Thiếu Úy và Thiếu Tướng

Tôi từng là một Thiếu Úy phục vụ tại một đơn vị Đặc Nhiệm thường xuyên tảo thanh dọc theo biên giới VN-Campuchia từ Mộc Hóa (Định Tường) đến Tống Lê Chân và qua các mật khu như Ba Thu, Hố Bò, Bời Lời, La Ngà, chiến khu D, đường mòn HCM v.v.... Vào thời Trung Tướng Phạm Quốc Thuần làm Tư Lệnh Quân Đoàn III, đơn vị tôi thường được tăng phái cho Quân Đoàn III. Trong dịp này tôi có nhiều cơ may tiếp xúc trò chuyện rất thân mật với Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu.

Tôi gặp ông đi bách bộ dọc theo hàng cây dương cạnh bên trailer của ông nhiều lần. Một lần ông hỏi tên và số quân; lần kế tiếp ông rất vui vẻ và bảo tôi vào văn phòng với ông.

Ông hỏi tôi: “Em đặc cách tại mặt trận phải không?”

Tôi cảm thấy bất ngờ, và vô cùng ngạc nhiên, bởi tôi không thuộc quân số của bộ tư lệnh.

Thấy tôi ngỡ ngàng, ông lấy cuốn sổ ra và nói: “Đây là quân bạ của em.”

Lúc đó tôi chỉ: “Vâng”.

Ông hỏi: “Trong đơn vị các cấp và binh sĩ mến em lắm, phải không? Việc em nóng, chính ông đơn vị trưởng và đơn vị phó, cùng 5 đại đội trưởng xác minh là em không sai.”

Và tôi thấy tất cả những điều tôi làm tốt ở đơn vị đều có ghi trong quân bạ cả.

Tôi liền hỏi ông: “Tại sao đơn vị trưởng lại phê cho em như vậy?”

Thiếu Tướng nói: “Vì ông đã thấy cái sai của ông ấy.”

Rồi Thiếu Tướng nói: “Anh chắc chắn em đã nghe bố mẹ em nói lời của ông cha mình là giận quá mất khôn, vậy em cố dằn tính khi nóng, vì nóng không giải quyết được gì.”

Và ông hỏi tôi: “Đến vào ngày Chúa nhật được không?”

Tôi trả lời là: “ Dạ, được.”

Chúa nhật, 7 giờ tôi có mặt. Ông bảo đi câu lạc bộ ăn sáng với ông.

Tôi nói: “Dạ thưa Thiếu Tướng em ăn rồi.”

Ông nói: “Không ăn thì uống càfê.”

Tôi nói: “Em thích ngửi mùi càfê, nhưng không thích uống.”

Ông nói: “Hay uống rượu?”

Tôi nói: “Thưa không.”

Ông nói: “Không biết uống à?”

Tôi nói: “Biết uống nhưng không bao giờ kiếm rượu để uống.”

Ông cười và bá vai tôi, thế là tôi phải đi theo.

Ăn sáng xong, trở về văn phòng. Tướng Hiếu nói rất nhiều về mọi vấn đề, nhưng tôi thấy ông rất nặng lòng về đất nước và dân tộc. Nhưng ông không khi nào đề cập đến một cá nhân nào cả.

Ông trao đổi ở phòng làm việc khoảng 1 tiếng, rồi ông mở cửa sang trailer, và nói: “Sang đây ngồi thoải mái hơn.”

Rồi ông hỏi: “Em nghĩ thế nảo về đất nước hiện nay?”

Tôi nói: “Xin Thiếu Tướng cho em miễn trả lời vì em chỉ là thứ tép riu, làm sao dám múa rìu qua mắt thợ.”

Ông nói hơi gắt: “Không, không, em cứ nói. Cấp cao chưa hẳn là tài giỏi, người lớn chưa hẳn am hiểu nhiều.”

Tôi đề cập đến cái chết của cố TT Diệm và Minh là người tôi cho cần phải xử .

Ông cười và hỏi: “Với các Tướng lãnh em thấy như thế nào?”

Tôi trả lời: “Em chỉ kính trọng các ông như Khang, Phú, Trưởng, Nam, Kỳ, Vĩ và 5 vị Tướng gương mẫu; trái lại, có những Tướng Tá không xứng đáng là Tướng Tá (tôi có trình bày rõ tên với ông). Ông vui vẻ và đồng ý.

Ông hỏi: “Người lãnh đạo phải như thế nào?” Ông đưa ra rất nhiều những khúc mắc để tôi giải thích, nào là chiến tranh nơi rừng rậm, rừng trồi, trong thành phố, vân vân.

Ông hỏi: “Thí dụ một Quận ở nơi rất nguy hiểm bị bao vây thường xuyên không tiếp tế bằng đường bộ được, chỉ có thể tiếp tế bằng không vận, em đảm trách không?”

Ông nói Quận mà không nói tên, tôi hiểu ý ông nói đến Quận nào.

Tôi hỏi: “Có phải Quận đó không?”

Ông hỏi lại: “Sao em biết?”

Tôi trả lời: “Thưa Thiếu Tướng, vì em là đơn vị đặc nhiệm, đi vòng quanh Quân Khu nhiều lần, mà nơi đó rất nguy hiểm, một khi Cộng Quân muốn đánh chiếm Sài Gòn, quân số của họ phải gấp bội để dứt điểm Quận này. Em biết một quận như thế có tối đa là 100 chiến sĩ, vậy thì cho một cây 105 ly và các loại đạn đặc biệt, đồng thời mỗi người lính phải có 3 bộ quần áo khác nhau để dùng trong những khi cần nghi binh (dùng khi nào tôi đã trình bày tỉ mỉ với ông).”

Ông cười và đồng lòng.

Ông nói: “Rồi, trong thành phố trở ngại thế này, em phải làm sao?”

Tôi giải thích. Ông cũng đều đồng ý.

Và ông hỏi: “Em có dám làm không?”

Tôi nói: “Lệnh thì em phải thi hành.”

Hai thày trò nói chuyện cứ như vậy cho tới hết ngày. Đến bữa trưa thì tôi và ông xuống câu lạc bộ ăn rồi lại trở lại tiếp tục. Chiều đến giờ đi lễ xong rồi lại tiếp tục. Chính vì thế mà trao đổi 1 ngày với ông vẫn chưa xong hết. Vậy ông Tín thử nghĩ viết giấy nào cho hết, mong ông hiểu cho.

Dự lễ hôm đó có Tướng Thuần, Tướng Ân, ông Đại Tá Tham Mưu Trưởng và nhiều sĩ quan cao cấp khác, mả Thiếu Tướng lại bảo tôi ngồi cạnh ông. Khi lễ xong ra ngoài, gặp các Binh sĩ và Sĩ quan khảc, ông chào lại, nhưng vẫn vừa đi vừa nói chuyện với tôi. Chính vì thế mà có sự hiểu lầm, nên có vi Đại Tá gặp tôi và hỏi: “Em là gì của Thiếu Tướng?” Tôi trả lời không có gì cả. Ông cười và nói: “Có thật không?”

Có lần Thiếu Tướng dạo gần tới cuối sân Bộ Tư Lệnh thì gặp tôi vào. Tôi chào, ông dơ tay đập tay tôi xuống và vỗ vai rồi quay cùng trở vào với tôi và ông đi bên trái của tôi. Đi được vài bước, tôi lùi lại sau 1 bước và chuyển sang bên trái của ông.

Ông liền hỏi: “Tại sao em làm vậy?”

Tôi nói: “Như vậy là vô lễ không đúng quân cách vì em là cấp dưới, nếu ở bên phải của Thiếu Tướng em phải lùi lai sau 1 bước, như vậy thì không tiện thưa chuyện với Thiếu Tướng.”

Ông cười và hỏi: “Sao em biết như vậy?”

Một thời gian sau đó, tôi xin gia cảnh, vừa về đơn vị mới, đang đi phép, thì lại nhận lệnh quay trở lại tăng phái tới QĐ III. Khi được trả trở lại, tôi rời QĐ được khoảng 2 tuần thì Trung Tướng Đống về thay Trung Tướng Thuần. Khi rời QĐ , tôi đến văn phòng từ biệt Thiếu Tướng. Lần đầu tiên ông bắt tay tôi từ giã và chúc lành cho tôi.

Nguyễn Đức Thanh

Oslo, Norway

Ngày 15 tháng 8 năm 2020

Tái bút: Hôm nay là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, tôi cũng không quên cầu xin cho Thiếu Tướng sớm được về nước trời để phụng thờ Nhan Thánh Chúa và kính mến Mẹ (tôi nghĩ là ông đang ở trên đó vì ông là người vô cùng nhân hậu). Cũng như những ngày lễ Chúa Nhật tôi không quên cầu cho ông, có điều tôi không biết tên Thánh ông thôi.

Nhân tiện đây, tôi xin nói thêm về vụ trại di cư tên là Xã Thái Hùng, cái gai nằm trước mắt chiến khu D Trung Ương Cục R của Cộng Sản Bắc Việt khoảng tháng 10 năm 1974 áp lực mạnh Biên Hòa. Tiểu Đoàn 316 Địa Phương được phái về trấn giữ không nổi, phải bỏ chạy. Dân chúng báo tới Quân Đoàn. Quân Đoàn hỏi Đại Tá Lâm quanh Chính thì ông trả lời là vẫn bình yên không có gì cả. Khi ấy, Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Hành Quân, và tất cả Tướngh Lãnh của Quân Đoàn đều đi, ngoại trừ Tướng Tư Lệnh Phạm Quốc Thuần là không đi. Tướng Hiếu ban lệnh Đại Tá Lâm Quanh Chính dẫn đầu. Ông chạy trước thật nhanh đến Bửu Long có trung tâm huấn luyện Nghĩa quân, ông chốn vào đó. Các Tướng Lãnh nghĩ là ông chạy nhanh quá nên cứ chạy theo cả hơn 20 cây số, đến bến Chậu thuộc Xã Đại An bên này sông Đồng Nai và bên kia là giáo xứ Lực Điền, cũng không thấy ông Chính đâu cả. Nhưng các Tướng vẫn cho lệnh bơm thuyền phao chạy qua sông. Khi cập bến các Tướng và tùy viên lên hết, đến ngang hông nhà thờ giáo xứ Lực Điền, còn cách con đường chạy từ đầu trại đến cuối trại khoảng 200 mét bên kia đường mấy vườn ruộng mía, ngay khi ấy người lính trinh sát chạy từ trong ra và hỏi, mấy ông đi đâu vậy? Thiếu Tướng hỏi, bộ chỉ huy tiểu đoàn đâu? Người lính nói, hồi đêm lính bỏ chạy trôi sông về Biên Hòa rồi, chúng em phải ở lại; đây gần cuối trại rồi, bên kia đường lố nhố trong vườn mía là Cộng Sản đó, nó đông lắm, đi ngay đi, nó biết, nó tấn công thì chết hết. Vậy mà Thiếu Tướng Hiếu vẫn bình tĩnh nói, em kêu tất cả ra xuống thuyền sang sông. Vừa sang đến bờ bên kia là nó pháo theo liền. Chính vì lý do này về đến Quân Đoàn, Thiếu Tướng Hiếu đã ký lệnh tống cổ Lâm Quang Chính ra khỏi Quân Khu 3 trong vòng 24 giờ. Tôi không hiểu, khi về Quân Khu 4, lại trông coi một biệt khu tới 3 tỉnh.

generalhieu