Đại Tá Vũ Quang Triệu

Đại tá Vũ Quang Triệu, xước danh “Pilot Thái Bình” mà Dương Hùng Cường mô tả là “lái máy bay trước khi biết lái xe đạp”, Không đoàn trưởng Không đoàn 43 Chiến thuật yêu cầu tôi đại diện Không đoàn làm “luật sư” trong buổi điều trần trước Hội đồng Tướng lãnh. Đại tá Phan Văn Huấn, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù, có một Thiếu úy tùy viên đi theo, vào phòng họp sau cùng. Ông xin được nói trước và hiên ngang nói những lời khí phách: – Mất Phước Long, lý do tại sao, quý vị cũng như chúng tôi đều biết nhưng không ai muốn nói ra. Phần Biệt Kích 81, chúng tôi vào chỗ chết đã đành, bởi nghề nghiệp chúng tôi là tìm chỗ chết để đi vào. Riêng với anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, chết lây với chúng tôi thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa là điều tôi cho là vô lý. Nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị ở lại tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả. Tôi xin phép được ra về vì còn nhiều việc phải làm.

Đại tá Huấn đứng nghiêm chào và quay ngoắt đi ra. Ông đến như cơn gió và ông đi cũng như cơn gió. Ông xuất hiện chưa đầy 5 phút, nói một lời ngắn ngủi nhưng tôi ghi nhớ mãi cái giây phút lịch sử và hình ảnh đó của ông. Hội đồng Tướng lãnh ra về, giao việc điều tra cho Đại tá Nguyễn Huy Lợi, nha Quân Pháp, ở lại làm việc. Tôi đã làm trọn vai trò “luật sư”, biện hộ cho Không đoàn 43 Chiến Thuật. Ngày di tản, gặp lại Đại tá Nguyễn Huy Lợi trên boong tàu Mỹ, trước đông anh em, ông đã khen tôi không tiếc lời về việc tôi đã dám nói ra sự thật vụ mất Phước Long.

Vụ án Phước Long sau đó hoàn toàn chìm xuồng. Tôi nhắc lại việc trên để thấy tư cách và lòng nhân hậu của Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính mà ngậm ngùi tưởng nhớ đến ông. Nhớ ngày cuối ở Biên Hòa, ông họp các Phi đoàn trưởng, chỉ thị lập danh sách và cho tất cả vợ con hoa tiêu về Saigon, Bộ Tư Lệnh sẽ thu xếp việc di tản. Các ông Triệu, Luân, Lộc ngày nào cũng rủ tôi qua nhà tướng Tính xem có động tịnh gì về vấn đề đi, ở ra sao vì thấy tướng Tính lại đem vợ con lên Biên Hòa. Ngày 26-4, ông họp chúng tôi, nói thẳng:

– Vợ con tôi đi rồi, do cố vấn Mỹ lo giùm. Sáng nay tôi chỉ kịp chạy vào DAO vẫy tay chào, không được hôn từ giã… Không ai lo cho ai đâu. Các anh tính liệu cách nào thì tính, nhưng đừng để tụi nhỏ chúng nó “panic”!

Tôi đem Phi đoàn di tản về Tân Sơn Nhất tối 27-4 khi Biên Hòa bị pháo bằng hỏa tiễn 130 ly. Sáng 28, tướng Tính gọi tôi lên Biên Hòa, nằm trong hầm TOC chịu pháo với ông. Buổi trưa, tôi lái chiếc pick-up về nhà lấy cái nồi cơm điện National cho anh em pha cà phê và lấy chiếc áo bay để thay đổi, đoạn xin ông cho tôi về Tân Sơn Nhất, e anh em tưởng tôi “doọt”, bỏ đơn vị, sẽ tan hàng hết. Sáng ngày 29, Trung tá Trọng, Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 221 đáp xuống Nhà Bè gặp tôi. Trọng nằm vật trên vỉ sắt lót phi đạo, gửi anh em PĐ221 cho tôi dẫn bay ra biển. Anh ôm mặt khóc, nhất định quay về với vợ con. Anh bảo Trung sĩ Kiên, tài xế của Đại tá Triệu trao cho tôi một tập hồ sơ sĩ quan dầy cộm, nói Đại tá Triệu “bàn giao” Không Đoàn cho tôi và cho biết Đại tá Triệu đã theo tướng Tính ra Vũng Tàu, di tản. Sau này tôi được biết Trung tá Trọng ở lại, đi học tập và chết trong tù.

Đào Vũ Anh Hùng

Nguồn dòng sông cũ