Đại Tá Khiếu Hữu Diệu

Ngày 28 tháng 3 năm 1975, tôi nhận được công điện di làm Tỉnh Trưởng Long Xuyên. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV chỉ thị tôi bàn giao từng tiểu đoàn một tại chỗ cho đến khi người nhận nắm thật vững tình hình.

Sáng ngày 1-4-1975, tôi lên trình diện Quân Đoàn. Vào văn phòng Tư Lệnh thì Tướng Nguyễn Khoa Nam cũng vừa xong phiên họp Tham Mưu mỗi ngày. Ông kéo tôi vào văn phòng bên trong, không quên dặn Chánh Văn Phòng là nếu có khách thì hẹn đến chiều, còn điện thoại thì ghi nhận để ông gọi lại sau, trừ khi thật khẩn cấp.

Thiếu Tướng Nam căn dặn tôi đủ thứ. Ông luôn nhấn mạnh là phải tận tình giúp đỡ dân chúng an cư lạc nghiệp, phát triển đạo giáo. Ông nói:

- Đại Tá lên trên ấy, tình hình quân sự không nặng, nhưng chính trị thì rắc rối lắm, bảo ông Mân (Đại Tá Tỉnh Trưởng tiền nhiệm của tôi) bàn giao cho kỹ. Chiều nay, Đại Tá sang ông Thiệt (Đại Tá Chánh Sở 4 Cảnh Sát Quốc Gia) để nghe ông ấy hướng dẫn kỹ càng từng thân hào, nhân sĩ một, từng đoàn thể chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp v.v... Rồi Đại Tá sang ông Sảo (Đại Tá Chánh Sở 4 An Ninh Quân Đội) để nghe thuyết trình về các đơn vị quân đội. Tôi đã dặn họ cẩn thận rồi.

Nói chuyện cho đến trưa, tôi đứng dậy xin phép ra về vì thấy ông rất bận rộn.

Cho đến sáng 4-4-1975, tôi mới lên gặp Đại Tá Mân, vị tiền nhiệm của tôi. Đại Tá Mân đã chuẩn bị sẵn chương trình bàn giao: Ngày nào đi thăm quận nào, xã nào, ngày nào đi thăm xã giao thân hào nhân sĩ. Ông để cho tôi thăm các đơn vị quân đội và các cơ sở hành chánh sau ngày bàn giao. Thế mà cũng phải đến ngày 9-4, tôi mới làm lễ bàn giao chính thức. Ngày bàn giao, Thiếu Tướng Nam không lên dự được, nên để Chuẩn Tướng Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV đại diện.

Khoảng ngày 23-4, có một cuộc họp tại văn phòng Tướng Hưng, gồm có các tỉnh trưởng và một số đông thân hào nhân sĩ theo đạo Hòa Hảo, đứng đầu là Long Xuyên, rồi đến Sa Đéc, Châu Đốc, Kiến Phong, Vĩnh Long, Cần Thơ và Sóc Trăng. Mục đích buổi họp là thảo luận về việc tái trang bị cho các đơn vị Hòa Hảo và thả các cấp chỉ huy của họ bị tạm giữ lúc trước để chỉ huy, chiến đấu bảo vệ làng xóm của họ nếu Cộng Sản tràn vào.

Cuộc gặp gỡ lần cuối với Thiếu Tướng Nam .

Từ ngày trình diện Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam hôm 1-4-1975 tại văn phòng Tư Lệnh trước khi tôi đi nhậm chức, mải đến ngày 25-4, ông mới báo tin là sẽ lên Long Xuyên thăm tôi; đúng ra là thăm đồng bào các tỉnh Bình Tuy, Long Khánh được di tản về lánh nạn tại các tỉnh miền Tây. Riêng Long Xuyên đón nhận 80 ngàn người. Một Ủy Ban Tỉnh được thành lập để tiếp đón và định cư đồng bào. Cũng may, đồng bào Long Xuyên, khá sung túc và hảo tâm, lại giàu tinh thần từ bi hỷ xã của đạo giáo Hòa Hảo nên đã tận tình giúp đỡ dân tỵ nạn. Tôi tự lái xe đưa Thiếu Tướng Nam đi thăm từng trại một, đồng bào rất hân hoan mừng rỡ khi tôi giới thiệu ông với họ. Khuôn mặt Tướng Nam cũng lộ vẻ vui.

Thăm tất cả đồng bào di tản xong, chúng tôi về Tòa Hành Chánh, vào văn phòng tôi giải khát. Tướng Nam đột ngột hỏi tôi:

- Đại Tá nghĩ thế nào trước tình thế hiện nay?

Tôi đáp:

-Thiếu Tướng hỏi bất chợt, nhưng tôi đã nghĩ gọn như thế này. Trong ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì thiên thời ta không còn nữa vì đồng minh đã bỏ rơi; địa lợi cũng không tốt vì nơi nào ta có thể lập chiến khu cự địch thì địch đã chiếm từ trước để chống cự với ta rồi; chỉ còn yếu tố nhân hòa là ta có thể tạm dựa vào vì quân, dân, cán, chính thảy đều sợ Cộng Sản vào trả thù. Tất cả mọi người bây giờ như bị dồn vào con đường cùng. Tôi nghĩ chỉ còn một con đường là làm sao huy động mọi lực lượng, cùng nhau đánh một trận cuối cùng với địch.

Thiếu Tướng Nam im lặng không nói gì nữa, dứng dậy bắt tay tôi rồi ra về. Tôi tiễn chân ông đến tận sân bay, đứng nghiêm chào trong khi ông bước lên máy bay. Tướng Nam quay lại giơ tay vẫy vẫy, máy bay khuất dần tầm mắt tôi mới trở vô văn phòng. Có ngờ đâu đó là lần tôi gặp gỡ Tướng Nam tận mặt lần cuối cùng, cái chào cuối cùng, cái vẫy tay cuối cùng. Ông vẫn bình tĩnh, điềm đạm như thường lệ.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 .

Khoảng 10 giờ sáng, tôi đang đứng trước văn phòng tòa Hành Chánh đã vắng bóng cán bộ và nhân viên các cấp, chỉ còn loáng thoáng một ít quân nhân thường trực và canh gác cơ sở, thì ông Thiếu Úy sĩ quan Tùy Viên, tay cầm cái radio nhỏ đang phát thanh, vội vã bước vào nói:

- Đầu hàng rồi, Đại Tá ơi!

Hình như lúc đó, vị tướng quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đang đọc lệnh ngưng chiến đấu. Tôi vội vào trong, quay điện thoại xin gặp Thiếu Tướng Nam thì Chánh Văn Phòng cho hay ông đang bận họp. Đến gần 12 giờ trưa, Tướng Nam gọi lại tôi và ra chỉ thị sau:

1.Phải giữ cho các đơn vị đừng rã ngũ. Nếu có thể thì đi thăm từng đơn vị một.

2.Đừng để cho dân chúng bị cướp phá.

3.Đối với địch, ta không đánh họ nữa nhưng nếu họ đánh ta thì cứ tận tình trả đũa.

Đây là lệnh cuối cùng của ông mà tôi nhận được qua máy. Giọng nói của ông vẫn cứng cỏi, bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Lúc 3 giờ chiều, tôi huy động một đoàn xe dẫn đầu là xe của ông Trưởng Ty Cảnh Sát. Chúng tôi cho đoàn xe chạy từ từ trên các con đường lớn, cho dân chúng thấy còn có mặt chúng tôi. Lúc này, dân chúng kéo ra đông nghẹt cả đường phố, không những trong tỉnh mà còn cả trên các đường đi về Cần Thơ, Châu Đốc và Rạch Giá. Tôi vẫn còn hai trực thăng tăng phái. Các phi công đề nghị di tản nhưng tôi quyết định không đi vì Tướng Nam vẫn còn đó. Nhưng tôi cũng giao gia đình tôi lại cho ông Trung Tá Y Sĩ Trưởng Quân Y Viện Long Xuyên mang đi hộ, mặc dầu chỉ mới gặp ông ấy có một lần khi tôi đến thăm Quân Y Viện với tư cách chỉ huy trưởng lãnh thổ.

Thế rồi tôi tưởng mình bị kẹt lại. Bất ngờ, một chiếc trực thăng trên đường bay đến Phú Quốc, nhưng vì mây thấp quá không đáp được, quần mải sợ hết xăng, phi công bèn bay về Long Xuyên vì suy đoán đây là vùng đất Hòa Hảo, địch chưa vào kịp. Chính nhờ chiếc trực thăng này mà tôi thoát nạn vào giờ chót như một phép lạ.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 1-5-1975, trực thăng cất cánh bay dọc theo sông Hậu Giang hướng ra biển, tôi nhìn thấy lửa cháy rực trời khắp nơi, nhất là tại những căn cứ quân sự, kèm theo những tiếng nổ long trời.

Khi bay ngang Cần Thơ, tôi nhìn xuống tư dinh Tư Lệnh Quân Đoàn IV mà lòng bùi ngùi, có biết đâu cũng vào giờ đó, Tướng Nam đã tự hủy mình.