Bạch Phượng XI
Vào cuối tháng 4 năm 1963, Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh cho Trung Tá Khang thành lập một lữ đoàn tạm thời gồm hai tiểu đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh để thi hành một công tác khẩn cấp tại Quân Đoàn II. Tại đó, Thủy Quân Lục Chiến VN liên kết với các đơn vị của Sư Đoàn 2 và 25 QLVNCH để thọc sâu vào vùng núi hiểm trở ngay phía nam ranh giới của Quân Đoàn I và II với một lực lượng gồm nhiều trung đoàn. Cuộc hành quân này mang danh xưng Bạch Phượng XI và tấn công sâu vào Đỗ Xá, một căn cứ Việt Cộng trước nay các lực lượng chính phủ chưa từng xâm nhập được. Tập trung tại phần đất của dãy núi Trường Sơn nơi ranh giới của ba tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi và Kontum tiếp giáp nhau, Đỗ Xá nằm trong sự kiểm soát của Cộng Sản từ thời kỳ Chiến Tranh Đông Dương-Pháp. Trong vùng núi hẻo lánh và không lối vào này, Việt Cộng đã tác tạo một địa điểm chuyển quân rộng lớn cùng các căn cứ huấn luyện. Các cuộc hỏi cung tù binh thu thập được trong những năm 1960 tiết lộ là nhiều quân lính Bắc Việt tiến vào các tỉnh phía bắc của miền Nam đã xâm nhập Đỗ Xá trước khi di chuyển vào các phần đất đông dân cư vùng duyên hải của tỉnh Quảng Tín và tỉnh Quang Ngãi. Hơn nữa, vùng này còn được cho là chứa đựng bản doanh Liên Khu 5 Việt Cộng.
Sau khi đặt các Tiểu Đoàn 2 và 4, một dàn đại bác howitzer, một trung đội trinh sát và một đơn vị bộ chỉ huy trong tìng trạng báo động, Trung Tá Khang cùng Trung Tá Moody bay tới Pleiku để bàn định kế hoạch với Thiếu Tướng Nguyễn Khánh và ban tham mưu Quân Đoàn II. Khái niệm của Bạch Phượng XI, Khang và Moody được cho biết, thu xếp cho các trực thăng của TQLC và Lục Quân HK chuyên chở các đơn vị bộ binh và pháo binh QLVNCH tới các vị trí thiết lập một vòng tròn nới lỏng xung quanh trung tâm của căn cứ Đỗ Xá. Các đơn vị QLVCNH sẽ thắt chặt từ từ vòng tròn này theo từng giai đoạn, rồi lữ đoàn TQLCVN sẽ được trực thăng vận vào ngay trung tâm của Đỗ Xá để truy lùng các trại của Cộng Quân. Để kiểm soát toàn bộ cuộc hành quân, Tướng Khánh sẽ đặt một bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn tại Bình Địa Gi, một làng Thượng nằm tại ven biên phía nam của khu vực hành quân, khoảng 25 dậm đông bắc Kontum.
Ngày 1 tháng 5, các phi cơ vận tải C-123 KLHK chở Khang và 2.000 chiến binh của lữ đoàn TQLCVN từ thủ đô tới Quảng Ngãi. Cả Trung Tá Moody và Thiếu Tá Croft, Phụ Tá Cố Vấn Trưởng và cố vấn pháo binh TQLCVN tháp tùng lực lượng TQLCVN. Ngày hôm sau, một đoàn xe vận tải QLVNCH chở các TQLCVN từ Quảng Ngãi khoảng 40 dậm phía bắc tới Tam Kỳ, một thị trấn bên lề đường được dùng như là thủ phủ của Tỉnh Quảng Tín. Tiểu Đoàn 2, do Đại Úy Taylor cố vấn, xuống xe và tập trung tại phi đạo Tam Kỳ trong khi đoàn xe còn lại quay bánh về hướng tây đi vào một con đường đất hẹp uốn quanh chân đồi núi và đâm sâu vào dãy Trường Sơn rừng rậm. Trong khi đó, các trực thăng H-21 của Lục Quân HK từ Pleiku đáp xuống Tam Kỳ, bốc lên các đơn vị tấn kích của Tiểu Đoàn 2 và bắt đầu trực thăng vận các đơn vị này tới bãi đáp cạnh một con suối khoảng 30 dậm phía tây nam của thủ phủ tỉnh lỵ. Đoàn xe chở số còn lại của lực lượng TQLC lăn bánh tiếp về hướng tây nam tới một tỉnh nhỏ của Trà Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của QLVNCH. Tại đây, khoảng 24 dậm phía tây nam Tam Kỳ, Khang thiết lập bộ chỉ huy trong một ngôi nhà của trường học cạnh bên một phi đạo nhỏ không tráng nhựa. Dàn trọng pháo howitzer 75 ly, do Thiếu Tá Croft cố vấn, sắp đặt các khẩu pháo cạnh bên trong khi trung đội trinh sát và các đơn vị của Tiểu Đoàn 4, do Đại Úy Christensen cố vấn, thiết lập hệ thống an ninh. Khi các đơn vị này ổn định xong các trực thăng UH-34 TQLCHK từ Đà Nẵng trục một thùng TAFDS [Tactical Airfield Fuel Dispensing System] khổng lồ chứa xăng nhớt tới phi trường. Một khi việc trực thăng vận Tiểu Đoàn 2 hoàn tất, các trực thăng H-21 của Lục Quân HK, sau khi lấy xăng từ thùng TAFDS, khởi sự bốc Tiểu Đoàn 4 đổ xuống bãi đáp của Tiểu Đoàn 2, nằm khoảng 2, 3 dậm phía nam Trà Mỹ. Sau khi hoàn tất các chuyển vận sơ khởi vào vùng hành quân và bộ chỉ huy lữ đoàn bắt đầu hoạt động, hai tiểu đoàn bộ binh bắt đầu lục lọi một thung lũng sâu và các núi đồi cạnh bên đề tìm các căn cứ Cộng Quân.
Sau một vài ngày, các TQLC của Khang tìm ra một trại tương đối hoàn bị nhưng không gặp một kháng cự nào khi tiến vào căn cứ này. Một lần nữa, những kẻ trú ngụ, có lẽ khi thấy quân lính QLVNCH khởi sự xâm nhập vùng này, đã rút lui trước. Trong trại chỉ còn lại một y sĩ và một y tá Bắc Việt. Sau khi lục soát thêm các tấm nhà làm bằng tre và hệ thống đường hầm chằng chịt, TQLC khám phá một kho chứa tiếp liệu. Họ tìm ̉thấy nhiều khẩu súng trường, sáu máy đánh chữ, ba máy may, một máy phát thanh, 44 bản đồ, một bảng tính pháo binh Pháp và vô số pin đèn bấm.
Các cuộc hành quân của bộ binh và TQLC trong vùng trong hai tuần kế tiếp không khám phá ra các đơn vị Việt Cộng. Cách chung TQLC bận bịu với công cuộc phá hủy một số trại bỏ hoang và một số mùa màng trồng trọt. Các ̣đơn vị bộ binh hành quân vòng ngoài TQLC báo cáo một số đụng độ lẻ tẻ với các toán quân nhỏ Việt Cộng đang tìm cách thoát ra khỏi Đỗ Xá. Bạch Phương XI kết thúc giữa tháng 5 khi các trực thăng UH-34D TQLCHK bốc các tiểu đoàn TQLCVN trở lại Trà Mỹ. Từ đó, TQLC được đoàn xe đưa về Quảng Ngãi và lên máy bay về Sài Gòn. Thống kê cho phần hành quân của TQLC cho thấy chỉ có hai lính Việt Cộng bị giết. Lực lượng của Khang hứng chịu 36 bị thương, hầu hết vì đạp phải trông nhọn làm bằng tre. Bộ binh thành công hơn một tí vì giết được nhiều Việt Cộng hơn. Ngoại trừ sự kiện họ chứng minh khả năng xâm nhập vào mật khu bất khả xâm phạm Việt Cộng, hai tuần tấn công vào vùng căn cứ Đỗ Xá ảnh hưởng rất nhỏ đến nỗ lực chiến tranh. Tuy nhiên về mặt huấn luyện và kinh nghiệm, cuộc hành quân có lợi ích. TQLCVN và cố vấn Mỹ học hỏi rất nhiều về cách tạo dựng bãi đáp và hướng dẫn trực thăng, những lãnh vực trước nay họ chưa được huấn luyện bao nhiêu.
(Trích “The Advisory & Combat Assistance Era: 1954-1964”, trang 102-104, Đại Úy Whitlow, USMCR)