Sở HCTC 8 đồn trú tại Qui-Nhơn, và quản hạt chỉ có 1 Tiểu Khu Bình-Định, nhưng lãnh địa rất rộng nên quân số Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đứng đầu toàn quốc (độ 30,000 người). Nơi đây cũng là hậu cứ của các đơn vị thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh, mà phần lớn tham dự hành quân tại vùng Cao Nguyên QK 2. Chánh Sở 8 lúc ấy là Đại Tá N. Th. Tr., và phụ tá là Trung Tá T. H. T. Vào cuối tháng 3/1975, khi nghe tin Sư Đoàn 3 đóng ở Chu-Lai (Quảng Ngãi) và Sư Đoàn 22 đóng ở Qui-Nhơn rút lui vào phía Nam bằng đường thủy, tôi có gọi điện thoại cho anh NTT nhiều lần, nhưng đều không có ai trả lời. Sau được biết anh NTT di tản về đến Sàigòn, có vào trình diện ông TGĐ, anh NTT có mặt ở trại Nguyễn Trường Tộ (nơi có trụ sở Sở HCTC 1 và HCTC 6) với nhiệm vụ giải quyết lương bổng cho quân nhân thuộc Sở 8. Tôi chỉ còn nhớ là vào một sáng đầu tháng 4/1975, Đại Tá Trần Đình Vọng, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Định có đến Tổng Nha gặp tôi để yêu cầu có biện pháp thích ứng với Thiếu Tá P.V.Ng. SQTC Tiểu Khu Bình Định. Theo lời ĐT Vọng, trước ngày 20/03/1975, Tiểu Khu có cho binh sỹ hộ tống SQTC đến Ty Ngân Khố Qui-Nhơn lãnh 100 triệu để phát lương cho binh sỹ và những quân nhân thiếu giấy tờ chứng minh vì thất lạc đơn vị. Nhưng sau đó Thiếu Tá P.V.Ng. “biến mất” luôn, nên có nhiều binh sỹ than phiền không được lãnh lương. Vì không biết chút nào về nội vụ, tôi chỉ hứa với Đại Tá Tỉnh Trưởng Vọng là sẽ điều tra và có biện pháp thích ứng sau với SQTC Tiểu Khu Bình-Định. Sau này khi có dịp gặp lại anh NTT ở trong tù, tôi có hỏi về nội vụ thì anh chỉ nói vắn tắt “Chuyện cũ, tôi đã quên rồi, vậy đừng nhắc lại và chấm dứt luôn”. Anh NTT hiện định cư tại Houston, Texas, còn Anh H.T. thì mãi đến đầu năm 2004 thì biết anh định cư ở San Diego, California. Nhưng tôi chưa kịp gặp mặt thì anh HT đã từ trần ngày 16/12/2004, hưởng thọ 74 tuổi. Tôi cũng không gặp lại anh P.V.Ng. dù biết rõ anh có qua Mỹ diện HO. Nguyễn Văn Phiên Nguồn RFAhành chánh tài chánh
|