Chương III
Ý Định của Việt Cộng tại Pleime

Kế Hoạch

Tại Bản Doanh Mặt Trận Tây Nguyên, Tướng Việt Cộng Chu Huy Mân kiêm luôn chức Tư Lệnh Vùng IV Quân Sự, và các cộng sự viên chính Đại Tá Quan, Phụ Tá cho Tư Lệnh, và Thượng Tá Hà Vi Tùng, Tham Mưu Trưởng(1) điều nghiên kế hoạch họ đã hoạch định.

Điểm lần này sẽ là trại LLĐB Pleime, 40 cây số Tây Nam Pleiku. Với một lực lượng gồm 4 Đại Đội lính Dân Sự Chiến Đấu - phần đông là dân Thượng - và hai Toán Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam và Toán A LLĐB Mỹ, thật ra Trại không khác gì các trại khác, không giống như Pleime, đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công của Việt Cộng. Nhưng về mặt môi trường xung quanh, vị trí của Trại Pleime, trái lại, có điểm cá biệt.

Không những nó dùng làm điểm chấn gây trở ngại phần nào cho sư xâm nhập của Việt Cộng từ hậu cứ trong rặng núi Chu Prông (40 cây số Tây Pleime) và từ mật khu trong lãnh thổ Căm Bốt, nhưng nó cũng là một tiền đồn báo động kịp thời cho Thành Phố Pleiku và Quận Phú Nhơn (20 cây số Đông).

Do đó mọi áp lực của Việt Cộng nhắm vào Trại buộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tại Pleiku phải thực hiện các cuộc hành quân cứu viện. Nhưng điều này chứa đựng nhiều nguy hiểm và khó khăn, vì lẽ chỉ có một độc đạo(2) dẫn tới Pleime, đó là Liên Tỉnh Lộ số 5 không còn xứng danh đó và đã trở thành một con đường mòn trong rừng núi cho sự di chuyển an toàn. Địa thế bất lợi cho phía viện binh và tiện lợi cho phía tấn công khiến cho Việt Cộng chọn Pleime và tin chắc là sẽ chiến thắng. Niềm hy vọng của họ cũng đặt nền tảng trên khả năng của các lực lượng đã cắt đặt cho Mặt Trận:

- Các Trung Đoàn 32, 33 và 66 xâm nhập từ Bắc Việt;

- Tiểu Đoàn H-15 Chủ Lực (địa phương quân);

- Một tiểu đoàn Trọng Pháo 120 ly và 82 ly;

- Một tiểu đoàn súng Phòng Không 14,5 ly.

Trong số các lực lượng này, Trung Đoàn 32 có nhiều kinh nghiệm hơn cả, vì đã có mặt tại Nam Việt Nam từ tháng Giêng. Trung Đoàn này đã có công trạng tấn công và phục kích cấp tiểu đoàn và trung đoàn trong các tỉnh Kontum và Pleiku, như Plei Kleng (tháng 3/65), Lệ Thanh (tháng 6/65) và Đức Cơ (tháng 8/65). Trung Đoàn này sẽ đem ra xử dụng kinh nghiệm thế Đánh Điểm Diệt Viện. Trung Đoàn 33 chỉ mới vào tới miền Nam gần đây thiếu kinh nghiệm nhưng cũng sẵn sàng vì đã trải qua một chương trình học tập chính trị tại Bắc Việt và tin chết vào tuyên truyền Việt Cộng.

Kế hoạch gồm ba giai đoạn:

1) Trung Đoàn 33 sẽ vây lấn Pleime và khiêu chiến quân trú phòng, tạo đủ áp lực để buộc Quân Đoàn II phải phái lực lượng phản kích.

2) Trung Đoàn 32 sẽ phục kích và triệt hủy đoàn quân tiếp cứu.

3) Cả hai Trung Đoàn sẽ hiệp lực chiếm cứ và phá hủy Trại.

Ngay từ ngày 19 tháng 9 - một tháng trước cuộc tấn công - một sự chuẩn bị xuống tới cấp bậc thấp nhất đã được thực thi. Vô số thao tác và tập dượt đã được thực hiện bởi mọi đơn vị trên bản đồ và tập dượt được thực hiện bởi mọi đơn vị trên bản đồ và trên mặt bàn mô hình làm bằng đất cát. Trong khi đó, các đại đội chuyển vận được các lao công bị cưỡng bức trưng dụng tại vùng địa phương trợ giúp ráo riết tồn thu gạo và đạn dược.

Tấn Công

Hai trung đoàn rời hậu cứ tại chân rặng núi Chu Prông tiến tới vùng tập trung ngày 15 tháng 10, theo như các hàng chữ trong cuốn nhật ký của một sĩ quan Việt Cộng thuộc Trung Đoàn 32:

"Chúng tôi xuất quân chiến dịch mùa thu vào ngày 15.10.64, đúng vào ngày giỗ của anh CHỖI. Ngày đó toàn thể chúng tôi có phút mặc niệm anh. Ngày 20 có đơn vị tôi đánh viện còn đơn vị bạn bao vây đồn là Pleime. Ý định của toàn mặt trận nhận định địch rất sát: địch phải viện về Pleime, thế là Đơn vị chúng tôi chặn đường phục kích đỉnh đồi Độc Lập đoạn đường Pleiku đi Pleime, địch viện trong đó có 3 chiến đoàn xe tăng trong đó còn một Tiểu Đoàn BĐQ số 41 (?) ".

Khoảng 23 giờ ngày 19 tháng 10, Trung Đoàn 33 BV khai hỏa vào Pleime. Với một tiểu đoàn trừ bị, trung đoàn xối xả hỏa lực của các súng nhỏ, súng cối và súng không dựt vào trại và thực hiện những đợt xung phong, nhưng gặp sự kháng cự cứng rắn. Nhưng suốt đêm địch không thành công xuyên thủng vào các vị trí phòng thủ của Trại.


(1) Trong chiến tranh Đông Dương, Hà Vi Tùng là trung đoàn trưởng Trung Đoàn 803; trung đoàn này cùng với Trung Đoàn 108 hợp thành các chủ lực chính của Việt Minh trên vùng Cao Nguyên. Hai trung đoàn này đã có công trạng chiếm cứ Kontum và đánh bại Chiến Đoàn Đặc Nhiệm số 100 Pháp trên Quốc Lộ 19.
(2) Con đường nối liền Pleime tới Quận Phú Nhơn ghi trên bản đồ đã bất khiển dụng từ lâu vì mặt đường đã lún sụp.
(3) Chổi là một quân khủng bố Việt Cộng bị Cảnh Sát Quốc Gia bắt khi mưu toan làm sập cầu trên đường Công Lý tại Sài Gòn trong chuyến viếng thăm của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara năm 1964. An ta bị hành quyết ngày 15 tháng 10 năm 1964 tại công trường Chợ Sài Gòn.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc
Đại Tá Hiếu, tác giả ẩn danh
(Why Pleime - April 1966)

generalhieu