Công Điện Thông Tin Tình Báo
Văn Phòng Chỉ Đạo Công Tác CIA

Ngày 5 tháng Giêng năm 1975

Đề Mục: Tướng Hiếu Tư Lệnh Phó phân tích hành động của VC/BQ tại Vùng 3 Chiến Thuật và thảo luận ý đồ của Cộng Sản.

Nguồn: Một quan sát viên Mỹ từ Vùng 3 Chiến Thuật - Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó, ý thức các lời nói của mình có thể tới tai các viên chức Hoa Kỳ.

Tóm lược: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Hành Quân Q̣ĐIII, nói ngày 3 tháng Giêng năm 1975 là các lực lượng VC/BQ thất bại thực hiện các mục tiêu trong các cuộc tấn công mới đây tại phía bắc Thành Phố Tây Ninh vì các lực lượng QLVNCH đã có thể đem thêm pháo binh chống lại các lực lượng tấn công của địch. Các lực lượng QLVNCH thất bại trong nỗ lực tiến tới Tiểu Khu Quận Hoài Đức trong Tỉnh Bình Tuy vì Trung Đoàn 33 VC/BQ án ngữ QL 333 giữa Gia Ray và Hoài Đức; Nhóm 7 Biệt Động Quân tăng phái cho Sư Đoàn 18 hành quân yếu kém. Lực lượng quân chính phủ tại Hoài Đức sẽ sớm gồm có hai tiểu đoàn QLVNCH và một tiểu đoàn Địa Phương Quân, cộng thêm hai tiểu đoàn tiến tới dọc theo QL 333 từ phía bắc. Tướng Hiếu nghĩ là sau các cuộc tấn công vào Thủ Phủ Tỉnh Phước Long của Sông Bé, Sư Đoàn 7 BQ sẽ tiến dọc theo ranh giới Tỉnh Bình Dương-Biên Hòa nhắm tới Lái Thiêu và Gia Định. Ông cũng tin là các cuộc tấn công trước đây của Sư Đoàn 9 BQ tại Quận Bến Cát trong Tỉnh Bình Dương là một thành phần trong ý đồ cộng quân nhằm nâng cấp khả năng chiến đấu lên hành quân phối hợp cấp sư đoàn và quân đoàn. Trong nhiều tháng tới, Tướng Hiếu dự kiến hai Sư Đoàn 7 và 9 BQ sẽ thực hiện hành quân cấp quân đoàn dọc theo các trục tiến tới Sài Gòn với Sư Đoàn 5 BQ nhắm cắt đứt đường giây liên lạc giữa Sài Gòn và Đồng Bằng. Mục tiêu toàn bộ của Cộng Sản trong chiến dịch hiện hành là cô lập hóa Tỉnh Tây Ninh và tiếp đến chiếm cứ thủ phủ tỉnh lỵ, củng cố kiểm soát cứ địa Bình Long-Phước Long và bành chướng kiểm soát tới các hành lang Sài Gòn trong Tỉnh Bình Dương, và làm chủ Tỉnh Bình Tuy, đặc biệt là vùng vựa lúa. Chấm dứt tóm lược.

1. Ngày 3 tháng Giêng năm 1975, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, tư lệnh phó Vùng 3 Chiến Thuật, chỉ huy hành quân, phân tích các hoạt động quân sự của Việt Cộng và Bắc Quân (VC/BQ) từ ngày 6 tháng Chạp và thảo luận các ý đồ của Cộng Sản. Trong Tỉnh Tây Ninh, các lực lượng VC/BQ thất bại trong nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tấn chiếm các tiền đồn tại Núi Bà Đen và Suối Đá (XT335576) phía đông bắc Thành Phố Tây Ninh vì sau khi pháo binh của QLVNCH lúc đầu bị hỏa lực phản pháo VC/BQ hủy diệt, QLVNCH đã có thể đem thêm pháo binh vào chống cự lại lực lượng tấn công của địch. Trung Đoàn 205 VC/BQ Biệt Lập thiệt hại khoảng một phần ba quân số, trong khi Trung Đoàn 101 VC/BQ hứng chịu khoảng 100 thương vong. Các chiến thuật VC/BQ là hủy diệt pháo binh QLVNCH với hỏa lực phản pháo dựa trên tình báo của các vị trí đại pháo howitzer và rồi xử dụng pháo tập vào lực lượng trú phòng. Trong trận đánh tại Suối Đá, các lực lượng QLVNCH đã có thể đem thêm các ổ pháo tới tầm bắn của các lực lượng tấn công mà các đơn vị VC/BQ không tài nào tìm thấy để hủy diệt. Theo Tướng Hiếu, nguồn tình báo cho thấy là hai Trung Đoàn VC/BQ sẽ tấn công lại trong Tỉnh Tây Ninh và xử dụng thêm các ổ pháo binh để triệt hủy pháo binh QLVNCH.

2. Liên quan đến thất bại của QLVNCH tiến tới Tiểu Khu Quận Hoài Đức, Tỉnh Bình Tuy, Tướng Hiếu nói là Trung Đoàn 33 VC/BQ án ngữ QL 333 giữa Gia Ray và Hoài Đức bằng cách thiết lập những địa điểm kiên cố cỡ đại đội dọc theo đường lộ và không ngừng tấn công các đơn vị QLVNCH bằng hỏa tập gián tiếp. Nhóm 7 Biệt Động Quân được tăng phái cho Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 18. Tuy nhiên, Nhóm Biệt Động Quân không hữu hiệu vì yếu đi sau các thương vong trước đây và theo Tướng Hiếu, Biệt Động Quân không quen hành quân như một phần tử nội tại của một sư đoàn và do đó hành quân yếu kém. Một tiểu đoàn của Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18, được trực thăng vận từ Tiểu Khu Quận Hoài Đức trong khi số quân còn lại của trung đoàn tiến tới từ QL 20 trong Tỉnh Long Khánh phía nam đọc theo QL 333 từ phía bắc. Thêm một tiểu đoàn QLVNCH sẽ sớm được trực thăng vận tới Hoài Đức nâng tổng số lực lượng phòng thủ với hai tiểu đoàn QLVNCH và một tiểu đoàn Địa Phương Quân, mà theo Tướng Hiếu, đủ để bảo vệ Hoài Đức cách thành công. Tướng Hiếu ghi nhận là Sư Đoàn 18 là sư đoàn trừ bị của QĐIII nhưng với các trung đoàn sung vào phía đông QĐIII, Bộ Tổng Tham Mưu quyết định thiết lập một lực lượng trừ bị và tạm thời thuyên chuyển Nhóm 7 Biệt Động Quân tới vùng Sài Gòn từ Vùng 2 Chiến Thuật.

3. Theo Tướng Hiếu, Sư Đoàn 7 BQ được tung vào Tỉnh Phước Long để nâng cao tinh thần chiến binh của sư đoàn bằng cách giao cho họ một mục tiêu dễ dàng và một chiến thắng nhanh chóng chống lại Địa Phương Quân trước khi tung sư đoàn chống lại chủ lực quân VNCH tại phía đông nam Tỉnh Bình Dương. Nếu Thủ Phủ Phước Long bị tràn ngập nhanh chóng, mục tiêu kế tiếp cho Sư Đoàn 7 sẽ là tiến dọc theo ranh giới Tỉnh Bình Dương-Biên Hòa nhắm về Quận Lái Thiêu về phía nam Bình Dương và Gia Định. Nếu các lực lượng VC/BQ thất bại tấn chiếm Phước Long, Tướng Hiếu dự kiến là VC/BQ sẽ tiếp tục vây lấn thành phố với một lực lượng ít ỏi hơn và để Sư Đoàn 7 rảnh tay thực hiện các cuộc hành quân tiến tới Lái Thiêu.

4. Tướng Hiếu tin tưởng là Sư Đoàn 7 BQ, trong Mùa Xuân và Mùa Hè năm 1974, đã tấn công các tiền đồn của Rạch Bắp (XT763304), Căn Cứ 82 (XT700313), và An Điền trong Quận Bến Cát, Tỉnh Bình Dương, với chủ đích trắc nghiệm khả năng của sư đoàn thực hiện các cuộc hành quân qui ước cấp sư đoàn. Đây là một phần của ý đồ Cộng Sản để nâng cấp các lực lượng của họ để có thể thực hiện những cuộc hành quân phối hợp cỡ sư đoàn và cỡ quân đoàn. Tướng Hiếu tin tưởng là Sư Đoàn 9 hứng chịu tổn thất khả quan và có thể không sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, ông dự kiến là trong các tháng tới cả hai Sư Đoàn 9 và 7 BQ có thể được sung vào hành quân cấp quân đoàn tiến dọc theo hành lang Sài Gòn và trục giữa ranh giới Bình Dương-Biên Hòa hướng về Sài Gòn. Tuy nhiên, Tướng Hiếu không chắc nếu Cộng Sản có tạo lập được hệ thống tiếp vận để yểm trợ một cuộc hành quân cấp quân đoàn. Ông dự kiến là Sư Đoàn 5 sẽ được giao trách vụ vừa tiến tới dọc theo ranh giới QĐIII và QĐIV vừa nhắm mục tiêu cắt đứt đường liên lạc từ Đồng Bằng đến Sài Gòn. Khi được hỏi nếu các lực lượng VC/BQ có khả năng thực hiện kế hoạch qui mô này không, ông trả lời là còn tùy vào việc tạo lập địa điểm tiếp vận và chuẩn bị chiến trường của Cộng Sản. Ông cho là VC/BQ có thể chuyển vận tiếp tế từ Bắc Việt đến QĐIII trong 17 ngày và họ hưởng tỷ lệ hai trên một đối với các đơn vị chủ lực quân ngoại trừ các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Ông cho là BQ có ưu thế về hỏa lực pháo binh tại điểm đụng độ và dùng hỏa tập. Tướng Hiếu nói là dựa vào các tài liệu tịch thu được, kế hoạch của BQ là tung vào xe tăng cùng thêm pháo binh. Ông ghi nhận là một số lớn xe tăng T-54 được tung vào Tỉnh Phước Long.

5. Khi được hỏi về khả năng của QLVNCH ngăn cản các của tấn công của VC/BQ trong QĐIII mà không cần nhận thêm viện trợ quân sư Hoa Kỳ như thời khóa biểu hiện hành, ông nói là khó ấn định được điểm tan vỡ của QLVNCH. Giai đoạn tới sẽ khó khăn nhất cho QLVNCH. Một số đơn vị quân chính phủ đã chứng minh tinh thần cao, đặc biệt là Địa Phương Quân tại Tây Ninh; tuy nhiên, tinh thần cách chung sa sút và có thể QLVNCH sẽ không tồn tại được nếu không có sự yểm trợ gia tăng khả quan về viện trợ quân sự Hoa Kỳ. Ưu thế về hỏa lực và tính di động trước nay QLVNCH có được đã chuyển sang phía VC/BQ.

6. Các mục tiêu của VC/BQ, theo Tướng Hiếu, trong chiến dịch hiện hành là cô lập hóa Tỉnh Tây Ninh và rồi tiến chiếm Thành Phố Tây Ninh; thứ đến, củng cố kiểm soát cứ địa Bình Long-Phước Long và nới rộng kiểm soát sâu tới các hành lang Sài Gòn trong Tỉnh Bình Dương; và thứ ba, kiểm soát Tỉnh Bình Tuy, đặc biệt vựa lúa hiện cung cấp đủ gạo để nuôi dân chúng của các Tỉnh Bình Tuy, Phước Long, và Long Khánh. Ông ghi nhận là trong Tỉnh Bình Tuy Cộng Sản không cho phép dân chúng rời đi như họ cho phép trước nay. Trong quá khứ, Cộng Sản tấn công một vùng và nếu đạt được mục tiêu, họ chỉ ở nán lại một vài ngày. Tuy nhiên, bây giờ Cộng Sản đủ mạnh để cho phép họ chiếm cứ và phát triển một vùng sau khi tấn chiếm. Mục tiêu của Cộng Sản là kiểm soát tối thiểu 10 phần trăm dân số. Phương pháp hoàn thành mục tiêu của họ là thực hiện những cuộc tấn công mạnh, chiếm cứ và củng cố và từ đó đạt được một thế đứng ngang hàng với quân chính phủ.

7. Tướng Hiếu nói thêm là Trung Tướng Tư Lệnh QĐIII Dư Quốc Đống không có kinh nghiệm chỉ huy các lực lượng địa phương quân nhưng ông đang học hỏi rất nhanh.

Tài liệu do Jay Veith gửi tới
Ngày 7 tháng 4 năm 2007

Ghi chú về nguồn: Tướng Charles Timmes

Tướng Hoa Kỳ Charles Timmes phục vụ trong tư cách trưởng ban cố vấn Mỹ tại Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1964 trước khi Nhóm Cố Vấn Quân Sự này trở thành MACV. Thoạt đầu, Tổng Thống Diệm, không muốn cho phép Mỹ đi vào chiến trường với các đơn vị Nam Việt Nam, và sau cùng khi không thể ngăn cản được việc này, ông không cho phép các nhóm cố vấn vào các hàng cao cấp, sợ là như vậy Hoa Kỳ sẽ nắm phần kiểm soát QLVNCH. Nhưng không mấy chốc tình hình tại chiến trường biến đổi khác đi, và vào thời buổi đó Tướng Timmes đang cầm đầu chỉ huy các cố vấn Mỹ vào năm 1962, Tồng Thống Kennedy buộc Tổng Thống Diệm phải chấp thuận gài cố vấn Mỹ vào các đơn vị chiến đấu đến cấp tiểu đoàn.

Tướng Timmes lúc đó mang cấp bậc thiếu tướng với nhiều kinh nghiệm chiến trường. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông phục vụ cách vẻ vang trong tư cách một tiểu đoàn trưởng của Sư Đoàn 82 Dù danh tiếng và tham dự trong các cuộc nhảy dù ban đêm trước cuộc đổ bộ Normandie vào tháng 6 năm 1944. Phim Hollywood The Longest Day đã tuyên dương Trung Tá Timmes khi cuốn phim giao cho tài tử gạo cội John Wayne đóng vai trò dũng cảm của ông.

Có người đã mô tả Tướng Timmes như là "một người dáng dấp thấp, bủn xỉn với bước đi đầy tự mãn", nhưng khi ông tới tuổi hưu trí vào năm 1964, ông đã biến thành "một người lính già dễ chịu", một quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ đối với nước và đã tráo đổi khẩu súng M16 với gậy đánh golf. Tuy nhiên, chỉ một vài năm sau, CIA móc nối Tướng Timmes và thuyết phục ông trở lại Việt Nam và lãnh vai trò liên lạc viên giữa CIA và nhóm Tướng Trẻ QLVNCH mà ông đã kết làm bạn trong những ngày tháng ông là trưởng cố vấn chiến trường.

Tướng Timmes nhận lãnh công việc với đầy nhiệt huyết, "và trong suốt thời gian còn lại làm việc cho CIA, cho đến khi Sài Gòn thất thủ, ông đã làm việc rất là khéo léo và tế nhị." Theo Snepp, trưởng ban phân tích CIA tại Việt Nam vào thời buổi đó, Tướng Timmes "trở nên một tay quần vợt thường xuyên chơi với Tướng 'Big' Minh, người cầm đầu đảo chánh Tổng Thống Diệm và là mục tiêu đút lót của Đại Sứ Bunker, và đã thừa cơ giao đấu quần vợt để thu hoạch tin tức của nhóm đảo chánh, kể cả Tướng Minh. Qua các chuyến thăm viếng các tỉnh lỵ thường xuyên, Tướng Timmes cũng duy trì mối giây liên lạc với các chỉ huy trưởng chiến trường, trong số đó nhiều người mới chỉ mang lon thiếu úy khi ông gặp họ những năm trước đây. Họ đều kính mến ông, như thể đồng nghiệp, và họ luôn sẵn lòng trợ giúp ông thảo các bản tóm lược về các cuộc đàm thoại đễ tạo được tính trung thực. Do đó, các bản báo cáo chiến trường của Tướng Timmes luôn phản ảnh chính xác và trung thực về những gì các cấp chóp bu quân sự Nam Việt Nam muốn ông chuyển đạt đếnTòa Đại Sứ" (Frank Snepp, Decent Interval, 1977, 16).

Ngày 3 tháng Giêng năm 1975, Tướng Timmes phỏng vấn Tướng Nguyễn Văn Hiếu về sự phân tích của tư lệnh phó liên quan đến các sinh hoạt của Việt Cộng và Bắc Quân từ tháng Chạp năm 1974. Đồng thời Tướng Hiếu cũng chia sẻ ước lượng của mình về các mưu tính của Cộng Sản cho chiến dịch sắp tới.

Dựa vào lề lối làm việc của Tướng Timmes và sự phân tích của các tướng Việt Nam (kể cả Tướng Hiếu) về cuộc chiến đang tiếp diễn, chúng ta có thể đoan chắc là tài liệu CIA trong đó chứa đựng sự phân tích của Tướng Hiếu về tình hình tại Quân Đoàn 3 không những mang tính chất xác thực, mà còn phản ảnh rất chính xác suy tư và phân tích của Tướng Hiếu ngày 3 tháng Giêng năm 1975.

James Miguez
Ngày 05 tháng 07 năm 2007

generalhieu