Gia đình Tướng Hiếu Di Tản.

Sau lễ nghi chôn cất tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, viên Tổng Lãnh Sự Mỹ Biên Hoà, đợi cho ai nấy ra về hết, tiến lại mời chị dâu tôi cùng với ông cụ thân sinh và hai em (tôi là em kế) Tướng Hiếu ghé qua tư thất ông ta chuyện vãn. Ông Tổng Lãnh Sự hỏi chị dâu tôi ông có thể giúp gia đình gì không thì chị dâu tôi đơn sơ và vô tư nhờ tôi thông dịch lại xin ông giúp đưa hai cháu trai anh tôi qua Mỹ du học. (Sự kiện này chứng tỏ anh tôi không hề bàn định với vợ con mình về việc chạy giặc). Ông trả lời là việc đó khó thực hiện trong tình hình cấp bách hiện tại. Tôi mớm cho chị dâu tôi bằng tiếng Việt xin ông giúp toàn thể gia đình di tản, chị dâu trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên (ông ta vừa từ chối giúp hai cháu đi Mỹ, sao bây giờ lại mở miệng xin cho cả gia đình đi!) nhưng rồi cũng nghe lời tôi. Tôi lập lại y nguyên lời yêu cầu này thì ông nhanh nhảu chấp thuận liền - như thể ông đã có hứa làm điều này với anh tôi! Ông đưa cho hai số điện thoại: một của một viên chức phụ tá của ông ở Sài-Gòn và dặn liên lạc với viên chức đó để được đưa vào danh sách chuyến bay di tản; hai của ông ở Sài-Gòn, vì Toà Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Biên Hoà sắp đóng cửa và di tản về Sài-Gòn, dặn có gì trục trặc thì gọi ông. Sau cả một tuần lễ thất bại trong nỗ lực bắt liên lạc với viên phụ tá qua đường giây điện thoại, gia đình trở lại gặp ông Tổng Lãnh Sự ở Sài-Gòn, tại văn phòng tạm bợ "dã chiến", ông lấy làm ngạc nhiên sao gia đình chưa đi Mỹ. Ông đâu có biết cá nhân ông thì tận tình, nhưng viên phụ tá của ông thì chỉ lo làm tiền, sắp xếp những ai đút lót lên máy bay trước, rồi thứ đến... Lần này ông ta đưa cho địa chỉ nhà riêng của viên phụ tá. Buổi chiều tới nhà riêng thì bắt gặp được viên phụ tá mới ở sở làm về. Ông ta lấy số điện thoại của gia đình rồi hứa vài ngày sau sẽ gọi lại. Ngày 23/4, ông ta gọi điện thoại và cho biết gia đình được phép đi 14 người và chỉ thị ngày 29/4 phải có mặt ở đường XYZ để lên xe buýt của DAO (Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự Mỹ) để được chở vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi dọn về nhà chị dâu tôi ngày 25/4. Thời gian chờ đợi thật là sốt ruột vì trong Cư Xá, không ai bảo ai mà cứ thấy các gia đình sĩ quan biến dần đi đâu hết, kể cả những gia đình hàng xóm quen thân, không một lời từ giã !

Ngày 28/4, phi trường TSN bị pháo kích. Sáng ngày hôm đó, trung tâm điều hành di tản DAO (TTĐHDT/DAO) gọi điện thoại thông báo là mọi chuyến bay bị hủy bỏ. Đến chiều TTĐHDT/ DAO lại gọi điện thoại cho biết ngày hôm sau, tức là 29/4, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ sẽ đổ bộ bằng trực thăng xuống phi trường TSN và gia đình phải sẵn sàng đợi lệnh di tản bằng các trực thăng này. Sáng ngày 29/4, TTĐHDT/DAO gọi điện thoại cho biết là không còn phương tiện xe buýt nữa và gia đình phải tự túc vào phi trường khoảng một hai giờ trưa. Đúng 12 giờ trưa, gia đình gọi điện thoại vào TTĐHDT/DAO xin nói chuyện với Đại Tá Mỹ Chỉ Huy Trưởng trung tâm điều hành. Người bên kia đầu giây điện thoại, giọng nói người Việt, không xưng danh tánh (sau này gia đình được biết là Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, có vợ là chị em họ của chị dâu tôi), cho hay là viên Đại Tá Mỹ đi dùng cơm trưa, rồi bảo là gia đình cứ vào phi trường, khi đến cổng trụ sở DAO thì xin Thủy Quân Lục Chiến Mỹ liên lạc vào trung tâm điều hành.

Gia đình di chuyển trên hai chiếc xe dân sự của anh tôi. Tôi ngồi trên xe dẫn đầu. Tín ngồi theo xe sau. Khi tới khu vực DAO, xe bị chận lại, phải đậu cách xa cổng 200 thước. Đang khi đó trực thăng thay phiên nhau nhả Thủy Quân Lục Chiến Mỹ xuống bố trí bên trong hàng rào, súng ống chĩa ra ngoài trong tư thế sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai dám lại gần. Sau một tiếng đồng hồ chờ đợi vô hiệu quả, trong khi đó ai nấy đều phải nằm bẹp dưới rãnh đường mương tránh đạn pháo kích đang nã vào phi trường, gia đình lấy quyết định trở về Cư Xá để dùng đường giây điện thoại quân sự liên lạc với TTĐHDT/DAO.

Khi hai xe về đến cổng Cư Xá thì bị lính gác cổng chận lại không cho vào, nói là có lệnh "nội bất xuất ngoại bất nhập". Chị dâu tôi phải nói dối là gia đình đi thăm mộ Tướng Hiếu về. Lúc đó có một viên tài xế của anh tôi, tên Đông, lái xe ngang qua trên đường về nhà, hắn phản phúc chỉ điểm thì thầm vào tai lính gác: "Tụi họ toan tính đi Mỹ đó, mở nắp thùng xe ra mà coi." Cũng may là khi đi, thùng nắp xe dẫn đầu mở không ra vì ổ khóa bị kẹt, mười bốn bịch túi hành trang nhẹ để hết trong thùng xe sau; thành thử khi lính gác mở thùng xe ra thì thấy trống rỗng! Thằng phản chủ Đông chống chế: "Tôi chỉ muốn cho lính gác thấy bảng số xe có gắn hai sao của Thiếu Tướng." Thế là lính canh vẫy xe cho vào Cư Xá!

Vào tới nhà, gọi điện thoại cho TTĐHDT/DAO thì may sao lần này chính viên Đại Tá Mỹ Chỉ Huy Trưởng nhấc ống điện thoại. Hình như ông ta biết anh tôi vì ông lập tức chỉ thị đưa gia đình Tướng Hiếu trở lại phi trường, ông ta không quên ghi lấy số xe, hình dáng và màu xe. Hai xe tìm cách rời Cư Xá bằng cổng sau, nhưng lính canh không cho ra. Hai xe chạy vòng ra lại cổng trước thì may thay lính canh, chắc là nể vì gia đình Tướng Hiếu, mở cổng cho ra và đồng thời ra lệnh lần này không được trở về lại nữa.

Khi tới vòng đai phi trường TSN thì hai xe bị lính dù mũ đỏ chận xe lại, chĩa súng M-16 vào cửa kính hai xe đòi thu tiền mãi lộ cho viên đại tá mình đang ngồi trên chiếc xe díp có gắn khẩu đại liên đậu đàng sau. Chị dâu tôi nói là chỉ có vài ba ngàn thì anh chàng lính ta chê ít quá đại tá không chịu đâu. May sao, lúc đó lính dù thâu nạp được từ xe khác hai bao bố đầy tiền giao cho viên đại tá. Ông này bèn ra lệnh cho binh lính leo hết lên hai xe díp chạy vào phi trường. Thế là hai xe chúng tôi chạy vào theo. Đến gần cổng trụ sở DAO thì lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong thế nghinh chiến bắt hai xe díp lính dù quằnh đầu xe lại đi mất hút.

Khi thấy hai xe chúng tôi tiến chậm chậm lại gần, một viên lính TQLC Mỹ ngó xuống tờ giấy nhỏ cầm trong tay rồi ngửng đầu lên vẫy tay cho xe vào. Ai nấy đều thở cái phào! Lúc đó là khoảng 5 giờ chiều. Đến 8 giờ tối gia đình được hướng dẫn lên trực thăng Chinook trực chỉ Đệ Thất Hạm Đội Mỹ đợi ngoài khơi. Từ một chiến hạm, gia đình được chuyển qua một tàu buôn đưa tới đảo Guam, rồi từ đảo Guam bay qua trại Indiantown-Gap ở tiểu bang Pennsylvania, gần Harrisburg. Xuất trại, gia đình anh tôi chọn định cư ở thành phố Philadelphia, với sự bảo trợ của dòng Lasan Mỹ...

Nguyễn Văn Trí
(Tháng 10/1991)

Cập nhật ngày 07.08.1999

generalhieu