Điều Tra Tham Nhũng tại Vùng 2 Chiến Thuật

Các điện tín sau đây báo cáo công cuộc điều tra tham nhũng của Tướng Hiếu tại Phú Bổn, Phú Yên và Phước Tuy.

Ngày 10 tháng 04 năm 1973

P R 101015 Z Apr 73
Nơi gửi: AMEMBASSY SAIGON
Nơi nhận: SECSTATE WASHDC Ưu tiên 9926

Mật SAIGON 6048

Bản tường trình hàng tuần ngày 4-10 tháng 4 năm 1973

[…]

B. Ba tỉnh trưởng mới được bổ nhiệm.

Ba tỉnh trưởng mới được chỉ định thay cho ba tỉnh trưởng bị cách chức ngày 27 tháng 03 vì bị cáo buộc tham nhũng (bản báo cáo hàng tuần ngày 03 tháng 04). Các tân tỉnh trưởng là:

Phước Tuy: Trung Tá Huỳnh Bửu Sơn (cựu phó chi khu Ba Xuyên)

Phú Bổn: Trung Tá Lô Văn Bảo (cựu quận trưởng Đak Tô)

Phú Yên: Trung Tá Bùi Xuân Hải, quận Hoa Vàng, tỉnh Quảng Nam).

Trong khi đó, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Phụ Tá Đặc Biệt của Phó Tổng Thống đặc trách điều tra tham nhũng, đang tiến hành công cuộc điều tra tại chỗ các cáo buộc tham nhũng của các tỉnh trưởng Phú Yên và Phú Bổn bị cách chức và sẽ khởi công tại Phước Tuy trong nay mai.

Ngày 26 tháng 04 năm 1973

R 261215 Z Apr 73

Nơi gửi: AMEMBASSY SAIGON
Nơi nhận: SECSTATE WASHDC 816

Mật Saigon 7277

Đề tài: Công cuộc điều tra tham nhũng của Văn Phòng Phó Tổng Thống.

1. Trong buổi mạn đàm ngày 24 tháng 04 với một viên chức Sứ Quán Mỹ, Tướng Nguyễn Văn Hiế́u nêu lên những lời bình luận về các công cuộc điều tra tham nhũng ông mới hoàn tất cho Phó Tổng Thống. Tướng Hiếu nói các cuộc điều tra đặc biệt đã hoàn tất đối với các cựu tỉnh trưởng Phú Bổn và Phú Yên, hai trong ba tỉnh trưởng bị Tổng Thống Thiệu cách chức ngày 27 tháng 03 vừa qua theo lời đề nghị của Cục Thanh Tra (xem Saigon 5292).

2. Công cuộc điều tra Đại Tá Nguyễn Văn Nghiêm. Trong vụ điều tra các cáo buộc cựu tỉnh trưởng Phú Bổn tham nhũng, Đại Tá Nguyễn Văn Nghiêm, Tướng Hiếu nói tuy khám phá ra một số điều trái quy tắc, nhưng chỉ có điều quan trọng duy nhất là Đại Tá Nghiêm giữ lại một nửa ngân khoản ủy thác cho ông để lo cho người Thượng. Tuy nhiên, Tướng Hiếu nói thêm là Đại Tá Nghiêm có thể có ý ngay lành, vì lẽ Đại Tá Nghiêm coi bộ giữ lại ngân khoản để mua gạo để phân phát sau cho người Thượng. Đại Tá Nghiêm cho là cung cấp gạo thượng sách hơn là cho tiền trong các trường hợp này, vì dễ tầu tán tiền hơn. Đại Tá Nghiêm đã có thể bào chữa cho ý định mình với bằng chứng, tỉ như ông đã có mua một số gạo với ngân khoản. Tướng Hiếu nói thêm là một số người cáo buộc Đại Tá Nghiêm có thể hành động vì ác ý và không chừng có những kẻ liên hệ với Cộng Sản khuấy động lên một số cáo buộc. Dù sao đi nữa, coi bộ hành động sai quấy của Đại Tá Nghiêm ít nặng hơn là khi mới thoạt nhìn. Tuy nhiên, Tướng Hiếu nhấn mạnh là cầm giữ ngân khoản là một hành vi trái phép.

3. Công cuộc điều tra Đại Tá Nguyễn Văn Tố. Liên quan đến vụ điều tra cựu Tỉnh Trưởng Phú Yên, Đại Tá Nguyễn Văn Tố, Tướng Hiếu nói là còn có ít bằng chứng hơn là trong trường hợp của Đại Tá Nghiêm. Tướng Hiếu đã khám phá là một Phó Tỉnh Trưởng Phú Yên, Trương Văn Nguyên, đã dùng ảnh hưởng của mình với các giới chức cao cấp tại Sài Gòn để thuyết phục Cục Thanh Tra đề nghị cách chức Đại Tá Tố vì Tối tham nhũng, mặc dù các lời cáo buộc không có căn cứ. Tướng Hiếu nhận định Phó Tỉnh Trưởng Nguyên là mộc đảng viện Đại Việt Cách Mạng, và thêm là ông Nguyên không ưa thích Đại Tá Tố vì Đại Tá Tố từ khước đáp ứng các đòi hỏi liên quan đến vị thế của đảng trong tỉnh lỵ. (ghi chú: Nguyên là em của Trương Tử Anh, lãnh tụ quá cố của Đại Việt.) Khi được hỏi là tại sao chính quyền Sài Gòn lại có thể bị áp lực bởi một đại diện Đại Việt Cách Mạng trong đương thời khi đảng và chính quyền không hợp ý nhau, Tướng Hiếu không nêu rõ ý trong câu trả lời mà chỉ nói sơ là tại một số tỉnh lỵ nơi mà các đảng truyền thống mạnh, tỉ như Phú Yên nơi mà Đảng Đại Việt khai sinh, chính quyền của Đảng Dân Chủ không mạnh và không tìm cách thắng thế. (lời bàn: sở dĩ Đảng Dân Chủ và Đảng Đại Việt Cách Mạng không hợp ý trên bình diện quốc gia, coi bộ chính quyền không tạo một miễn chấp tại Phú Yên. Một giải thích khác là chính quyền chấp nhận lý lẽ của Phó Tỉnh Trưởng Nguyên vì những lý do riêng tư, có thể gồm cả vì Đại Tá Tố không thiết lập ṃôt phân bộ Đảng Dân Chủ tại Phú Yên. (Xem Nha Trang A-17.)

4. Vai trò của Ủy Ban Thanh Tra và Văn Phòng Phó Tổng Thống. Khi được hỏi về vai trò của Văn Phòng Phó Tổng Thống liên hệ như thế nào với Ủy Ban Thanh Tra, Tướng Hiếu trả lời là chức vụ của Văn Phòng Phó Tổng Thống trên căn bản là một cơ quan thanh lọc nội bộ trong chính quyền. Ủy Ban Thanh Tra có vị thế pháp lý hơn, do đó có nhiều quyền lực hơn nhưng cũng chính vì vậy mà bị áp đặt một số điều lệ kìm hãm lại công việc. Thêm vào đó, Ủy Ban Thanh Tra không được dòm ngó tới các hồ sơ hành chánh nếu không có phép trước, trong khi Văn Phòng Phó Tổng Thống có thể đơn thuần đi xem xét. Cả Ủy Ban Thanh Tra và Văn Phòng Phó Tổng Thống chỉ có thể ra khuyến cáo, nhưng Tướng Hiếu ngụ ý là các khuyến cáo của Phó Tổng Thống có phần nặng ký hơn.

5. Thái độ của Tướng Hiếu đối với công việc của mình. Liên quan cách chung đối với các nỗ lục chống tham nhũng của chính phủ, Tướng Hiếu lập lại giọng điệu tiêu cực căn bản mà ông nói với các viên chức Sứ Quán trong quá khứ (xem Saigon A-42). Vấn đề tham nhũng thật là to tát, Tướng Hiếu nói, và càng phức tạp hơn vì các yếu tố như lạm phát thâm thủng vào lương bổng và do đó gia tăng cám dỗ các sinh hoạt làm tiền phi pháp. Trên chóp đỉnh của các vấn đề là làm sao phân loại các lời cáo buộc đích thực ra khỏi giả dối về tham nhũng, với các loại sau này do Cộng Sản xúi bẩy trong một số chứ không phải tất cả mọi trường hợp. Vu cáo tham nhũng có thể coi là một cách dễ dàng để phá hoại một thanh danh của một địch thủ cá nhân hay chính trị. Tướng Hiếu nói là cần có các biện pháp quyết liệt gần như là một cuộc cách mạng trong lối giải quyết trong lãnh vực công cộng cũng như lãnh vực chính phủ đối với nạn tham nhũng.

Bunker

Tài liệu được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật ngày 30 tháng 06 năm 2005.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 15 tháng 11 năm 2008

generalhieu