Tướng Hiếu và Richard Peters

Richard Peters, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa, thường xuyên viếng thăm Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, hay Charles Lahiguera, Phó Tổng Lãnh Sự khi Richard Peters đi vắng, để thảo luận về tình hình chiến sự trong vùng với hoặc Tướng Thuần hay Tướng Đống hay Tướng Toàn - các Tư Lệnh Quân Đoàn, tùy vào thời điểm - và Đại Tá Ngô Văn Minh hay Chuẩn Tướng Lê Trung Tường - các Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn, tùy vào thời điểm - và Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn. Dưới đây là một số điện tín Richard Peters hay Charles Lahiguera gửi cho Graham Martin hay Lehman, khi Martin đi vắng, thuộc Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn, sau khi đàm luận với Tướng Hiếu.

Ngày 01 tháng 04 năm 1974

R 010620Z Apr 74

Đề tài: Tình hình chiến sự tại Đức Huệ và tại các nơi khác trong Vùng 3 Chiến Thuật

1.Một đại đội Biệt Động Quân tại Đức Huệ được không yểm dồi dào đã chận đứng một cuộc tấn công quyết liệt cỡ tiểu đoàn của Sư Đoàn 5 BV ngày 27 và 28 tháng 3, sau đó đếm được ít nhất 96 lính Cộng Quân chết đổi lại có 29 quân lính phe bạn tử trận, 27 bị thương và 6 mất tích. Các tổn thất phe bạn được gia tăng bởi thêm 26 thân nhân chết và hai bị thương trong khu vực gia cư gần căn cứ Biệt Động Quân. Có dấu chỉ với cuộc tấn công này Cộng Quân đã khai mở một thời kỳ mới cho các cuộc hành quân dài hạn trong vùng Mỏ Vẹt thuộc Căm Bốt.

2. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, Thiếu Tướng Hiếu, thảo luận cuộc giao tranh Đức Huệ và mức độ cao của hành động quân sự tại các nơi khác trong Vùng 3 Chiến Thuật khi chúng tôi gặp nhau vào buổi trưa hôm nay. Bản báo cáo này cũng dựa vào thông tin góp nhặt được bởi viên chức liên lạc viên vùng thuộc DAO lấy từ Ban 2 Tình Báo Sư Đoàn 25 ngày 29 tháng 3.

3. Hành động tại Đức Huệ khởi sự vào lúc 0330 ngày 27 tháng 3 khi Bắc Quân tấn công trại căn cứ Biệt Động Quân khoảng 5 dậm cách biên giới Căm Bốt sau một trận pháo kích mạnh mẽ. Các đặc công xâm nhập chu vi căn cứ khi hành động diện địa bắt đầu và nắm giữ trong nhiều tiếng đồng hồ trước khi Biệt Động Quân nắm lấy lại sự kiểm soát. Chỉ có một trong số ba đại đội Biệt Động Quân có mặt trong căn cứ vào lúc đó. Hai đại đội kia trở về trại sau các cuộc tuần thám xa sau khi Cộng Quân tháo lui ngày 28 tháng 3. Tài liệu tịch thu được nhận diện lực lượng tấn công là một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn E-6, Sư Đoàn 5 BV. Theo Thiếu Tướng Hiếu, một tiểu đoàn khác thuộc Sư Đoàn 5 BV (chưa nhận diện được) được điều động dọc theo độc đạo dẫn tới căn cứ từ phía bắc, có lẽ nhằm phục kích các đơn vị cứu viện QLVNCH. Tiểu đoàn này cũng như một số xe tăng lội nước phát hiện gần đó phía bên kia biên giới Căm Bốt rút lui khi các lực lượng Cộng Quân thất bại tấn chiếm căn cứ Biệt Động Quân.

4. Chỉ Huy Trưởng của Trung Đoàn 46 QLVNCH (Sư Đoàn 25) rủi thay bị tử nạn khi một một hỏa tiễn 107 ly nhắm trúng hầm dã chiến phía bắc trại căn cứ Biệt Động Quân dọc theo độc đạo dẫn tới trại vào lúc 0400 giờ ngày 29 tháng 3. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 25 dưới quyền chỉ huy của ông đã đi tới vùng ̣Đức Huệ để tăng cường nhưng chưa can dự vào trận chiến qua ngày 28 tháng 3.

5. Tác dụng không quân, kể cả cách riêng tác dụng của các phi cơ A-1 và AC-119 rõ rệt đóng một vai trò qusn trọng không những chống lại nhận sự quân địch mà cũng cả việc loại khử nhiều vị trí súng không giựt 75 ly. Một pha ngoạn mục của tác dụng không quân là sự tránh né bốn hỏa tiễn SA-7 thực hiện bởi một phi cơ AC-119. Khi trông thấy hỏa tiễn bán khi mình đang ở cao độ 9.500 feet, viên phi công quặt bánh lái gấp và đồng thời thả trái sáng thu hút theo hai trong số bốn hỏa tiễn SA-7. Hai hỏa tiễn kia bay ngang qua chiến AC-119 và phát nổ tại cao độ 10.000 feet.

6. Báo cáo khác ghi nhận sự thiệt hại của một kho nhiên liệu xe tăng gây nên bởi một cuộc tấn công của Cộng Quân vào trại căn cứ Cử Chi ngày 27 tháng 3 và một trận hỏa pháo (200 trái) vào tiền đồn Trung Lập phía đông bắc Trảng Bàng đêm ngày 28 tháng 3. Thiếu Tướng Hiếu nghĩ là sự gia tăng đột biến của sinh hoạt Cộng Quân tại phía bắc Hậu Nghĩa liên quan trực tiếp tới cuộc tấn công vào Đức Huệ, với dụng ý khiến các lực lượng chính phủ NVN không giải cứu doanh trại Đức Huệ. Tuy nhiên, Tướng Hiếu không thấy một liên hệ nào giữa sinh hoạt này tại Hậu Nghĩa và sự gia tăng đột biến của các vụ xảy ra trong tỉnh Phước Tuy (13 vụ trong duy ngày 28 tháng 3). Tướng Hiếu cũng tin là cuộc tấn công Đức Huệ bây giờ giải thích việc thiết lập một bộ chỉ huy tiền phương của Sư Đoàn 5 BV tại Cư Phỉ trong Mỏ Vẹt của Căm Bốt và Tướng Hiếu trông chờ Sư Đoàn 5 BV sẽ gia tăng tấn công hoặc trong vùng Đức Huệ hay trong tỉnh Tây Ninh. (Dữ kiện biên chế cho thấy các Trung Đoàn 174 và 275 thuộc Sư Đoàn 5 BVcòn hiện diện trong tỉnh Tây Ninh.) Sự hiện diện rõ rệt của khả năng súng phòng không Cộng Quân trong cuộc tấn công tại Đức Huệ chứng tỏ một chuẩn bị kỹ lưỡng của một cuộc tấn công sẽ lôi vào sự phản ứng của KQVN. Thiếu Tướng Hiếu nói Vùng 3 Chiến Thuật hiện cũng quan tâm đến Sư Đoàn 9 BV có thể tấn tới từ vị trí phía tây bắc tỉnh Bình Dương về hướng nam dọc theo hành lang sông Sài Gòn đế gây áp lực đối với các lực lượng chính phủ NVM trong vùng này. Theo Ban 2 của Sư Đoàn 25, tài liệu tích thu được trong cuộc tấn công Đức Huệ cho thấy hiện giờ Trung Đoàn E-6 có nhiệm vụ (a) bảo an vùng phía tây sông Vàm Cỏ Đông trong quận Đức Huệ của Hậu Nghĩa và vùng giáp ranh quận Hiếu Thiện của Tây Ninh, và (b) hộ tống các đơn vị tiếp tế từ ranh giới Căm Bốt (đoán chừng vùng Mỏ Vẹt) tới các vùng hậu cứ Cộng Quân tới rừng Hố Bồ và Bời Lời.

7. Bình luận: Với các chỉ dấu của một gia tăng tác dụng Cộng Quân trong tương lai gần, với viễn tượng một sự gia tăng áp lực của Cộng Quân trong vùng Hậu Nghĩa/Tây Ninh, hành lang sông Sài Gòn, và tỉnh Phước Tuy tới phía tây và với dấu chỉ một nỗ lực phá hoại lớn hơn của các đặc công của Cộng Quân, chúng ta phải trông chờ có một tháng tư náo động trong Vùng 3 Chiến Thuật.

Peters

Ngày 20 tháng 5 năm 1974

O 200905Z May 74

Đề tài: Các cuộc tấn công của Cộng Quân tại Phú Giáo và Bến Cát

Tham chiếu: Bien Hoa 264

1. Cộng Quân đã tấn chiếm và tiếp tục nắm giữ xã An Điền cách một cây số phía tây nam thủ phủ quận Bến Cát; nhưng ngoài ra tình hình coi bộ tương đối ổn định trong giờ phút này tại Bến Cát và Phú Giáo.

2. Trong buổi mạn đàm lúc 0930 giờ ngày 18 tháng 5, Tư Lệnh Phó QĐIII, Thiếu Tướng Hiếu bày tỏ không một chút hoài nghi là chính phủ NVN sẽ khôi phục An Điền trong một cuộc tấn công hai mặt của Trung Đoàn 43 di chuyển hướng tây bắc trên Quốc Lộ 14 và các lực lượng quân chính phủ NVN khác di chuyển hướng tây từ Bến Cát. Theo Tướng Hiếu hai cuộc điều quân này sẽ được thực hiện ngày hôm nay hay ngày mai dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh Sư Đoàn 18, Chuẩn Tướng Đảo. Có những báo cáo khả tin là các xe tăng T-54 địch đang hoạt động tại quận Bến Cát mặc dù Tướng Hiếu nói chính ông không kiểm chứng được sự kiện này. Tướng Hiếu nghĩ là sự kiện Cộng Quân tái chiếm An Điền có lẽ là giai đoạn sơ khởi cho một nỗ lực đánh thốc sâu hơn về hướng nam trong vùng Tam Giác Sắt (phần nửa phía nam của quận Bến Cát) hướng tới thủ phủ Phú Cường của tỉnh Bình Dương. Tiểu khu quận Bến Cát hứng chịu hỏa pháo tương đối nặng nhưng Tướng Hiếu và các sĩ quan thâm niên khác của QĐIII tin là Cộng Quân sẽ tìm cách chiếm đoạt tiểu khu và vững tin là nỗ lực đó nếu xảy ra sẽ thất bại.

3. Tại Phú Giáo, mối đe dọa tức thời nhắm vào chiếc cầu Sông Bé coi bộ không còn nữa và Tướng Hiếu báo cáo là các lực lượng quân chính phủ NVN tiếp tục đẩy lui Cộng Quân tại mọi địa điểm chúng tấn công. Cộng Quân tiếp tục nắm giữ hai nút chận ngăn cấm Quốc Lộ 1-A phía nam chiếc cầu Sông Bé (một nút chận ngay phía bắc và một nút chận ngay phía nam làng Bò Là). Vẫn không có đụng độ với các Trung Đoàn 165 (ngoại trừ đặc công) và 141 thuộc Sư Đoàn 7 BV. Theo Tướng Hiếu hai trung đoàn này có mặt tại vùng Phú Giáo.

4. QĐIII báo cáo là Nhóm 7 BĐQ đã được điều về Phú Cường để tăng cường và củng cố bố phòng trong vùng tiếp cận thủ phủ tỉnh lỵ (chiếc cầu bắc ngang sông Sài Gòn tại Phú Cường là một trong những mục tiêu có thể bị Cộng Quân tấn công trong thời kỳ này). Nhóm 7 BĐQ sau này có thể thay thế Trung Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18 tại quận Tân Uyên (phía bắc tỉnh Biên Hòa) cho phép Trung Đoàn 52 tiếp hợp với Trung Đoàn 43 cũng thuộc Sư Đoàn 18 trong các cuộc hành quân tại Bến Cát phần phía tây Quốc Lộ 13.

5. Nguồn tin khả tin vừa mới tiếp nhận được trong khi điện tín này đang được gửi đi cho biết là Không Lực VN đã phá hủy hai xe tăng T-54, một chiếc tại tiền đồn 82 và một chiếc khác tại xã An Điền phía tây tiểu khu quận Bến Cát, được kiểm chứng từ các hình chụp.

6. Bình luận: Ba trung đoàn thuộc các Sư Đoàn 7 và 9 BV vẫn chưa lộ diện trong các cuộc giao tranh mới đây tại tỉnh Bình Dương. Sinh nhật Hồ Chí Minh ngày 19 có thể tạo dịp cho các lực lượng này mưu toan tấn công để gây tiếng vang. Các mưu toan này có thể là phá hủy các cầu lớn, ngăn chận các Quốc Lộ 13, 1-A và 16 và cũng có thể là hỏa pháo vào thủ phủ tỉnh lỵ.

Peters.

Ngày 05 tháng 06 năm 1974

O 050240Z Jun 74

Mật Biên Hòa 298

Đề tài: Các Lực Lượng Chính Phủ Nam Việt Nam Chiếm Cứ Xã An Điền Trong Cuộc Chiến Tại Bình Dương

Tham chiếu: Biên Hòa 295

1. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3, Thiếu Tướng Hiếu điện thoại lúc 3 giờ 30 chiều nói là các lực lượng của chính phủ NVN đã tái chiếm xã An Điền sau một trận giao tranh nặng. Trong trận đánh Trung Đoàn 52 và Trung Đoàn 48 thuộc QLVNCH đã xử dụng vũ khí bộ binh phá hủy bốn chiến xa. Tướng Hiếu vừa mới từ Bến Cát trở về.

2. Trong cuộc điện đàm kế tiếp, Tướng Hiếu nói sáng sớm ngày 04/06, các lực lượng Bắc Việt và Việt Cộng gồm chiến xa đã phát động một cuộc phản công nhắm vào các lực lượng quân chính phủ NVN quanh An Điền. Chuẩn Tướng Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18, chỉ huy cuộc hành quân này đã phản công lại và sau một cuộc giao tranh nặng, quân lính của ông đã chiếm lại được An Điền vào buổi trưa. Khi chiến xa Cộng Quân xung trận, một chiếc bị Trung Đoàn 48 đánh gục, hai chiếc bị Trung Đoàn 52 đánh gục, và một chiếc bị một hỏa lực không rõ xuất xứ gây thương tích và rút lui khỏi An Điền về tuyến phòng địch trong khi lửa bốc khói nghi ngút. Tướng Hiếu nói ông nghĩ là hai chiến xa loại T-54 và hai chiếc loại PT 76. Một chiếc T-54 chúi mũi xuống một cái rãnh, chỉ bị hư hỏng nhẹ và hầu như còn tốt nguyên. (Ghi chú: Tướng Hiếu nói các lực lượng chính phủ NVN sẽ tìm cách kéo chiếc chiến xa này lên khỏi hố càng sớm càng tốt và sẽ đem trưng bày tại Sài Gòn.)

3. Công binh đã khởi công sửa chiếc cầu thường trực bắt ngang qua sông Thị Tĩnh nằm phía tây Bên Cát. Tướng Hiếu nghĩ là Chiến Đoàn 318 Thiết Giáp có thể di chuyển về hướng đông từ Bến Cát vào chiều ngày 04 tháng 06 để hợp cùng hai Trung Đoàng 52 và 48 đẩy xuống hướng tây trên Quốc Lộ 7 tiến tới Rạch Bắp. Trung Đoàn 52 đang thi hành lệnh nới rộng chu vi quanh An Điền mặt tây chiều ngày 04 tháng 06 để chuẩn bị Chiến Đoàn 318 tới.

4. Tướng Đảo tin là vùng đông bắc Bến Cát tới giờ nằm trong sự kiểm soát của Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân đã ổn định sau khi quân chính phủ NVN tái chiếm An Điền. Tướng Hiếu nghĩ là Tướng Đảo do đó sẽ di chuyển Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân tới phần đất phía Nam quận Bến Cát nằm phía tây cầu Ông Cỏ trên Quốc Lộ 14 thay thế Trung Đoàn 43 để trung đoàn này có thế tiếp ứng với Trung Đoàn 48 và Trung Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18 chiến đấu hướng tây dọc theo Quốc Lộ 7. Tướng Hiếu hy vọng là mặc dù có những dấu chỉ Trung Đoàn 271 Bắc Việt hiện đã xuất hiện trong vùng phía bắc Quốc Lộ 7 để tăng cường Trung Đoàn 272 và Trung Đoàn 95-C Bắc Việt, các lực lượng chính phủ NVN sẽ tới Rạch Bắp và kết thúc cuộc hành quân này nội trong một tuần lễ.

5. Tướng Hiếu hết lời khen ngợi Chuẩn Tướng Đảo và Sư Đoàn 18. Sư Đoàn này đã di chuyển ra khỏi vùng được giao phó trong cuộc hành quân và thêm một lần nữa hoàn tất một cuộc hành quân thành công chống lại địch.

6. Theo Tướng Hiếu số thương vong về phía quân chính phủ NVN trong cuộc giao tranh trong ngày 04 tháng 06 tương đối nhẹ còn phía Bắc Việt và Việt Cộng thì rất cao đối với Trung Đoàn 95-C tại An Điền.

Peters

Ngày 10 tháng 12 năm 1974

O 100135Z Dec 74

Đề tài: Tình hình chiến sự và các viễn ảnh tại V3CT

Tham chiếu: Bien Hoa 624

1. Tóm lược. Với chiến dịch mùa khô năm 1974-75 Cộng Quân hiện đang khai diễn, tình hình phía đông bắc thành phố Tây Ninh coi bộ ổn định trong lúc này với các lực lượng địa phương quân thi hành phận vụ cực kỳ giỏi. Có thể tiên liệu cách tự tin các cuộc tấn công lớn sắp tới tại Tây Ninh. Các cuộc tấn công lớn khác của các Sư Đoàn 7 và 9 BV tại các vùng khác cũng có thể tiên liệu được trong những tuần lễ tới; dự tính là Củ Chi và Tràng Bàng trên Quốc Lộ 1 phía bắc Hậu Nghĩa sẽ là các mục tiêu tấn công. Phú Giáo tại phía bắc tỉnh Bình Dương và vùng Hoài Đức của tỉnh Bình Tuy cũng có thể là những mục tiêu tấn công của các lực lượng lớn. Các cuộc tấn công của đặc công có thể xảy ra tại hai phần phía nam và phía bắc tỉnh Biên Hòa và cả các vùng tiếp cận Sài Gòn. Sẽ có những cuộc cấm cản giao thông thường xuyên tại các trục lộ chính. Và phải trông chờ đến một cuộc tấn công của Sư Đoàn 5 BV tại phía tây ranh giới hai tỉnh Hậu Nghĩa và Long An. Chấm dứt tóm lược.

2. Trong các cuộc tấn công nặng của Cộng Quân tại Suối Đá và Núi Bà Đen, các lực lượng địa phương quân đã cho ra nhiều hơn là thu vào, chỉ tổn hại nhẹ trong khi giết khoảng 200 quân địch từ tối thứ sáu tới sáng thứ hai. Không có báo cáo ghi nhận hư hao về trang cụ tại đỉnh Núi Bà Đen. Chỉ duy tại Suối Đá, các toán địa phương quân đếm được hơn 100 xác chết bên ngoài chu vi trại và con số này sẽ gia tăng nhiều hơn đến khi đếm tổn thất của Cộng Quân gây nên bởi không quân và pháo binh phía bên ngoài hàng rào. Hai tù binh Cộng Quân bắt được tại Núi Đá thoạt đầu nói là họ thuộc Sư Đoàn 7, nhưng sau khi tra hỏi tiếp họ tuyên bố là thuộc Trung Đoàn 205. Sẽ tìm hiểu sâu về ý nghĩa sự kiện này sau khi giải cứu doanh trại tại Suối Đà và công cuộc điều tra của các chuyên viên tình báo. Các toán quân địa phương quân đã tịch thu một khẩu đại bác khác thường mà họ mô tả là có một "ống dài", nhưng ngoài đặc điểm này thì không nhận dạng ra là loại đại bác gì.

3. Trong ngày 7 tháng 12, có một lúc Việt Cộng hiện diện trong làng Suối Đá nhưng tiếp sau đó bị đánh bật ra. Các cuôc̣ xung phong bộ chiến tiếp tục không ngừng tại đó vào lúc hừng đông ngày 8 tháng 12. Tư Lệnh QĐIII, Trung Tướng Đống, nói với tôi là sáng nay các máy bay quan sát L-19 bay lượn khi Cộng Quân thực hiện các cuộc hành quân tiếp tế giữa các cuộc xung phong và do đó Không Quân VN được chỉ báo cho các mục tiêu ngon lành tại các địa điểm tập trung của các lực lượng Cộng Quân.

4. Xã Phước Hội giữa Tây Ninh và Suối Đá vẫn bị các lực lượng Cộng Quân chiếm cứ sáng ngày 9 tháng 12, nhưng các lực lượng địa phương quân có mặt tại cả hai bìa phía tây nam và đông bắc của xã trên Quốc Lộ 13. Chính là gần Phước Hội ngày 8 tháng 12 mà một tiểu đoàn QLVNCH trừ (Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 25) trong khi di chuyển để đến tiếp cứu các tiền đồn Suối Đá và Phước Hội bị thiệt hại nặng nề bởi một ổ phúc kích và trận pháo của Cộng Quân. Tiểu đoàn bị tạm thời loại khỏi vòng chiến với con số báo cáo 11 tử trận, 32 bị thương, và khoảng 45 mất tích. Các lực lượng địa phương quân trong hay gần trận chiến coi bộ nắm vững tuyến phòng.

5. Một câu hỏi to lớn hơn tại thời điểm này là liệu Cộng Quân sẽ tiếp tục tấn công mặt bắc và đông bắc thánh phố Tây ninh hay không và khi nào cùng với các đơn vị nào. Theo kinh nghiệm quá khứ, Cộng Quân sẽ không bỏ qua cơ hội duy trì các cuộc tấn công kế tiếp, và trong giờ phút này chiều hướng ước đoán tập trung vào Cộng Quân sẽ tung lực lượng nào vào Suối Đá hay các tiền đồn thuộc chính phủ NVN khác phía bắc thành phố Tây Ninh với Trung Đoàn 205 bị tổn hại nặng nề. Một trong những ước đoán được cứu xét là Trung Đoàn 201, đã có mặt trong vùng An Lộc mấy tháng nay, có thể đã di chuyển tới Tây Ninh đế đến đàng sau Trung Đoàn 205. Bộ Tư Lệnh QĐIII cũng coi chừng kỹ lưỡng Quốc Lộ 22 phía tây bắc từ Tây Ninh đến Xã Mật. Tài liệu biên chế nắm giữ hiện đặt hai tiểu đoàn xe tăng trong vùng Xã Mật (thêm hai tiểu đoàn xe tăng tại Lộc Ninh) và có tin tình báo mới đây cho thấy súng phòng không 57 ly điều khiển bằng ra đa trên lộ đường phía nam phi trường Thiện Ngôn. Có phỏng đoán cho là các cuộc xung phong tới từ phía bắc thành phố Tây Ninh sẽ được phối hợp với các cuộc tấn công của Tiểu Đoàn D-14 hay Tiểu Đoàn 16 hay cả hai vào vùng chợ Trường Hóa tại bìa phía đông nam thành phố Tây Ninh và có lẽ nhằm cắt đoạn Quốc Lộ 22 dẫn tới Sài Gòn.

6. Trong khung cảnh rộng lớn của sự thể, Tướng Đống ý thức được rằng các Sư Đoàn 9 và 7 BV vẫn chưa xung trận và các cuộc tấn công nặng nề nhất còn sẽ xảy ra. Có dấu chỉ chắc chắn là Sư Đoàn 7 sẽ đánh vào Phú Giáo phía đông bắc tỉnh Bình Dương (ít nhất Trung Đoàn 209 hay 165 hay cả hai). Không có dấu chỉ tình báo rõ ràng Sư Đoàn 9 sẽ tấn công vào đâu, nhưng một mục tiêu rất khả dĩ có thể là vùng nhu mềm giữa Quốc Lộ 1 và sông Sài Gòn và giữa Trảng Bàng và Hốc Môn. Vùng này, bao gồm các quận Trảng Bàng và Củ Chi trong tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương trước ǹy từng là những vùng đầy dẫy Việt Cộng. Những cuộc tấn công mạnh vào vùng này sẽ nhằm đạt thêm cấm cản giao thông trên Quốc Lộ 1 giữa Sài Gòn và Tây Ninh. Hiện vẫn chưa có dấu chỉ rõ rệt về sự hiện diệnh của các đơn vị thuộc Sư Đoàn 9 BV phía nam sông Sài Gòn. Điều này đưa đến ước đoán là thay vào đó Sư Đoàn 9 sẽ tiên khởi tấn công Trị Tâm (không quan trọng về mặt quân sự) hay tái tấn công vào vùng Bến Cát-Lai Khê thuộc phía tây Bình Dương, với chỉ duy nhất Trung Đoàn 101 BV và lực lượng địa phương tấn công vào vùng Trảng Bàng/Củ Chi.

7. Bốn cuộc tấn tích đặc công cùng lúc trên Quốc Lộ 24 giữa tiểu khu quận Công Thành và làng Đại An phía đông bắc căn cứ không quân Biên Hòa đêm ngày 7-8 tháng 12 rất có thể là báo hiệu các cuộc tấn công đặc công nặng hơn trong vùng Biên Hòa thực hiện bởi Tiểu Đoàn 113 Đặc Công, hiện gần như chắc chắn có mặt phía đông quận Công Thành. Tất cả những ai liên hệ đều trông đợi một cuộc tái diễn của các tấn công hỏa tiễn vào căn cứ không quân Biên Hoà, điều không xảy ra từ ngày 31 tháng 10.

8. Hình như chắc chắn là tình hìnhc hiến sự dành cho V3CT sẽ gồm các cuộc tấn công vào phía nam Biên Hòa tại Thị Thiên, địa điểm định cư mới và quận Nhơn Trạch nằm phía cạnh sườn đông của Sài Gòn. Nguồn tin tình báo tịch thu được cho biết là Cộng Quân đã ấn định mục tiêu thiết lập một số vùng giải phóng nhỏ tại các xã hiện hữu trong quận Nhơn Trạch.

9. Một ước đoán khác là Cộng Quân có thể tấn công vào cạnh sườn phía tây của các tỉnh Hậu Nghĩa và Long An. Cộng Quân đã tuyên bố hơn một năm nay chiếm đoạt các vùng phía tây sông Vàm Cỏ Đông trong các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An là một trong mục tiêu chính. Một số vùng phía tây sông là vùng đất phì nhiêu tốt cho nông nghiệp, và chiếm đoạt đất trồng lúa gạo là mục tiêu đã được tuyên bố cho mùa khô năm 1974-75. Một phần lớn của vùng phía tây sông ít dân cư. Điều này khiến có thể ước đoán là Cộng Quân sẽ không xâm chiếm các vùng đất này. Đàng khác, Tư Lệnh QĐIII và các sĩ quan thâm niên khác của QĐIII đã tuyên bố với đầy tự tin là chính phủ NVN có khả năng sẵn sàng đáp ứng bất cứ cuộc tấn công với đại đơn vị nào tại vùng này vì không có chỗ che đậy các lực lượng lớn. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn nói với tôi là ông sẽ chào đón các lực lượng đại đơn vị Cộng Quân vì các lực lượng chính phủ NVN có khả nàng gây thiệt hại nặng cho địch.

10. Cộng Quận vẫn có thể xoay qua dùng tới chiến thuật dương đông kích tây trong vùng Hoài Đức thuộc tỉnh Bình Tuy nơi hai Trung Đoàn 33 và 821 BV tập trung từ khá lâu sẵn sàng tấn công vùng vựa lúa Hoài Đức cô lập. Kế hoạch điều nghiên kỹ lưỡng của Cộng Quân, bị tiết lộ khi viên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 33 bị bắt, hiển nhiên đã bị hoãn lại khi các lực lượng quân chính phủ NVN được điều động đúng lúc vào trong các vùng mục tiêu, và kế hoạc có thể bị Cộng Quân xóa bỏ theo thời gian. Tuy nhiên, Tướng Đống nói với tôi sáng nay là ông tin là Cộng Quân hy vọng ông sẽ rút quân tăng cường ra khỏi vùng trong tương lai gần, vào thời điểm đó họ sẽ tấn công. Tướng Đống nói ông không có ý định đó.

11. Tóm lược bổ túc. Các cuộc tấn công mạnh của Cộng Quân trong các vùng Trảng Bàn Củ Chi trên và phía bắc Quốc Lộ 1, và tại Phú Giáo, cũng như trong tỉnh Tây Ninh, hầu như chắc chắn sẽ xảy ra trong các tuần lễ tới. Cần cẩn trọng trông chờ trong thời kỳ này đặc công và địa phương quân Cộng Quân thường xuyên quấy phá tại các vùng tiếp cận Sài Gòn và cấm cản giao thông trên Quốc Lộ 1/22 giữa Sài Gòn và Tây Ninh, Quốc Lộ 1 phía đông Biên Hòa, Quốc Lộ 20 đi lên Đà Lạt, và Quốc Lộ 15 đi tới Vũng Tàu.

Peters

Ngày 26 tháng 12 năm 1974

R 261107Z Dec 74

Đề tài: Tình Hình Quân Sự Trong V3CT

1. Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tướng Đống và cả hai Tư Lệnh Phó của ông coi tình hình quân sự hiện giờ tại V3CT là hết sức nghiêm trọng. Các cuộc tấn công lớn của Cộng Quân đang tiếp diễn tại Phước Long và Bình Tuy và cả quận Tánh Linh và Đồng Xoài đã rơi vào tay Cộng Quân trong 48 tiếng vừa qua.

2. Bình Tuy. Lực lượng chính phủ NVN cuối cùng còn lại tại bản doanh tiểu khu Tánh Linh đã rời bỏ vị trí của họ vào khoảng lúc 0100 giờ ngày lễ Giáng Sinh. Quận Trưởng cùng 20 người đã trình diện tại một tiền đồn cách mấy cây số về phía nam chi khu Tánh Linh và 70 toán quân ĐPQ khác đã xuất hiện tại quận Hàm Tân khoảng trưa ngày 26 tháng 12. Tư Lệnh Phó QĐIII, Thiếu Tướng Hiếu thông báo cho tôi là sẽ không có quân lính QLVNCH được điều vào Hoài Đức và chính bản thân ông trông chờ Hoài Đức bị mất trong tương lai gần. Sáu tiểu đoàn QLVNCH có mặt giữa Gia Ray và Chính Tâm vẫn còn bị ngăn chận bởi Sư Đoàn 33 BV và mặc dù 30 lính Cộng Quân bị các lực lượng QLVNCH giết ngày hôm qua trong vùng này, Tướng Hiếu không nghĩ là họ có thể chọc thủng trận tuyến và giải cứu tiểu khu Hoài Đức.

3. Phước Long. Đồng Xoài, thủ phủ quận Đôn Luân trong Phước Long, rơi vào tay Cộng Quân vào buổi sáng ngày 26 tháng 12. Các lực lượng Cộng Quân tấn công dự đoán là Trung Đoàn 165 và Trung Đoàn 141 thuộc Sư Đoàn 7 BV. Ước đoán này dựa vào thông tin lấy được từ một tù binh bắt được gần Phú Giáo ngày 25 tháng 12. Tù binh này là một thành viên của Trung Đoàn 209 BV (Sư Đoàn 7 BV) và khai là nhiệm vụ của hai trung đoàn kia của Sư Đoàn 7 là tấn chiếm Đồng Xoài. Các vùng Sông Bé/Phước Bình tiếp tục hứng chịu pháo kích khuấy nhiễu nhưng chưa bị tấn công bộ chiến. Tướng Hiếu tin là 1.500 quân lính QLVNCH đóng tại thủ phủ Phước Long, nếu được xử dụng đúng cách, có thể chế ngự một cuộc tấn công của hai trung đoàn trong một thời gian, nhưng tin là nếu kéo dài thời gian thủ phủ sẽ mất nếu địch quân quyết tâm đánh dứt điểm. Một phi cơ C-130 cất cánh tại phi trường quân sự Phước Bình lúc 1150 giờ ngày 25 tháng 12 thực hiện một động tác rẽ sai lệch trên không phi trường và bị súng phòng không 37 ly bắn trúng, đâm nhào xuống đất và bốc cháy gần phi trường.

4. Tại Tây Ninh, nỗ lực tiếp tế tại Núi Bà Đen bằng trực thăng thất bại ngày 25 tháng 12 vì hỏa lực cực mạnh của súng phòng không và súng nhỏ Cộng Quân. Một trực thăng sắp thả kiện hàng thì viên phi hành đoàn điều khiển công tác bị giết và chính trực thăng hứng chịu 11 viên đạn. Nỗ lực tiếp tế sẽ được tái thực hiện ngày hôm nay, 26 tháng 12, nhưng tình hình vào lúc này hết sức nguy kịch vì các đơn vị trên đỉnh Núi Bà Đen chỉ đủ một ngày dự trữ.

5. Dựa vào thông tin của một hồi chánh viên, Tướng Đống tin là Đức Phong và Bunard tại Phước Long đã bị chiếm cứ bởi một sư đoàn mới tới từ Hà Nội, "Sư Đoàn 3" (không nên nhầm lẫn sư đoàn này với Sư Đoàn 3 thiết lập mới đây và được xử dụng trong các cuộc tấn công tại Tây Ninh mới đây). Quan điểm hiện thời của Bộ Tư Lệnh QĐIII là mục tiêu của Cộng Quân là càn quét tất cả các vị trí cô lập của chính phủ NVN tại ven biên V3CT và củng cố lãnh thổ của họ từ Bình Tuy qua Phước Long tới Tây Ninh. Theo giả thuyết này, Tướng Đống rất quan ngại về an ninh tương lai của Quốc Lộ 1 và Quốc Lộ 20 và tin là quận Định Quán tại Long Khánh nhất định sẽ trở nên mục tiêu tương lai trong nỗ lực của Cộng Quân nhằm nối liền các vùng của họ giữa bắc Bình Tuy và Phước Long.

Lahiguera

Ngày 12 tháng 03 năm 1975

P 120445Z Mar 75

Đề tài: Trận đánh Trị Tâm và tình hình tại thành phố Tây Ninh

Tham chiếu: Bien Hoa 142

1. Tư Lệnh Quân Đoàn III và hai Tư Lệnh Phó của ông đều đi công cán hầu như trọn ngày 11 tháng 3 và bản báo cáo tham chiếu được soạn thảo dựa vào thông tin cung cấp từ các nguồn tin cấp dưới tại BTL QĐIII. Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn, sau khi từ phía đông Tây Ninh trở về cuối ngày, duyệt xét trận đánh Trị Tâm và tình hình tỉnh Tây Ninh với tôi qua ly tách cà fê vào lúc 2100 giờ ngày 11 tháng 3. Tướng Hiếu trình bày tình hình với một sắc thái tươi sáng hơn là bản báo cáo tham chiếu ghi trên.

2. Theo Tướng Hiếu, Cộng Quân ngưng tấn công Trị Tâm vào cuối ngày sau khi Trung Đoàn 272 thất bại không chọc thủng được tuyến phòng thủ và đặc công vào tới được khu chợ, (Tướng Hiếu nói là các xe tăng không lúc nào vào tới được vùng chợ) bị đẩy lui. Tình hình yên tịnh lúc 2030 giờ. Hầu hết Trung Đoàn 3 Thiết Giáp được từ Bình Dương điều đến trong ngày và vào xế trưa thì tới vị trí trên Quốc Lộ 26 phía đông tỉnh Tây Ninh quanh và phía bắc Khiếm Hạnh. Nhiệm vụ của Trung Đoàn 3 Thiết Giáp là vừa tấn tới giải cứu Trị Tâm vừa đối ứng mọi áp lực mạnh của Cộng Quân tại phiá tây tỉnh Tây Ninh. Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 3 Thiết Giáp, Chuẩn Tướng Khôi, được phó thác vai trò lực lượng tăng phái tại phía đông Tây Ninh và Trị Tâm. Quân Đoàn III đã thiết lập một bộ chỉ huy tiền phương tại Gò Dầu Hạ.

3. Trong khi đó, trên Quốc Lộ 22, Cộng Quân đã bị đẩy lui khỏi 2 trong 3 địa điểm cấm cản với viễn tượng tái lập giao thông nội trong một hay hai ngày. Đồng thời, theo Tướng Hiếu, BTL QĐIII không thấy dấu chỉ của bất cứ di chuyển của các lực lượng lớn Cộng Quân tầm cỡ đe dọa phía bắc và tây thành phố Tây Ninh.

4. Tướng Hiếu nói Trung Đoàn 3 Thiết Giáp đã di chuyển tới phía đông Tây Ninh vì tin là cuộc tấn công Trị Tâm báo hiệu ý đồ của đối phương nhằm đánh vào vùng này rồi bóp nghẹt thành phố Tây Ninh hơn là trực tiếp xung phong thành phố. Tướng Hiếu nói Tướng Toàn hy vọng mình không phản ứng thái quá khi đem thêm lực lượng vào vùng này hơn là tình hình đòi buộc. Tướng Toàn công nhận có thể các cuộc tấn công hiện tại tại vùng Tây Ninh có lẽ chỉ nhẹ và có tính cách nghi binh để yểm trợ cho cuộc tấn công mạnh vào V2CT, với các cuộc tấn công mạnh vào V3CT sẽ xảy ra sau. Tướng Hiếu nghĩ là việc pháo kích Biên Hoà sẽ là một điềm chỉ quan trọng. Các cuộc tấn công pháo kích mạnh bây giờ sẽ biểu thị ý đồ vô hiệu hóa KLVN nhằm để Cộng Quân tấn công tức khắc trong khi đình chỉ hay tấn công lẻ tẻ sẽ biểu thị trì hoãn tấn công mạnh trong V3CT.

5. Tin giờ chót liên quan đến Trị Tâm vào lúc 0730 giờ ngày 12 tháng 3 từ nguồn tin Ban 3 tại BTL QĐIII là Cộng Quân tái tấn công với bộ binh và thiết giáp vào lúc 0200 giờ và giao tranh tiếp diễn.

6. Không được nêu tên Tướng Hiếu như là nguồn tin khi đề cập tới bất cứ thảo luận nào chứa đựng trong nội dung của thông điệp này với các viên chức chính phủ NVN.

Peters

Ngày 25 tháng 3 năm 1975 (1)

P 250750Z Mar 75

Đề tài: Tình Hình Quân Sự Trong V3CT

Tham chiếu: Bien Hoa 207

1. Thông điệp này dựa vào một buổi nói chuyện với Tham Mưu Trưởng QĐIII, Đại Tá Minh, và Tư Lệnh Phó QĐIII, Thiếu Tướng Hiếu, vào lúc 1000 giờ ngày 25 tháng 3. Ngoại trừ một mưu toan mới nhằm cắt đoạn Quốc Lộ 22 trong tỉnh Tây Ninh tại Trà Võ, và trận phá hủy hơn 7 chiếc xe tăng Cộng Quân tại Chơn Thành, không có biến chuyển đáng kể trong tình hình tại V3CT và các biến cố quân sự trong 24 giờ qua duy trì tại mức thấp khác thường với 32 vụ.

2. Sáng ngày 25 tháng 3, Cộng Quân phát động một cuộc tấn công trên Quốc Lộ 22 tại Trà Võ quanh tọa độ XT325351. Trung tâm hành quân QĐIII cho biết là mất liên lạc bằng đài vô tuyến với tiền đồn địa phương quân vào lúc 0730 giờ nhưng Thiếu Tướng Hiếu cho đó là một cuộc tấn công nhẹ không quan trọng trong lúc này. Tướng Hiếu nói các lực lượng Cộng Quân từng tấn công LTL-26 10 cây số phía đông bắc đã không dứt điểm được tại Quốc Lộ 22. Một trực thăng Air America chở nhân viên Tòa Tổng Lãnh Sự tới Tây Ninh hầu như lọt vào lằn đạn trong cuộc giao tranh này và thoát nạn không bị hư hại hay thương tích nhưng báo cáo hỏa lực pháo kích nặng tại Trà Võ.

3. Tại Chơn Thành phía nam tỉnh Bình Long, Cộng Quân tái tấn công Biệt Động Quân vào lúc 2200 giờ ngày 24 tháng 3. BTL QĐIII báo cáo là Cộng Quân thiệt hại thêm 7 xe tăng, 80 chết và một bị bắt trước khi gián đoạn cuộc giao tranh. Thiệt hại phía chính phủ NVN gồm 8 chết và 27 bị thương.

4. Tại các tỉnh lỵ phía đông, tình hình yên tịnh ngoại trừ Cộng Quân di chuyển để xâm nhập địa điểm Đồng Tâm III tại phía đông tỉnh Long Khánh bị cắt đứt khỏi phần còn lại của tỉnh lỵ tại nút chặn Cộng Quân đặt để trên Quốc Lộ 1 tới phía tây tại Suối Cát.

5. Được biết là Tiểu Đoàn 3, Trung Đoàn 7 QLVNCH, từng hứng chịu tổn hại nặng ngày 23 tháng 3, đã rút khỏi từ LTL-26 trong Tây Ninh tới căn cứ Sư Đoàn 5 tại Lai Khê để bổ xung và tái trang bị.

6. Vào lúc 0930 giờ ngày 24 tháng 3, một đại đội địa phương quân bị phục kích vài cây số phía đông nam Chợ Lớn ngay bên lề Quốc Lộ 4 gần tọa độ XS743845 hứng chịu 15 chết và 5 bị thương, với thiệt hại Cộng Quân không rõ.

7. Biên Hòa lãnh đủ 2 đợt pháo kích vào lúc 1015 giờ ngày 25 tháng 3 (hỏa tiễn duy nhất trong 24 giờ qua). Các hỏa tiễn không gây thiệt hai hay tổn thương khi rớt ngay phía ngoài chu vi đông bắc của phi trường quân sự.

8. Mức độ thấp của các biến cố trong V3CT được coi như là do việc Cộng Quân đang lo tái tiếp tế nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công sắp tới tại nhiều mặt trận trong V3CT.

Peters

Ngày 25 tháng 3 năm 1975 (2)

P 250145Z Mar 75

Đề tài: Tình Hình Quân Sự Trong V3CT

Tham chiếu: (A) Bien Hoa 203; (B) Bien Hoa 206

1. Thông điệp này dựa trên một buổi nói chuyện với Tham Mưu Trưởng QĐIII, Đại Tá Minh và Tư Lệnh Phó QĐIII, Thiếu Tướng Hiếu, vào lúc 1730 giờ ngày 24 tháng 3. Tại tỉnh Tây Ninh, tình hình coi bộ ổn định trong lúc này dọc theo LTL-26. Một cuộc tấn công của Cộng Quân, có xe tăng yểm trợ, nhắm vào các tiểu đoàn BĐQ và ĐPQ tại Chơn Thành, bị đánh rập với 10 xe tăng Cộng Quân bị phá hủy. Không có biến chuyển đáng kể về tình hình tại các nới khác trong V3CT. .

2. Trong ngày 24 tháng 3, các tuyến phòng thủ của chính phủ NVN dọc theo LTL-26 đứng vững và tình hình tại các nơi đó ổn định với áp lực của Cộng Quân thuyên giảm vào cuối ngày. BLT QĐIII tiếp tục tin là phiá Cộng Quân hứng chịu tổn thất nặng hơn trong cuộc giao tranh tại vùng này ngày 26 tháng 3, tuy tổn thất phía chính phủ NVN cũng nặng, đặc biệt trong trường hợp của Tiểu Đoàn 3, Trung Đoàn 7, bị lọt vào ổ phục kích sau khi gây 200 tổn thất nhân mạng cho Cộng Quân.

3. Vào khoảng 1100 giờ ngày 24 tháng 3, các lực lượng Cộng Quân dẫn đầu bởi xe tăng tấn công Chơn Thành từ đông nam và tây nam (không phải từ phía bắc theo báo cáo trước đây). Biệt Động Quân tại Chơn Thành giữ vững tuyến phòng và khoảng sau trưa Cộng Quân tháo lui, có lẽ để tái phối trí trong khi duy trì đụng độ nhẹ. Bốn xe tăng Cộng Quân được phối kiểm bị phá hủy và quân trú phòng BĐQ tin là tổng cộng 10 xe tăng địch bị phá hủy. Các xe tăng bị phá hủy bởi súng XM-202 và không tập. Các vụ không tập cũng phá hủy các súng phòng không địch xử dụng trong cuộc giao tranh này.

Peters

Ngày 26 tháng 3 năm 1975

P 260230Z Mar 75

Đề tài: Tình Hình Quân Sự Trong V3CT

Tham chiếu: Bien Hoa 208

1. Thông điệp này dựa vào một buổi nói chuyện với Tư Lệnh Phó QĐIII, Thiếu Tướng Hiếu vào lúc 1730 giờ ngày 25 tháng 3.

2. Cộng Quân bám vào vị trí của họ đóng chắn ngang Quốc Lộ 22 tại Trà Võ (XT315351) và được tăng cường từ phía nam gần sông Vàm Cỏ Đông, với quân lính thuộc Trung Đoàn 205. Tướng Hiếu nói pháo binh chính phủ NVN đã bắn trúng kho đạn của các lực lượng ngăn chận đường lộ, và BTL QĐIII hy vọng các lực lượng thuộc Sư Đoàn 25 đang tấn công nút chận có thể tái chiếm vị trí của ĐPQ và khai thông quốc lộ.

2. Không có thêm các cuộc tấn công mới nhằm vào các tiểu đoàn BĐQ và ĐPQ tại Chơn Thành phía nam tỉnh Bình Long tình hình tại đây yên tịnh vào lúc này.

3. Tại các tỉnh phía đông, chỉ xảy ra có cuộc tiếp tục quấy phá của Cộng Quân nhằm vào các vị trí ĐPQ dọc theo Quốc Lộ 1 gần Đồng Tâm quanh tọa độ YT6704 mà Cộng Quân xâm nhập đêm ngày 24-25.

Peters

Ngày 28 tháng 3 năm 1975

P 280300Z Mar 75

Tình Hình Quân Sự Trong V3CT

Tham chiếu: Bien Hoa 219

1. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, Thiếu Tướng Hiếu, thông báo vào lúc 1745 giờ ngày 27 tháng 3 là cuộc tấn buổi sáng của Cộng Quân tại Chơn Thành là hành động lớn duy nhất tại V3CT trọn ngày. Tướng Hiếu nói là phía bên kia gián đoạn giao tranh vào lúc 1600 giờ sau khi hứng chịu tổn hại nặng nề trong khi quân trú phòng Biệt Động Quân và Địa Phương Quân chỉ tổn hại nhẹ. Tuy chưa tiếp nhận được các con số về tổn thương nhưng các báo cáo từ Chơn Thành trình là cuộc giao tranh rất thành công vê phía các lực lượng chính phủ NVN với các tổn hại Cộng Quân cao hơn hai trận giao tranh mấy ngày hôm trước. Tướng Hiếu nói các dấu chỉ cho thấy là lực lượng tấn công, đánh từ phía đông nam và tây nam Chơn Thành thuộc Trung Đoàn 273 với quân lính, như trước, mới tò te và thiếu kinh nghiệm. Tướng Hiếu nói, không như các báo cáo trước đây, xe tăng không được đem ra xử dụng trong cuộc tấn công ngày hôm nay -- có lẽ vì con số thiệt hại lớn về xe tăng trong các cuộc giao tranh trước.

2. Trong hai ngày 26-27 tháng 3 chỉ có hai hỏa tiễn rơi vào vùng Biên Hòa. Hai hỏa tiễn này không gây thiệt hại gì khi trúng vào căn cứ không quân phía bắc phi đại vào lúc 0230 giờ ngày 27.

Peters.

Ngày 01 tháng 4 năm 1975

O 010856Z Apr 75

Tình Hình Quân Sự Trong V3CT

1. Thông điệp này dựa vào một buổi nói chuyện với Tư Lệnh Phó QĐIII, Thiếu Tướng Hiếu, lúc 1030 giờ ngày 1 tháng 4. Cho tới giờ phút này ngày hôm nay không có việc tái tấn kích bằng pháo binh phối hợp với bộ chiến xung phong ngày hôm qua tại Chơn Thành, và Tướng Hiếu mô tả tình hình tại V3CT cách chung yên tịnh và ổn định vào lúc này.

2. Giữa 0700 và 2200 giờ ngày 31 tháng 3, Cộng Quân nã khoảng 3.000 đạn pháo (105 ly, 155 ly, 120 ly bích kích pháo) vào các tiểu đoàn Biệt Động Quân và Địa Phương Quân tại Chơn Thành. Tiếp sau hỏa tập pháo là các cuộc tấn công bộ chiến, gồm cả bộ binh và xe tăng. Tuy nhiên, thông tin hiện có trong tay cho thấy là xe tăng và bộ binh không đánh mạnh tiếp cận vòng chu vi; điều này có thể giải thích không có báo cáo về tổn hại phía Cộng Quân. Các báo cáo nói là KLVN gây thiệt hại cho 11 xe tăng Cộng Quân. Tổn thất phía chính phủ NVN, nặng nhất trong các cuộc tấn công tới giờ tại Chơn Thành, được báo cáo là 18 chết, 101 bị thương và hai chiếc xe tăng M-41 và một khẩu đại bác Howitzer 155 bị hư hại. Cho tới 1030 giờ ngày 1 tháng 4, không xảy ra thêm một cuộc tấn công nào tại Chơn Thành. BTL QĐIII hiện giờ tin là một số đơn vị thuộc Trung Đoàn 272 (Sư Đoàn 9 BV) đã từ vùng Trị Tâm trở lại với các lực lượng xe tăng để tham dự vào trận giao tranh tại Chơn Thành cùng với Trung Đoàn 273 BV mới.

Tình hình tại Long Khánh. Các lực lượng chính phủ NVN nắm thế chủ động tại cả hai Quốc Lộ 20 và Quốc Lộ 1 ngày 31 tháng 3. Trong ba cuộc giao tranh bộ chiến tại khoảng 10 cây số đông bắc Kiểm Tân trên Quốc Lộ 20, Trung Đoàn 52 QLVNCH bị chết 2 và bị thương 7 so với 26 Việt Cộng chết. Trong khi đó, hai tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 48 tấn về hướng đông trên Quốc Lộ 1 nhằm khai mở đường lộ và các cuộc giao tranh tại cây số 9 và 13 phía đông Xuân Lộc gây cho Cộng Quân 32 chết. Không có tổn thất phía chính phủ NVN trong một cuộc giao tranh và báo cáo bổ túc cho biết là đơn vị chính QLVNCH tham chiến không có ai bị chết.

4. Trong vùng Tây Ninh, chỉ xảy ra hỏa tập pháo kích trong toàn tỉnh lỵ. Có dấu chỉ Cộng Quân có lẽ đang chuẩn bị tấn kích lớn phía bắc Trảng Bàng (Quốc Lộ 1) nhưng chưa thấy gì khai triển rõ rệt.

5. Biên Hòa hứng chịu 3 đạn hỏa tiễn 120 ly vào lúc 0555 giờ ngày 1 tháng 4. Các đạn hỏa tiễn trúng chu vi căn cứ và không gây thiệt hại hay tổn thất nào. -

Peters

Các tài liệu trên được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật ngày 6 tháng 6 năm 2005 hay ngày 5 tháng 7 năm 2006.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 17 tháng 10 năm 2008

generalhieu