ông sẽ chỉ thị cho các trung đoàn trưởng gặp hằng ngày với các trưởng khu vực trong vùng của họ, cùng với các lữ đoàn trưởng Mỹ với chủ đích là đặt kế hoạch và giám sát việc thực hiện các cuộc hành quân chống địch, cũng như đối với những ai yểm trợ công cuộc bình định. Cộng thêm vào đó, ông có ý định đưa ý kiến cho Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Dương có những buổi họp phối trí hằng tuần nhằm vào các vấn đề yểm trợ quân sự. Ông muốn các trung đoàn trưởng của ông và các lữ đoàn trưởng Mỹ hành quân trong tỉnh Bình Dương, cũng như các quận trưởng và các tiểu đoàn trưởng, sẽ tham dự vào các cuộc họp cấp tỉnh hàng tuần này. Ông hy vọng là những cuộc họp này sẽ nhấn mạnh tới sự yểm trợ và trợ giúp cần có cho các lực lượng NQ/ĐPQ. Tôi đoan kết Tướng Hiếu chúng ta đồng quan điểm với ông về khái niệm phối hợp này, và chúng ta sẽ hoàn toàn cộng tác.

8. Tướng Hiếu tiếp đó đề cập tới điều mà ông coi như là vấn đề chính các trung đoàn trưởng phải đương đầu khi họ tham dự vào các cuộc hành quân Đồng Tiến. Lấy trường hợp trung đoàn trưởng trung đoàn 7 làm ví dụ, ông nói là trung đoàn trưởng này nhìn tới Phú Hoà và thấy một trong những tiểu đoàn của ông hành quân với một tiểu đoàn Mỹ trong vùng đó, và cảm thấy ông không còn có quyền hành trên tiểu đoàn đó; và ông thấy một tiểu đoàn khác, tiểu đoàn 4/7, hành quân với một tiểu đoàn Mỹ ở vùng Tam Uyên, và ông này cũng thế, lại thấy ông mất quyền hành trên tiểu đoàn này. Do đó, khi Tướng Trí chỉ thị cho trung đoàn 7 tập trung nỗ lực vào chống trung đoàn Đồng Nai VC, trung đoàn trưởng phản ứng là ông chỉ có một tiểu đoàn cho sứ mạng này, và tiểu đoàn đó, tiểu đoàn 2/7, bị bận với sứ mạng tảo thanh tại miền Nam (tiểu đoàn 1/7 ở Sông Bé). Tướng Hiếu nói là quan điểm của viên trung đoàn trưởng là sai; tuy nhiên, các trung đoàn trưởng của ông cảm thấy họ mất đi một số quyền hành trên các tiểu đoàn của họ tham dự vào các cuộc hành quân Đồng Tiến. Tới đây, tôi nói là khái niệm Đồng Tiến không muốn các chỉ huy trưởng liên hệ mất đi quyền hành trên các đơn vị của họ; trái lại, ý định là để dễ dàng hóa kế hoạch chung chống kẻ thù chung trong một vùng ấn định, để dễ dàng hóa việc phối hợp trong các vấn đề như yểm trợ hỏa lực, bốc trực thăng, tiếp vận, và an ninh địa phương. Tới ngày nay, các cuộc hành quân Đồng Tiến đã tạo được một nỗ lực trọn vẹn hơn và hữu hiệu hơn chống lại lực lượng địch trong vùng hoạt động chung của các đơn vị phối hợp đồng minh. Tôi thêm, các chỉ huy trưởng liên hệ không thể bị hạn chế xử dụng tới các lực lượng của họ, ngoại trừ trong các trường hợp điều động phối trí cần thiết, yểm trợ hỏa lực, và các sinh hoạt yểm trợ khác trong vùng hoạt động chung. Tôi chú thích thêm là ngay cả gianh giới của vùng hoạt động cũng có thể sẵn sàng thay đổi bất cứ lúc nào (bởi vùng hoạt động nới rộng) tùy thuộc vào tình hình địch. Tôi trưng ra ví dụ của trung đoàn trưởng, trung đoàn 9, khai thác tin tình báo nhận được từ các nguồn tin QLVN, sau khi phối hợp kế hoạch của ông với lữ đoàn trưởng của ta. Tướng Hiếu đồng ý với những lời tôi nói, nhưng ông nói ông phải khởi công quá trình giáo dục các trung đoàn trưởng của ông về đề tài này. Tôi nói là tôi sẽ bàn luận với Tướng Tư Lệnh và với các chỉ huy trưởng của Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

9. Tướng Hiếu nói, trong khi bàn luận, là vùng hoạt động của sư đoàn phải phù hợp với ranh giới chính trị... Ông nhận thấy có vài điểm dị biệt trong các ranh giới hiện thời của cả Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Hơn nữa, ông nói là ông mong muốn thấy Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 82 Không Kỵ đảm nhiệm một vùng bao gồm Catchers Mitt và một phần của Vùng Chiến Tranh "0".

D.P. McAuliffe
Chuẩn Tướng
Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn

2. Bản báo cáo hội họp giữa Tướng Hiếu (SĐ1VN) và Tướng Milloy (SĐ1HK)

Tuy mới về nắm Sư 5 Đoàn chưa đầy một tháng (từ ngày 14/8), vì có kinh nghiệm hành quân phối hợp ba năm với Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ khi nắm Sư Đoàn 22, Tướng Hiếu đã tỏ ra thành thạo đối với chương trình Đồng Tiến hơn là Tướng Milloy, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Mỹ. Tướng Abrams nói là Tướng Ngô Quang Trưởng có khả năng cầm một sư đoàn Mỹ và ông được Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5, phúc trình cho biết là Tướng Hiếu "được đánh gía cao hơn mức trung bình của một tư lệnh Sư Đoàn Mỹ trong cung cách hành sự toàn diện của ông." (Lượng Giá ngày 7/2/1970)

Hội Họp Phác Họa Kế Hoạch
Hành Quân Phối Hợp Trong Tỉnh Bình Dương
Ngày 6 tháng 9 năm 1969

VĂN THƯ LƯU TRỮ

1. (U) Một buổi thảo luận hành quân phối hợp trong tỉnh Bình Dương được nhóm họp tại bộ chỉ huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào lúc 1500H ngày 6 tháng 9 năm 1969. Hiện diện có các quí vị sau đây:

a. Thiếu Tướng Albert E. Milloy, TL, SĐ 1 Bộ Binh (HK)
b. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, TL, SĐ 5 Bộ Binh (VN)
c. Chuẩn Tướng Dennis P. McAuliffe, Cố Vấn SĐ, SĐ 1 Bộ Binh (HK)
d. Đại Tá David Fink, Cố Vấn Trưởng, SĐ 5 Bộ Binh (VN)
e. Trung Tá Fredrick Brown, P3, SĐ 1 Bộ Binh (HK)
f. Trung Tá Gerard Dirks, P2, SĐ 1 Bộ Binh (HK)
g. Thiếu Tá Claude Clark, P3, SĐ 1 Bộ Binh (HK)
h. Thiếu Tá Trịnh Đình Đăng, P3, SĐ 5 Bộ Binh (VN)
i. Thiếu Tá Sidney L. Linver, Cố Vấn P3, SĐ 5 Bộ Binh (VN)

2. (U) Thiếu Tá Clark trình bày về Tổ Chức Lực Lượng, Mục Tiêu, và Khái Niệm Hành Quân của OPLAN 22-69 (Nguy Hiểm Phía Trước - Giai Đoạn I).

3. (U) Thiếu Tá Đăng trình bày về kế hoạch của Sư Đoàn 5 đối với hành quân phối hợp trong tỉnh Bình Dương.

4. (C) Tướng Hiếu quảng diễn về những chỉ thị phối hợp ngõ hầu làm sáng tỏ những điểm sau đây:

a. Sẽ xử dụng đến ba phương cách hành quân: vùng hành quân song hành hay biệt lập, hành quân phối hợp với bộ chỉ huy chung, hay tăng viện bắt chéo.

b. Các đơn vị yểm trợ hỏa lực phối hợp cần được luân chuyển sau 30 ngày, các đơn vị trong tỉnh Phước Long sẽ được luân chuyển cứ hai tháng, các đơn vị địa phương quân sẽ được luân chuyển cứ hai tháng.

c. Các Trung Đoàn phải chịu trách nhiệm điều khiển tất cả các Tiểu Đoàn của mình.

d. Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với các chỉ huy trưởng hành quân trong nỗ lực trực tiếp yểm trợ bình định.

e. Các Tiểu Đoàn Trưởng phải phối hợp trực tiếp với duy một Tiểu Đoàn Trưởng Hoa Kỳ mà thôi; tuy nhiên, các Trung Đoàn Trưởng có thể phối hợp với hơn một Lữ Đoàn Trưởng.

f. Khi có thể, ranh giới quân sự và chính trị phải nhập chung để có thể tránh trường hợp một tỉnh trưởng phối hợp với hai hay ba Tiểu Đoàn Trưởng trong vấn đề liên quan đến trực tiếp yểm trợ bình định.

g. Vùng A trực thuộc trách nhiệm của Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Dương xử dụng tới Địa Phương Quân và Nghĩa Quân.

5. (U) Đại Tá Fink nêu lên điểm cần có một cơ quan điều hành tập trung để thông qua và phối hợp các hỏa lực yểm trợ. Cả hai Tướng Hiếu và Tướng Milloy đều đồng ý và chỉ thị cho ban tham mưu đôi bên bàn thảo về chi tiết.

6. (U) Tướng Milloy đề nghị soạn thảo một lá thư chung vạch rõ chỉ thị về nỗ lực phối hợp trong tỉnh Bình Dương. Tướng Hiếu phát biểu ông không mong muốn ra một lá thư chỉ thị chung trong lúc này và chỉ muốn ra một kế hoạch riêng cho các chỉ huy trưởng của ông.

7. (U) Cuộc họp kết thúc vào 1600 giờ.

Thiếu Tá Sidney L. Linver
Cố Vấn P3
Toán Cố Vấn 70

3. Bản báo cáo của ông Bird, đại diện tỉnh Tây Ninh tại Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa

Những biến chuyển tình hình chiến sự tiếp diễn trong những tháng tiếp thể hiện đúng y như ước đoán của Tướng Hiếu về ý đồ chiến lược của Việt Cộng.

R 071025Z Dec 73

Nơi gửi: GenCon Bien Hoa 0638
Nơi nhận: USEmbassy

Đề tài: Quan điểm của hai Tướng V3CT về ý đồ Việt Cộng.

1. Các viên chức Tòa Tổng Lãnh Sự tham dự một buổi nói chuyện đả động tới nhiều vấn đề ngày 5 tháng 12 tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Thông điệp này tóm tắt những điểm chính được đề cập tới.

[…]

5. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, vừa mới tới 5 ngày trước đây, gây ấn tượng cho các viên chức Tòa Tổng Lãnh Sự qua thái độ thân thiện và phân tách gãy gọn rõ ràng về chẩn đoán chiến lược của địch quân. Tướng Hiếu cảm thức địch sẽ phát động một cuộc tấn công với cường độ mạnh trong 2 tháng tới (có lẽ trung tuần tháng giêng) với mục tiêu chính có tính cách chính trị. Tướng Hiếu nghĩ Cộng Quân sẽ ngưng nghỉ sau mỗi bước tiến quan trọng thay vì khoe khoang với dư luận quốc tế quá sớm và quá trải rộng. Theo Tướng Hiếu, Cộng Quân sẽ cố gắng củng cố lãnh địa của họ trong các phần phía bắc Tây Ninh, Bình Long và Phước Long và có thể chiếm đoạt một trung tâm đông dân cư lớn để thiết lập một thủ đô Mặt Trận Giải Phóng. Tướng Hiếu nghĩ Tây Ninh sẽ là một mục tiêu hơn là Bình Dương. Tướng Hiếu nói thỏa hiệp Ba Lê có lợi lớn hơn cho Hà Nội vì ngưng bắn tại chỗ ngăn cản các đơn vị chính phủ NVN tấn công lãnh địa Quân Giải Phóng nắm giữ. Tướng Hiếu nêu là đem so sánh các bản đồ của NVN trước và sau ngưng bắn cho thấy Cộng Quân thành công nối kết các "chấm da beo" của họ trong miền Nam. Tướng Hiếu cho là Hà Nội sẽ huy động một cuộc tấn công lớn đủ để gây chú ý cho thế giới, nhưng không quá lớn để phá hủy thỏa hiệp. Cộng Quân tiếp đó sẽ quay sang điều đình lại tại Ba Lê nhằm đạt những mục tiêu chính trị với một mãnh lực mặc cả và phỗng tay trên quân sự lớn hơn.

Bird

4. Bản báo cáo của ông Peters, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa

Trong phần 4 của bản báo cáo, Tướng Hiếu chỉ trích Tướng Toàn đã sa vào thế nghi binh của Cộng Quân khi ông hấp tấp di chuyển Trung Đoàn 3 Thiết Giáp về phòng ngự phía đông Tây Ninh, trong khi Cộng Quân chủ đích mở mặt trận tại Vùng 2 chiến thuật với cuộc tấn công chính vào tỉnh Ban Mê Thuật từ ngày 10/3/1975.

Ngày 12 tháng 3 năm 1975

P 120445Z Mar 75

Đề tài: Trận đánh Trị Tâm và tình hình tại thành phố Tây Ninh

Tham chiếu: Bien Hoa 142

1. Tư Lệnh Quân Đoàn III và hai Tư Lệnh Phó của ông đều đi công cán hầu như trọn ngày 11 tháng 3 và bản báo cáo tham chiếu được soạn thảo dựa vào thông tin cung cấp từ các nguồn tin cấp dưới tại BTL QĐIII. Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn, sau khi từ phía đông Tây Ninh trở về cuối ngày, duyệt xét trận đánh Trị Tâm và tình hình tỉnh Tây Ninh với tôi qua ly tách cà fê vào lúc 2100 giờ ngày 11 tháng 3. Tướng Hiếu trình bày tình hình với một sắc thái tươi sáng hơn là bản báo cáo tham chiếu ghi trên.

2. Theo Tướng Hiếu, Cộng Quân ngưng tấn công Trị Tâm vào cuối ngày sau khi Trung Đoàn 272 thất bại không chọc thủng được tuyến phòng thủ và đặc công vào tới được khu chợ, (Tướng Hiếu nói là các xe tăng không lúc nào vào tới được vùng chợ) bị đẩy lui. Tình hình yên tịnh lúc 2030 giờ. Hầu hết Trung Đoàn 3 Thiết Giáp được từ Bình Dương điều đến trong ngày và vào xế trưa thì tới vị trí trên Quốc Lộ 26 phía đông tỉnh Tây Ninh quanh và phía bắc Khiếm Hạnh. Nhiệm vụ của Trung Đoàn 3 Thiết Giáp là vừa tấn tới giải cứu Trị Tâm vừa đối ứng mọi áp lực mạnh của Cộng Quân tại phiá tây tỉnh Tây Ninh. Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 3 Thiết Giáp, Chuẩn Tướng Khôi, được phó thác vai trò lực lượng tăng phái tại phía đông Tây Ninh và Trị Tâm. Quân Đoàn III đã thiết lập một bộ chỉ huy tiền phương tại Gò Dầu Hạ.

3. Trong khi đó, trên Quốc Lộ 22, Cộng Quân đã bị đẩy lui khỏi 2 trong 3 địa điểm cấm cản với viễn tượng tái lập giao thông nội trong một hay hai ngày. Đồng thời, theo Tướng Hiếu, BTL QĐIII không thấy dấu chỉ của bất cứ di chuyển của các lực lượng lớn Cộng Quân tầm cỡ đe dọa phía bắc và tây thành phố Tây Ninh.

4. Tướng Hiếu nói Trung Đoàn 3 Thiết Giáp đã di chuyển tới phía đông Tây Ninh vì tin là cuộc tấn công Trị Tâm báo hiệu ý đồ của đối phương nhằm đánh vào vùng này rồi bóp nghẹt thành phố Tây Ninh hơn là trực tiếp xung phong thành phố. Tướng Hiếu nói Tướng Toàn hy vọng mình không phản ứng thái quá khi đem thêm lực lượng vào vùng này hơn là tình hình đòi buộc. Tướng Toàn công nhận có thể các cuộc tấn công hiện tại tại vùng Tây Ninh có lẽ chỉ nhẹ và có tính cách nghi binh để yểm trợ cho cuộc tấn công mạnh vào V2CT, với các cuộc tấn công mạnh vào V3CT sẽ xảy ra sau. Tướng Hiếu nghĩ là việc pháo kích Biên Hoà sẽ là một điềm chỉ quan trọng. Các cuộc tấn công pháo kích mạnh bây giờ sẽ biểu thị ý đồ vô hiệu hóa KLVN nhằm để Cộng Quân tấn công tức khắc trong khi đình chỉ hay tấn công lẻ tẻ sẽ biểu thị trì hoãn tấn công mạnh trong V3CT.

5. Tin giờ chót liên quan đến Trị Tâm vào lúc 0730 giờ ngày 12 tháng 3 từ nguồn tin Ban 3 tại BTL QĐIII là Cộng Quân tái tấn công với bộ binh và thiết giáp vào lúc 0200 giờ và giao tranh tiếp diễn.

6. Không được nêu tên Tướng Hiếu như là nguồn tin khi đề cập tới bất cứ thảo luận nào chứa đựng trong nội dung của thông điệp này với các viên chức chính phủ NVN.

Peters

5. Bản báo cáo của Tướng Charles Timmes, nhân viên tình báo quân sự của CIA

Tướng Timmes là người cho Tướng Hiếu là sĩ quan cao cấp duy nhất trong QLVNCH thật sự có khả năng điều động quân ở mức quân đoàn.

Văn Phòng Chỉ Đạo Công Tác CIA

Ngày 5 tháng Giêng năm 1975

Đề Mục: Tướng Hiếu Tư Lệnh Phó phân tích hàng động của VC/BQ tại Vùng 3 Chiến Thuật và thảo luận ý đồ của Cộng Sản.

Nguồn: Một quan sát viên Mỹ từ Vùng 3 Chiến Thuật - Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó, ý thức các lời nói của mình có thể tới tai các viên chức Hoa Kỳ.

Tóm lược: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Hành Quân Q̣ĐIII, nói ngày 3 tháng Giêng năm 1975 là các lực lượng VC/BQ thất bại thực hiện các mục tiêu trong các cuộc tấn công mới đây tại phía bắc Thành Phố Tây Ninh vì các lực lượng QLVNCH đã có thể đem thêm pháo binh chống lại các lực lượng tấn công của địch. Các lực lượng QLVNCH thất bại trong nỗ lực tiến tới Tiểu Khu Quận Hoài Đức trong Tỉnh Bình Tuy vì Trung Đoàn 33 VC/BQ án ngữ QL 333 giữa Gia Ray và Hoài Đức; Nhóm 7 Biệt Động Quân tăng phái cho Sư Đoàn 18 hành quân yếu kém. Lực lượng quân chính phủ tại Hoài Đức sẽ sớm gồm có hai tiểu đoàn QLVNCH và một tiểu đoàn Địa Phương Quân, cộng thêm hai tiểu đoàn tiến tới dọc theo QL 333 từ phía bắc. Tướng Hiếu nghĩ là sau các cuộc tấn công vào Thủ Phủ Tỉnh Phước Long của Sông Bé, Sư Đoàn 7 BQ sẽ tiến dọc theo ranh giới Tỉnh Bình Dương-Biên Hòa nhắm tới Lái Thiêu và Gia Định. Ông cũng tin là các cuộc tấn công trước đây của Sư Đoàn 9 BQ tại Quận Bến Cát trong Tỉnh Bình Dương là một thành phần trong ý đồ cộng quân nhằm nâng cấp khả năng chiến đấu lên hành quân phối hợp cấp sư đoàn và quân đoàn. Trong nhiều tháng tới, Tướng Hiếu dự kiến hai Sư Đoàn 7 và 9 BQ sẽ thực hiện hành quân cấp quân đoàn dọc theo các trục tiến tới Sài Gòn với Sư Đoàn 5 BQ nhắm cắt đứt đường giây liên lạc giữa Sài Gòn và Đồng Bằng. Mục tiêu toàn bộ của Cộng Sản trong chiến dịch hiện hành là cô lập hóa Tỉnh Tây Ninh và tiếp đến chiếm cứ thủ phủ tỉnh lỵ, củng cố kiểm soát cứ địa Bình Long-Phước Long và bành chướng kiểm soát tới các hành lang Sài Gòn trong Tỉnh Bình Dương, và làm chủ Tỉnh Bình Tuy, đặc biệt là vùng vựa lúa. Chấm dứt tóm lược.

1. Ngày 3 tháng Giêng năm 1975, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, tư lệnh phó Vùng 3 Chiến Thuật, chỉ huy hành quân, phân tích các hoạt động quân sự của Việt Cộng và Bắc Quân (VC/BQ) từ ngày 6 tháng Chạp và thảo luận các ý đồ của Cộng Sản. Trong Tỉnh Tây Ninh, các lực lượng VC/BQ thất bại trong nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tấn chiếm các tiền đồn tại Núi Bà Đen và Suối Đá (XT335576) phía đông bắc Thành Phố Tây Ninh vì sau khi pháo binh của QLVNCH lúc đầu bị hỏa lực phản pháo VC/BQ hủy diệt, QLVNCH đã có thể đem thêm pháo binh vào chống cự lại lực lượng tấn công của địch. Trung Đoàn 205 VC/BQ Biệt Lập thiệt hại khoảng một phần ba quân số, trong khi Trung Đoàn 101 VC/BQ hứng chịu khoảng 100 thương vong. Các chiến thuật VC/BQ là hủy diệt pháo binh QLVNCH với hỏa lực phản pháo dựa trên tình báo của các vị trí đại pháo howitzer và rồi xử dụng pháo tập vào lực lượng trú phòng. Trong trận đánh tại Suối Đá, các lực lượng QLVNCH đã có thể đem thêm các ổ pháo tới tầm bắn của các lực lượng tấn công mà các đơn vị VC/BQ không tài nào tìm thấy để hủy diệt. Theo Tướng Hiếu, nguồn tình báo cho thấy là hai Trung Đoàn VC/BQ sẽ tấn công lại trong Tỉnh Tây Ninh và xử dụng thêm các ổ pháo binh để triệt hủy pháo binh QLVNCH.

2. Liên quan đến thất bại của QLVNCH tiến tới Tiểu Khu Quận Hoài Đức, Tỉnh Bình Tuy, Tướng Hiếu nói là Trung Đoàn 33 VC/BQ án ngữ QL 333 giữa Gia Ray và Hoài Đức bằng cách thiết lập những địa điểm kiên cố cỡ đại đội dọc theo đường lộ và không ngừng tấn công các đơn vị QLVNCH bằng hỏa tập gián tiếp. Nhóm 7 Biệt Động Quân được tăng phái cho Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 18. Tuy nhiên, Nhóm Biệt Động Quân không hữu hiệu vì yếu đi sau các thương vong trước đây và theo Tướng Hiếu, Biệt Động Quân không quen hành quân như một phần tử nội tại của một sư đoàn và do đó hành quân yếu kém. Một tiểu đoàn của Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18, được trực thăng vận từ Tiểu Khu Quận Hoài Đức trong khi số quân còn lại của trung đoàn tiến tới từ QL 20 trong Tỉnh Long Khánh phía nam dọc theo QL 333 từ phía bắc. Thêm một tiểu đoàn QLVNCH sẽ sớm được trực thăng vận tới Hoài Đức nâng tổng số lực lượng phòng thủ với hai tiểu đoàn QLVNCH và một tiểu đoàn Địa Phương Quân, mà theo Tướng Hiếu, đủ để bảo vệ Hoài Đức cách thành công. Tướng Hiếu ghi nhận là Sư Đoàn 18 là sư đoàn trừ bị của QĐIII nhưng với các trung đoàn sung vào phía đông QĐIII, Bộ Tổng Tham Mưu quyết định thiết lập một lực lượng trừ bị và tạm thời thuyên chuyển Nhóm 7 Biệt Động Quân tới vùng Sài Gòn từ Vùng 2 Chiến Thuật.

3. Theo Tướng Hiếu, Sư Đoàn 7 BQ được tung vào Tỉnh Phước Long để nâng cao tinh thần chiến binh của sư đoàn bằng cách giao cho họ một mục tiêu dễ dàng và một chiến thắng nhanh chóng chống lại Địa Phương Quân trước khi tung sư đoàn chống lại chủ lực quân VNCH tại phía đông nam Tỉnh Bình Dương. Nếu Thủ Phủ Phước Long bị tràn ngập nhanh chóng, mục tiêu kế tiếp cho Sư Đoàn 7 sẽ là tiến dọc theo ranh giới Tỉnh Bình Dương-Biên Hòa nhắm về Quận Lái Thiêu về phía nam Bình Dương và Gia Định. Nếu các lực lượng VC/BQ thất bại tấn chiếm Phước Long, Tướng Hiếu dự kiến là VC/BQ sẽ tiếp tục vây lấn thành phố với một lực lượng ít ỏi hơn và để Sư Đoàn 7 rảnh tay thực hiện các cuộc hành quân tiến tới Lái Thiêu.

4. Tướng Hiếu tin tưởng là Sư Đoàn 7 BQ, trong Mùa Xuân và Mùa Hè năm 1974, đã tấn công các tiền đồn của Rạch Bắp (XT763304), Căn Cứ 82 (XT700313), và An Điền trong Quận Bến Cát, Tỉnh Bình Dương, với chủ đích trắc nghiệm khả năng của sư đoàn thực hiện các cuộc hành quân qui ước cấp sư đoàn. Đây là một phần của ý đồ Cộng Sản để nâng cấp các lực lượng của họ để có thể thực hiện những cuộc hành quân phối hợp cỡ sư đoàn và cỡ quân đoàn. Tướng Hiếu tin tưởng là Sư Đoàn 9 hứng chịu tổn thất khả quan và có thể không sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, ông dự kiến là trong các tháng tới cả hai Sư Đoàn 9 và 7 BQ có thể được sung vào hành quân cấp quân đoàn tiến dọc theo hành lang Sài Gòn và trục giữa ranh giới Bình Dương-Biên Hòa hướng về Sài Gòn. Tuy nhiên, Tướng Hiếu không chắc nếu Cộng Sản có tạo lập được hệ thống tiếp vận để yểm trợ một cuộc hành quân cấp quân đoàn. Ông dự kiến là Sư Đoàn 5 sẽ được giao trách vụ vừa tiến tới dọc theo ranh giới QĐIII và QĐIV vừa nhắm mục tiêu cắt đứt đường liên lạc từ Đồng Bằng đến Sài Gòn. Khi được hỏi nếu các lực lượng VC/BQ có khả năng thực hiện kế hoạch qui mô này không, ông trả lời là còn tùy vào việc tạo lập địa điểm tiếp vận và chuẩn bị chiến trường của Cộng Sản. Ông cho là VC/BQ có thể chuyển vận tiếp tế từ Bắc Việt đến QĐIII trong 17 ngày và họ hưởng tỷ lệ hai trên một đối với các đơn vị chủ lực quân ngoại trừ các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Ông cho là BQ có ưu thế về hỏa lực pháo binh tại điểm đụng độ và dùng hỏa tập. Tướng Hiếu nói là dựa vào các tài liệu tịch thu được, kế hoạch của BQ là tung vào xe tăng cùng thêm pháo binh. Ông ghi nhận là một số lớn xe tăng T-54 được tung vào Tỉnh Phước Long.

5. Khi được hỏi về khả năng của QLVNCH ngăn cản các của tấn công của VC/BQ trong QĐIII mà không cần nhận thêm viện trợ quân sư Hoa Kỳ như thời khóa biểu hiện hành, ông nói là khó ấn định được điểm tan vỡ của QLVNCH. Giai đoạn tới sẽ khó khăn nhất cho QLVNCH. Một số đơn vị quân chính phủ đã chứng minh tinh thần cao, đặc biệt là Địa Phương Quân tại Tây Ninh; tuy nhiên, tinh thần cách chung sa sút và có thể QLVNCH sẽ không tồn tại được nếu không có sự yểm trợ gia tăng khả quan về viện trợ quân sự Hoa Kỳ. Ưu thế về hỏa lực và tính di động trước nay QLVNCH có được đã chuyển sang phía VC/BQ.

6. Các mục tiêu của VC/BQ, theo Tướng Hiếu, trong chiến dịch hiện hành là cô lập hóa Tỉnh Tây Ninh và rồi tiến chiếm Thành Phố Tây Ninh; thứ đến, củng cố kiểm soát cứ địa Bình Long-Phước Long và nới rộng kiểm soát sâu tới các hành lang Sài Gòn trong Tỉnh Bình Dương; và thứ ba, kiểm soát Tỉnh Bình Tuy, đặc biệt vựa lúa hiện cung cấp đủ gạo để nuôi dân chúng của các Tỉnh Bình Tuy, Phước Long, và Long Khánh. Ông ghi nhận là trong Tỉnh Bình Tuy Cộng Sản không cho phép dân chúng rời đi như họ cho phép trước nay. Trong quá khứ, Cộng Sản tấn công một vùng và nếu đạt được mục tiêu, họ chỉ ở nán lại một vài ngày. Tuy nhiên, bây giờ Cộng Sản đủ mạnh để cho phép họ chiếm cứ và phát triển một vùng sau khi tấn chiếm. Mục tiêu của Cộng Sản là kiểm soát tối thiểu 10 phần trăm dân số. Phương pháp hoàn thành mục tiêu của họ là thực hiện những cuộc tấn công mạnh, chiếm cứ và củng cố và từ đó đạt được một thế đứng ngang hàng với quân chính phủ.

7. Tướng Hiếu nói thêm là Trung Tướng Tư Lệnh QĐIII Dư Quốc Đống không có kinh nghiệm chỉ huy các lực lượng địa phương quân nhưng ông đang học hỏi rất nhanh.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 07 tháng 02 năm 2009

generalhieu