Ông kể, “Những kỷ niệm sâu đậm nhất, trong thời gian tị nạn, và làm việc trong Camp Pendleton, là tôi hân hạnh được gặp, hay làm việc chung, với những nhân vật Việt Nam có tiếng tăm, như Giáo sư Đỗ Bá Khê, Thứ Trưởng Văn Hoá và Thanh Niên, VNCH; Nguyễn Hải Bình, Tổng Giám Đốc Nha Thuế Vụ (đồng nghiệp dạy học và bạn của bác, ở trường Anh ngữ Ziên Hồng, đầu thập niên 1960, và là đàn anh và niên trưởng của bác, khi bác là giảng viên ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội, QLVNCH); Vũ Khắc Dụng, Thứ Trưởng Tài Chánh (bạn học của bác hồi ở Lớp Đệ Tam C, Trung Học Chu Văn An); Trung Tá Không Quân Bồ Đại Kỳ, vị sĩ quan nhuận sắc tài liệu bác dịch chiến đấu cơ F-5E, cho Chương Trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, năm 1973, cho Bộ TTM/Tổng Cục Quân Huấn; Thi sĩ/giáo sư triết Nguyên Sa Trần Bích Lan; Đỗ Ngọc Yến, làm chung với bác trong Uỷ Ban Liên Bộ, Phân bộ Giáo Dục ở Trại, phụ trách Chương Trình Anh ngữ Sinh Tồn (Survival English); và cuối cùng là Nam Lộc tác giả bài Vĩnh Biệt Sài Gòn, mà Nam Lộc đã lần đầu tiên hát cho tôi nghe, khi tôi dạy kèm Anh văn cho Nam Lộc hàng đêm trong trại. Hai anh em đã nghẹn ngào sụt sùi, trong tâm trạng của những kẻ lưu vong, vì mất nước nhà tan, vọng nhớ về Sài Gòn và Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa thương yêu, bên kia bờ Thái Bình Dương, đã nghìn trùng xa cách!” Trần Khánh Nguồn viendongdaily
|